Để hạ tầng năng lượng đi trước một bước trong kỷ nguyên mới

Bài 7: Luật Năng lượng tái tạo - Mở đường cho kỷ nguyên năng lượng sạch của Việt Nam
0:00 /
Chọn Giọng
  • Nữ Miền Bắc
  • Nam Miền Bắc
  • Nam Miền Nam
  • Nữ Miền Nam
Trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, năng lượng tái tạo (NLTT) ngày càng đóng vai trò trung tâm trong đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế bền vững và thực hiện các mục tiêu môi trường.

Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho NLTT tại Việt Nam vẫn chỉ là những mảnh ghép rời rạc, chưa đủ tầm, thiếu nhất quán và không đáp ứng được tốc độ phát triển cũng như độ phức tạp ngày càng gia tăng của các loại hình điện mới. Tình trạng này đang là điểm nghẽn kìm hãm dòng vốn, trì hoãn hàng loạt dự án, và làm gia tăng rủi ro chính sách đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Luật Năng lượng tái tạo sẽ mở đường cho kỷ nguyên năng lượng sạch của Việt Nam.

Việt Nam hiện đang sở hữu tiềm năng rất lớn về điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, sinh khối và cả hydrogen xanh. Về năng lượng mặt trời, tổng số giờ nắng trong năm tại các tỉnh miền Bắc bình quân từ 1.800 - 2.100 giờ, các vùng miền Trung và miền Nam khoảng 1.400 - 3.000 giờ; số ngày nắng trung bình trên các tỉnh miền Trung và miền Nam là khoảng 300 ngày/năm. Bên cạnh đó, cường độ bức xạ mặt trời trung bình nhận được tại mặt đất dao động trong khoảng 3,54 - 5,15 kWh/m2/ngày và tăng dần từ Bắc vào Nam. Tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW.

Về điện gió, theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nước có tiềm năng điện gió lớn nhất Đông Nam Á với tổng tiềm năng ước đạt 513.360 MW, lớn gấp 200 lần công suất của thủy điện Sơn La, lớn hơn nhiều so với tiềm năng các nước trong khu vực như Thái Lan (152.392 MW), Lào (182.252 MW) và Campuchia (26.000 MW). Nghiên cứu của WB cũng cho thấy, 8,6% diện tích đất liền của Việt Nam rất giàu tiềm năng, thuận lợi cho việc lắp đặt các tua-bin gió lớn...

Thực tế cho thấy, các chính sách liên quan đến năng lượng tái tạo đang phân tán ở nhiều luật như Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng... Điều này dẫn đến sự chồng chéo, thiếu phối hợp liên ngành, và đặc biệt là không có cơ chế ổn định để các nhà đầu tư có thể hoạch định dài hạn.

Bên cạnh đó, nhiều rào cản hiện cũng đang hiện hữu. Đó là cơ chế đấu thầu, giá điện, hợp đồng mua bán điện còn thiếu minh bạch và hay thay đổi, khiến rủi ro tài chính tăng cao. Quy hoạch chưa được cập nhật đồng bộ, đặc biệt là với điện gió ngoài khơi - lĩnh vực đòi hỏi sự điều phối giữa năng lượng, hàng hải, quốc phòng và bảo tồn biển. Hệ thống truyền tải lại chưa sẵn sàng để tiếp nhận lượng điện phân tán từ các nguồn tái tạo. Thêm vào đó, việc thiếu các cơ chế ưu đãi về thuế, tín dụng xanh và bảo lãnh đầu tư cũng đang khiến nhiều nhà phát triển dự án chùn bước, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt.

Nhìn ra thế giới, các quốc gia như Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc đều đã ban hành Luật Năng lượng tái tạo từ rất sớm, tạo nên bước ngoặt chiến lược cho quá trình chuyển dịch. Luật không chỉ đóng vai trò là công cụ điều tiết thị trường, mà còn là lời cam kết dài hạn của Chính phủ với người dân và doanh nghiệp. Từ đó, tạo ra sự ổn định chính sách, thu hút vốn đầu tư lớn, thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ và khuyến khích đổi mới công nghệ.

Theo bà Phạm Thuý Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, việc ban hành Luật về năng lượng tái tạo là hết sức cần thiết.

Các chuyên gia Luật NLTT cho rằng, cần phải tích hợp nhiều yếu tố tiên tiến, vừa bảo đảm nguyên tắc ưu tiên năng lượng sạch, vừa thúc đẩy cạnh tranh minh bạch, chia sẻ lợi ích công bằng giữa nhà đầu tư và cộng đồng. Luật cần đưa ra quy định rõ ràng về quy hoạch tổng thể quốc gia cho các nguồn NLTT, cơ chế xác lập giá theo thị trường có điều tiết, cơ chế chia sẻ rủi ro và ưu đãi tín dụng. Đặc biệt, cần tính đến việc phát triển thị trường chứng chỉ năng lượng sạch, cơ sở pháp lý cho tín chỉ carbon và định hướng nội địa hóa công nghệ NLTT, từ điện gió nổi cho đến hydrogen...

TS. Hoàng Xuân Quốc, Phó Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện Hội Dầu khí Việt Nam nhận định, việc xây dựng một hành lang pháp lý đủ mạnh và hoàn thiện cho sự phát triển năng lượng tái tạo là cần thiết. Cho đến nay, các văn bản pháp lý liên quan trực tiếp đến năng lượng tái tạo chỉ dừng lại ở các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư của các bộ ngành liên quan, chưa có pháp lý cao hơn.

Cũng theo ông Quốc, liên quan đến ngành năng lượng nói chung, hiện nay được điều chỉnh bởi 3 Luật chủ yếu là Luật Điện lực sửa đổi năm 2012 (đối với lĩnh vực Điện), Luật Dầu khí 2022 (Dầu khí) và Luật Khoáng sản 2010 (liên quan đến nhiên liệu Than). Chưa có luật riêng cho năng lượng tái tạo. “Vì vậy việc xây dựng, ban hành Luật này cần thiết phải triển khai trong thời gian tới” - TS. Hoàng Xuân Quốc nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thuý Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội từng nhận định. Việc ban hành Luật về năng lượng tái tạo là hết sức cần thiết. Việc xây dựng Luật về năng lượng tái tạo sẽ góp phần giải quyết những bất cập, chưa đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

“Điều này giúp tạo hành lang pháp lý với những chính sách, cơ chế mới, phương thức quản lý khoa học tiên tiến, tạo sự minh bạch trong phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và các mục tiêu của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội chia sẻ.

Có thể nói, việc ban hành Luật Năng lượng tái tạo không những giải quyết bài toán chính sách mà còn là hiện thực hoá quyết tâm chính trị trong chuyển đổi năng lượng. Đây cũng là bước đi chiến lược để kích hoạt hàng loạt dự án đang chờ cơ chế, khơi thông dòng vốn quốc tế, tạo dựng hệ sinh thái năng lượng sạch và củng cố vị thế Việt Nam trong bản đồ chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Bài 6: Cơ chế tài chính xanh và bảo lãnh tín dụng

Minh Khang