Thị trường ngày 10/10/2022
Cuộc chiến nhằm vào cơ sở hạ tầng được Phương Tây khơi mào khi thực hiện hơn 5 vụ nổ phá hoại 3 trên 4 nhánh đường ống dẫn khí Nord Stream 1 & 2, và tiếp đến là khủng bố phá hoại cầu đường bộ nối LB Nga với bán đảo Crimea đe dọa sẽ leo thang lên tầm cao mới, khi LB Nga có động thái đáp trả đối với hệ thống công trình ngầm biển Bắc, Baltic (đường ống dẫn khí nối EU/Anh với Na Uy, cáp điện, cáp viễn thông).

Chỉ một sự cố kỹ thuật nhỏ có thể khiến cả một công trình dừng hoạt động, ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng khu vực/thế giới. Mới đây sự cố rò rỉ đường ống Sabah-Sarawak đã buộc Malaysia (nhà xuất khẩu LNG lớn thứ 5 thế giới) phải tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với xuất khẩu LNG, bao gồm cả thị trường chính Nhật Bản, từ nay đến cuối năm hủy 10 lô hàng (1 tỷ m3). Điều này khiến tình trạng phụ thuộc vào thị trường LNG giao ngay (spot) Nhật Bản càng gia tăng, dẫn đến cạnh tranh nguồn cung bằng giá với châu Âu. Tổng thống LB Nga V. Putin tuyên bố, lực lượng đặc nhiệm Ukraine đứng sau vụ khủng bố phá hoại cơ sở hạ tầng dân sự trọng điểm – cầu Crimea, chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine có thể sớm được đổi thành chiến dịch chống khủng bố.

Theo nhận định OPEC, thế giới cần khoản đầu tư 13.000 tỷ USD vào lĩnh vực E&P đến năm 2030 để kịp thời đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dầu khí gia tăng. Bộ trưởng năng lượng KSA cảnh báo, nguồn cung dầu thô năm 2023-2024 có thể không được đảm bảo, nếu cơ chế điều tiết đầu tư thông qua giá cả không được cải thiện. OPEC+ có công lao rất lớn trong việc giữ giá dầu thế giới ở mức thấp nhất so với các nguồn năng lượng khác. Quyết định cắt giảm sản lượng lần này được OPEC+ đưa ra dựa trên mức độ tăng trưởng nhu cầu thực tế thấp hơn so với dự kiến, giảm từ +3,9 triệu bpd hồi tháng 02/22 xuống còn +2,3 triệu bpd tháng 09/22, chủ yếu do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại.


Ngoài động thái cắt giảm sản lượng, KSA còn quyết định tăng giá bán chính thức (OSP) tháng 11 đối với thị trường Mỹ (+0,2 USD/thùng), trong khi giảm đối với châu Á, châu Âu từ 1,5-1,8 USD/thùng. Đáp trả, quốc hội Mỹ đe dọa nối lại quá trình thông qua dự luật NOPEC, cho phép khởi kiện các thành viên OPEC+ thao túng giá dầu thế giới, cũng như khả năng rút quân đội cùng hệ thống tên lửa phòng không khỏi Trung Đông. Khác với Mỹ, trong ngắn hạn các nhà máy lọc dầu châu Á (Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Đài Loan) khẩn trương tăng cường mua dầu thô trên thị trường spot bù đắp nguồn cung Trung Đông cắt giảm, trong dài hạn - đề xuất một cơ chế giao dịch mới - hợp đồng dài hạn.

Hàng loạt các ngân hàng đầu tư lớn thế giới như Goldman Sachs, JPMorgan, Morgan Stanley đồng loạt tăng dự báo giá dầu thế giới sau quyết định OPEC+ cắt giảm -2 triệu bpd từ tháng 11. Morgan Stanley nhận định, cắt giảm sản lượng đi kèm với cấm vận dầu mỏ LB Nga sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung -0,9 triệu bpd trong năm 2023 so với -0,2 triệu bpd dự báo trước đó, trong trường hợp LB Nga cắt giảm khai thác 1-1,5 triệu từ tháng 12 khi lệnh cấm vận EU bắt đầu có hiệu lực (theo kế hoạch). Morgan Stanley dự báo giá dầu thế giới tăng lên 100 USD/thùng trong quý I/2023; Goldman Sachs nâng dự báo năm 2022 từ 99 USD/thùng lên 104 USD/thùng, năm 2023 – 110 (+2) USD/thùng; JPMorgan – 104 USD/thùng năm 2022 và 98 USD/thùng năm 2023.

Ấn Độ vượt Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới trong bối cảnh lạm phát cao và đồng GBP giảm giá mạnh. IMF dự báo đến cuối năm 2022, GDP Ấn Độ sẽ đạt quy mô 3.530 tỷ USD (+7%), trong khi GDP Anh chỉ 3.380 tỷ USD. Đến năm 2027, Ấn Độ có thể vượt Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, đẩy Anh xuống vị trí thứ 6.

