Để hạ tầng năng lượng đi trước một bước trong kỷ nguyên mới

Bài 6: Cơ chế tài chính xanh và bảo lãnh tín dụng: “Chìa khóa” thu hút vốn vào các dự án LNG và điện gió ngoài khơi
0:00 /
Chọn Giọng
  • Nữ Miền Bắc
  • Nam Miền Bắc
  • Nam Miền Nam
  • Nữ Miền Nam
Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng toàn cầu và cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, Việt Nam đang đứng trước áp lực phải phát triển nhanh và bền vững các nguồn năng lượng sạch. Những dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và điện gió ngoài khơi - vốn được xem là các trụ cột của quá trình chuyển dịch này lại đang gặp rào cản lớn về vốn. Để tháo gỡ bài toán này, giới chuyên gia chỉ ra rằng: cơ chế tài chính xanh và bảo lãnh tín dụng chính là “chìa khóa” để mở cánh cửa thu hút đầu tư và hiện thực hóa các dự án chiến lược.

Năng lượng sạch: Tiềm năng nhưng nhiều thách thức

Nằm trong khu vực cận nhiệt đới gió mùa với hơn 3.200 km đường bờ biển, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á với tổng công suất khoảng gần 600 GW. Đồng thời, với trữ lượng sinh khối dồi dào từ nông nghiệp và bức xạ mặt trời cao quanh năm ở khu vực miền Trung và miền Nam, tiềm năng phát triển năng lượng sạch là rất lớn.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á với tổng công suất khoảng gần 600 GW/Ảnh minh họa

Mặc dù tiềm năng là vậy, nhưng việc thực hiện quá trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch gặp không ít khó khăn. Thị phần năng lượng tái tạo trong tổng mức năng lượng của quốc gia còn thấp. Số lượng các dự án đầu tư còn ít, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và LNG được coi là trụ cột trong chuyển dịch cơ cấu nguồn điện để đảm bảo an ninh năng lượng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, quá trình hiện thực hóa tiềm năng này đang bị chậm lại đáng kể. Dù Quy hoạch điện VIII đã điều chỉnh mục tiêu phát triển mạnh điện gió ngoài khơi (tổng công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000-17.032 MW, dự kiến vận hành giai đoạn 2030-2035; định hướng đến năm 2050 đạt 113.503-139.097 MW) và điện khí LNG (tổng công suất lắp đặt đến năm 2030 khoảng 22.524 MW, chiếm tỷ lệ từ 9,5-12,3%), song đến nay chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được triển khai thực tế, trong khi chỉ có 3/13 dự án LNG hiện hữu đang đúng tiến độ.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ ba “nút thắt” lớn: thiếu cơ chế giá điện rõ ràng và hấp dẫn; thủ tục đầu tư - phê duyệt dự án còn chồng chéo; đặc biệt là khó khăn trong huy động vốn, cả vốn đầu tư ban đầu lẫn vốn vận hành dài hạn. Nếu không tháo gỡ các “nút thắt” này, rất khó để đạt mục tiêu mà Quy hoạch điện VIII điều chỉnh và cam kết Net Zero đặt ra.

Các dự án năng lượng sạch, đặc biệt là LNG và điện gió ngoài khơi thường có quy mô lớn, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu rất cao, thời gian thu hồi vốn dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro về kỹ thuật, công nghệ, pháp lý và thị trường. Chỉ riêng một dự án điện gió ngoài khơi quy mô 1 GW có thể cần đầu tư tới 3-5 tỷ USD.

Bài toán huy động vốn cho các dự án năng lượng sạch

Các dự án năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và LNG, có điểm chung là yêu cầu nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Với mặt bằng lãi suất cao, tỷ giá không ổn định, cùng với hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh, bài toán huy động vốn cho các dự án này tại Việt Nam trở thành rào cản lớn nhất.

LNG và điện gió ngoài khơi thường có quy mô lớn, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu rất cao (Ảnh: Kho cảng LNG Thị Vải của PV GAS)
Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 136 tỷ USD để đầu tư phát triển nguồn điện và lưới truyền tải. Đây là con số khổng lồ, vượt xa khả năng đầu tư công và đòi hỏi phải huy động hiệu quả nguồn vốn xã hội hóa, trong đó có dòng vốn quốc tế và tài chính xanh.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhận định: “Dòng vốn này sẽ không tự chảy đến nếu không có hệ sinh thái tài chính xanh rõ ràng, cơ chế bảo lãnh tín dụng hợp lý và hành lang pháp lý minh bạch, ổn định lâu dài”.

Tài chính xanh được hiểu là việc huy động và sử dụng các nguồn vốn cho các dự án, hoạt động mang lại lợi ích môi trường, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện nay, nhiều tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), ADB, Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) và các ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam đã sẵn sàng cấp vốn hoặc đồng tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, với điều kiện là dự án phải đạt tiêu chí “xanh” và có bảo đảm về mặt chính sách.

Trên thực tế, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển tài chính xanh, song đang thiếu cơ sở pháp lý và công cụ thực thi hiệu quả. Việc chưa có bộ tiêu chí thống nhất đánh giá dự án xanh, chưa có thị trường trái phiếu xanh phát triển đầy đủ, cũng như thiếu cơ chế ưu đãi thuế - phí đang khiến dòng vốn xanh vẫn còn chảy chậm.

Theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh theo hướng: Ban hành tiêu chuẩn quốc gia về dự án xanh để các tổ chức tài chính có căn cứ thẩm định; Tạo lập thị trường trái phiếu xanh với cơ chế ưu đãi về thuế, tín dụng và quy trình phát hành đơn giản; Khuyến khích các ngân hàng thương mại phát triển sản phẩm tín dụng xanh thông qua hỗ trợ lãi suất, chia sẻ rủi ro từ quỹ bảo lãnh; Thành lập các quỹ tài chính xanh quốc gia để làm “vốn mồi”, thu hút thêm các nguồn lực từ khu vực tư nhân và quốc tế.

Bảo lãnh tín dụng: “Bà đỡ” của dòng vốn quốc tế

Trong mọi dự án năng lượng lớn, đặc biệt là những dự án có yếu tố công nghệ mới như điện gió ngoài khơi hay LNG, rủi ro đầu tư luôn là mối lo ngại hàng đầu. Do đó, vai trò của các cơ chế bảo lãnh tín dụng trở nên đặc biệt quan trọng.

Ở các nước phát triển, các định chế bán công như KfW (Đức), JBIC (Nhật Bản), hay các quỹ đầu tư quốc gia đều có chương trình bảo lãnh tín dụng hoặc bảo lãnh hợp đồng mua bán điện (PPA) để bảo vệ nhà đầu tư khỏi các rủi ro chính sách, kỹ thuật và thị trường.

Tại Việt Nam, việc xây dựng cơ chế bảo lãnh tín dụng xanh là bước đi cấp thiết. Cụ thể, bảo lãnh có thể dưới các hình thức: Bảo lãnh vay vốn từ ngân hàng thương mại, giúp nhà đầu tư dễ tiếp cận vốn hơn với lãi suất thấp; Bảo lãnh phát hành trái phiếu xanh, giúp giảm rủi ro và tăng niềm tin của các tổ chức tài chính quốc tế; Bảo lãnh hợp đồng PPA, đảm bảo tính ổn định và cam kết tiêu thụ sản lượng điện trong dài hạn, điều kiện tiên quyết để các quỹ đầu tư tham gia.

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu (Ảnh: Mạnh Tưởng)

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Nếu có cơ chế bảo lãnh tín dụng rõ ràng và ổn định, chi phí vốn của dự án có thể giảm từ 1-2 điểm phần trăm, tăng khả năng tiếp cận vốn dài hạn và đặc biệt giúp nhà đầu tư nước ngoài yên tâm rót vốn”.

Trong bối cảnh dòng vốn quốc tế còn dè dặt, sự vào cuộc chủ động của các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu như Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ là cú hích quan trọng. Với năng lực tài chính, uy tín quốc tế và vai trò trong ngành năng lượng, các doanh nghiệp này có thể làm “cầu nối tín nhiệm” giữa Chính phủ và nhà đầu tư quốc tế.

Petrovietnam có kinh nghiệm gần 50 năm trong khai thác dầu khí ngoài khơi, năng lực kỹ thuật, tài chính, hiện đã xây dựng định hướng phát triển LNG và năng lượng tái tạo, đồng thời từng bước tham gia khảo sát các khu vực tiềm năng điện gió ngoài khơi. Nếu được giao thực hiện các dự án “mồi”, các doanh nghiệp nhà nước có thể tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước cùng tham gia.

Cần cơ chế đồng bộ và hành lang pháp lý ổn định

Việt Nam đã cam kết đạt Net Zero vào năm 2050, đồng thời đặt mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi và LNG thành trụ cột an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, để biến các mục tiêu thành hiện thực, cần có những hành động cụ thể và quyết liệt ngay từ bây giờ.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, trước mắt, Chính phủ cần sớm ban hành: Bộ tiêu chí quốc gia về tài chính xanh; Cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các dự án năng lượng sạch; Quy trình phê duyệt đầu tư minh bạch, đơn giản; Mức giá điện hợp lý và đủ hấp dẫn để bảo đảm hiệu quả tài chính cho nhà đầu tư.

Về dài hạn, Việt Nam cần hướng tới xây dựng một hệ sinh thái tài chính xanh hoàn chỉnh, gắn kết giữa các định chế tài chính, doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm, cơ quan nhà nước và nhà đầu tư. Đồng thời, chủ động tham gia các sáng kiến chuyển đổi năng lượng toàn cầu như JETP để tận dụng nguồn vốn ưu đãi từ các nước phát triển.

Có thể nói, tài chính xanh và cơ chế bảo lãnh tín dụng không chỉ là các công cụ hỗ trợ đơn thuần, mà chính là nền tảng để mở rộng cánh cửa đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như điện gió ngoài khơi và LNG. Chậm trễ trong việc thiết lập hệ sinh thái tài chính xanh sẽ khiến Việt Nam bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững.

Bài 5: Giải bài toán về giá trong phát triển điện khí/LNG

Mạnh Tưởng