Thị trường ngày 17/10/2022
Rystad Energy nhận định, đầu tư cơ bản vào lĩnh vực NLTT năm 2022 sẽ vượt dầu khí, đạt 494 tỷ USD so với 446 tỷ USD, và đặc biệt hấp dẫn khi giá điện thị trường spot tại Đức, Pháp, Ý và Anh cao cho phép giảm thời gian thu hồi vốn xuống còn 12 tháng.

Chỉ số lạm phát Mỹ (CPI) tháng 9 giảm nhẹ xuống 8,2% (y/y), tuy nhiên, đáng chú ý, chỉ số lạm phát cơ sở (core CPI) không bao gồm thực phẩm và năng lượng tiếp tục tăng lên 6,6% – cao nhất kể từ năm 1982. Thực tế này càng củng cố nhận định về việc Fed sẽ tiếp tục tăng mạnh 0,75% LSCB trong kỳ họp tháng 11 tới. Cùng kỳ, CPI tại Đức cũng tăng lên mức cao kỷ lục – 10,9%/năm.

 
Đối mặt với tình trạnh giá năng lượng cao và khả năng cắt điện trong mùa đông tới, EU đang xem xét nới lỏng các quy định về chặt rừng và khuyến khích người dân đốt củi để sưởi ấm nhà. Tại Rumania, nơi có đến hơn nửa dân số dùng củi để sưởi ấm, chính phủ đưa ra hạn chế giá củi có thể dẫn đến việc chặt gỗ trái phép, còn tại Slovakia việc chặt gỗ trái phép và ăn cắp gỗ đã bắt đầu diễn ra. Hungary vào tháng 8 đã dỡ bỏ các quy định bảo vệ rừng được bảo tồn khỏi khai thác gỗ, trong khi Latvia cho phép chặt cây non. Nhiều người tại Ba Lan đã bắt đầu dự trữ củi để đề phòng mùa đông. 


Bong bóng BĐS Trung Quốc nếu đổ vỡ sẽ gây ra thảm họa nặng nề cho nền kinh tế lớn thứ 2 và cả thế giới nói chung trong nhiều năm tới. Quy mô thị trường nhà đất Trung Quốc ước tính chiếm 27-28% GDP và 40% của cải người dân, bao gồm 2.400 tỷ USD phân khúc nhà mới và 52.000 tỷ USD thị trường thứ cấp. Kinh tế Trung Quốc gần đây tiếp tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm lại, một trong những nguyên nhân chính là thị trường BĐS đình trệ bắt đầu từ tháng 7/2021 đến nay, kéo theo chuỗi sản xuất cung ứng vật liệu xây dựng, nội thất, cũng như cắt giảm hàng triệu việc làm.

Đại hội ĐCS Trung Quốc khóa XX đã khai mạc ngày 16/10, dự kiến ông Tập Cận Bình tiếp tục lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ sớm có những biện pháp cứng rắn hơn đối với Đài Loan (tranh thủ thời điểm phương Tây tập trung trừng phạt LB Nga). Ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ thúc đẩy tích cực và có hệ thống việc đạt tính trung lập CO2. Theo ông, cần phải tuân thủ nguyên tắc "trước tiên đưa cái mới vào, sau đó mới bỏ cái cũ". Nhìn chung, Trung Quốc sẽ tiếp cận vấn đề chuyển đổi năng lượng một cách hợp lý, không từ bỏ các nguồn truyền thống, tăng hiệu quả sử dụng, tích cực phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo mới. 

