Tóm tắt
Diễn biến giá dầu thô có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp dầu khí. Trong bối cảnh giá dầu suy giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi, các doanh nghiệp dầu khí đã triển khai các giải pháp để chống đỡ sự sụt giảm giá dầu thô như: chuyển đổi cơ cấu tổ chức, cắt giảm đầu tư, tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng quản lý chuỗi giá trị, sử dụng các công cụ tài chính... Bài báo tác động của sự sụt giảm giá dầu tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí, đồng thời đưa ra các giải pháp ứng phó giúp vượt qua giai đoạn biến động bất thường của giá dầu thô.
Từ khóa: Giá dầu thô, công ty dầu khí, đầu tư, hiệu quả.
1. Giới thiệu
Giá dầu phụ thuộc vào 3 yếu tố chính là: cung - cầu thị trường, lợi ích nhóm của các quốc gia, các yếu tố chính trị.
Ảnh hưởng đến nguồn cung dầu thế giới: Tình hình địa chính trị tại các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn, động thái của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), sự phát triển của khoa học kỹ thuật;
Ảnh hưởng đến nhu cầu dầu thô thế giới: Tốc độ phát triển kinh tế của các quốc gia, các hoạt động đầu cơ, biến động giá của các sản phẩm thay thế.
Kể từ khi hình thành thị trường, giá dầu thế giới đã trải qua nhiều giai đoạn biến động. Từ năm 2006 đến nay, chỉ trong 9 năm giá dầu thô đã trải qua 3 cú sốc lớn liên tiếp: 2008, 2011, 2014 đến nay. Tháng 6/2008, giá dầu thô trên thế giới sụt giảm nhanh và mạnh từ 130USD/thùng xuống chạm mức 40USD/thùng do suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu sụt giảm nhanh. Năm 2011, giá dầu thô tăng 1,4 lần do sự sụt giảm nguồn cung tại Syria và Yemen, gián đoạn xuất khẩu dầu thô của Lybia. Trong khi đó, nhu cầu dầu của Nhật Bản tăng mạnh do khủng hoảng hạt nhân, hậu quả của thiên tai động đất và sóng thần.
Từ giữa năm 2014, giá dầu thô sụt giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 50USD/thùng sau 3 năm ổn định ở mức 90 - 110USD/thùng. Các phiên giao dịch gần đây, giá dầu thô xuống dưới mức 40USD/thùng. Nguyên nhân của cú sốc này do:
Nguồn cung tăng mạnh: Sản lượng dầu đá phiến tăng đã biến Mỹ từ nước nhập khẩu dầu thành nước xuất khẩu dầu. Các nước sản xuất dầu khí trong khối OPEC không cắt giảm sản lượng nhằm giữ vững vai trò chi phối thị trường cung cấp dầu thô thế giới.
Nhu cầu dầu mỏ giảm mạnh do kinh tế thế giới phục hồi chậm, đặc biệt là tại châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) đặt ra mục tiêu đến năm 2020 giảm 20% mức tiêu thụ năng lượng. Tại châu Á, các nước tiêu thụ nhiều năng lượng đã thực hiện chuyển đổi sử dụng các nguồn năng lượng thay thế.
Tình hình chính trị giữa 3 cực: Mỹ - Liên bang Nga - OPEC. Trong khi, Mỹ - Nga đối lập trong việc giải quyết vấn đề của Ukraine; OPEC quyết định không cắt giảm sản lượng để giữ vững thị phần trên thị trường (nhằm chống lại nguồn cung từ dầu đá phiến của Mỹ). Cùng với các biện pháp trừng phạt, giá dầu thấp sẽ đẩy Nga rơi vào suy thoái, khủng hoảng, cũng như hạn chế nguồn tài chính của Iran đầu tư vào hạt nhân.
Theo nhận định của các chuyên gia, giá dầu thô có thể giảm xuống 40USD/thùng. Theo Wood Mackenzie, giá dầu thô thế giới có thể giảm xuống 44,5USD/thùng trong năm 2016. Tuy nhiên, sau khi chạm đáy thì giá dầu được dự báo sẽ tăng trung bình 6%/Quý.
