Tạo đột phá từ cơ chế đặc thù.
Muốn tái thiết một doanh nghiệp mang quá nhiều hệ quả của lịch sử như Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp Cơ khí Dầu khí (PVSM) thì việc tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo điều kiện về cơ chế và chính sách là điều kiện tiên quyết để PVSM có thể khơi thông dòng vốn, tối ưu hóa nguồn lực và hội nhập hiệu quả vào chuỗi giá trị công nghiệp năng lượng quốc gia. Với đặc thù là doanh nghiệp công nghiệp nặng, có tính liên ngành cao và cần nguồn vốn lớn, PVSM rất cần những cơ chế đặc thù để tạo đà phát triển bền vững.
Một trong những kiến nghị cấp thiết nhất hiện nay là xử lý triệt để các tồn đọng tài chính từ giai đoạn trước. PVSM vẫn đang gánh các khoản nợ lớn có nguồn gốc từ thời Vinashin, đồng thời nhiều hạng mục đầu tư còn dang dở chưa thể quyết toán. Tình trạng này khiến bảng cân đối tài chính bị lệch, làm giảm tín nhiệm tài chính và cản trở việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng mới. Để tháo gỡ, PVSM đề xuất được áp dụng các chính sách giãn nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi phạt chậm trả, đồng thời cấp vốn bổ sung để tái đầu tư vào các hạng mục thiết yếu. Đây không chỉ là nhu cầu nội tại của doanh nghiệp mà còn là vấn đề mang tính hệ thống, cần chính sách đặc thù để giúp PVSM tháo gỡ các vướng mắc, khôi phục năng lực tài chính lành mạnh, tạo nền tảng phát triển lâu dài.
Để phát triển ngành đóng tàu trong nước, PVSM và các doanh nghiệp đóng tàu cần được tạo cơ chế đặc thù để tăng tính cạnh tranh.
Để thúc đẩy phát triển ngành đóng tàu trong nước, qua đó góp phần phát triển kinh tế biển, việc ban hành các chính sách thuế và tín dụng ưu đãi dành riêng cho ngành đóng tàu và cơ khí chế tạo là hết sức cần thiết. Việc áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi trong vòng 5-10 năm, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho sản phẩm cơ khí trọng điểm, đồng thời áp dụng chính sách hoàn thuế nhanh cho các dự án sản xuất phục vụ năng lượng quốc gia sẽ thúc đẩy tích cực việc phát triển ngành đóng tàu và cơ khí năng lượng.
Đối với PVSM, nếu được tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp hoặc cơ chế bảo lãnh tín dụng bởi Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đối với các hợp đồng có quy mô lớn cũng sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu các gói thầu trong và ngoài nước.
Một vướng mắc pháp lý lớn mà PVSM đang đối mặt là các thủ tục chưa được hoàn thiện cho nhiều hạng mục đầu tư cơ bản, đặc biệt là các công trình quan trọng như cầu tàu, ụ tàu, nhà xưởng, bãi lắp ráp... Nguyên nhân chủ yếu do các dự án này được triển khai từ giai đoạn 2006-2008, đến nay nhiều hồ sơ pháp lý như đánh giá tác động môi trường, quy hoạch, giao đất - giao vùng biển đã hết hiệu lực hoặc thiếu hồ sơ gốc. PVSM mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cho phép áp dụng cơ chế "kế thừa có điều kiện" đối với các hồ sơ pháp lý cũ, đồng thời ban hành cơ chế đặc thù nhằm phục hồi, hoàn thiện hồ sơ đầu tư trong khuôn khổ pháp luật hiện hành. Nếu không giải quyết dứt điểm vấn đề pháp lý, PVSM sẽ gặp khó trong việc tiếp cận vốn, khai thác tài sản cố định, dứt điểm các tài sản dở dang.
Cơ chế chính sách - mở đường cho phát triển.
