Thị trường ngày 20/10/2022
Các tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc đang có kế hoạch rút khỏi các dự án khai thác ở Anh, Mỹ và Canada vì lo ngại các lệnh trừng phạt. Công ty Equinor đang xem xét mua lại các mỏ dầu của CNOOC của Trung Quốc ở khu vực Biển Bắc của Anh với giá 2-2,8 tỷ USD, bao gồm cả cổ phần lớn trong mỏ dầu Buzzard. Thỏa thuận này có thể trở thành một trong những thỏa thuận lớn nhất trong những năm gần đây trên thềm lục địa UK. CNOOC từng mua lại tài sản Biển Bắc từ công ty Nexen của Canada vào năm 2013. Vào tháng 3 năm nay, Tập đoàn này đã thuê Bank of America để chuẩn bị cho việc bán tài sản với trị giá hơn 3 tỷ USD ở vùng Biển Bắc.

Indian Oil Corporation và Bharat Petroleum Corporation Limited đã đột ngột dừng việc mua dầu của Nga. Các công ty này chờ đợi sự rõ ràng về các biện pháp trừng phạt và cấm vận chống Nga. Giới phân tích đánh giá, đây có vẻ như đây là một thời điểm thích hợp để các công ty Nga tìm kiếm khả năng mua lại các nhà máy lọc dầu (hoặc xây dựng các cơ sở mới nói chung) ở các nước châu Á. Nga có thể cung cấp dầu của mình cho các nhà máy lọc dầu đó, sau đó, các sản phẩm dầu từ các nhà máy này sẽ được bán với thương hiệu "dầu diesel Ấn Độ" hoặc "xăng Trung Quốc" cho chính châu Âu, vốn sắp ngừng mua nhiên liệu của Nga. Hiện không có thông tin chính thức nào từ các công ty Nga về những động thái như vậy ở châu Á và quá trình đàm phán, thương lượng không diễn ra nhanh chóng. Mặt khác là có nhiều nhà máy lọc dầu của Nga đã bị "tịch thu" ở châu Âu, và những nhà máy còn lại (chưa bị tịch thu) sẽ sớm được bán hoặc thanh lý bởi chính các công ty Nga. 

DẦU THÔ

Theo Rystad Energy, khai thác dầu khí toàn cầu sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2022, đồng thời trữ lượng dầu đã được chứng minh trên toàn thế giới có thể sẽ cạn kiệt trong vòng 15 năm tới. Nhận định trên đã được Rystad Energy cảnh báo trong năm 2021, do sản lượng khai thác không được thay thế bằng những trữ lượng mới. Theo Rystad, trữ lượng dầu và khí đốt đã được kiểm chứng bởi những Big Oil như ExxonMobil, BP, Shell, Chevron, TotalEnergies, Eni đang suy giảm nhanh chóng. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc cắt giảm các khoản đầu tư dành cho lĩnh vực thăm dò. Trong năm 2020, các công ty dầu khí toàn cầu đã cắt giảm 34% đầu tư cho lĩnh vực này. 

Theo Tổng thư ký OPEC Al-Ghais, nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng 23%, từ 286 triệu boe/d (2021) lên 351 triệu boe/d vào năm 2045. Nhu cầu tiêu thụ chính của thế giới vẫn tập trung vào dầu mỏ. Đề cập đến quyết định giảm sản lượng của OPEC+, ông Al-Ghais cho biết, các thành viên của liên minh đã nhất trí về sự cần thiết phải thực hiện các bước chủ động để ngăn ngừa những cuộc khủng hoảng mới trong tương lai. Trong dài hạn, ngành dầu mỏ thế giới cần các khoản đầu tư có tổng trị giá lên tới 12100 tỷ USD. 

Chính quyền Mỹ có thể sẽ bơm ra ngoài thị trường thêm 10-15 triệu thùng dầu thô từ SPR. Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng, không ngoại trừ khả năng Mỹ sẽ bơm thêm dầu từ SPR ra thị trường sau quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu bpd của liên minh OPEC+ từ tháng 11 tới. Động thái của Mỹ được cho là nằm trong chiến lược bán ra 180 triệu thùng dầu từ SPR vào mùa xuân để tái cân bằng thị trường nhiên liệu. Trong bối cảnh đó, dự trữ dầu của Mỹ vào cuối tháng 9 vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1984, còn 427 triệu thùng. 