DẦU THÔ

EU, đúng như dự kiến, ngày 06/10 đã phê chuẩn gói biện pháp trừng phạt thứ 8 kinh tế LB Nga, có hiệu lực thi hành ngay lập tức, bao gồm: cấm vận chuyển dầu mỏ đường biển giao dịch vượt mức giá trần (chưa được G7 xác định), kể cả cho bên thứ 3; cấm nhập khẩu nhóm hàng hóa trị giá 7 tỷ EUR; cấm xuất khẩu linh kiện điện tử, sản phẩm kỹ thuật hàng không và hóa chất sang LB Nga; cung cấp dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực tài chính, tin học và tư pháp cho cá nhân/doanh nghiệp LB Nga. Đáng chú ý, EC sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt của khối đối với vùng lãnh thổ Ukraine mới được sáp nhập vào LB Nga - Zaporozhye và Kherson.

Mỹ đang tìm kiếm giải pháp sau quyết định OPEC+ cắt giảm2 triệu bpd hạn ngạch khai thác từ tháng 11/22, bao gồm tăng sản lượng khai thác nội địa và hạn chế xuất khẩu nhằm ổn định giá bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, việc tăng sản lượng khai thác dầu khí nói chung cần đầu tư và thời gian, không thể cho kết quả tức thời. Rất có thể nguyên nhân khiến chính quyền Tổng thống J. Biden phản ứng gay gắt với quyết định OPEC+ cắt giảm hạn ngạch khai thác vừa là tiềm năng tăng trưởng sản lượng dầu đá phiến Mỹ cạn kiệt, và đỉnh sản lượng đã qua. Số lượng giếng khoan chưa hoàn tất (DUC) tại các lưu vực dầu khí chính liên tục giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014, bất chấp giá dầu thế giới đã tăng thời gian dài, đủ để tái đầu tư sản xuất. Tình trạng này có thể được lý giải bởi một số lý do, thứ nhất, lạm phát cao; thứ hai, chiều dài giếng tăng dẫn đến tăng chi phí, nhưng tỷ suất thu hồi dầu không tăng; và cuối cùng – khan hiếm nguồn cung thiết bị. Do vậy, sản lượng khai thác dầu đá phiến Mỹ có thể bắt đầu đi xuống trong thời gian tới.

Chính quyền Tổng thống J. Biden đang tích cực thảo luận các biện pháp nới lỏng trừng phạt Venezuela để có thể tăng nguồn cung dầu thô, dự kiến sẽ cho phép chính quyền N. Maduro sử dụng một phần tài sản đất nước đang bị Mỹ phong tỏa để nhập khẩu thực phẩm, thuốc men và thiết bị. Ngay cả trong trường hợp đạt được thỏa thuận, để tăng được sản lượng khai thác dầu thô Venezuela cần hàng chục tỷ USD đầu tư và thời gian. Quốc gia này đang khai thác 1/3 sản lượng bình thường trước khi bị trừng phạt. Ngoài Venezuela, Mỹ cũng đang tìm cách lôi kéo Iran thông qua hứa hẹn giải tỏa một phần tài sản bị phong tỏa.

KHÍ ĐỐT & LNG

Tất cả các nền kinh tế lớn EU và cả Anh đều đang tiêu thụ nhiều khí đốt, than đá hơn để bù đắp sản lượng điện sụt giảm do hạn hán, nắng nóng gây ra trong mùa hè vừa qua, ảnh hưởng đến hoạt động các nhà máy thủy điện và điện hạt nhân. Tiêu thụ khí đốt tháng 09/22 đã tăng +14% (y/y), sản lượng điện khí dự báo tăng +13% cả năm 2022. Trong điều kiện nguồn cung LNG Trung Đông hạn chế, Qatar – nhà cung cấp chính năm nay có kế hoạch xuất 15 triệu tấn sang thị trường EU, năm 2023 khoảng 12-15 triệu tấn. Châu Âu chỉ còn cách trông chờ vào nguồn cung LNG Mỹ giá cao và cắt giảm nhu cầu tiêu thụ mùa đông này khi nguồn cung khí đốt đường ống Gazprom đã giảm từ trên 250 triệu m3/ngày xuống dưới 100 triệu m3/ngày. Bên cạnh đó, một số quốc gia (Hà Lan, Ba Lan, Pháp) bắt đầu phải sử dụng đến dự trữ khí đốt hệ thống kho chứa ngầm gần sớm hơn thời hạn 3 tuần, hiện UGS đạt tỷ lệ lấp đầy 90%.

