PVSM và khát vọng phát triển ngành đóng tàu, cơ khí dầu khí Việt Nam:

Bài 2: Bắt nhịp thị trường, sẵn sàng tăng tốc
0:00 /
Chọn Giọng
  • Nữ Miền Bắc
  • Nam Miền Bắc
  • Nam Miền Nam
  • Nữ Miền Nam
Theo tính toán của các chuyên gia, thị trường đóng tàu trên toàn thế giới sẽ đạt quy mô gần 200 tỷ USD vào năm 2030. Đó là chưa kể thị trường cơ khí chế tạo phục vụ cho năng lượng tái tạo cũng được dự báo sẽ bùng nổ trong tương lai gần. PVSM sẽ định vị mình ở đâu trong thị trường rộng mở này?

Chuẩn bị kỹ lưỡng cho giai đoạn phát triển mới.

Theo các tổ chức dự báo hàng hải quốc tế, quy mô thị trường đóng mới và sửa chữa tàu biển toàn cầu dự kiến đạt gần 200 tỷ USD vào năm 2030. Tại thị trường trong nước, tổng nhu cầu đóng mới bổ sung, thay thế đội tàu vận tải biển của Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2030 vào khoảng 4-5 triệu DWT, bình quân khoảng 0,7-0,8 triệu DWT/năm (bao gồm cả số lượng tàu đóng mới và thay thế đội tàu cũ). Theo thống kê năm 2024, Việt Nam chiếm 0,61% thị phần đóng tàu toàn cầu (thứ 7 trên thế giới), vượt qua cả những nước có nền công nghiệp đóng tàu tiếng tăm như Phần Lan (0,36% - vị trí thứ 8).

Trong thời gian tới, nhu cầu toàn cầu về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được dự báo tăng cao; sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, xu hướng chuyển đổi nhiên liệu sang LNG... cũng là một lý do để tin rằng thị trường đóng mới tàu biển bùng nổ. Bởi để vận chuyển các dạng nhiên liệu, năng lượng mới thì bắt buộc các công ty vận tải biển trên thế giới phải có các đội tàu hiện đại hơn, phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Giàn Đại Hùng 01 từng được nhiều lần đại tu tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất thuộc PVSM.

Với chiến lược phát triển sẽ trở thành một "đơn vị mạnh trong lĩnh vực đóng mới, sửa chữa phương tiện nổi trong khu vực", PVSM đã xác lập mục tiêu sẽ đóng vai trò lớn hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị hàng hải và cơ khí dầu khí. Theo Tổng Giám đốc PVSM Nguyễn Anh Minh, Công ty đặt mục tiêu năm 2030 doanh thu sẽ đạt lũy kế hơn 300 triệu USD (khoảng gần 8.000 tỷ đồng). Đây là mục tiêu đầy tham vọng nhưng hoàn toàn có cơ sở, bởi công ty đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng cả về công nghệ, hạ tầng và nhân lực.

PVSM sẽ hoàn thiện 2 cầu tàu trang trí và ụ tàu số 2 trong giai đoạn 2026-2030. Khi các công trình này đi vào vận hành đồng bộ, năng lực sửa chữa tàu sẽ tăng gấp 5-6 lần hiện nay (từ 20 tàu/năm lên 100-120 tàu/năm), đồng thời năng lực đóng mới có thể đạt 3 tàu Suezmax/năm. Thuật ngữ tàu Suezmax dùng để chỉ những tàu có trọng tải từ 150.000-200.000 DWT, size tàu tối đa có thể đi qua kênh đào Suez. Đối với công tác thị trường, PVSM đã tăng cường đàm phán các đơn hàng có giá trị lớn. Theo thông tin từ Tổng Giám đốc PVSM Nguyễn Anh Minh, hợp đồng đóng mới hai tàu Suezmax với tổng giá trị 160 triệu USD đang chuẩn bị được ký kết trong năm 2025. Hiện tại, 2 phương tiện nổi lớn nhất từng được đóng tại Việt Nam lần lượt có trọng tải 104.000 DWT và 105.000 DWT đều được đóng tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất thuộc PVSM. Sau khi thực hiện thành công hợp đồng đóng mới 2 tàu size Suezmax thì 4 tàu lớn nhất từng được đóng tại Việt Nam đều là sản phẩm của PVSM. Điều này sẽ tiếp tục tạo nên uy tín và khẳng định năng lực của doanh nghiệp trong phân khúc phương tiện nổi cỡ lớn.

Tàu chở dầu PVT Mercury có trọng tải 104.000 DWT được đóng mới tại PVSM.

