Vì sao các cường quốc nhòm ngó Biển Bắc ?
Sự nóng lên của trái đất, sự tan chảy nhanh của Bắc Cực trong tương lai gần, đã làm lộ rõ các yếu tố địa chính trị đó là: sự xuất hiện của các mỏ lớn về dầu và khí đốt; và một tuyến đường biển chiến lược mới, có khả năng làm thay đổi những đường vận chuyển năng lượng trên biển của thế giới và xuất hiện một số điều chỉnh trong chính sách an ninh quốc phòng của các nước khu vực và các cường quốc trên thế giới.

Nguồn dầu mỏ và khí đốt mới

Theo cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, Bắc Cực chiếm khoảng 10% dự trữ dầu thế giới và 25% trữ lượng chưa được khám phá, tương đương khoảng 90 tỷ thùng dầu, 1.699 nghìn tỷ feet khí đốt tự nhiên và khoảng 44 tỷ thùng khí tự nhiên dạng lỏng.

Tại Biển Bắc, các khu vực dễ phát triển và khai thác năng lượng nhất ở khu vực này trong tương lai gần là Vịnh Yamal và thềm lục địa của Biển Barents và biển Kara. Ở trung tâm biển Barents tồn tại một mỏ khí đốt đã được kiểm chứng với trữ lượng khoảng 3,7 ngàn tỷ mét khối khí đốt và 31 triệu mét khối khí đốt hóa lỏng, đủ để cung cấp cho EU trong 7 năm. Nga hiện đã tiến hành chuẩn bị tuyên bố chủ quyền thềm lục địa 1,2 triệu km2 và khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý ở khu vực này.

Theo số liệu của “Viện nghiên cứu các vấn đề dầu và khí”, Nga sẽ khai thác được khoảng 30 triệu tấn dầu và 130 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên trên thềm lục địa Bắc Cực vào năm 2030. Hiện tại Bắc Cực được chi phối bởi 5 quốc gia có chung bờ biển đó là: Nga, Mỹ, Na Uy, Canada và Đan Mạch. Hội đồng Bắc Cực bao gồm 3 quốc gia đó là: Thụy Điển, Phần Lan và Iceland đã thảo luận các vấn đề liên quan tới lợi ích của 5 nước tại khu vực.

Tháng 8-2011, Nga và Mỹ đã ký kết hợp đồng hợp tác khai thác dầu trị giá nhiều tỷ USD ở khu vực Biển Bắc thuộc chủ quyền của Nga do Nga chưa có đủ công nghệ khai thác dầu biển sâu. Tính đến tháng 10-2011 đã có gần 500 hợp đồng khoan thăm dò được cấp phép tại vùng biển Chukchi. Theo đó, Tập đoàn dầu khí đa quốc gia Royal Dutch Shell sẽ hoạt động tại vùng biển này vào đầu năm 2012. Tập đoàn dầu mỏ Exxon Mobil (Mỹ) và Tập đoàn Rosneft (Nga) đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với vốn đầu tư ban đầu là 3,2 tỷ USD, theo đó Nga mở đường cho Exxon Mobil tiếp cận nguồn dầu khí của Nga tại Bắc cực và Mỹ mở đường cho Rosneft tiếp cận thăm dò, khai thác tại khu vực Biển Bắc của Mỹ.

Sự xuất hiện của tuyến hàng hải mới

Do khối lượng băng ở Bắc Cực tan chảy nhanh hơn dự kiến, dẫn tới khả năng phát triển của một số tuyến đường biển mới đi qua Biển Bắc đến bờ biển phía Đông của Châu Á và bờ biển phía Tây của Bắc Mỹ. Tuy vẫn còn một số khó khăn gồm như: Vẫn còn rất lạnh vào ban đêm và mùa Đông, nên vận chuyển dễ bị đe dọa bởi băng trôi; Cơ sở hạ tầng trong khu vực tương đối kém phát triển, nhất là tìm kiếm, cứu hộ.

