Tiêu chí lựa chọn nhà thầu và phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu
Ngày 1/7/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí 2022. Trong đó, Điều 18 (Chương III) quy định về tiêu chí lựa chọn nhà thầu và phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ chào thầu cạnh tranh, hồ sơ đề xuất.


Giàn xử lý trung tâm Sao Vàng do PTSC làm tổng thầu thiết kế, mua sắm, vận chuyển, lắp đặt và chạy thử

Theo Nghị định 45/2023/NĐ-CP, tiêu chí lựa chọn nhà thầu được xem xét trên 3 phương diện. Thứ nhất là tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, bao gồm: năng lực kỹ thuật, tài chính, khả năng thu xếp vốn để triển khai hoạt động dầu khí; kinh nghiệm thực hiện các hoạt động dầu khí, hợp đồng dầu khí (trường hợp liên danh, năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh); các hợp đồng, thỏa thuận liên quan đã và đang thực hiện (nếu có).

Thứ hai là tiêu chí về điều kiện kỹ thuật phù hợp với từng lô dầu khí, bao gồm: cam kết công việc tối thiểu (thu nổ mới, tái xử lý tài liệu địa chấn, số lượng giếng khoan); cam kết công việc phát triển mỏ, khai thác; phương án triển khai và công nghệ tối ưu cho hoạt động dầu khí, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí carbon dioxide.

Thứ ba là tiêu chí về điều kiện kinh tế phù hợp với từng lô dầu khí, bao gồm: các mức thuế phù hợp với pháp luật về thuế, phụ thu khi giá dầu tăng cao; tỷ lệ chia dầu lãi, khí lãi cho nước chủ nhà; tỷ lệ quyền lợi tham gia của nước chủ nhà (thông qua Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) khi có phát hiện thương mại đầu tiên trong diện tích hợp đồng dầu khí (nếu áp dụng); tỷ lệ quyền lợi tham gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoặc công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được chỉ định tham gia với tư cách là nhà thầu; tỷ lệ thu hồi chi phí; cam kết tài chính tương ứng với các cam kết công việc tối thiểu; cam kết về các nghĩa vụ tài chính khác (các loại hoa hồng, chi phí đào tạo, đóng góp quỹ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ dầu khí).

Về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ chào thầu cạnh tranh và hồ sơ đề xuất, Nghị định nêu rõ, đối với tiêu chí năng lực, kinh nghiệm sẽ đánh giá theo tiêu chí đạt và không đạt.

Đối với tiêu chí về điều kiện kỹ thuật phù hợp với từng lô dầu khí, cần đáp ứng yêu cầu về cam kết công việc tối thiểu và đánh giá theo chấm điểm với thang điểm 100.

Đối với tiêu chí về điều kiện kinh tế phù hợp với từng lô dầu khí, đánh giá theo chấm điểm với thang điểm 100.

Tổng hợp kết quả, tổng điểm sẽ được tính như sau: Tổng điểm = Tổng điểm tiêu chí về điều kiện kỹ thuật nhân (x) với trọng số tiêu chí về điều kiện kỹ thuật cộng (+) Tổng điểm tiêu chí về điều kiện kinh tế nhân (x) với trọng số tiêu chí về điều kiện kinh tế. Trong đó trọng số tiêu chí về điều kiện kỹ thuật tối thiểu là 0,3 tùy thuộc vào đặc thù của từng lô dầu khí; trọng số tiêu chí về điều kiện kỹ thuật cộng (+) trọng số tiêu chí về điều kiện kinh tế = 1.

Bên dự thầu được lựa chọn thắng thầu khi đồng thời đạt được các kết quả sau: năng lực, kinh nghiệm “đạt”; đáp ứng yêu cầu về cam kết công việc tối thiểu và tổng điểm tiêu chí về điều kiện kỹ thuật đạt mức tối thiểu theo quy định tại hồ sơ mời thầu; tổng điểm tiêu chí về điều kiện kinh tế đạt mức tối thiểu theo quy định tại hồ sơ mời thầu và tổng hợp kết quả có tổng điểm cao nhất.

Nghị định cũng nêu rõ, khi lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ mời chào thầu cạnh tranh, hồ sơ yêu cầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải xây dựng và phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà thầu và phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ chào thầu cạnh tranh, hồ sơ đề xuất phù hợp với đặc thù của từng lô dầu khí.

Các thành phần tham dự mở thầu

Hồ sơ mời thầu, mời thầu cạnh tranh, yêu cầu chỉ định thầu gồm những gì?

H.T


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​