DẦU THÔ

OPEC trong báo cáo thị trường (MOMR) tháng 10 đã hạ -0,6 triệu bpd dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô thế giới năm 2022 xuống còn 99,7 triệu bpd và -0,5 triệu bpd đối với năm 2023 xuống còn 102,2 triệu bpd, nguyên nhân chủ yếu do tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, cấm vận LB Nga và giá năng lượng cao. Theo OPEC, nhu cầu đối với nguồn cung OPEC ước tính đạt 28,15 triệu bpd so với sản lượng 29,8 triệu bpd trong tháng 9 cho thấy, quyết định cắt giảm hạn ngạch 2 triệu bpd của OPEC+ là hoàn toàn có cơ sở. Trong khi nguồn cung khối non-OPEC ước tính giảm nhẹ -0,2 triệu bpd xuống 65,6 triệu bpd, năm 2023 – 67,1 triệu bpd, chủ yếu nhờ sản lượng Mỹ, Canada, Trung Quốc, Guyana và Brazil gia tăng.

Bên cạnh đó, IEA nhận định, nhu cầu dầu thô thế giới năm 2022 đạt 99,6 triệu bpd (+1,9 triệu bpd so với năm 2021), năm 2023 – 101,3 triệu bpd (+1,7 triệu bpd) thấp hơn -60.000 bpd và -470.000 bpd tương ứng so với dự báo trước đó. Nguyên nhân chủ yếu do lạm phát, suy thoái kinh tế và nguồn cung dầu thô OPEC+ sụt giảm khoảng -1 triệu bpd sau quyết định cắt giảm hạn ngạch khai thác từ tháng 11. Số liệu tháng 9 cho thấy, sản lượng khai thác thực tế đã tăng 30.000 bpd lên 38,8 triệu bpd, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu cho phép -3,44 triệu bpd. Sản lượng khai thác LB Nga đạt 9,74 triệu bpd, xuất khẩu dầu mỏ đạt 7,5 triệu bpd (-230.000 bpd), doanh thu đạt 15,3 tỷ USD (-3,2 tỷ USD). 


Mexico đã mua bảo hiểm để đảm bảo nguồn thu từ giá dầu thô xuất khẩu ở mức 75 USD/thùng cho 6 tháng đầu năm 2023. Theo nguồn Bloomberg, chi phí bảo hiểm qua quỹ Hacienda Hedge tốn khoảng 1 tỷ USD/năm, nhưng bù lại, đã đem lại lợi nhuận cho Mexico 2,4 tỷ USD trong năm 2020 và 6 tỷ USD năm 2015 khi giá dầu thế giới sụt giảm mạnh mẽ. 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ đề xuất áp giá trần dầu thô LB Nga xuất khẩu ở mức quanh 60 USD/thùng, cho phép hạn chế nguồn thu dầu mỏ, đồng thời đủ cao để đảm bảo duy trì sản xuất. Các quốc gia G7 có kế hoạch áp dụng trần giá dầu thô đối với LB Nga từ ngày 05/12, cùng thời điểm với gói trừng phạt thứ 8 EU có hiệu lực. Bên cạnh đó, Mỹ cho biết không có kế hoạch áp dụng lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các giao dịch dầu mỏ LB Nga vượt giá trần, nhưng những giao dịch này sẽ không được sử dụng dịch vụ tài chính/vận tải/logistics phương Tây. Mặt khác, bộ Tài chính Mỹ cũng lưu ý, nước này không có ý định lạm dụng các biện pháp trừng phạt có thể làm suy yếu vai trò đồng USD như một loại tiền dự trữ thế giới. LB Nga đã từng cảnh báo sẽ ngừng xuất khẩu dầu thô sang các thị trường tuân thủ giá trần, cũng như khí đốt, trong trường hợp EU quyết định áp trần giá.

KHÍ ĐỐT & LNG

Phát triển ý tưởng đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm phân phối/giao dịch khí đốt LB Nga mới châu Âu thay thế Đức được Tổng thống V. Putin tuyên bố tại diễn đàn Tuần năng lượng (REW), 2 nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và LB Nga đã có cuộc gặp trực tiếp tại Astana – thủ đô Kazakhstan ngày 13/10 để thảo luận sâu hơn. Sau cuộc gặp này, Tổng thống T. Erdogan cho biết, một trung tâm khí đốt quốc tế sẽ được thành lập tại nước này trong thời gian sớm nhất, địa điểm thích hợp là khu vực Thrace, phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ. Việc xây mới đường ống dẫn khí qua biển Đen, thay thế Nord Stream 1 & 2 với tổng công suất 110 tỷ m3/năm, sẽ nâng vị thế Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đảm bảo an ninh năng lượng châu Âu, đồng thời cho phép thu hàng tỷ USD từ tái xuất khẩu khí đốt như Đức từng làm.

