Tóm tắt
Theonghiêncứucủa Hiệp hội Nghiên cứu Năng lượng Cambridge (CERA), 5 công nghệ chủ chốt (gồm: điều khiển từ xa, hiển thị, khoan và hoàn thiện giếng thông minh, tự động hóa, tích hợp số liệu) được xem là hạt nhân của công nghệ mới, tiên tiến, giúp cho các doanh nghiệp dầu khí tìm ra các tài nguyên (resources) và gia tăng trữ lượng (reserves) chính xác hơn, lập kế hoạch khoan, phát triển mỏ, khai thác tối ưu và quản lý hiệu quảhơn [1]. Sử dụng các công nghệ này, các doanh nghiệp dầu khí sẽ có các “mỏ dầu số” (digital oil field) từ mỏ có sẵn, qua đó có thể tăng trữ lượng thu hồi lên thêm 2 - 7%, giảm chi phí từ 10 - 25% và tăng hệ số khai thác từ 2 - 4%.
Bài báo giới thiệu một số kết quả ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực thượng nguồn, đặc biệt là công nghệ tăng cường thu hồi dầu với chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro, giúp tối ưu hóa kỹ thuật khai thác, gia tăng lợi nhuận trong chu kỳ ngắn.
Từ khóa: Công nghệ số, tự động hóa, mỏ dầu số, tăng cường thu hồi dầu, Digital Oil RecoveryTM.
1. Các kết quả nghiên cứu của CERA
Trong giai đoạn giá dầu duy trì ở mức thấp kéo dài, công tác nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ, đào tạo có điều kiện thuận lợi để phát triển vì chi phí đầu tư thấp, vừa giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, vừa chuẩn bị cho phát triển trong giai đoạn kinh tế phục hồi, khi giá dầu khí tăng trở lại.
Các hoạt động nghiên cứu trên đều hướng tới nghiên cứu phục vụ tái cơ cấu tổ chức; đổi mới chiến lược, cơ chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung vốn đầu tư vào các đề án có tiềm năng lợi nhuận cao trong thời gian không quá dài và ít rủi ro; gia tăng trữ lượng dầu khí và nhanh chóng tạo ra các công nghệ tiến bộ dựa trên các thành tựu khoa học cơ bản tiên tiến nhất của thời đại.
Theo các công trình nghiên cứu mới đây của Hiệp hội Nghiên cứu Năng lượng Cambridge được thực hiện với sự hợp tác của hơn 30 công ty dầu khí quốc tế trong đó có các tổ chức tư vấn nổi tiếng như Deloitte Consulting, Landmark Graphics Corp. và Intel Corp., công tác nghiên cứu tăng cường thu hồi dầu (EOR) được đặt ra từ giai đoạn tìm kiếm thăm dò để hình thành một hệ thống công nghệ tổng thể, liên kết các quá trình từ thăm dò đến khai thác cho cả đời mỏ chứ không chỉ giới hạn trong các kỹ thuật EOR khi mỏ đi vào cuối giai đoạn trưởng thành [1].
Trong công trình xây, 5 công nghệ chủ chốt (gồm: điều khiển từ xa; hiển thị; khoan và hoàn thiện giếng thông minh; tự động hóa; tích hợp số liệu) được xem là hạt nhân của công nghệ mới, tiên tiến. Cùng với đó, các thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được ứng dụng trong lĩnh vực dầu khí giúp cho các doanh nghiệp dầu khí tìm ra các tài nguyên (resources) và gia tăng trữ lượng (reserves) chính xác hơn, lập kế hoạch khoan, phát triển mỏ, khai thác tối ưu cũng như quản lý hiệu quả hơn. Sử dụng các công nghệ này, các doanh nghiệp dầu khí sẽ có các “mỏ dầu số”(digital oil field) từ mỏ có sẵn, qua đó có thể tăng trữ lượng thu hồi lên thêm 2 - 7%, giảm chi phí từ 10 - 25% và tăng hệ số khai thác từ 2 - 4% [2].