Trong thời gian tới, một trong những hướng đi chiến lược của PVSM là dịch chuyển sang lĩnh vực cơ khí chế tạo phục vụ ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi - thị trường đang phát triển nhanh tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Với kinh nghiệm chế tạo phương tiện nổi cỡ lớn, sửa chữa giàn khoan, kết cấu thép và hệ thống đường ống cho lĩnh vực dầu khí, PVSM có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng sang chế tạo chân đế điện gió, hệ thống lắp đặt ngoài khơi và các thiết bị chuyên dụng cho vận hành - bảo trì điện gió.

Không giống như giai đoạn trước đây, khi phần lớn các nhà thầu trong nước chỉ đóng vai trò thầu phụ, với tầm nhìn dài hạn, PVSM định hướng tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị năng lượng tái tạo, tức là ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư hoặc tổng thầu chính để giữ được biên lợi nhuận cao, nắm bắt công nghệ và làm chủ tiến độ. Đây cũng là bước chuyển mình trong cách tiếp cận thị trường của PVSM để có thể tiếp cận công nghệ, phát triển nhanh hơn. Để chuẩn bị cho việc này, PVSM sẽ xây dựng Trung tâm Đào tạo nội bộ - nơi sẽ đào tạo 200-300 công nhân/năm với trọng tâm đào tạo là những kỹ năng mới: hàn cấu kiện khối lớn, lắp đặt hệ thống điện - cơ khí cho trụ điện gió, sơn công nghiệp ngoài khơi đạt chuẩn IMO...

Mở rộng liên kết, tận dụng hệ sinh thái ngành để tăng tốc.

Tổng Giám đốc PVSM Nguyễn Anh Minh chia sẻ, một hướng đi tiềm năng khác của PVSM là tham gia lĩnh vực thủy điện tích năng. Đây là dạng nhà máy thủy điện kiểu bơm tích lũy, sử dụng điện năng của các nhà máy điện bị phát non tải trong hệ thống điện vào những giờ thấp điểm, bơm nước từ hồ nước thấp lên hồ nước cao. Vào thời điểm nhu cầu tiêu thụ điện năng lớn, nước sẽ được xả từ hồ chứa cao xuống hồ thấp hơn qua các tuabin để phát điện lên điện lưới. PVSM có thể đóng vai trò quan trọng trong chế tạo các hệ thống cơ khí phụ trợ như van, ống dẫn, giàn lắp đặt...

Với ụ tàu lớn, PVSM có khả năng tiếp nhận nhiều tàu cùng lúc.

Là đơn vị thành viên trong hệ sinh thái Petrovietnam, PVSM có khả năng tiếp cận trực tiếp các nguồn việc lớn từ các công ty khác trong hệ sinh thái. Việc này không chỉ bảo đảm sản lượng ổn định, mà còn là cơ hội để tích lũy kinh nghiệm và mở rộng quy mô dự án theo chuẩn kỹ thuật ngành năng lượng - một tiêu chuẩn rất cao và có tính khắt khe đặc thù.

Bên cạnh thị trường nội ngành, Công ty cũng đang đẩy mạnh chiến lược mở rộng hợp tác quốc tế. Trong năm 2025, PVSM sẽ hoàn tất việc nâng cấp hệ thống quản trị, số hóa quy trình sản xuất, sử dụng phần mềm mô phỏng công việc - những yếu tố bắt buộc để đủ điều kiện tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong dài hạn, PVSM còn định hướng xây dựng liên minh với các nhà sản xuất trong nước để phát triển chuỗi cung ứng công nghiệp phụ trợ - một trong những nút thắt lớn nhất của ngành đóng tàu Việt Nam hiện nay. Chỉ khi có được chuỗi phụ trợ mạnh, doanh nghiệp mới có thể giảm chi phí sản xuất, tăng tính chủ động trong sản xuất.

Trong những năm gần đây, PVSM đều đón nhận những kết quả sản xuất kinh doanh tốt.

Sau khi được Bộ Chính trị phê duyệt phương án tái cơ cấu toàn diện, cộng với nền tảng nội lực vững vàng, định hướng chiến lược rõ ràng và sự chủ động trong mở rộng thị trường, PVSM đang bước vào một chu kỳ phát triển mới, vươn lên với khát vọng đóng góp nhiều hơn cho ngành đóng tàu và cơ khí năng lượng, dầu khí của đất nước. Việc xác định đúng mục tiêu - đúng thời điểm - đúng nguồn lực sẽ là yếu tố quyết định để PVSM hiện thực hóa mục tiêu doanh thu 300 triệu USD/năm vào năm 2030 và trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tàu của ngành công nghiệp đóng tàu - cơ khí năng lượng, dầu khí của Việt Nam.

Bài 1: Cởi trói cho "Người khổng lồ"

Thanh Hiếu