Biến động của giá dầu thô qua các thời kỳ có biên độ khác nhau do ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Mỗi lần giá dầu thô biến động đều làm thay đổi cục diện hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí. Về mặt lý thuyết, khi giá dầu thô tăng/giảm sẽ:
Làm tăng/giảm doanh thu, lợi nhuận trong lĩnh vực thăm dò khai thác;
Giảm/tăng lợi nhuận trong lĩnh vực lọc hóa dầu do chi phí nguyên liệu đầu vào (dầu thô) tăng/giảm; Làm tăng/giảm chi phí vận chuyển do chi phí nhiên liệu chiếm từ 15 - 30% tổng chi phí vận chuyển, tùy theo loại hình vận chuyển.
Bài báo phân tích tác động của sự sụt giảm giá dầu thô tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí, đồng thời đưa ra các giải pháp ứng phó với giá dầu sụt giảm.
|
Hình 1. Biến động giá dầu thô Brent trong giai đoạn 2006 – 2015. |
|
Hình 2. Biến động lợi nhuận của BP và giá dầu thô Brent trong giai đoạn 2007 - 2015 |
|
Hình 3. Tình hình đầu tư của BP trong giai đoạn 2009 - 2015 |
2. Tác động của giá dầu thô đến các doanh nghiệp dầu khí
Giá dầu thô tác động trực tiếp đến từng lĩnh vực trong chuỗi sản xuất dầu khí. Giá dầu thô tăng cao đối với các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn được xem như một cơ may (Wildfall). Trong giai đoạn 2007 - 2011, lợi nhuận từ hoạt động thăm dò, khai thác của 5 công ty dầu khí lớn tại Mỹ (ExxonMobil, Chevron, BP, Shell và ConocoPhillips) tăng mạnh, cao hơn nhiều so với lợi nhuận từ hoạt động lọc hóa dầu và phân phối [11]. Ngược lại, giá dầu thô giảm sẽ giúp tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp dầu khí hạ nguồn.
Các doanh nghiệp có lĩnh vực/cơ cấu lĩnh vực kinhoanh khác nhau sẽ bị ảnh hưởng bởi biến động giá dầu thô khác nhau, nhóm tác giả phân tích ảnh hưởng của giá dầu thô đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 3 doanh nghiệp dầu khí lớn và có cơ cấu đầu tư khác nhau: BP, ExxonMobil và Petronas.
2.1. BP
BP là công ty năng lượng toàn cầu có trụ sở tại Anh, hoạt động chủ yếu trong 2 lĩnh vực thượng nguồn (thăm dò khai thác - E&P) và hạ nguồn (chế biến dầu khí). Doanh thu hàng năm đạt khoảng 396,2 tỷ USD (năm 2013), lợi nhuận của thăm dò khai thác chiếm tỷ trọng lớn (trung bình 84%) trong tổng lợi nhuận. Khi giá dầu sụt giảm, doanh thu của BP sụt giảm xuống còn: 358,678 tỷ USD (năm 2014) và 55,879 tỷ USD (9 tháng đầu năm 2015). Lợi nhuận từ hoạt động thăm dò khai thác giảm gần 50%, lợi nhuận từ hoạt động chế biến dầu khí tăng xấp xỉ 40% nhưng không bù đắp được phần sụt giảm từ hoạt động thăm dò khai thác.
Khi lợi nhuận biến động theo xu hướng giảm, BP đã triển khai các giải pháp cắt giảm và tối ưu hóa danh mục đầu tư, cắt giảm nhân sự, tối ưu hóa chi phí... Lợi nhuận từ lĩnh vực thăm dò khai thác chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lợi nhuận của BP, nên đầu tư cho lĩnh vực này luôn chiếm xấp xỉ 80%. Chi phí cho việc đầu tư mua lại 19,75% cổ phần của Rosneft năm 2013, chiếm 35% tổng đầu tư năm 2013 và 23% tổng đầu tư 2014 cho lĩnh vực thăm dò khai thác, song chưa mang lại hiệu quả cũng là nguyên nhân dẫn tới hiệu quả kinh doanh của BP sụt giảm mạnh trong 2 năm gần đây.
