Theo thống kế, châu Âu tiêu thụ khoảng 500 tỷ m3 khí đốt/năm và sẽ tăng thêm 250-300 tỷ m3 khí đốt/năm trong 25 năm tới. Hiện nay, Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu và khoảng 30% lượng dầu mỏ nhập khẩu ở châu lục này. Sự lệ thuộc quá lớn này của châu Âu đã làm tổn hại đến những nỗ lực xây dựng một thị trường năng lượng chung châu Âu. Nó cũng không có lợi cho việc minh bạch hóa giá năng lượng và làm suy giảm khả năng trả giá dầu và khí đốt của châu Âu với Nga.
Thoát khỏi sự lệ thuộc năng lượng vào Nga là nỗi niềm khó bộc lộ của các nước châu Âu. Bởi thế, việc các nước này kỳ vọng lớn vào những dự án dầu, khí không dính dáng đến Nga là điều dễ hiểu. Dự án tuyến đường ống khí đốt Nabucco - hoàn toàn bỏ qua Nga, đi qua Thổ Nhĩ Kỳ và bán đảo Balkans, vận chuyển khí đốt từ khu vực Trung Á và Trung Đông thẳng sang châu Âu, được khởi động vào giữa năm 2009, là một trong những dự án như thế.
Dự án được sự hỗ trợ của Mỹ và EU này được đánh giá là "lá chắn năng lượng" của Mỹ và châu Âu, với mục đích chủ yếu là hạn chế sức mạnh của Mátxcơva trong lĩnh vực năng lượng. Các quan chức của châu Âu còn kỳ vọng "con đường tơ lụa đương đại" này sẽ giúp ích cho sự đa dạng hóa nguồn khí đốt và tuyến đường vận chuyển và đảm bảo an ninh năng lượng cho châu Âu.
Trong khi châu Âu còn đang hồ hởi với kế hoạch Nabucco, thì Nga đã kịp tiếp tục tái khẳng định vai trò của một cường quốc năng lượng tại khu vực với một "đại" dự án đường ống khí đốt mới - South Stream (Dòng chảy phương Nam). Mục tiêu là tăng thị phần trên thị trường năng lượng nhập khẩu của EU lên mức 60% trong những năm tới và dĩ nhiên sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Nabucco của người châu Âu.
Theo kế hoạch, South Stream sẽ vận chuyển khí đốt từ Nga xuyên qua Biển Đen đến Bulgaria, Italy và Áo, rồi lại từ đó sang các nước châu Âu khác. Theo tuyên truyền của Mátxcơva, South Stream không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu năng lượng của châu Âu, mà còn giúp tăng cường an ninh năng lượng cho khu vực bằng cách đa dạng hóa các hành trình vận chuyển, khiến cho việc cung cấp ổn định hơn, an toàn hơn. Tuy nhiên, theo giới phân tích, đây chỉ là một phần trong kế hoạch "gọng kìm" của Nga nhằm tăng cường sự kiểm soát đối với thị trường khí đốt châu Âu và đặt nền móng cho một cơ chế đảm bảo an ninh năng lượng tại đây.
Cùng với South Stream, Nga đang xúc tiến các dự án khác tới châu Âu. Người ta cho rằng, nước cờ của Nga trong vấn đề năng lượng không chỉ nhằm vô hiệu hóa dự án Nabucco mà còn khiến liên minh này tiếp tục cần tới Mátxcơva như là một nhà cung cấp nhiên liệu không thể thiếu.
Tất nhiên, trên bàn cờ địa - chính trị - năng lượng thế giới, dư luận và các nhà phân tích cho rằng, vì nhiều lý do Nabucco không có lợi thế trong cuộc đọ sức với South Stream. Nhưng Nabucco vẫn được coi là đối thủ đáng gờm, bởi Nabucco được cho là có thể giúp châu Âu thoát khỏi "sự bắt chẹt" của Nga. Tuy nhiên, thời sự nóng bỏng ở Libya bỗng nhiên đưa đến cho Nga một "cơ hội từ trên trời rơi xuống". Bởi vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi các quan chức nước này lập tức "mở chiến dịch" quảng bá và kêu gọi đầu tư cho South Stream.
Trong khi đó, tại Libya - nơi đang bảo đảm gần 7% nhu cầu tiêu dùng dầu mỏ cho EU (147 nghìn tấn/ngày đêm) đã giảm xuống mức 113.000 tấn/ngày đêm. Việc Libya sẽ ngừng hẳn cung cấp dầu cho châu Âu có thể chỉ là nay mai.
Tình thế buộc EU phải tìm kiếm nguồn cung thay thế và Nga là tất yếu. Tuy nhiên, theo báo Thương Gia (Nga), các công nhân khai thác dầu nước này chưa cam kết gia tăng việc cung cấp khí đốt cho châu Âu. Ở các Tập đoàn Rosnef, Gazprom và Lukoil, người ta nói rằng thậm chí vấn đề này còn chưa được thảo luận. Các nguồn tin từ các tập đoàn này giải thích, họ không có các nguồn để gia tăng việc khai thác. Một nhà thầu quốc tế bổ sung thêm, khả năng duy nhất để gia tăng việc xuất khẩu sang châu Âu là cắt giảm một phần khối lượng đang cung cấp cho Trung Quốc. Nhưng với Nga, đây là việc khó.
Thời gian sẽ trả lời, liệu Nga có thể đạt được những kết quả khả quan ở thị trường khí đốt châu Âu hay không? Tuy nhiên, việc cắt giảm xuất khẩu dầu và khí đốt của Libya với châu Âu có thể đã có những tác động rất lớn.
(Theo Kinh tế Việt Nam & Thế giới)