Những doanh nghiệp sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ công nghệ số tùy thuộc vào kịch bản lựa chọn:
- Kịch bản 1: Doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh như thường lệ. Công nghệ số được sử dụng như một giải pháp phụ giúp giảm giá thành, gia tăng hệ số thu hồi, cải thiện sản xuất nhưng không phải là đổi mới cơ bản được tiến hành trong mô hình kinh doanh, chiến lược cạnh tranh hoặc trong mối quan hệ cấu trúc;
- Kịch bản 2: Người đứng đầu lĩnh vực/doanh nghiệp có thể áp dụng tốt nhất công nghệ số để có những ý tưởng mới nhằm giành lợi thế cao trong cạnh tranh;
- Kịch bản 3: Thiết lập quan hệ mới để hình thành một tập hợp mới, đủ sức mạnh trí tuệ và tài chính gồm các doanh nghiệp dầu khí đang sử dụng các biện pháp cơ bản có sẵn để tiếp cận và nhanh chóng ứng dụng công nghệ số nhằm tối ưu hóa sản xuất và nâng cao vị thế cạnh tranh.
Ba kịch bản trên cho thấy vai trò quan trọng của người đứng đầu lĩnh vực/doanh nghiệp trong khả năng đổi mới tư duy, tiếp cận với trào lưu tiến bộ chung của thế giới.
Nội dung của cuộc cách mạng số trong lĩnh vực thượng nguồn là bước chuyển từ các quá trình phát triển nối tiếp có tính lịch sử, dựa trên các quá trình theo thời gian kế hoạch sang các quá trình theo thời gian thực song song/đồng thời để tìm cách phát triển tài sản dầu khí. Dòng số liệu thời gian thực kết hợp với việc áp dụng các phần mềm tiên tiến cũng như các máy tính cực nhanh (workstation hiện đại) sẽ cho phép tạo ra các mô hình tầng chứa theo các giả thiết khác nhau một cách nhanh chóng và cơ động. Các mô hình này được sử dụng cùng với các bộ cảm biến điều khiển từ xa, các giếng thông minh và điều khiển tự động sẽ cho phép các nhà điều hành nhìn thấy những gì đang xảy ra hoặc có khả năng xảy ra ở dưới sâu trong lòng đất để có thể dự báo chính xác giải pháp gì cần phải áp dụng tiếp theo nhằm nâng cao sản lượng và quản lý có hiệu quả công tác phát triển mỏ. Công nghệ hiển thị 3D theo nhiều tỷ lệ kết hợp với khả năng quản lý mảng số liệu rất lớn cùng với mạng lưới mật độ cao giúp giảm thời gian tìm ra cấu tạo triển vọng có xác suất chính xác cao, rút ngắn thời gian lập kế hoạch phát triển mỏ, thiết kế giếng, kế hoạch khoan...
Sau đây là một số ví dụ về các công nghệ dầu khí chuyên ngành mang lại hiệu quả cao:
- Đo lặp địa chấn (Time lapse seismic): Công nghệ đo lặp địa chấn được hiểu là công nghệ 4D, tức là đo lặp địa chấn trên cùng địa điểm và cùng vị trí thu nổ - ghi sóng tại 2 thời điểm khác nhau trong quá trình thăm dò - khai thác giúp các doanh nghiệp dầu khí xác định các diện tích chứa dầu, lập bản đồ dịch chuyển dòng dầu, dòng chất lỏng bơm ép dầu, các vật cản và sự thay đổi lộ trình dòng dầu trong tầng chứa sau một thời gian khai thác cũng như kiểm tra hiệu quả quét dầu trong phương pháp tăng cường thu hồi dầu (EOR). Công nghệ này được kỳ vọng có thể giúp tăng cường thu hồi thêm từ 3 - 7% và đẩy mạnh hệ số thu hồi dầu. Các thiết bị điều khiển từ xa dùng trong nghiên cứu trọng lực, điện từ, thăm dò địa chấn bằng mạng lưới địa chấn ký cố định hoặc dùng các địa chấn ký bằng sợi quang đặt trong giếng khoan.
- Hiển thị 3D: Là cách biểu hiện tập hợp số liệu thông tin tổng hợp theo khuôn (format) rộng nhằm giúp các nhà lập kế hoạch phát triển mỏ xác định vị trí tối ưu để đặt giếng khoan, chiều sâu giếng, xác định vùng dầu bị bỏ qua, cực tiểu hóa sai số chuyển đổi thời gian sang độ sâu. Công nghệ này giúp tăng hệ số thu hồi và giảm giá thành.