Hiện nay, Gazprom đang cung cấp khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ thông qua 2 đường ống Blue Stream (16 tỷ m3/năm, chỉ dành riêng cho nước này) và TurkStream (31,5 tỷ m3/năm) bao gồm 2 nhánh, 1 nhánh cho Thổ Nhĩ Kỳ, 1 nhánh cho châu Âu. Việc chuyển hướng xuất khẩu hơn 82 tỷ m3/năm thay thế 3/4 nhánh Nord Stream 1 & 2 cần đầu tư xây đường ống mới qua biển Đen. Quá trình này sẽ nhanh hơn rất nhiều so với xây dựng qua biển Baltic, chỉ đi qua LB Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, ngắn hơn Nord Stream khoảng 100 km. 

Theo nhận định của Gazprom, Nord Stream 1 gần như bị phá hủy hoàn toàn, chi phí sửa chữa (thay mới) sau khi bị ngập nước đoạn dài rất tốn kém, LB Nga đến nay vẫn chưa được tiếp cận kết quả điều tra/hiện trường các vụ nổ. Ngoài khí đốt Gazprom, Thổ Nhĩ Kỳ đang trung chuyển hơn 10 tỷ m3 khí đốt Azerbaijan mỗi năm sang thị trường EU, tương lai có thể tăng lên 20 tỷ m3.

Châu Âu đang tích cực chuẩn bị cho mùa đông 2022-2023 sắp tới. Tỷ lệ dự trữ hệ thống kho chứa khí đốt ngầm (UGS) đạt trung bình trên 91% (tương đương 100 tỷ m3), tại nhiều quốc gia thành viên gần 100% như Pháp – 98%, Đức – 94%, Ý – 93%, Tây Ban Nha – 92%, Hà Lan – 93%, Ba Lan – 98%, Romania – 89%. Chi phí phụ trội phát sinh nhập khẩu khí đốt năm 2022 ước tính lên tới 300-350 tỷ EUR. Tình trạng thiếu hụt khí đốt châu Âu năm nay sẽ phụ thuộc vào thời tiết mùa đông tới, theo kinh nghiệm hàng năm (mùa đông lạnh vừa phải), khối lượng hút ròng UGS trung bình khoảng 5 tỷ m3/tuần, với điều kiện nhập khẩu duy trì ổn định ở mức 8,5-9 tỷ m3/tuần. 

Hiện nay, châu Âu đang nhập từ tất cả các nguồn khoảng 7 tỷ m3/tuần (Na Uy, Algeria ở mức tối đa). Riêng LNG, nếu vơ vét, có thể tăng thêm 0,7-1 tỷ m3/tuần. Không có nguồn cung Gazprom bổ sung, thiếu hụt khí đốt của EU có thể lên tới gần 1 tỷ m3/tuần. Như vậy, châu Âu hoàn toàn có khả năng sống sót qua mùa đông này cùng với việc cắt giảm 15-20% tiêu thụ, đồng nghĩa với quá trình phi công nghiệp hóa kinh tế. Khó khăn thực sự dự báo có thể đến với châu Âu vào mùa đông 2023-2024.


