
Thâu tóm được TNK-BP, Rosneft sẽ trở thành hãng dầu mỏ lớn nhất thế giới
Chủ tịch Rosneft Igor Sechin – nguyên Phó Thủ tướng phụ trách năng lượng và cánh tay phải của Tổng thống Putin, đã đưa ra đề nghị mua lại 50% cổ phần của BP trong liên doanh TNK-BP trong cuộc họp với lãnh đạo BP Robert Dudley tại London ngày hôm qua (18/10).
Kích thước hợp đồng hiện tại được cho là khoảng 25 tỷ USD và BP sẽ nhận được từ 15 – 20 tỷ USD tiền mặt, cộng thêm 10 – 20% cổ phần trong Rosneft.
Theo dự kiến, hội đồng quản trị BP sẽ có cuộc họp vào ngày 19/10 để xem xét và đưa ra quyết định về vấn đề này.
Đây là một sự ngạc nhiên bất ngờ bởi hôm thứ Tư (16/10), Rosneft cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với AAR, theo đó Rosneft đồng ý mua lại 50% cổ phần của AAR trong liên doanh TNK-BP với thỏa thuận trị giá 28 tỷ USD. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Rosneft khó có thể mua được toàn bộ cổ phần của AAR, bởi các nhà tài phiệt trong AAR không muốn làm đối tác của Tổng thống Putin.
Dù mua lại được một nửa hay toàn bộ TNK-BP thì thương vụ này cũng sẽ đưa Rosneft trở thành một trong những tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới, “trên cơ" cả ExxonMobil và PetroChina. Nếu mua được toàn bộ liên doanh dầu khí Anh – Nga này, Rosneft sẽ kiểm soát sản lượng 4,6 triệu thùng dầu/ngày, ngang với sản lượng khai thác dầu của Iran.
BP đã đầu tư gần 8 tỷ USD tiền mặt, cổ phiếu và tài sản để hình thành nên liên doanh TNK-BP với AAR – một tập đoàn của các tỷ phú Nga, vào năm 2003 trong nỗ lực mở rộng sản xuất kinh doanh sang Nga. Đây là một thành công tài chính to lớn của BP khi mỗi năm, cổ tức từ liên doanh này mang lại cho BP trung bình khoảng 19 tỷ USD, chiếm khoảng 10% lợi nhuận của hãng, mặc dù thuế suất dầu mỏ của Nga thuộc loại cao.
Tuy nhiên, ngay sau khi liên doanh được thành lập, Kremlin lại sử dụng nhiều biện pháp để dành ưu đãi nhiều hơn cho các tập đoàn năng lượng nhà nước, do đó, hạn chế khả năng mở rộng của TNK-BP ở Nga.
Trong khi đó, BP lại liên tục có những tranh chấp bất đồng với các đồng chủ sở hữu của TNK-BP và dẫn đến việc quyết định bán cổ phần của mình ở một trong những liên doanh sinh lợi nhất của mình này hồi tháng 6/2012. Được biết, khi đó, ngoài Rosneft, Tổng Công ty Dầu mỏ Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) và Công ty TNHH Dầu khí Ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) cũng quan tâm tới việc thế chân BP ở "con gà đẻ trứng vàng" này.
Linh Phương
(Theo Forbe, Reuters /Petrotimes)