XĂNG & ĐIỆN

Chính phủ Pháp đã phải huy động đến nguồn dự trữ xăng dầu chiến lược để tiếp tế cho 15%-20% trạm xăng hệ thống bán lẻ cả nước, đặc biệt tại khu vực giáp biên giới với Bỉ, bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt đình công quy mô lên tới 60% công suất lọc dầu.

LB NGA

Việc áp đặt giá trần dầu mỏ LB Nga có thể khiến sản lượng khai thác sụt giảm 3 triệu bpd (30%). G7 đang cho rằng, Moscow buộc phải chấp nhận giảm giá thay vì cắt giảm sản lượng, có thể ảnh hưởng đến khả năng mất giếng vĩnh viễn. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định ngành dầu khí LB Nga đã tích lũy đủ kinh nghiệm, cho phép điều chỉnh sản lượng linh hoạt hơn Phương Tây đang toan tính, đặc biệt cắt giảm mạnh tại các mỏ già cỗi (brown fields), không ảnh hưởng đến khả năng phục hồi trong tương lai dài hạn. Dự báo trong những tháng đầu tiên, khi lệnh cấm vận và áp trần giá dầu mỏ LB Nga có hiệu lực, sản lượng khai thác có thể giảm 1,5 triệu bpd, sau đó tăng dần trở lại. Ngoài cắt giảm sản lượng khai thác, LB Nga còn có thể đáp trả lệnh trừng phạt dầu mỏ nước này bằng cách dừng xuất khẩu qua đường ống Druzhba và CPC.

Ngày 07/10 Tổng thống LB Nga V. Putin đã ký sắc lệnh chuyển đổi nhà điều hành dự án Sakhalin-1 sang công ty đăng ký tại vùng tài phán nước này, cụ thể nhà nước LB Nga thành lập doanh nghiệp mới tiếp nhận toàn bộ tài sản/nghĩa vụ dự án khai thác dầu Sakhalin-1 đang bị nhà điều hành Exxon Mobil ép ngừng hoạt động từ tháng 05/22. Chính phủ LB Nga chỉ định công ty Sakhalinmorneftegaz-shelf (công ty con Rosneft) làm nhà điều hành mới dự án. Cơ chế chuyển đổi tương tự đã được áp dụng thành công tại dự án khai thác khí đốt Sakhalin-2 (Gazprom làm điều hành), Rosneft được giữ nguyên 20% cổ phần trong VĐL công ty mới, 80% còn lại sẽ được phân bổ dựa trên đề nghị từ phía cổ đông hiện hữu (chậm nhất trong vòng 30 ngày) và sự chấp thuận của chính phủ. Trường hợp cổ đông từ chối, chính phủ thực hiện bán cổ phần cho đối tác LB Nga trong vòng 4 tháng kể từ ngày từ chối cổ phần, số tiền nhận được ghi có vào tài khoản đặc biệt loại “C”, trừ đi các nghĩa vụ/thiệt hại cổ đông gây ra/chưa thanh toán trong quá trình tham gia PSC. Hồi tháng 03/22 ExxonMobil đã thông báo rút khỏi dự án Sakhalin-1 cùng nhân sự (người Mỹ) khỏi LB Nga. Cổ đông của Sakhalin-1 trước chuyển đổi bao gồm: Exxon Mobil - 30%, Sodeco (Nhật Bản) - 30%, ONGC Videsh (Ấn Độ) - 20% và Rosneft - 20%.

Tiêu thụ điện LB tháng 9 vừa qua đã tăng 0,4% (y/y) lên 84 tỷ kWh, sản lượng điện toàn quốc đạt 85,9 tỷ kWh (giảm nhẹ -1,5%), trong đó, các nhà máy nhiệt điện sản xuất được 45,5 tỷ kWh (+2,4%), thủy điện – 14,5 tỷ kWh (-17,1%), điện hạt nhân – 18,4 tỷ kWh (+1,4%). Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tiêu thụ điện đạt – 819,2 tỷ kWh (+1,8%), sản xuất – 831,1 tỷ kWh (+1,1%).

Phó Thủ tướng thứ nhất LB Nga A. Belousov cho biết, giá xuất khẩu than đá bình quân nước này theo các hợp đồng hiện có giao động từ 130-140 USD/tấn, thấp hơn 50-60% chỉ số giá than tiêu chuẩn Úc, do vậy, chính phủ sẽ đề xuất với bộ Tài chính dừng sử dụng tiêu chuẩn giá Úc trong tính toán thuế.

Ngành nông nghiệp LB Nga vụ mùa 2021-2022 chắc chắn sẽ đạt kỷ lục thu hoạch ngũ cốc và nhiều loại cây trồng khác, riêng ngũ cốc lên tới 150 triệu tấn so với 135,5 triệu tấn kỷ lục năm 2017. Với sản lượng này, LB Nga năm nay có khả năng cung cấp ra thị trường thế giới 50 triệu tấn ngũ cốc trị giá 40 tỷ USD.