XĂNG & ĐIỆN

Chính phủ Pháp đã buộc TotalEnergies đáp ứng yêu cầu người biểu tình, tăng lương tương ứng lạm phát trước nguy cơ toàn bộ ngành năng lượng nước này bị tê liệt. Không chỉ riêng xăng dầu, hiện hơn 60% công suất lọc dầu cả nước bị ngừng hoạt động từ ngày 27/09 khiến 2.500 cây xăng không còn hàng bán, 2.000 cây xăng chứng kiến tình trạng khan hiếm (phân phối theo định mức 50 EUR, ~20 lít/xe), tổng cộng chiếm hơn 30% hệ thống bán lẻ. Ngoài ra, Liên đoàn Mỏ và Năng lượng Quốc gia (FNME-CGT) kêu gọi nhân viên toàn bộ ngành năng lượng hạt nhân, không chỉ riêng các nhà máy điện hạt nhân, tham gia đình công cùng công nhân ngành xăng dầu. Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất đất nước Gravelines đã bắt đầu đình công từ ngày 13/10. Đến nay, 6 trên 18 nhà máy điện hạt nhân Tập đoàn EDF đình công. Kể từ ngày 18/10, toàn bộ công nhân ngành năng lượng Pháp có kế hoạch bắt đầu đồng loạt đình công đòi tăng lương.

Theo một cuộc khảo sát của Facile, khoảng 4,7 triệu người Ý (khoảng 10,7% dân số) không thanh toán được ít nhất một hóa đơn điện và khí đốt vào năm 2022 trong bối cảnh giá năng lượng tăng. 62% người được hỏi cho biết lần đầu tiên để xảy ra lỡ hạn thanh toán, trong đó 11,5% người dân miền trung và 11,2% dân miền nam và dân cư trên các đảo nước này. Ngoài ra, 3,3 triệu người Ý cho biết nếu giá tiếp tục tăng, họ có thể sẽ không có khả năng thanh toán hóa đơn tiền điện tiếp theo.

Nhật Bản đang nghiên cứu khả năng bỏ giới hạn 60 năm đối với hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân (NPP) đặt tại nước này. Theo luật, tuổi thọ tối đa của lò phản ứng tại các nhà máy điện hạt nhân được giới hạn trong 40 năm, nhưng có thể được gia hạn thêm 20 năm nữa với điều kiện tuân thủ tất cả các yêu cầu và có kiểm soát. Vào tháng 08/2022, Chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch nâng số lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động ở nước này lên 17, đưa vào vận hành 7 trong số các tổ máy điện hạt nhân đã ngừng hoạt động vào mùa hè năm 2023. Việc đột ngột quay lại điện hạt nhân hơn một thập kỷ sau thảm họa Fukushima là do nguy cơ thiếu điện ở nước này. Thủ tướng Kishida ủng hộ tiềm năng phát triển và xây dựng các lò phản ứng mới tránh thiếu hụt điện và hạn chế sự phụ thuộc của vào nhập khẩu năng lượng. 

LB NGA

Ủy ban Ngân sách và Thuế Hạ viện (Đuma) LB Nga khuyến nghị thông qua dự luật tăng hơn 2.000 tỷ RUB (33 tỷ USD) nguồn thu thuế từ lĩnh vực dầu khí trong giai đoạn 2023-2025, bao gồm tăng 50 tỷ RUB (830 triệu USD)/tháng thuế khai thác tài nguyên đối với Gazprom từ tháng 01/23, dự kiến đem lại nguồn thu 1.800 tỷ trong vòng 3 năm và tăng thuế KTTN đối với khai thác dầu thô, tổng cộng 629 tỷ RUB (10,5 tỷ USD).

Phó Thủ tướng Liên bang Nga Novak công bố kế hoạch mở rộng công suất cảng của nước này thêm 40 triệu tấn dầu mỗi năm. Điều này cấp thiết nhằm thay thế cho việc vận chuyển dầu tới EU thông qua đường ống Druzhba. Ông Novak tin rằng việc mở rộng đường ống dẫn chính cũng sẽ cho phép Liên bang Nga định hướng lại nguồn cung dầu, bao gồm cả sang khu vực phía Đông. Thời hạn thực hiện các công việc chưa thể nêu ra, tuy nhiên, ông Novak cho biết một số công tác đã được tiến hành và cần cho Transneft đầu tư hạ tầng cơ sở với tổng chi phí khoảng 2-3 tỷ USD.