BP đang xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên mức giá dầu Brent 60USD/thùng cho tới ít nhất năm 2017. Năm 2016, BP dự kiến sẽ bán bớt số tài sản trị giá 3 - 5 tỷ USD.
2.2. ExxonMobil
ExxonMobil là tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Mỹ hoạt động trên 2 lĩnh vực chính: thăm dò khai thác và chế biến dầu khí. Lợi nhuận từ thăm dò khai thác chiếm hơn 80% tổng lợi nhuận của ExxonMobil. Xu hướng diễn biến của lợi nhuận song hành cùng biến động giá dầu thô trên thế giới. Riêng năm 2014, dù giá dầu thô giảm nhưng lợi nhuận của ExxonMobil vẫn tăng 2,3% do tăng sản lượng và thu được lợi nhuận lớn từ việc chuyển nhượng tài sản. Trong 9 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận của ExxonMobil giảm chỉ còn 14,905 tỷ USD (tương đương 54% so với cùng kỳ năm trước) [14].
Tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực thăm dò khai thác của ExxonMobil có lúc lên đến 90% (trung bình giai đoạn xấp xỉ 85%). Trước năm 2013, đầu tư cho thăm dò khai thác có xu hướng tăng và đầu tư cho chế biến dầu khí giảm. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2013 - 2014 ExxonMobil lại điều chỉnh cơ cấu đầu tư ngược lại, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh khi giá dầu biến động giảm. Đầu tư thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2015 cũng giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
2.3. Petronas
Petronas (Malaysia) hoạt động đa lĩnh vực gồm: thăm dò khai thác, điện, khí, chế biến dầu khí và các lĩnh vực khác. Năm 2014, khi giá dầu thô giảm 13% so với năm 2013, tổng lợi nhuận của Petronas giảm hơn 30% xuống còn khoảng 13,8 tỷ USD. Tổng lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2015 tiếp tục giảm chỉ còn 5,722 tỷ USD.
|
Ghi chú: ** Lợi nhuận sau thuế. Năm 2012,
lợi nhuận trong lĩnh vực chế biến dầu khí tăng (5,3 triệu USD nhờ tái
cấu trúc tại Nhật Bản). |
Hình 4. Biến động lợi nhuận của ExxonMobil và giá dầu thô Brent trong giai đoạn 2007 - 2015 |
|
Hình 5. Tình hình đầu tư của ExxonMobil trong giai đoạn 2009 - 2015 |
|
Ghi chú: Thượng nguồn***: Trước năm 2014
gồm thăm dò khai thác và từ năm 2014 gộp thêm cả hoạt động mua bán LNG
và bán khí. Chế biến dầu khí***: Từ năm 2014, lĩnh vực này gộp thêm cả
hoạt động kinh doanh điện. NOPAT: Lợi nhuận không bao gồm chi phí tài
chính, lợi nhuận công ty liên doanh liên kết, chi phí khác ngoài vận
hành. PAT: Lợi nhuận sau thuế bao gồm chi phí tài chính, lợi nhuận công
ty liên doanh liên kết, chi phí khác ngoài vận hành |
Hình 6. Biến động lợi nhuận của Petronas và giá dầu thô Brent giai đoạn 2011 – 2015. |
|
Hình 7. Giá trị đầu tư của Petronas trong giai đoạn 2011 - 2014 |
Lợi nhuận từ lĩnh vực thăm dò khai thác đóng góp xấp xỉ 60% tổng lợi nhuận của Petronas. Lợi nhuận từ thăm dò khai thác năm 2014 (bao gồm cả lợi nhuận từ mua bán LNG và bán khí) giảm 38% so với năm 2013; nguyên nhân do giá dầu thô sụt giảm mạnh trong nửa cuối năm 2014 mặc dù sản lượng có tăng lên. Sau khi cơ cấu lại phân nhóm thăm dò khai thác, lợi nhuận từ lĩnh vực này chiếm đến 74% tổng lợi nhuận sau thuế của Petronas.