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ trong tháng 11 tới dự kiến tăng thêm 1,2% (tức khoảng 104.000 bpd) so với tháng 10, lên mức 9,105 triệu thùng.ngày. Sự phục hồi sản lượng sẽ tập trung ở 6/7 lưu vực khai thác đá phiến chính. Mức tăng sản lượng lớn nhất dự kiến sẽ ở lưu vực Permian, dự kiến tăng thêm 50.000 bpd, lên 5,453 triệu bpd. Các lưu vực khác sẽ đạt mức tăng nhẹ: Eagle Ford tăng 18.000 bpd; Bakken tăng 22.000 bpd; Niobrara tăng 6.000 bpd; Anadarko tăng 6.000 bpd; Appalachian tăng 2.000 bpd. Trước đó, Bộ Năng lượng Mỹ đã hạ dự báo sản lượng khai thác dầu trung bình của nước này trong năm 2022 xuống còn 11,75 triệu bpd. Bước sang năm 2023, sản lượng sẽ tăng lên 12,36 triệu bpd.

KHÍ ĐỐT & LNG

Báo giá khí đốt giao ngay tại châu Âu trong nửa đầu ngày 18/10 ghi nhận giảm xuống dưới mức 1200 USD/1000 m3 (giảm gần 10% so với ngày 17/10), đánh dấu mức thấp nhất kể từ ngày 15/6. Trước đó, trên sàn ICE (London), giá khí đốt trong ngày thứ hai (17/10) đã ở mức 1296,8 USD/1000 m3. Hiệu ứng “hạ nhiệt” báo giá khí đốt ở châu Âu xuất phát từ thông tin về tỷ lệ dự trữ khí đốt cao trong các cơ sở ngầm (UGS) ở EU. Theo số liệu từ Gas Infrastructure Europe, tỷ lệ này đã đạt trên 90%. 

Liên quan đến tình hình thị trường khí đốt tại EU, có thông tin cho rằng, một số nước thành viên của liên minh không ủng hộ đề xuất của EC về việc áp giá trần, thiết lập hành lang giá đối với khí đốt tại trung tâm TTF (Hà Lan). Trước đó, EC đã đề xuất thiết lập một cơ chế tạm thời và có thể áp dụng nếu cần thiết để hạn chế giá khí đốt quá cao tại TTF. 

Tờ The Wall Street Journal (WSJ) dẫn nguồn tin từ các nhà điều tra Đức cho biết, nguyên nhân dẫn đến các vụ nổ tại 3 nhánh đường ống của Nord Stream 1 & 2 là do phá hoại, song phía Đức chưa đưa ra cáo buộc chính thức đối với đối tượng cụ thể nào. Theo WSJ, các nhà điều tra Đức nhận định phía Nga đứng đằng sau các vụ nổ. Các thiết bị nổ đã được một con tàu thả xuống đáy biến và bị kích hoạt từ xa. Trong khi đó, tờ Expressen (Thụy Điển) đã công bố những bức ảnh về các đoạn đường ống bị nổ do một thiết bị lặn không người lái chụp từ độ sâu 80 m so với mực nước biển. Theo đó, ít nhất 50 m đường ống đã bị hư hại sau vụ nổ. Sức công phá của vụ nổ tương đương với một trận động đất có cường độ 2,3 độ richter. Liên quan đến vụ việc, trong khuôn khổ Diễn đàn Tuần lễ năng lượng Nga, Tổng thống V.Putin đã tuyên bố khả năng vận chuyển nguồn khí đốt bị mất từ vụ nổ Nord Stream đến châu Âu thông qua Biển Đen, đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm khí đốt hàng đầu châu Âu. Phó Thủ tướng Nga A.Novak nhận định, phía Nga có thể cung cấp 63 tỷ m3/năm cho châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. 