- Khoan giếng thông minh và hoàn thiện giếng: Số liệu các bề mặt lớp dưới sâu theo“thời gian thực” thu được trong quá trình khoan được sử dụng nhằm cực đại hóa mức xâm nhập/xuyên sâu vào tầng chứa bằng cách điều khiển đường đi của lòng giếng và tránh các sự cố khoan. Các cảm biến đo nhiệt độ, áp suất, dòng đa pha trong giếng và các van kiểm tra dòng dầu được đặt trong quá trình hoàn thiện giếng giúp tối ưu hóa năng suất khai thác của giếng; giúp các nhà điều hành xác định các vùng bị nước xâm nhập sớm và bơm ép không hiệu quả, điều khiển dòng trong vùng này bằng cách điều chỉnh vị trí các nút bít dòng. Khi áp dụng phối hợp với các công nghệ khác như điều khiển từ xa thì khối lượng dầu khí thu hồi tăng cường có thể tăng lên đến 7%.
- Tự động hóa tăng cường: Công nghệ kiểm soát và kiểm tra từ xa hiện nay đã hoàn chỉnh và được sử dụng rộng rãi cho phép thu hồi số liệu tự động, giảm nhân lực làm việc tại các địa điểm khai thác, báo động tự động cũng như trong công nghệ dự báo và tối ưu hóa công suất. Các hệ thống hoạt động tự động, mạch khép kín cho phép các giàn khai thác hoặc các chương trình thu hồi tăng cường EOR hoạt động như một thiết bị đơn nhất.
- Tích hợp số liệu: Tích hợp việc thu nhận và quản lý thông tin về tầng chứa, điều kiện lòng giếng và cả hệ thống cho phép các đơn vị thăm dò khai thác thu được các thông tin chính xác và chuyển giao chúng đúng địa chỉ (người sử dụng), đúng thời gian, tạo ra các bản phân tích tình hình một cách toàn diện, điều hành chiến lược hoạt động, xác định và sử dụng kinh nghiệm có hiệu quả nhất để đưa ra các quyết định tối ưu hóa hữu hiệu nhất.
- Các công nghệ mới được ứng dụng trong lĩnh vực dầu khí
Sự tương đồng giữa các công nghệ trên với các công nghệ đang được sử dụng hoặc đang phát triển ở các ngành kinh tế - kỹ thuật khác cùng với sự dễ dàng trong việc chuyển giao công nghệ cho ngành dầu khí thúc đẩy các doanh nghiệp dầu khí truyền thống phải phát triển phần cứng và phần mềm mới, thiết lập các đối tác công nghệ mới.
Những lĩnh vực có thể phát triển công nghệ số gồm: các quá trình tối ưu hóa, SCADA (điều khiển, giám sát, thu nhận số liệu), tích hợp, cảm biến bằng kỹ thuật nano, bảo dưỡng dự phòng, đo đạc viễn thám và truyền thông. Những công nghệ cao có thể chuyển giao cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thăm dò - khai thác gồm: tối ưu hóa công tác quản lý mỏ, hoạt động khai thác ảo, hậu cần cho hệ thống cung cấp hợp lý và tạo nguồn ngoài cho quá trình kinh doanh theo nhóm.
Để có sự biến đổi từ lượng sang chất, các ứng dụng sẽ hướng tới các mỏ dầu ảo, thể hiện bằng công nghệ số. Công nghệ tin học sẽ làm việc theo chức năng nhưng thách thức lớn nhất liên quan đến sự chấp nhận và thích nghi công nghệ là con người phải thay đổi cách làm việc như thế nào.

Intel Energy Solutions cho biết đã xây dựng các phần mềm/block cơ bản cho công nghệ đổi mới ngành dầu khí cùng các trạm chuyên dụng (workstations) công suất cao, các bàn phím, các thiết bị không dây giúp tăng năng suất trong lúc các máy chủ (server) cung cấp các bảng số liệu nền băng rộng sẽ điều hành mỏ trong tương lai. Intel cũng phối hợp với các chuyên gia dầu khí thiết lập các chuẩn để tích hợp các công nghệ, chọn lựa nghiệm cho các bài toán đa nghiệm. Các nhà cung cấp công nghệ cũng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp dầu khí để tăng sản lượng khai thác thông qua đẩy mạnh chu trình thăm dò - khai thác giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh.
2. Ứng dụng công nghệ số trong tăng cường thu hồi dầu
Trong ngôn ngữ dầu khí, những mỏ đang chuyển sang giai đoạn cạn kiệt, sản lượng liên tục suy giảm được gọi là “mỏ nâu” (brownfields), các mỏ bắt đầu đưa vào khai thác gọi là “mỏ xanh” (greenfields). Công nghệ khai thác các mỏ nâu được gọi là “tăng cường thu hồi dầu” hoặc “thu hồi thứ cấp/tam cấp” hoặc ngắn gọn là công nghệ vét dầu (EOR).
