Cuối năm 2024, Bộ Chính trị đã phê duyệt phương án tái cơ cấu PVSM. Từ thời điểm đó, cánh cửa bước vào một giai đoạn mới của PVSM chính thức được mở ra. Tuy nhiên, PVSM cần vượt qua không ít những khó khăn, thách thức, tồn tại của lịch sử để bước vào thời kỳ tăng tốc và phát triển bền vững.
Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả loạt bài viết về quá trình tái cơ cấu toàn diện PVSM và khát vọng được đóng góp sức lực để phát triển ngành đóng tàu và cơ khí dầu khí Việt Nam.
"Người khổng lồ" trong ngành đóng tàu Việt Nam
Nhà máy đóng tàu Dung Quất - đơn vị trực thuộc PVSM - từng được kỳ vọng là “người khổng lồ” mang trên vai sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một trong những cường quốc về đóng tàu trong khu vực và trên thế giới. Với lợi thế địa lý tự nhiên gồm 870m chiều dài mặt biển, 118ha diện tích mặt đất, 78ha diện tích mặt biển tại khu vực cảng nước sâu…, PVSM có rất nhiều tiềm năng trong việc phát triển ngành sửa chữa, đóng mới tàu, giàn khoan, phương tiện nổi, cũng như gia công chế tạo cơ khí cho ngành năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi - phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng và chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước.
Nằm ở vị trí đắc địa trên tuyến hàng hải quốc tế, PVSM có nhiều lợi thế để phát triển.
Các cảng tại khu vực vịnh Dung Quất mỗi năm bốc xếp hàng triệu tấn hàng hóa, với số lượng tàu cập cảng trung bình đạt 150 - 200 tàu/năm. Khu vực vịnh Dung Quất còn được đánh giá là khu vực biển có vị trí đắc địa, thuận lợi cho hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa tàu thuyền vận tải nước ngoài có hải trình đi qua Biển Đông. Bên cạnh lợi thế về đường biển, mạng lưới kết nối của PVSM trên đất liền cũng đặc biệt thuận lợi nhờ nằm gần Quốc lộ 1A, cao tốc Bắc - Nam và hệ thống đường bộ ven biển, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển các cấu kiện, vật tư, thiết bị...
Thời điểm được Vinashin đầu tư, xây dựng, DQS (tiền thân của PVSM) được định hướng trở thành một trong những nhà máy có công suất đóng tàu lớn nhất Đông Nam Á, với khoảng 600 tàu/năm. Trên cơ sở đó, hạ tầng của DQS được đầu tư với quy mô rất lớn. Tuy việc đầu tư chưa được thực hiện bài bản, nhiều hạng mục còn dở dang và thiếu đồng bộ, nhưng đã cơ bản giúp hạ tầng của DQS có những nền tảng nhất định. Trong đó, khu vực dock của DQS với kích thước lớn (380m x 86m) cho phép tiếp nhận đa dạng các loại tàu, giàn khoan, phương tiện nổi. Nhờ đó, phân khúc thị trường sửa chữa, đóng mới hiện nay của PVSM có thể đảm nhận hầu hết các loại tàu dầu, tàu hàng, tàu hóa chất, tàu container... có trọng tải đến 400.000 DWT.
Đội ngũ nhân sự của PVSM được đánh giá cao về trình độ, đặc biệt là các nhân sự có chuyên môn hàn
Hiện tại, PVSM có 768 người lao động, với khoảng 300 nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Đội ngũ nhân lực chủ chốt tại PVSM được đào tạo bài bản, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng, gia công, thiết kế. Bên cạnh đó, PVSM còn thực hiện ký kết hợp tác với khoảng 400 nhà thầu cung cấp vật tư, thiết bị và dịch vụ. Với các yếu tố trên, hoàn toàn có thể khẳng định PVSM là một "người khổng lồ" trong ngành đóng tàu Việt Nam. Thế nhưng, "người khổng lồ" ấy hiện đang bị bó buộc bởi hàng loạt "nút thắt", cần sớm được tháo gỡ để tiếp tục phát triển.