Việc Tây Ban Nha thiếu hụt năng lực tái hóa khí khiến hàng chục tàu chở LNG xếp hàng dài trên biển do chưa thể chuyển nhiên liệu lên bờ. Thống kê cho thấy, có hơn 35 tàu LNG đang chờ ngoài khơi bán đảo Iberia và 8 chiếc nữa neo đậu ngoài khơi Vịnh Cadiz. Theo Reuters, Tây Ban Nha chỉ đủ khả năng tái hóa khí cho 6 tàu tại các cảng tiếp nhận của mình trong tuần này. Trước đó, công ty dầu khí và là nhà điều hành hệ thống truyền dẫn khí đốt Enegas (Tây Ban Nha) cho biết, hãng có thể buộc phải ngừng quá trình tiếp nhận LNG do tình trạng quá tải tại các thiết bị tái hóa khí của mình. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn do nhu cầu khí đốt yếu, chủ yếu từ lĩnh vực công nghiệp của Tây Ban Nha, cũng như tiêu thụ khí thấp hơn trong bối cảnh thời tiết ấm áp tại nước này. Ngoài ra, giá LNG dự kiến sẽ gia tăng khi mùa đông đến gần, phát sinh tâm lý găm hàng, chờ giá cao của một số chủ tàu. Tây Ban Nha hiện có năng lực tái hóa khí lớn nhất trong EU, chiếm 33% tổng công suất tái hóa khí toàn EU. 

Đại diện chính thức của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ những nỗ lực của nước này trong việc tạo ra một trung tâm khí đốt quốc tế (hub) nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng cho châu Âu. Trước đó, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga V.Putin ngày 13/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết, cần lên kế hoạch xây dựng hub khí đốt càng sớm càng tốt. Vị trí xây dựng thích hợp nhất là khu vực Thrace, thuộc phần lãnh thổ châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại, dự án Turkstream, gồm 2 nhánh đường ống đang vận hành với công suất 31,5 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Nhánh thứ nhất đang cung cấp khí đốt cho thị trường nội địa của Thổ Nhĩ Kỳ, còn nhánh thứ hai cung cấp khí đốt cho khu vực Nam Âu và Đông Nam Âu (đến Bulgaria, Serbia và xa hơn nữa là đến Hungary). Theo quan điểm của Gazprom, việc xây dựng thêm 2 đường ống TurkStream sẽ thích hợp hơn về thời gian, hiệu quả kinh tế và an toàn hơn là việc khôi phục các nhánh đường ống khí đốt bị hư hỏng Nord Stream 1 & 2. 
Giới chuyên gia nhận định, sẽ có những trở ngại nhất định đối với việc xây dựng. Thứ nhất là vị thế chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ về mặt lịch sử là không ổn định. Nếu đường lối chính trị của nước này thay đổi một lần nữa, họ sẽ dễ dàng từ bỏ các dự án của Nga. Thứ hai, về mặt kỹ thuật, việc đặt đường ống ở độ sâu 2,15 km là một quy trình kỹ thuật cực kỳ phức tạp. Các tàu chuyên dụng có khả năng giải quyết vấn đề này lại không có sẵn cho Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Việc đặt đường ống Nord Stream 2 được thực hiện bởi các tàu Nga, nhưng độ sâu ở Biển Baltic là thấp hơn nhiều so với Biển Đen. Thứ ba là sự sẵn có các thiết bị công nghệ cao hiện vẫn còn bỏ ngỏ. 

 
Bộ trưởng Năng lượng Qatar kiêm Lãnh đạo tập đoàn dầu khí QatarEnergy Saad al-Kaabi cho biết, hãng đang nỗ lực mở rộng hoạt động sản xuất và kinh doanh khí đốt, nhưng sẽ không chuyển hướng xuất khẩu LNG cho các khách hàng châu Á đã ký kết hợp đồng sang châu Âu vào mùa đông này. Bất chấp những yêu cầu từ bên ngoài, QatarEnergy cam kết tuyệt đối với các hợp đồng hiện có. Trong khi đó, kế hoạch mở rộng giai đoạn hai dự án North Dome (South Pars) sẽ bao gồm 6 dây chuyền sản xuất LNG, cho phép tăng công suất hóa lỏng của nước này từ 77 triệu tấn/năm lên đến 126 triệu tấn/năm vào năm 2027. 

