Hồ sơ thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu dầu khí cần lấy ý kiến những cơ quan nào?
Ngày 1/7/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí 2022. Trong đó, Điều 20 (Chương III) quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí.

Hồ sơ thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu dầu khí cần lấy ý kiến những cơ quan nào?

Giàn khai thác Đông Đô, cụm mỏ Thăng Long - Đông Đô (Lô 01/97&02/97)

Theo đó, Nghị định 45/2023/NĐ-CP quy định, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hoàn thành đánh giá kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 2 bộ hồ sơ (gồm 1 bộ hồ sơ gốc và 1 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí để thẩm định.

Hồ sơ này bao gồm: Tờ trình kết quả đánh giá thầu và kiến nghị lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí kèm theo bộ điều kiện kinh tế, kỹ thuật của hợp đồng dầu khí; Hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ mời chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ yêu cầu; Các hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ đề xuất; Biên bản mở thầu; Biên bản đánh giá thầu, bảng điểm chấm thầu.

Cùng với đó là các văn bản của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu cạnh tranh hoặc hồ sơ đề xuất, văn bản trả lời của bên dự thầu (nếu có) và các văn bản, tài liệu khác có liên quan.

Nội dung thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí gồm có: Đánh giá căn cứ của việc tổ chức lựa chọn nhà thầu; Đánh giá việc tuân thủ quy định về thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu; Đánh giá sự phù hợp của phương pháp đánh giá và tiêu chí lựa chọn nhà thầu; Đánh giá việc tuân thủ quy định của pháp luật trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ chào thầu cạnh tranh, hồ sơ đề xuất; Xem xét những ý kiến khác nhau (nếu có) của tổ chuyên gia; Các nội dung liên quan khác.

Về trình tự thời gian, Nghị định nêu rõ, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trong trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu) và các bộ, ngành có liên quan.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.

Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoàn thành thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Hồ sơ này gồm tờ trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định và đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí; Hồ sơ đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí để thẩm định của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (theo quy định đã nêu trên); Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành và bản sao văn bản góp ý của các bộ, ngành.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông báo cho bên dự thầu được lựa chọn về kết quả lựa chọn nhà thầu, điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản của hợp đồng dầu khí và kế hoạch đàm phán hợp đồng dầu khí.

Nghị định cũng lưu ý, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn thành đàm phán hợp đồng dầu khí. Nếu quá thời hạn nêu trên mà chưa thể thống nhất nội dung dự thảo hợp đồng dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương lý do và đề xuất gia hạn thời gian đàm phán để Bộ Công Thương xem xét, quyết định.

H.T


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​