Tái cơ cấu PVSM - cởi trói cho "người khổng lồ"
Cuối năm 2024, Bộ Chính trị đã phê duyệt phương án tái cơ cấu toàn diện PVSM - tháo gỡ “nút thắt” lớn nhất trong hành trình “hồi sinh” của doanh nghiệp. Kể từ thời điểm đó, cánh cửa bước vào một giai đoạn mới của PVSM chính thức được mở ra, "người khổng lồ" của ngành đóng tàu Việt Nam được cởi trói. Thế nhưng trên thực tế, tiến trình tái cơ cấu toàn diện PVSM còn bộn bề thách thức. Bước vào giai đoạn bản lề, PVSM cần xử lý dứt điểm các tồn đọng, đầu tư hạ tầng trọng yếu, hoàn thiện nguồn nhân lực, mở rộng nguồn việc, nâng cao năng lực quản trị và từng bước trinh phục thị trường xuất khẩu. Câu hỏi đặt ra không chỉ là “phải làm gì?”, mà còn là “làm thế nào để gỡ đúng nút thắt?”.
Dock tàu của PVSM có kích thước lớn, giúp đơn vị có thể tiếp nhận được nhiều tàu, giàn khoan cỡ lớn.
Trong tiến trình tái cơ cấu toàn diện, một trong những nhiệm vụ mà PVSM cần thực hiện ngay là tháo gỡ các “nút thắt” về tài chính đã tồn tại nhiều năm. Do vẫn đang gánh khoản nợ tồn đọng từ thời Vinashin và nhiều hạng mục đầu tư dở dang chưa được quyết toán, bảng cân đối tài chính của doanh nghiệp mất cân đối nghiêm trọng. Điều này khiến PVSM khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng mới và gặp trở ngại khi tham gia đấu thầu các dự án. Trong bối cảnh quy mô hoạt động đang ngày càng mở rộng, nhu cầu về vốn lưu động và vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tăng cao, PVSM cần được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù như giãn nợ, khoanh nợ, bổ sung nguồn vốn trung - dài hạn... nhằm tạo dư địa tài chính đủ mạnh để phát triển.
Bên cạnh đó, việc xử lý các tài sản đầu tư dở dang cũng là yêu cầu cấp bách. Trong đó, cần sớm hoàn thiện cầu tàu trang trí số 1 và số 2 - hạng mục có ý nghĩa then chốt trong chuỗi sản xuất. Đối với một nhà máy đóng tàu, cầu tàu trang trí giữ vai trò là nơi hoàn thiện các khâu tỉ mỉ sau khi sản phẩm rời ụ khô. Do chưa có cầu tàu, PVSM buộc phải thực hiện tất cả công đoạn trong ụ khô, dẫn đến giảm hiệu quả quay vòng ụ, hạn chế năng lực tiếp nhận đơn hàng mới. Khi hai cầu tàu trang trí được đưa vào vận hành, hiệu suất khai thác ụ tàu sẽ gia tăng đáng kể, giúp hiệu quả sản xuất kinh doanh và doanh thu cải thiện rõ rệt. Cùng với đó, việc đầu tư đồng bộ các hạng mục thiết yếu như cẩu trọng tải lớn, nhà xưởng, dây chuyền cơ khí và nhà sơn là điều kiện cần để PVSM đủ năng lực thi công các hợp đồng quy mô lớn, đặc biệt là đóng mới tàu trọng tải lớn và chế tạo các phương tiện nổi quy mô lớn.