Chi phí vận chuyển LNG trên thế giới bắt đầu tăng kể từ tháng 3, khi EU công bố quyết định mua LNG từ Mỹ, Trung Đông và châu Á, thay vì đường ống dẫn khí đốt của Nga. Các kỷ lục về giá cước được cập nhật liên tục và sẽ còn tiếp tục tăng giá vào mùa đông này. Theo các nhà môi giới vận tải, giá thuê tàu chở LNG từ Texas đến Bắc Âu dự báo sẽ đạt mức kỷ lục là 500.000 USD vào cuối tháng 10. Từ đầu năm nay, giá cước vận chuyển khí đốt đã tăng gấp 6 lần. Gần 40 tàu chở LNG đang chạy dọc các nước EU để chờ dỡ hàng, nhưng EU không có đủ công suất để tiếp nhận. Ngay cả khi sắp được tiếp nhận thì bên bán không vội dỡ các tàu chở LNG vì chờ đợi giá khí tăng khi thời tiết chuyển lạnh với kỳ vọng bù đắp chi phí vận chuyển và thời gian ngừng hoạt động. Ngoài ra, giá cũng đang tăng do Trung Quốc quyết định ngừng cung cấp LNG dư thừa cho châu Âu và các thị trường khác.

Các cơ quan chức năng của Hà Lan đã trả lại giấy phép xuất khẩu cho công ty South Stream Transport B.V – nhà điều hành đường ống khí đốt Turkstream, đăng ký pháp nhân tại Hà Lan. Trước đó, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng, công ty South Stream Transport B.V đã bị thu hồi giấy phép xuất khẩu trong khuôn khổ lệnh trừng phạt mới của EU đối với Nga (18/9). Phía công ty đã cam kết với khách hàng về đảm bảo nguồn khí đốt qua Turkstream sẽ không bị ảnh hưởng, đồng thời đã nộp đơn lên các cơ quan chức năng Hà Lan xin gia hạn giấy phép xuất khẩu để đảm bảo an ninh năng lượng cho châu Âu. 

Đại sứ Pakistan tại LB Nga Ali Khan cho biết, chính quyền nước này đang đàm phán với Nga về việc cung cấp LNG cho Pakistan. Trong năm 2022, Pakistan đã phải đối mặt với tình trạng mất điện nghiêm trọng sau nhiều nỗ lực không thành công trong việc mua khí đốt trên thị trường giao ngay. Nhiều lô LNG giao ngay đã được chuyển đến châu Âu, nơi người mua sẵn sàng trả giá cao để thay thế cho nguồn cung khí đốt từ Nga. Vì lý do này, các nước đang phát triển đang phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng và bất ổn kinh tế trong nhiều năm. Pakistan đang phải vật lộn với lạm phát cao và dự trữ ngoại hối sụt giảm. Theo Kepler, trong 7 tháng đầu năm 2022, nước này đã nhập khẩu 4,25 triệu tấn LNG, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2021. Theo IEA, lĩnh vực điện khí hiện chiếm khoảng 46% sản lượng điện của Pakistan. Về phía Nga, nước này sẽ hỗ trợ hoàn thành xây dựng các đường ống dẫn khí đốt từ Iran đến Pakistan, cũng như cơ sở hạ tầng khí đốt ở Pakistan. 

Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc – cơ quan kinh tế chính của nước này, đã chỉ đạo các tập đoàn PetroChina, Sinopec và CNOOC ngừng bán LNG cho châu Âu và các thị trường khác, để lại hàng hóa phục vụ nhu cầu nội địa trong mùa đông tới. Động thái này của chính quyền Trung Quốc có thể khiến cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trở nên trầm trọng hơn trong trường hợp thời tiết mùa đông khắc nghiệt. Trước đó, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin rằng, trong bối cảnh nhu cầu trong nước thấp, các công ty Trung Quốc đang bán lại LNG của Mỹ cho thị trường châu Âu để kiếm lợi nhuận. 

