Xung đột biên giới Syri đẩy giá dầu ngọt nhẹ lên trên 89 USD/thùng
Giá dầu ngọt nhẹ được đẩy lên trong phiên 23/10 tại Châu Á, dop những lo lắng của nhà đầu tư về khả năng Xyri sẽ tấn công qua biên giới – động thái gây nguy hại đến nguồn cung dầu mỏ.

Thị trường dầu mỏ vẫn đang “để mắt” tới những diễn biến bạo động ở khu vực giàu dầu mỏ Trung Đông. Chuyên gia phân tích Jack Pollard thuộc Sucden Financial cho rằng, tình hình chiến sự tại Xyri và Libăng là nhân tố hỗ trợ ít nhiều đà tăng trên thị trường dầu mỏ.

Chiều cùng ngày trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 12/2012 tăng 18 xu lên 88,83 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng tăng 18 xu lên 109,26 USD/thùng.

Trong báo cáo mới nhất, Công ty IG Markets cho rằng, thị trường dầu thô đang chịu áp lực từ nỗi lo về nền kinh tế Mỹ, trong bối cảnh giới đầu tư phải tự trấn an chính mình khi tuần tới lại tiếp tục với việc nhiều Công ty lớn sẽ công bố lợi nhuận quý III. Tuần trước, số liệu kinh doanh quý III của Google, McDonald’s và IBM đã gây không ít thất vọng.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Pháp AFP, Justin Harper, chiến lược gia về thị trường của IG Markets Singapore, nhận định thị trường dầu thô đang phục hồi sau khi trượt dốc bởi thông tin về thu nhập yếu kém của khối doanh nghiệp Mỹ và tâm lý bi quan về "sức khoẻ" kinh tế toàn cầu. Tóm lại, các nhà đầu tư muốn "săn hàng rẻ" đang quay lại thị trường sau đợt bán tháo mạnh.

Việc Caterpillar - nhà sản xuất thiết bị khai mỏ và xây dựng lớn nhất thế giới - hạ dự báo về doanh số bán cũng như lợi nhuận của tập đoàn trong cả năm 2012 đã gây sức ép lớn với phố Wall và thị trường dầu thô phiên 22/10.

Chốt phiên, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 11/2012 tại Niu Yoóc giảm 1,32 USD xuống 88,73 USD/thùng và giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 12/2012 giảm 70 xu xuống 109,44 USD/thùng.

Các nhà giao dịch cũng đang lo lắng về tình hình ở châu Âu, sau khi Ngân hàng Trung ương Đức cảnh báo tới cuối năm nay, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế này sẽ sụt giảm mạnh, thậm chí là rơi vào vùng âm, do tác động tiêu cực của "bão" nợ tại khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Hương Giang

(Theo TTXVN/VietnamPlus)