PVSM luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Petrovietnam. (Ảnh: Lãnh đạo PVSM báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh với lãnh đạo Petrovietnam)
Về tổ chức và quản trị, PVSM đang hướng tới mô hình hiện đại, hiệu quả, gắn với năng suất lao động và năng lực điều hành. Doanh nghiệp sẽ tái cấu trúc hoạt động theo hướng tinh gọn, đồng thời tái định hình chiến lược thị trường, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi như: đóng mới, sửa chữa tàu biển, cơ khí chế tạo, tham gia chuỗi giá trị năng lượng tái tạo và hệ sinh thái Petrovietnam. Công ty sẽ duy trì tệp khách hàng truyền thống, đồng thời mở rộng mạng lưới đối tác quốc tế, từng bước khẳng định vai trò trong khu vực.
Ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐTV Petrovietnam đã định hướng: “PVSM cần trở thành một đơn vị mạnh trong lĩnh vực đóng mới, sửa chữa phương tiện nổi, có khả năng tham gia chủ động vào chuỗi giá trị cơ khí chế tạo của Tập đoàn. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, PVSM cần xây dựng chiến lược dài hạn, mô hình quản trị - kinh doanh phù hợp, đồng bộ với định hướng phát triển của Petrovietnam".
Trong công tác nhân sự - trụ cột then chốt của ngành công nghiệp chế tạo, Tổng Giám đốc PVSM Nguyễn Anh Minh cho biết, Công ty sẽ mở rộng quy mô lao động từ 768 người hiện nay lên khoảng 2.300 người vào năm 2030. Kế hoạch bao gồm việc tuyển mới 1.000 - 1.500 công nhân lành nghề nhằm đáp ứng yêu cầu vận hành hai cầu tàu và dây chuyền đóng 3 tàu/năm. Đồng thời, PVSM sẽ thành lập Trung tâm đào tạo nội bộ với sự hỗ trợ về tài chính, giáo trình và chuyên gia từ Petrovietnam. Trung tâm có năng lực đào tạo 200 - 300 học viên/năm, tập trung vào các ngành nghề then chốt như hàn, cơ khí đường ống và sơn công nghiệp. Mô hình đào tạo kết hợp giữa lý thuyết và thực hành trực tiếp trên công trường dự án thực tế giúp học viên sau khi tốt nghiệp có thể nhanh chóng bắt nhịp công việc.
Để phát triển bền vững, PVSM cần tái cơ cấu mạnh mẽ trong thời gian tới.
Cùng với đó, PVSM sẽ tập trung tối ưu hóa nguồn lực hiện hữu, giảm phụ thuộc vào nhà thầu phụ, chuẩn hóa quy trình đánh giá tay nghề và xây dựng lộ trình thăng tiến gắn với KPI để giữ chân nhân tài. Đây là những bước đi căn bản nhưng mang tính quyết định, tạo nền móng cho việc chủ động nguồn lực, nâng cao chất lượng nhân sự, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao trong các dự án quy mô lớn.
Việt Nam là quốc gia có lợi thế vượt trội về biển đảo, có vị trí địa chiến lược trọng yếu và thuận lợi trong giao thương toàn cầu. Do đó, kinh tế biển luôn được Đảng và Nhà nước xác định là trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một định hướng quan trọng để phát triển toàn diện kinh tế đất nước. Trong đó, đối với lĩnh vực kinh tế hàng hải, chiến lược nhấn mạnh yêu cầu cần đẩy mạnh phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải nội địa, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng vận tải, từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế.
Đồng thời, chiến lược cũng xác định rõ nhiệm vụ phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới: “Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; Phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ một số công nghệ, thiết kế, chế tạo và sản xuất thiết bị; Ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh”. Để thực hiện các mục tiêu này, ngoài việc tạo điều kiện về cơ chế chính sách phát triển, Việt Nam cần có các doanh nghiệp làm chủ được công nghệ đóng tàu, các phương tiện nổi hiện đại, tích cực tham gia sâu vào chuỗi liên kết điện gió, năng lượng tái tạo trên biển.
Thanh Hiếu