Theo nghĩa rộng, công nghệ tăng cường thu hồi dầu ở các mỏ nâu là một tổ hợp nhiều công nghệ thuộc các hoạt động thăm dò - phát triển mỏ - khai thác.
Đối với mỏ nâu, trước khi áp dụng công nghệ khai thác mới, việc tái xử lý tài liệu địa vật lý đã có, tái minh giải địa chất từ các nghiên cứu tổng hợp địa vật lý - địa chất - khoan là rất cần thiết để hiểu rõ hơn cấu trúc mỏ, các tính chất đặc trưng của mỏ cũng như sự thay đổi trong quá trình khai thác đã qua. Đây là hoạt động kinh tế nhất vì đầu tư rất nhỏ thông qua sử dụng cập nhật các sáng tạo công nghệ hiện đại cùng tích hợp trí tuệ, kinh nghiệm thu nhận được của các chuyên gia đã làm việc ngay tại mỏ trong thời gian dài.
Trong thời gian đầu khi mỏ mới đưa vào khai thác, vấn đề tăng cường thu hồi dầu chưa cần thiết nên thường chỉ áp dụng những công nghệ địa vật lý thông thường. Để chuẩn bị cho EOR, trong hoạt động xử lý lại tài liệu địa vật lý cần áp dụng các giải pháp kỹ thuật cao hơn như áp dụng các phép biến đổi Radon, biến đổi Z vào các hệ thống số, phân tích các mạch (trace) địa chấn phức (complex-trace analysis), phân tích cepstrum, sử dụng tín hiệu giải tích (analytic signals) trong mô hình hóa, nội suy thông minh (intelligent interpolations), dịch chuyển thời gian - độ sâu hỗn hợp (hybrid migration)... để loại bỏ những nhược điểm của công nghệ phổ dụng đã dùng trong xử lý thông thường trước đó.
Trong minh giải địa chất cần áp dụng đa dạng hóa các phương pháp mô hình hóa (modeling) dữ liệu địa vật lý - địa chất tổng hợp ngoài mô hình đơn - tham số (mono- parameter) trên máy tính; phát hiện, giải thích các hình thái thay đổi trong trường điện từ, trường trọng lực, tốc độ truyền sóng... và áp dụng đầy đủ các phương pháp minh giải địa chấn - địa tầng (stratigraphic interpretation), nhất là mô hình lắng đọng trầm tích, phân tích tướng địa chấn, xác định các dấu hiệu dầu, khí, nước vỉa, thông qua phân tích các đặc trưng phản xạ…
Ngoài việc bổ sung, đan dày, đổi hướng các tuyến địa chấn trên các khu vực nghèo số liệu, rất cần áp dụng địa chấn 3D, 4D, địa chấn thẳng đứng, địa chấn - địa vật lý giữa các giếng khoan (cross-hole measurements). Trong điều kiện kỹ thuật - tài chính cho phép có thể áp dụng sóng ngang, các phương pháp trường điện từ để phối hợp hỗ trợ cho phương pháp địa chấn, kể cả vi địa chấn, giúp làm sáng tỏ tính chất bất đồng nhất của môi trường địa chất trong những khu vực nhỏ, hoặc phức tạp.
Các công nghệ tiến bộ trong EOR như: gia nhiệt, phá vỡ thủy lực, phá vỡ bằng vật liệu nổ hoặc bằng điện, bơm ép nước, hơi nước, khí CO2, methane, bơm ép hóa chất (polymer)… cũng được các doanh nghiệp dầu khí quan tâm nghiên cứu và áp dụng trong sản xuất, đặc biệt là tại các mỏ phi truyền thống kể cả dầu khí trong đá móng, đá carbonate hoặc đá rắn chắc chứa các kẽ nứt vi mô không liên thông. Các phương pháp này tạo điều kiện rất tốt cho tái thăm dò địa vật lý trong môi trường mỏ nâu vì giúp làm thay đổi tính chất vật lý của đá chứa trong hoặc sau quá trình khai thác. Các thông tin về mức độ thay đổi này là chỉ dẫn gián tiếp vô cùng giá trị cho hoạt động EOR.