04 quốc gia châu Phi (Nigeria, Morocco, Senegal và Mauritania) mới đây đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nigeria - Morocco với công suất thiết kế 30 tỷ m3/năm. Khi hoàn thành, đường ống sẽ chạy dọc theo bờ biển Tây Phi từ Nigeria đến Morocco, trung chuyển qua Senegal và Mauritania. Đường ống khí đốt mới sẽ kết nối với đường ống Madrid - Europe, sau đó vào mạng lưới khí đốt châu Âu. Đường ống dự kiến sẽ có chiều dài lớn nhất thế giới với 5660 km. 

XĂNG & ĐIỆN

Dự trữ nhiên liệu diesel và các loại sản phẩm chưng cất khác không ngừng giảm ở nhiều nước trên thế giới và chưa thấy dấu hiệu đảo ngược xu hướng này. Nhu cầu tiêu thụ dầu diesel không suy yếu, vì vậy các trader và các công ty nhà nước, đặc biệt ở các nước phương Tây, đều không vội vàng lấp đầy các cơ sở lưu trữ. Mỹ đã bắt đầu hớt tay trên các lô hàng dầu diesel ban đầu được xuất sang EU ngay trên lộ trình, ít nhất có ghi nhận 3 trường hợp trong tháng này. Tại EU, sản lượng tại các nhà máy lọc dầu đã giảm đáng kể. Các cuộc đình công ở Pháp đương nhiên đã làm giảm công xuất chế biến, nhưng thị trường dầu diesel có những khó khăn ngay cả trước khi diễn ra các cuộc biểu tình. Tồn kho sản phẩm chưng cất tại Mỹ giảm xuống còn 106 triệu thùng – mức thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 1982. Các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ sắp đi vào hoạt động sau khi dừng để bảo trì, còn các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã được cấp hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu lớn nhất. Như vậy, các nhà máy sản xuất tại châu Á sẽ bán hàng ra ngay thị trường vào không chuyển vào lưu trữ. Như vây, khủng hoảng giá có thể xảy ra nếu nhu cầu tăng mạnh.

Thủ tướng Đức O.Scholz đã ra chỉ thị đối với các Bộ kinh tế, Bộ Môi trường và An toàn hạt nhân, Bộ Tài chính chuẩn bị cơ sở pháp lý để gia hạn hoạt động của ba nhà máy điện hạt nhân Isar-2, Neckarwestheim-2 và Emsland (ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng còn hoạt động tại Đức) đến ngày 15/4/2023. Trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức R. Habeck chỉ đề xuất gia hạn hoạt động 2 trong 3 nhà máy điện hạt nhân nêu trên. Theo kế hoạch ban đầu, 3 nhà máy điện hạt nhân sẽ dừng hoạt động từ ngày 01/01/2023. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, nhiều bên tại Đức đã kêu gọi gia hạn hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân nhằm tránh rủi ro thiếu hụt năng lượng trong mùa đông tới. 

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Dzhavad Oudzhi mới đây cho biết, nước này đã tái khởi động hoàn toàn nhà máy lọc dầu El Palito tại Venezuela (công suất vận hành hiện tại chỉ đạt 100.000 bpd, thấp hơn công suất thiết kế là trên 140.000 bpd). Hoạt động của nhà máy El Palito đã phải tạm dừng một phần sau vụ hỏa hoạn lớn xảy ra năm 2017. Việc tái khởi động nhà máy nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện 20 năm giữa Chính phủ Iran và Venezuela, ký kết vào tháng 6/2022. Theo đó, phía Iran cũng đang hỗ trợ Venezuela hiện đại hóa nhà máy lọc dầu Cardon, công suất 310.000 bpd. 

Tập đoàn dầu khí nhà nước Indonesia Pertamina và tập đoàn dầu khí Rosneft đang tiếp tục triển khai dự án liên doanh Tổ hợp lọc và hóa dầu Tuban tại Indonesia. Theo đại diện của Pertamina, dự án có tổng mức đầu tư vào khoảng 24 tỷ USD. Tổ hợp sẽ nằm trên đảo Java, bao gồm 14 dây chuyền sản xuất nhiên liệu ô tô, 7 dây chuyền sản xuất các sản phẩm hóa dầu. Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn thiết kế, mua sắm và lựa chọn nhà thấy. Công trình dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2027. 

