Do vậy, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và được Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phê duyệt. Để hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa xây dựng Bản đồ nhạy cảm môi trường cho dải ven biển, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển An toàn và Môi trường Dầu khí (CPSE) - Viện Dầu khí Việt Nam thực hiện.
Chỉ số nhạy cảm môi trường (ESI) của Bản đồ nhạy cảm môi trường tỉnh Thanh Hóa được xác định dựa trên kết quả phân tích và đánh giá nguồn dữ liệu từ các báo cáo định kỳ hàng năm và kết quả nghiên cứu khoa học của các đơn vị chuyên ngành, kết hợp với các đợt khảo sát thực địa... Bản đồ nhạy cảm môi trường tỉnh Thanh Hóa được xây dựng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế (NOAA, IPIECA) và quy định tại Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các khu vực có mức độ nhạy cảm môi trường rất cao và cần ưu tiên bảo vệ khi xảy ra sự cố tràn dầu gồm: khu vực dọc ven biển từ huyện Nga Sơn đến huyện Hậu Lộc; các cửa sông Lạch Ghép, Lạch Hới và Lạch Bạng; khu bảo tồn giống thủy sản; vùng bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển Hòn Mê. Các khu vực có mức độ nhạy cảm môi trường từ trung bình cao đến cao gồm: vùng phục hồi sinh thái và vùng phát triển của khu bảo tồn biển Hòn Mê; dọc theo ven biển thị xã Sầm Sơn; khu du lịch sinh thái Biện Sơn thuộc huyện Tĩnh Gia.
Để đánh giá khả năng các khu vực ven biển Thanh Hóa có thể chịu ảnh hưởng do sự cố tràn dầu từ các hoạt động của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn và hoạt động tàu thuyền trên các tuyến hàng hải, mô hình lan truyền dầu Oilmap đã được sử dụng để mô phỏng quá trình lan truyền dầu theo các kịch bản điển hình trong suốt 12 tháng/năm. Kết quả dự đoán từ mô hình cho thấy:
- Đối với sự cố tại cảng xuất sản phẩm của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn: Xác suất ảnh hưởng đến bờ biển tỉnh Thanh Hóa trong 12 tháng là 100%, thời gian ngắn nhất dầu vào bờ là 1 - 2 giờ và khu vực có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất là các huyện Tĩnh Gia và Quảng Xương;
- Đối với sự cố tại phao rót dầu không bến (SPM) Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn: Trong trường hợp xảy ra sự cố, xác suất ảnh hưởng đến bờ biển tỉnh Thanh Hóa rất cao (ngoại trừ tháng 11), thời gian ngắn nhất dầu vào bờ là 33 - 57,2 giờ và các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất là: đảo Hòn Mê, huyện Tĩnh Gia và huyện Quảng Xương;
- Đối với sự cố va đâm tàu trên các tuyến hàng hải: Phụ thuộc vào vị trí xảy ra sự cố, xác suất ảnh hưởng đến bờ biển tỉnh Thanh Hóa là từ 87 - 100%, thời gian ngắn nhất dầu vào bờ là 111 - 154 giờ.
Chương trình đào tạo về ứng dụng Bản đồ nhạy cảm môi trường và Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được xây dựng nhằm hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa trong việc nâng cao năng lực ứng phó sự cố tràn dầu và quản lý môi trường ở địa phương.

Đinh Bá Phú (giới thiệu)