3. Công nghệ Digital Oil RecoveryTM: Tối ưu hóa các mỏ dầu đang dần cạn kiệt
Petroleum Economist Outlook 2018 công bố một áp dụng công nghệ số trong EOR với tên gọi Digital Oil RecoveryTM (DOR) của Deloitte do FOROIL cung cấp và được giới thiệu là một phương pháp tăng cường thu hồi dầu mang tính phát minh cao, đồng thời là một giải pháp tối ưu hóa kỹ thuật khai thác, gia tăng lợi nhuận trong chu kỳ ngắn [3].
Tình trạng giá dầu thấp kéo dài đã tạo ra áp lực buộc các doanh nghiệp dầu khí phải tìm cách cải thiện tính hiệu quả chi phí bằng các giải pháp đổi mới cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý nhằm trì hoãn các khoản đầu tư cơ bản lớn. Các giải pháp này giúp các doanh nghiệp cải thiện khả năng sinh lời và bảo vệ dòng tiền mặt, song lại tạo ra nhiều thách thức đối với gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác. Các lựa chọn đối với doanh nghiệp dầu khí Mỹ không nhiều và thường rơi vào 2 lĩnh vực rất rộng, đó là các đề án đầu tư cơ bản lớn, thời gian mang lại lợi nhuận dài và các đề án phát triển mỏ có thời gian khai thác ngắn hơn trước, chủ yếu trong lĩnh vực tài nguyên phi truyền thống. Khi giá dầu được dự báo đi vào chu kỳ hồi phục với tốc độ chậm, các nhà điều hành phải tìm thêm các giải pháp để gia tăng sản lượng với chi phí đầu tư thấp trong thời gian ngắn và ít rủi ro. Địa bàn để thực hiện các mục tiêu này là các mỏ đã qua giai đoạn trưởng thành và công nghệ cần là các phương pháp tăng cường thu hồi dầu có hiệu quả cao để có thể giảm giá thành thùng dầu xuống mức dưới điểm hòa vốn mới mang lại lợi nhuận.
Hiện nay, các mỏ dầu nâu đóng góp hơn 60% sản lượng dầu thế giới. Mỗi một phần trăm gia tăng sản lượng ở các mỏ này có thể đem đến cho nguồn cung dầu trên thị trường không ít hơn 500.000 thùng/ngày, tức là trên 10 tỷ USD doanh thu/năm. Điều này mở ra một hướng đi mới cho các nhà nghiên cứu cải tiến công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ số và Deloitte đã bước đầu thành công. Công nghệ Digital Oil RecoveryTM đang được nhiều doanh nghiệp dầu khí lựa chọn nhờ chi phí đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả nhanh và ít rủi ro, giúp tối ưu hóa hệ số thu hồi dầu từ các mỏ nâu.
Khác với các phương pháp EOR truyền thống, công nghệ Digital Oil RecoveryTM sử dụng lịch sử khai thác của mỏ để mô phỏng toàn bộ quá trình khai thác, chứ không phải chỉ xây dựng lại cấu trúc tầng chứa dựa trên các dữ liệu đo đạc địa chấn cũ cùng các số liệu thu được gián tiếp về các lớp trầm tích. Mô hình địa chất giúp minh giải các lớp ở sâu đối với các mỏ xanh nhưng không thể hiện đầy đủ các bất đồng nhất, tính phức tạp và các diễn biến động lực học của tầng chứa đang trong quá trình cạn kiệt hiện tại. Trong khi đó, Digital Oil RecoveryTM áp dụng thiết bị học máy (machine learning) cho các mô hình hỗn hợp tinh xảo nhất để kết hợp các phương pháp toán học với đặc tính vật lý tầng chứa (reservoir physics) nhằm xây dựng mô hình động lực cùng trạng thái thể hiện diễn biến phức tạp của các tầng chứa mỏ nâu một cách đáng tin cậy với độ chính xác cao.
Dữ liệu lịch sử có sẵn của mỏ gồm: vị trí giếng khoan, các đường cong địa vật lý giếng khoan (logs), tính chất vật lý của đá, áp suất và số liệu khai thác.
Mô hình được xây dựng sử dụng máy tính tốc độ cao và các kỹ thuật tối ưu hóa hỗn hợp biến dạng một quá trình/hiện tượng khi đi qua một bộ lọc tuyến tính (treefold hybrid optimization techniques) kết hợp với các phép tiếp cận phát hiện luận phi quyết định luận (combining heuristic, non-deterministic approachs). Tính dự báo của mô hình hành vi phản ứng (behavioral model) có độ chính xác cao với không gian nghiệm rộng, phức tạp. Các kết quả được quét (scanned) cho ra hàng chục triệu tình huống giúp xác định nghiệm sản lượng tối ưu ứng với những điều kiện ràng buộc về tiềm lực vật chất, công nghệ, nhân lực, tài chính của doanh nghiệp. Cuối cùng, mô hình cung cấp các kế hoạch hành động cần phải tiến hành (chuyển giao nhiệm vụ khai thác sang bơm ép, thay đổi thiết bị, chất bơm ép và phương pháp bơm ép, tái hoàn thiện giếng, định hướng khoan lệch, khoan xiêng, khoan ngang, đặt thêm các giếng đan dày...) để có sản lượng gia tăng nhanh nhất.
