Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiên phong phát triển nhiên liệu sinh học
Sau hơn ba thập kỷ xây dựng và phát triển, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế và trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Các hoạt động của Tập đoàn được triển khai mạnh trong những năm gần đây, tập trung vào việc phát triển công nghiệp lọc dầu, hóa dầu trong nước, đồng thời không ngừng phát triển mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ tiếp nhận, tồn trữ, vận chuyển, kinh doanh dầu thô, khí các loại, các sản phẩm dầu khí và phát triển các dạng nhiên liệu mới...

Nhận thức tầm quan trọng của nhiên liệu sinh học đối với vấn đề an ninh năng lượng, Tập đoàn đã xây dựng chiến lược phát triển nhiên liệu sinh học. Đây là một trong các mục tiêu nằm trong quy hoạch phát triển ngành dầu khí, là một hướng phát triển ưu tiên đặc biệt. Mục đích của chiến lược phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2025 là bảo đảm an ninh năng lượng, cải thiện môi trường và nâng cao thu nhập của nông dân, đồng thời khẳng định vai trò chủ đạo của Tập đoàn trong việc phát triển của ngành công nghiệp mới đầy triển vọng. Là đơn vị tiên phong, Tập đoàn đã phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương triển khai đầu tư xây dựng 3 nhà máy sản xuất bio-ethanol đặt tại 3 miền Bắc, Trung, Nam với công suất 100.000 m3/nhà máy/năm, trong đó Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil - thuộc PVN) trực tiếp là chủ đầu tư của 2 nhà máy tại Phú Thọ và Bình Phước và Tập đoàn trực tiếp làm chủ đầu tư nhà máy Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi).

Ngoài ra, Tập đoàn cũng đang nghiên cứu để lập báo cáo đầu tư cho các dự án sản xuất biodiesel công suất 100.000 tấn/năm từ cây hạt dầu Jatropha tại miền Bắc và miền Trung, cũng như nghiên cứu sản xuất biodiesel từ các nguồn nguyên liệu khác. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói chung, PV Oil nói riêng bảo đảm khi Nhà nước bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học trên toàn quốc sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Điều này đã thể hiện rõ chiến lược của Tập đoàn trong việc phát triển nhiên liệu sinh học và mở đầu cho công cuộc phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam. Phát triển nhiên liệu sinh học không phải là vấn đề mới trên thế giới, mà hàng chục năm nay, nhiều nước như Mỹ, Đức, Thái Lan, Indonesia… đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng nhiên liệu sinh học. Song với sự quyết tâm và chủ động đi trước một bước trong việc phát triển nhiên liệu sinh học có thể coi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như một "nhạc trưởng" dẫn dắt và mở đầu cho một thời kỳ mới về phát triển năng lượng ở Việt Nam.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 173/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng về phương án giá xăng sinh học và lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Theo kết luận này, việc quy định lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống là một chương trình nhằm bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, cải thiện môi trường không khí và góp phần tạo nguồn thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp, đồng thời thực hiện cam kết của Chính phủ với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, từ ngày 1-12-2014, xăng sinh học E5 sẽ được sản xuất để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa -Vũng Tàu và sẽ sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ ngày 1-12-2015.

Thủ tướng cũng cho phép tiếp tục kinh doanh, cung ứng sản phẩm xăng khoáng (Ron 92, Ron 95) cùng với xăng sinh học (E5, E10) theo lộ trình giảm dần thích hợp. Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương xây dựng phương án thành lập quỹ khuyến khích phát triển nhiên liệu sinh học và tạo cơ chế thu thêm từ các loại xăng khoáng (Ron 92, Ron 95) để bù cho xăng sinh học, tạo chênh lệch giá hợp lý khuyến khích người tiêu dùng; nghiên cứu bổ sung việc thành lập quỹ này vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Các bộ: Công thương, Khoa học và Công nghệ cần rà soát lại toàn bộ quy chuẩn kỹ thuật tồn trữ, sử dụng và quy chuẩn sản phẩm để bảo đảm chất lượng sản phẩm, nhất là bảo đảm an toàn sử dụng; giảm tối đa các chi phí phát sinh; các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học  phải bảo đảm các yêu cầu về công nghệ, môi trường. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công thương lập đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân và vận động việc dùng xăng E5 vì lợi ích chung của xã hội, bảo đảm môi trường.

Gia Khoa

(Theo Hà Nội Mới)