Muốn có một ngành công nghiệp đóng tàu vững mạnh phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế biển quốc gia, cần phải có một chuỗi công nghiệp phụ trợ đủ mạnh. Để minh chứng cho việc này, ông Nguyễn Anh Minh - Tổng Giám đốc PVSM chia sẻ câu chuyện về một tấm tôn đóng tàu mà PVSM muốn nhập về để sản xuất cũng phải trải qua hàng loạt những thủ tục phức tạp về tạm nhập, tái xuất; kể cả khi xử lý phế liệu từ các tấm tôn này cũng vô cùng nhiêu khê. Để nâng cao năng lực sản xuất và giảm chi phí đầu vào, Việt Nam cần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ chuyên biệt cho ngành đóng tàu - cơ khí chế tạo... Việc hình thành chuỗi cung ứng khép kín trong nước không chỉ giúp rút ngắn thời gian thi công mà còn giảm 20-30% chi phí vật tư, tăng khả năng cạnh tranh và giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, cần có các ưu đãi về giá thuê đất, giá điện, nước, xử lý chất thải cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng để tạo hệ sinh thái công nghiệp đồng bộ, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư toàn chuỗi.
Với năng lực đã được khẳng định, nếu được trao những cơ chế ưu đãi, PVSM sẽ đóng góp được nhiều hơn cho ngành đóng tàu, cơ khí năng lượng.
Nhân lực là một trong những yếu tố then chốt để PVSM có thể đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới. Theo kế hoạch, PVSM sẽ tăng quy mô nhân sự từ 768 lên khoảng 2.300 người trước năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, PVSM mong muốn được hỗ trợ từ Quỹ đào tạo Petrovietnam cũng như các chương trình đào tạo nghề quốc gia để xây dựng Trung tâm đào tạo nội bộ, đào tạo thợ hàn, cơ khí, sơn công nghiệp... Ngoài ra, PVSM đề xuất hợp tác với các trường nghề và đại học kỹ thuật nhằm thiết kế chương trình đào tạo tích hợp, kết hợp lý thuyết và thực hành trên dây chuyền sản xuất thực tế. Doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ ngân sách đào tạo và cơ chế miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong những năm đầu để giữ chân nhân tài.
Bên cạnh các hỗ trợ về vốn, thuế và lao động, các công ty ngành đóng tàu và cơ khí chế tạo cũng cần có cơ chế rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục như thông quan, cấp phép đầu tư, kiểm định chất lượng, cấp phép xây dựng... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và minh bạch. Cải cách thủ tục không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giảm thiểu chi phí và các rủi ro pháp lý trong quá trình triển khai dự án, từ đó gia tăng tính cạnh tranh và uy tín cho doanh nghiệp khi làm việc với các đối tác trong và ngoài nước.
Cuối cùng, để tạo hành lang pháp lý và chiến lược dài hạn, PVSM và các công ty đóng tàu cần được đưa vào các quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp cơ khí - đóng tàu quốc gia. Khi được xác lập là một mắt xích chiến lược trong chuỗi giá trị hàng hải, công nghiệp năng lượng quốc gia, PVSM và các công ty đóng tàu sẽ có thêm điều kiện để tiếp cận nguồn lực đầu tư, đối tác quốc tế và công nghệ tiên tiến.
Giàn Tam Đảo 02 và tàu Future được sửa chữa cùng 1 lúc tại dock tàu PVSM đầu năm 2025.
Trong hành trình tái cơ cấu và phát triển, PVSM không chỉ đối mặt với những thử thách nội tại mà còn đứng trước cơ hội bứt phá nếu được trao các cơ chế, chính sách phù hợp. Từ việc xử lý triệt để các tồn đọng tài chính, đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đến chiến lược phát triển nhân lực và mở rộng thị trường, PVSM đang cho thấy một quyết tâm mạnh mẽ để trở thành đơn vị chủ lực trong lĩnh vực đóng tàu, sửa chữa phương tiện nổi và chế tạo cơ khí phục vụ ngành năng lượng. Khi được đặt vào đúng vị thế trong quy hoạch phát triển ngành cơ khí - năng lượng quốc gia, PVSM sẽ có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị của Petrovietnam, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vai trò tiên phong. Hành trình tái thiết của PVSM là minh chứng cho nỗ lực đổi mới tư duy quản trị, phát huy nội lực, sự đồng hành thiết thực từ phía Chính phủ, các bộ, ngành và Petrovietnam để mở ra giai đoạn phát triển ổn định, hiệu quả và bền vững trong tương lai.
Bài 2: Bắt nhịp thị trường, sẵn sàng tăng tốc
Thanh Hiếu