World Bank khuyến nghị thiết lập lộ trình hai giai đoạn trong quá trình phân bổ quyền đầu tư: Giai đoạn 1 - Cửa sổ mở và Giai đoạn 2 - Đấu thầu cạnh tranh
Theo World Bank, việc đầu tiên và quan trọng nhất là Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý đặc thù cho điện gió ngoài khơi, một lĩnh vực đòi hỏi quy mô đầu tư lớn (hàng tỷ USD mỗi dự án), công nghệ phức tạp và thời gian chuẩn bị kéo dài (5-7 năm).
Theo khuyến nghị của World Bank, khung pháp lý cần làm rõ các yếu tố sau: Quyền khảo sát và phát triển: Thiết lập cơ chế cho phép nhà đầu tư được cấp quyền khảo sát tài nguyên gió, địa hình đáy biển và môi trường tại các vùng biển cụ thể trong thời gian đủ dài để hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi; Tích hợp quy trình cấp phép liên ngành (MOIT, MONRE, quốc phòng, giao thông, thủy sản...) vào một đầu mối duy nhất để giảm thiểu rủi ro hành chính và tăng tính minh bạch; Cam kết chính sách lâu dài, tránh thay đổi chính sách đột ngột về giá điện, đấu thầu hoặc quy hoạch gây mất niềm tin của nhà đầu tư và tổ chức tài chính quốc tế.
Một cơ chế đột phá được World Bank khuyến nghị là thiết lập lộ trình hai giai đoạn trong quá trình phân bổ quyền đầu tư:
Giai đoạn 1 - Cửa sổ mở (open door), cho phép các nhà đầu tư tự đề xuất khu vực khảo sát phù hợp, Nhà nước xét duyệt trên cơ sở tiêu chí rõ ràng về năng lực tài chính, kinh nghiệm kỹ thuật, khả năng triển khai dự án.
Giai đoạn 2 - Đấu thầu cạnh tranh (competitive auction), sau khi xây dựng quy hoạch không gian biển và hạ tầng truyền tải phù hợp, Nhà nước tổ chức đấu thầu các khu vực cụ thể, lựa chọn nhà đầu tư có đề xuất giá điện thấp nhất, kèm điều kiện kỹ thuật phù hợp. Cơ chế hai giai đoạn này giúp vừa đảm bảo sự khởi đầu linh hoạt, vừa tiến tới thị trường cạnh tranh lành mạnh khi điều kiện chín muồi.
Phương pháp lập quy hoạch theo báo cáo của World Bank
Một trong những rào cản lớn đối với nhà đầu tư là thiếu cơ chế giá điện rõ ràng và đủ hấp dẫn để đảm bảo hoàn vốn dài hạn. World Bank đề xuất một số hướng tiếp cận, gồm: Hợp đồng PPA dài hạn và có thể tài trợ (bankable PPA): Chính phủ cần ban hành mẫu hợp đồng mua bán điện tối thiểu 20 năm, có điều khoản bảo lãnh thanh toán và bảo vệ nhà đầu tư khỏi rủi ro thay đổi chính sách.
Đảm bảo nguồn tín dụng quốc tế: PPA cần đạt tiêu chuẩn quốc tế để giúp nhà đầu tư vay vốn từ các tổ chức tài chính phát triển như IFC, ADB, JICA... Chính sách hỗ trợ tài chính ban đầu: Nhà nước có thể hỗ trợ một phần chi phí khảo sát, giải phóng mặt bằng hoặc tín dụng ưu đãi ở giai đoạn đầu để giảm rủi ro khởi động.
Một điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư là có quy hoạch vùng biển phù hợp, giúp nhà đầu tư biết rõ họ sẽ phát triển dự án ở đâu, quy mô bao nhiêu, có xung đột gì với các ngành khác hay không.
Do đó, World Bank kiến nghị Việt Nam cần ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia, tích hợp giữa điện gió, hàng hải, thủy sản, quốc phòng và môi trường sinh thái; xây dựng cơ sở dữ liệu vùng biển mở (open-access data) về tốc độ gió, địa hình đáy biển, hành lang tuyến điện để nhà đầu tư dễ dàng lập kế hoạch.
Việc có bản đồ rõ ràng và cơ sở dữ liệu chung sẽ giúp giảm chi phí khảo sát, tránh trùng lặp, tăng minh bạch và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh. Dù khu vực tư nhân là chủ thể chính trong đầu tư dự án, vai trò của Nhà nước trong phát triển hạ tầng hỗ trợ là không thể thiếu. Các đề xuất gồm: Phát triển cảng biển chuyên dụng phục vụ vận chuyển và lắp ráp thiết bị điện gió (tuabin, móng trụ, dây cáp); Đầu tư mở rộng lưới truyền tải từ các cụm điện gió ngoài khơi về đất liền, giảm thiểu rủi ro “nghẽn cổ chai” truyền tải; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và chuẩn hóa kỹ thuật trong nước nhằm giảm phụ thuộc nhập khẩu; Cơ chế đối tác công - tư (PPP) hoặc cơ chế “hợp vốn nhà nước” (blended finance) sẽ giúp phân bổ rủi ro hợp lý giữa các bên và tối ưu hóa nguồn lực.
Theo World Bank, Việt Nam cần một cơ quan điều phối cấp quốc gia về điện gió ngoài khơi, đóng vai trò đầu mối thẩm định kỹ thuật, cấp phép, điều phối quy hoạch và giám sát tiến độ triển khai; Thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp, ngân hàng và cộng đồng địa phương; Hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước như Anh, Đan Mạch, Nhật Bản.
World Bank nhấn mạnh: “Thiếu một cơ quan chuyên trách sẽ dẫn đến chồng chéo, mất đồng bộ và làm suy giảm niềm tin của thị trường. Cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi của Đông Nam Á là hiện hữu, nhưng chỉ có thể thành hiện thực khi chúng ta xây dựng được một cơ chế thị trường minh bạch, cạnh tranh và thân thiện với nhà đầu tư. Những kiến nghị từ World Bank không chỉ là khung kỹ thuật mà còn là thông điệp về tốc độ, nhất quán và cam kết cải cách. Bài toán không nằm ở tiềm năng tài nguyên, mà nằm ở niềm tin thị trường và quyết tâm cải cách thể chế”.
Phương Thảo