Sau sắc lệnh của Tổng thống V.Putin ngày 07/10, Chính phủ LB Nga vừa ban hành quyết định thành lập công ty Sakhalin-1, đăng ký tại thành phố Nam-Sakhalinsk. Toàn bộ quyền/nghĩa vụ nhà điều hành hiện tại Exxon Neftegas Ltd được chuyển giao cho doanh nghiệp mới này. Rosneft sở hữu 20% trong dự án khai thác dầu thô Sakhalin-1 được chính phủ chỉ định quản lý, điều hành công ty mới thành lập, 80% cổ phần còn lại (tạm thời chuyển giao cho công ty TNHH Sakhalin-1) sẽ cần các cổ đông hiện hữu đăng ký chuyển đổi sang pháp nhân mới hoặc từ chối tiếp tục tham gia trong vòng 30 ngày tới.

OPEC dự báo, sản lượng khai thác LB Nga trung bình năm 2022 tăng 64.000 bpd lên 10,9 triệu bpd, trong khi sẽ giảm -0,8 triệu bpd trong năm 2023 xuống còn 10,1 triệu bpd, tuy nhiên, con số này còn phụ thuộc vào nhiều biến cố. Sản lượng khai thác LB Nga thực tế tháng 8 đạt 10,9 triệu bpd (-0,16 triệu bpd), tháng 9 ước tính – 9,7 triệu bpd.

Phó Thủ tướng LB Nga phụ trách năng lượng A. Novak cho biết, tổng sản lượng dầu thô cả năm 2022 dự kiến sẽ đạt 525-530 triệu tấn, tăng nhẹ so với 524 triệu tấn năm 2021.

Phát biểu tại tuần lễ Năng lượng Nga diễn ra tại Moscow tuần qua, Tổng giám đốc Zarubezhneft S. Kudryashov cho biết, công ty đã chuẩn bị nghiêm túc đối phó với lệnh cấm vận dầu mỏ LB Nga từ phía EU có hiệu lực thi hành từ tháng 12/22 tới, bao gồm cả phương án xấu nhất – tạm ngừng hoàn toàn khai thác và sẵn sàng khôi phục sản xuất trong vòng 2 tuần. Zarubezhneft cho biết sở hữu đủ công nghệ, kinh nghiệm để cắt giảm/khôi phục 70% sản lượng không ảnh hưởng quá nhiều đến tính chất mỏ, ngay cả trong điều kiện thời tiết mùa đông.

Rosneft chính thức đệ đơn lên tòa án Hành chính liên bang kiện chính phủ Đức liên quan đến quyết định chuyển giao quyền kiểm soát 2 công ty con là Rosneft Deutschland và RN Refining & Marketing GmbH cho Cơ quan quản lý mạng lưới cùng quyền điều hành cổ phần trong 3 nhà máy lọc dầu PCK Schwedt, Miro và Bayernoil chiếm 12% tổng công suất tinh chế Đức. 

Rosatom bắt đầu xây dựng nhà máy lưu trữ năng lượng đầu tiên của Nga tại tỉnh Kaliningrad.  RENERA – công ty của Rosatom chuyên ngành trong lĩnh vực hệ thống lưu trữ năng lượng bắt đầu xây dựng nhà máy với công suất 4 GWh mỗi năm, đủ để trang bị 50.000 xe điện mỗi năm. Trong trường hợp xác định được nhu cầu, công ty này sẽ tiếp tục phát triển giai đoạn 2 và 3 với tổng công suất đạt tới 14 GWh. Doanh nghiệp lớn nhất của Nga về pin lưu trữ này sẽ đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất xe điện trong nước và tổ hợp lưu trữ năng lượng tĩnh lưới điện quốc gia.

Hà Lan tuyên bố phong tỏa 6 bằng sáng chế trong lĩnh vực bảo vệ cảm biến địa chấn, thiết kế tuabin khí và các phát minh trong lĩnh vực khác thuộc sở hữu Gazprom, Rosneft và Transneft do các công ty này nằm trong danh sách trừng phạt EU.