Tuy nhiên, tính khả thi của các tuyến đường này là khá rõ. Tháng 8-2010, lần đầu tiên Nga cho tàu SCF Baltica chở 114.564 tấn dầu, được hộ tống bởi hai tàu phá băng hạt nhân, đã thành công trong việc vận chuyển khí  đốt hóa lỏng cho Trung Quốc và tiến sát bờ biển Bắc Cực. Tuyến đường này dài  4.000 km trước khi tới cảng Nga Pevek Chukotsky, để tiếp tục di chuyển tới Trung Quốc.

Theo tính toán, tuyến đường này nhanh gấp 2 lần so với các tuyến đường đi từ kênh đào Suez và tiết kiệm được khoảng 15% chi phí. Khoảng cách từ cảng Murmansk của Nga đến Thượng Hải thông qua các tuyến đường Bắc Cực có chiều dài khoảng 10.600 km và khi đi qua kênh đào Suez là khoảng 17.700 km.

Các dự đoán hiện nay cho rằng tuyến đường biển Đông Bắc địa cầu sẽ bắt đầu có thể qua lại được trong 5 đến 10 năm nữa, trong khi tuyến đường trực tiếp đến Bắc Cực có thể qua lại trong vòng 30 đến 40 năm tới. Các tuyến đường biển ở Bắc Cực sẽ có tác động làm giảm lưu lượng giao thông đường biển qua các khu vực chật chội như eo Malacca, đồng thời mở rộng khu vực có nhu cầu cần được bảo đảm an ninh hàng hải. Hiện có một số tuyến đường biển khả thi mới có thể được mở ở Biển Bắc, gồm: Tuyến ở phía Đông Bắc (hay còn gọi là đoạn phía Bắc), hoặc ở phía Tây Bắc đi qua Bắc Cực khi băng tan chảy.

Với các tuyến đường này, tuyến đường vận chuyển giữa châu Á và bờ biển phía Đông của Mỹ sẽ rút ngắn khoảng 5.000 dặm. Tuyến đường biển Đông Bắc trên lục địa Á – Âu sẽ rút ngắn khoảng 40% so với tuyến đường hiện tại đi qua kênh đào Suez hoặc Panama. Đoạn phía Đông Bắc dự kiến ​​sẽ là mở cửa vào mùa hè. Nếu băng tan nhanh thì khả năng các tuyến đường trực tiếp thông qua Bắc Cực có thể là tuyến đường được ưa thích, và khi đó, có thể sẽ có nhiều tàu hoạt động tại những vùng biển này trong tương lai. Nga hiện đang có ý định thực hiện thêm thử nghiệm vận chuyển dầu thô dọc theo tuyến đường này.

Hiện nay, Bắc Cực được chi phối bởi năm quốc gia là: Nga, Mỹ, Na Uy, Canada và Đan Mạch. Một Hội đồng Bắc Cực cũng đã được thành lập, với chức năng thảo luận các vấn đề liên quan tới lợi ích của 5 nước. Các nước ngoài khu vực như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… cũng đang quan tâm đến khu vực này và coi đây là “di sản chung của nhân loại”.

Như vậy, sự tan chảy nhanh của Bắc Cực trong tương lai gần kéo theo các yếu tố địa chính trị, sự xuất hiện của dầu mỏ, khí đốt mới có trữ lượng lớn và một tuyến đường biển chiến lược mới giúp rút ngắn thời gian và giảm chi phí vận chuyển. Đây là các yếu tố đang tác động mạnh trong việc làm thay đổi bức tranh nguồn cung năng lượng, môi trường an ninh toàn cầu, thương mại hàng hải, và chiến lược an ninh của các nước lớn.

Vì thế, các cường quốc trên thế giới, nhất là các quốc gia ven Biển Bắc, và cả một số cường quốc châu Á đang ngày càng quan tâm đến các vấn đề lợi ích và sự điều chỉnh chiến lược ở Biển Bắc. Đáng chú ý có việc tăng cường khả năng quân sự tại khu vực, trong đó nổi lên vai trò của Nga, Mỹ và Canada. Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang rất quan tâm và muốn tham gia phân chia lợi ích kinh tế - năng lượng tại khu vực này.

(Theo Nhân Dân)