Theo Deloitte, công nghệ Digital Oil RecoveryTM có thể cho kết quả nghiên cứu trong vòng 3 - 4 tháng so với 24 - 36 tháng nếu sử dụng công nghệ truyền thống. Trong 10 năm qua, công nghệ Digital Oil RecoveryTM đã được sử dụng thành công tại nhiều mỏ có cấu trúc địa chất phức tạp. Kết quả sản lượng khai thác gia tăng 20% khi không phải tăng chi phí đầu tư và gia tăng tới 35% khi đầu tư ở mức vừa phải. Với mức gia tăng 20% sản lượng ở các mỏ nâu có công suất 100.000 thùng/ngày, thì mức gia tăng đạt 7,2 triệu thùng/năm, doanh thu tăng 180 triệu USD/năm, tăng lợi tức cho cổ đông mà không phải đầu tư thêm chi phí đầu tư cơ bản (capex) [4].
Công nghệ Digital Oil RecoveryTM được thể hiện theo công thức sau: Dữ liệu lịch sử của mỏ nâu + Toán học cao cấp + Đặc tính vật lý tầng chứa + Trí tuệ nhân tạo = Nghiệm tối ưu.
Thế mạnh của công nghệ Digital Oil RecoveryTM: Chi phí đầu tư thấp, thời gian tiếp nhận công nghệ và triển khai ứng dụng ngắn, ít rủi ro, tăng sản lượng thu hồi và gia tăng cả trữ lượng.
Điều kiện cần: Các nhà điều hành có chiến lược đổi mới công nghệ và chiến lược đào tạo nhân sự chất lượng cao.
Giám đốc Nghiên cứu của CERA đánh giá cuộc cách mạng công nghệ số (digital technologies) có thể biến đổi mạnh tính năng động của hoạt động cung cấp dầu cho thế giới tại thời điểm mà ngành công nghiệp dầu khí phải đối mặt với những khó khăn trong lựa chọn mới khi quyết định đầu tư. Để có “mỏ dầu số” ngoài việc phải sử dụng công nghệ hiện đại, còn phải kết hợp các cấu trúc chiến lược, văn hóa, các hệ thống, các quá trình kinh doanh và quan trọng hơn là con người. Các doanh nghiệp có tầm nhìn rộng thực sự muốn tiếp nhận công nghệ số cần thiết phải tạo ra điều kiện đổi mới và giữ vững vị trí dẫn đầu thông qua đổi mới.
Tài liệu tham khảo
1. CERA. The digital oil field of the future: Enabling next generation reservoir performance. 2003.
2. www.naturalgasintel.com. CERA: New-generation technologies to transform oil, gas industry within 10 years. NGI the weekly gas market report. 2003.
3. Petroleum Economist. Digital Oil Recovery - Expanding reserve and production optionality with digital technologies. 2018.
4. Deloitte. DigitalOilRecovery™ powered by Foroil accelerating production and maximizing value from brownfields. 2018.
APPLICATION OF DIGITAL TECHNOLOGY IN UPSTREAM SECTOR
Tran Ngoc Toan
Institute of Research and Development Duy Tan University
Summary
According to Cambridge Energy Research Associates (CERA), five key technologies (including remote sensing, visualisation, intelligent drilling and completion, automation and data integration) are considered the nucleus of new and advanced technologies, helping oil and gas companies find resources and increase reserves more accurately, establish drilling, field development and optimal production plans, and manage operations more efficiently. By using these technologies, oil and gas companies will develop "digital oil fields" from existing fields, by which to increase recovery rate by 2 - 7%, reduce costs from 10 - 25% and increase production coefficient by 2 - 4%.
This article introduces some results of digital technology application in the upstream sector, especially technologies to enhance oil recovery with low investment and little risk, which help optimise production techniques and increase profits in the short cycle.
Key words: Digital technology, automation, digital oilfields, enhanced oil recovery, Digital Oil RecoveryTM.