Chính quyền Mỹ có thể áp đặt giới hạn hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu để bình ổn giá xăng dầu trong nước. Giá xăng tại Mỹ đã tăng đáng kể từ đầu năm 2022 trong bối cảnh giá dầu toàn cầu tăng. Đến tháng 6, giá xăng tại Mỹ đã chạm mốc 5,016 USD/gallon (3,785 lít). Sau đó, chính quyền Mỹ đã nỗ lực “hạ nhiệt” giá xăng dầu trong nước bằng việc bơm dầu thô từ SPR ra thị trường, giúp giá giảm xuống dưới 4 USD/gallon. 

LB NGA

LB Nga giữ vị trí thứ ba trên thế giới về sản lượng dầu mỏ. Mỹ và KSA lần lượt xếp thứ nhất và thứ hai. Tháng 8, LB Nga đã giảm sản lượng dầu xuống 10,599 triệu bpd, trong khi KSA tăng sản lượng lên 11,051 triệu bpd và Mỹ lên 12,09 triệu bpd. Tổng cộng, từ tháng 01-08/2022, Nga đã sản xuất 353,8 triệu tấn dầu, cao hơn 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, trong tháng 8, sản lượng khai thác dầu ở Liên bang Nga tăng 2,1% (yoy), lên 45 triệu tấn.

Theo kết quả sản xuất kinh doanh 9,5 tháng đầu năm 2022, Gazprom đã giảm sản lượng khai thác khí 18% so với cùng kỳ năm 2021. Giao khí đốt qua hệ thống truyền tải giảm 5,2%. Xuất khẩu khí đốt sang các nước ngoài CIS chỉ đạt 89,3 tỷ m3, giảm 41,4% so với cùng kỳ 2021. Ngày 19/10, Hội đồng quản trị của Gazprom đã thông qua việc tăng 13% ngân sách cho chương trình đầu tư năm 2022, lên mức kỷ lục 1980 tỷ rúp (khoảng 32 tỷ USD).

Lý dó trực tiếp dẫn đến tạm dừng khai thác dầu khí tại dự án PSC Sakhalin 1 là do nhà điều hành dự án Exxon Neftegaz (công ty con của ExxonMobil, tham gia 30% dự án) từ chối sử dụng các tàu chở dầu của Sovcomflot cho dự án, sau khi Sovcomflot bị mất quyền bảo hiểm từ các công ty bảo hiểm của phương Tây (International Group of P&I Clubs) do cấm vận. Phía Sovcomflot đã giới thiệu công ty bảo hiểm Ingosstrax của Nga thay thế, song phía Exxon Neftegaz từ chối. Trước đó vào tháng 3/2022, Exxon Neftegaz đã rút khỏi Liên bang Nga do xung đột quân sự Nga - Ukraine. Đến cuối tháng 4/2022, công ty này tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với dự án Sakhalin 1, khiến sản lượng khai thác sụt giảm và dự án ngừng khai thác từ tháng 5. Đến tháng 10/2022, Tổng thống Nga V.Putin đã ký sắc lệnh về chuyển tài sản của dự án cho một pháp nhân mới của Nga là LLC Sakhalin 1, đồng thời chuyển giao quyền điều hành Sakhalin 1 từ Exxon Neftegaz sang Rosneft (đơn vị tham gia 20% dự án). 

Sau khi thành lập LLC Sakhalin 1, trong vòng 30 ngày, các cổ đông nước ngoài của dự án phải thông báo cho Chính phủ Nga về việc rút khỏi hay ở lại dự án. Trong trường hợp rút khỏi dự án, cổ phần tham gia dự án của đối tác nước ngoài sẽ bị chính quyền Nga rao bán. Tính đến thời điểm này, ExxonMobil (17/10) đã xác nhận việc rút khỏi Nga. Công ty dầu khí ONGC Videsh (Ấn Độ) dự kiến sẽ duy trì cổ phần của mình, tức ở lại dự án. Phía Sodeco (Nhật Bản) - đơn vị tham gia 20% cổ phần dự án, đang trong quá trình thu thập thông tin và dự kiến đưa ra quyết định rút khỏi/ở lại dự án vào ngày 12/11 tới. Theo nhận định của các chuyên gia của Kommersant, cổ phần tham gia dự án của ExxonMobil sẽ bị chuyển giao cho Rosneft. Bản thân ExxonMobil cũng đã ước tính thiệt hại từ việc mất cổ phần tại đây vào khoảng 3,4 tỷ USD. 

