Mặc dù các công ty/nhà thầu dầu khí trong năm 2016 tiếp tục cắt giảm kinh phí nghiêncứu khoa học, dừng/giãn tiến độ dự án do giá dầu giảm, nhưng các nhà khoa học, người lao động của Viện Dầu khí Việt Nam đã vượt qua khó khăn, triển khai thực hiện 344 hợp đồng nghiên cứu khoa học công nghệ; thực hiện phân tích mẫu theo hợp đồng khung; đọc phản biện, nhận xét 24 báo cáo RAR, ODP, FDP... cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Bộ Công Thương.
VPI tập trung nâng cao chất lượng, giá trị thực tiễn và tính ứng dụng của các nghiên cứu khoa học. Ảnh: Ngọc Linh
Theo Viện trưởng TS. Nguyễn Anh Đức, Viện Dầu khí Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng khoa học công nghệ, triển khai các nghiên cứu có tính ứng dụng cao; phát triển các sản phẩm đặc trưng (phần mềm xử lý đặc biệt, anode hy sinh nhôm, chống đóng cặn, chất độn chống ăn mòn, đẩy mạnh hoạt động sáng kiến sáng chế...) và tập trung phát triển nguồn lực, đưa vào sử dụng công trình Trung tâm Phân tích Thí nghiệm và Văn phòng tại Tp. Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, Viện Dầu khí Việt Nam đẩy mạnh xây dựng, triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn: Nghiên cứu cấu trúc địa chất và các điều kiện hình thành khí hydrate ở vùng nước sâu thềm lục địa khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ; Nghiên cứu tổ hợp các phương pháp địa chất - địa vật lý dự báo các bẫy phi cấu tạo trong trầm tích Miocene- Pliocene ở khu vực trung tâm bể trầm tích Nam Côn Sơn, Đông Nam thềm lục địa Việt Nam; Nghiên cứu ứng dụng và phát triển nghiên cứu công nghệ chế tạo phụ gia ZSM- 5 từ các nguồn nguyên liệu trong nước dùng để tăng hiệu suất propylene của Phân xưởng RFCC...
Trong năm 2016, Viện Dầu khí Việt Nam đã đẩy mạnh công tác đăng ký bản quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chấp nhận 13 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích: Quy trình thử nghiệm quá trình ngưng tụ khí condensate vùng cận đáy giếng; Quy trình mô phỏng quá trình ngưng tụ pha lỏng trong lòng giếng; Quy trình cấy kim loại tuần hoàn để làm giảm hoạt tính chất xúc tác cracking tầng sôi thương mại; Chất xúc tác dùng cho quá trình cracking xúc tác naphtha và condensate và phương pháp chế tạo chất xúc tác này; Quy trình phục hồi hoạt tính chất xúc tác vanadium pentoxide thải, chất xúc tác thải đã được phục hồi hoạt tính và quy trình hoàn nguyên chất xúc tác này cho quá trình sản xuất acid sulfuric; Quy trình sản xuất xăng có trị số octane cao từ nguồn condensate; Vật liệu gel khí (aerogel) dùng để hấp phụ dầu tràn và nước thải nhiễm dầu và quy trình chế tạo vật liệu này; Chế phẩm rửa tay dạng gel và quy trình điều chế chế phẩm này; Phương pháp sản xuất khí hydro từ khí tự nhiên có hàm lượng khí carbon dioxide cao; Phương pháp sản xuất diesel sinh học gốc B100; Chế phẩm sinh học có khả năng phân hủy dầu; Chủng vi khuẩn Pseudomonas Mendocina VPI-BR để xử lý ô nhiễm dầu; Phương pháp thu hồi muối của các kim loại đất hiếm có trong chất xúc tác của quá trình cracking xúc tác tầng sôi đã qua sử dụng... Viện Dầu khí Việt Nam có sản phẩm anode hy sinh nhôm đã được chọn vào Top 10 sản phẩm “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam” 2016 và 1 sáng kiến được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam công nhận: “Xây dựng phương pháp và chương trình tính toán để phân chia sản phẩm dầu cho các giếng khai thác đồng thời nhiều tầng sản phẩm”.
Trong năm 2017, Viện Dầu khí Việt Nam xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị nghiên cứu khoa học, lấy nghiên cứu ứng dụng làm trọng tâm; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các chương trình nghiên cứu dài hạn: Điều tra, đánh giá cấu trúc địa chất, địa động lực và quá trình phát triển trầm tích Pliocene - Đệ Tứ vùng nước sâu xa bờ phục vụ phát triển kinh tế biển; Xây dựng chương trình tổng thể áp dụng các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu (EOR) cho các mỏ dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam; Tiết kiệm năng lượng và hao hụt nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả hoạt động cho các nhà máy lọc hóa dầu; Nghiên cứu phát triển và ứng dụng các giải pháp công nghệ khai thác, vận chuyển, sử dụng hiệu quả các mỏ đã và đang chuẩn bị đưa vào phát triển, khai thác...
Đặc biệt, Viện Dầu khí Việt Nam tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất anode hy sinh ứng dụng trong chống ăn mòn và bảo vệ kim loại; phát triển các sản phẩm thương mại: sản xuất hóa chất khai thác (chống đóng cặn, deoiler), sản phẩm thông dụng (cồn rửa tay), phần mềm dầu khí chuyên dụng... Bên cạnh đó, Viện Dầu khí Việt Nam tập trung ổn định cơ cấu tổ chức và mô hình “Tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư” theo Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; tăng cường hợp tác, mở rộng đối tượng và phạm vi cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, tập trung triển khai kế hoạch đào tạo chuyên sâu, phát triển chuyên gia, ưu tiên đào tạo theo các định hướng nghiên cứu dài hạn.
Để thực hiện thành công các nhiệm vụ này, Viện Dầu khí Việt Nam đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tập trung nâng cao chất lượng, giá trị thực tiễn và tính ứng dụng của các nghiên cứu khoa học nhằm tăng hiệu quả quản trị và năng suất lao động, thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020.
Công ty dầu khí nước ngoài tham quan Trung tâm Phân tích Thí nghiệm của Viện Dầu khí Việt Nam. Ảnh: Lê Khoa
Trung tâm Phân tích Thí nghiệm được đầu
tư hệ thống trang thiết bị hiện đại và phần mềm chuyên dụng sẽ giúp Viện
Dầu khí Việt Nam phân tích toàn diện các loại mẫu lõi, mẫu lưu thể
(dầu, khí, nước), các phân tích đặc biệt về nâng cao hệ số thu hồi dầu
(EOR)... tiết kiệm chi phí gửi và phân tích mẫu ở nước ngoài, tiết kiệm
thời gian cho nhà thầu, bảo mật thông tin dầu khí của quốc gia. Công
trình này sẽ giúp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam/Viện Dầu khí Việt Nam làm
chủ kỹ thuật phân tích tiên tiến nhất, các thiết bị thí nghiệm hiện đại
nhất, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng đổi mới
và chuyển giao công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế, gắn kết nghiên
cứu - ứng dụng - đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. |
Quang Minh