Rosneft đã mở rộng hoạt động kinh doanh cho thuê tàu chở dầu của mình để tạo điều kiện giao hàng cho người mua trong bối cảnh lệnh cấm vận chuyển dầu mỏ Nga bằng đường biển sẽ có hiệu lực từ ngày 05/12 tới. Trước đây, Rosneft tập trung xuất khẩu dầu theo phương thức FOB, tức là bản thân người mua dầu phải tìm tàu chở dầu, trả cước phí, bảo hiểm cho chuyến hàng. Với lệnh cấm của EU đối với việc bảo hiểm các tàu chở dầu của Nga, các khách hàng của Rosneft đang đề nghị tập đoàn đảm bảo giao hàng đến điểm cuối cùng và chi trả các chi phí bảo hiểm và vận chuyển hàng hóa (tức phương thức CIF). Việc này sẽ giúp những khách hàng của Rosneft nằm ngoài khu vực bị trừng phạt tránh được việc giao hàng chậm trễ. Theo Reuters, Rosneft đang sử dụng công ty con Rosnefteflot để đảm bảo giao hàng cho người mua. Rosnefteflot đang quản lý đội tàu chở dầu cho Rosneft và RN-Bunker, trong đó có 2 tàu lớp Aframax cỡ lớn (tải trọng trên 114.000 tấn/tàu). 

Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, trong tháng 6/2022, Rosneft đã thuê tàu chở dầu lớp Suezmax 140.000 tấn đầu tiên để vận chuyển dầu Urals từ Biển Đen đến Ấn Độ. Do khối lượng giao hàng theo hướng châu Á tăng, trong tháng 10 này, Rosneft đã thuê các tàu chở dầu để giao 1 triệu tấn dầu Urals cho khách hàng. Ngoài ra, Rosnefteflot đã thuê thêm tàu trên thị trường mở từ Ấn Độ đến Cuba và thường xuyên sử dụng tàu chở dầu của Sovcomflot. Các tàu chở dầu khác do Rosnefteflot thuê đã giao dầu cho Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp, Cuba trong những tháng gần đây. Xuất khẩu dầu Urals của Nga sang châu Á trong 9 tháng đầu năm đã tăng 6 lần so với cùng kỳ 2021. Riêng xuất khẩu dầu thô Nga vào thị trường Ấn Độ đã tăng 13,5 lần trong 8 tháng đầu năm. Trong giai đoạn từ tháng 5-7/2022, Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc. 

PHÁT TRIỂN

BP sẽ mua lại công ty sản xuất khí đốt thiên nhiên tái tạo (RNG) hàng đầu của Mỹ Archaea Energy với giá 4,1 tỷ USD. Thương vụ được đánh giá là lớn nhất từ trước tới nay, vượt qua thương vụ 3,15 tỷ USD của tập đoàn Chevron đối với công ty sản xuất dầu diesel sinh hoạt Renewable Energy vào đầu năm 2022. Khí thiên nhiên tái tạo (RNG) hay còn được gọi là khí sinh học, được thu hồi từ chất thải hữu cơ trong các bãi chôn lấp hoặc trong các trang trại gia súc, gia cầm. Hiện tại, Archaea đang vận hành 50 nhà máy RNG trên khắp nước Mỹ. Lãnh đạo BP Bernard Looney nhận định, mục tiêu của BP là nâng sản lượng của Archaea lên 30.000 boe/d vào năm 2030. Các công ty tiện ích và vận tải đang tìm cách giảm lượng khí thải carbon và nhu cầu sử dụng khí sinh học làm nhiên liệu ngày càng gia tăng. Đến năm 2050, lĩnh vực khí sinh học sẽ tăng trưởng gấp 25 lần so với hiện tại.