Lợi nhuận từ lĩnh vực chế biến dầu khí chiếm 13% trong tổng lợi nhuận của Petronas cũng giảm 31% so với năm trước do giá dầu thô giảm mạnh kéo theo giá các sản phẩm lọc - hóa dầu giảm. Lợi nhuận từ lĩnh vực chế biến dầu khí của Petronas giảm là điểm khác biệt so với BP và ExxonMobil. Xuất phát từ việc trợ giá nhiên liệu nên tác động của giá dầu thô giảm tới nhu cầu sản phẩm xăng dầu không thể diễn ra ngay lập tức. Việc Chính phủ Malaysia cắt giảm trợ cấp xăng dầu, dầu nhiên liệu từ ngày 1/12/2014 (khi giá dầu đang ở mức thấp) làm giá sản phẩm có thể vẫn tăng, gây tác động bất lợi đến nhu cầu (đặc biệt khi giá dầu tăng trở lại). Nhu cầu tăng trưởng chậm trong khi nguồn cung dồi dào sẽ gây bất lợi cho hoạt động chế biến dầu khí của Petronas.
Đồng thời, Tập đoàn chú trọng giải pháp tài chính, cân đối dòng tiền linh hoạt, hiệu quả; tăng cường công tác quản trị rủi ro, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của thị trường, tối đa hóa lợi nhuận; hoàn thiện các quy chế, quy định về tài chính, quản lý vốn hiệu quả, linh hoạt; tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, áp dụng mô hình quản lý tiên tiến theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả. Tập trung nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, đầu tư công nghệ mới hiệu suất cao để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm trong chuỗi giá trị các sản phẩm dầu khí...
|
Hình 8. Biến động lợi nhuận của Petrovietnam và giá dầu thô Brent giai đoạn 2010 - 2014 |
|
Hình 9. Giá trị đầu tư của Petrovietnam trong giai đoạn 2010 - 2014 |
Trong 9 tháng đầu năm 2015, mặc dù sản lượng khai thác dầu khí tăng 7,4%, sản lượng điện tăng 35,7% so với cùng kỳ 2014, song tổng doanh thu của toàn Tập đoàn giảm, chỉ bằng 76% so với cùng kỳ. Lợi nhuận của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thăm dò khai thác giảm. Tập đoàn đã làm việc với các đối tác trong và ngoài nước, các nhà điều hành khai thác mỏ để tối ưu chương trình khai thác hiệu quả nhất. Kết quả đến tháng 9/2015, giá thành khai thác của các mỏ đều dưới 50USD/thùng, trung bình đạt 28USD/thùng.
Về đầu tư, Petronas vẫn giữ được xu hướng tăng ổn định trong giai đoạn 2011 - 2014. Lĩnh vực đầu tư chính là thượng nguồn với 81% tổng giá trị đầu tư. Việc giữ tốc độ tăng trưởng đầu tư trong khi giá dầu sụt giảm mạnh làm cho lợi nhuận lĩnh vực thượng nguồn, hạ nguồn và tổng lợi nhuận của Petronas giảm đáng kể. Trong 9 tháng đầu năm 2015, số liệu thực hiện đầu tư của Petronas đạt 13,1 tỷ USD trong đó chủ yếu dành cho hoạt động sáp nhập khối tài sản của Statoil’s Shah Deniz, đầu tư thượng nguồn trong nước và dự án RAPID ở Johor [13].
2.4. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) hoạt động trên 5 lĩnh vực chính gồm: thăm dò khai thác dầu khí, công nghiệp điện, công nghiệp khí, chế biến dầu khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Khi giá dầu thô sụt giảm mạnh (từ tháng 10/2014) đã làm giảm doanh thu của Tập đoàn trong các tháng cuối năm. Năm 2015, Tập đoàn đã bám sát diễn biến giá dầu để triển khai các giải pháp kịp thời ứng phó với những biến động xấu nhất của thị trường, chủ động cân đối sản lượng khai thác tối ưu từng mỏ dầu, điều phối hợp lý giữa sản lượng khai thác, xuất khẩu và chế biến để đảm bảo hiệu quả giữa: Chỉ tiêu tăng GDP, thu ngân sách Nhà nước của Chính phủ, đảm bảo an ninh năng lượng và hiệu quả của doanh nghiệp.
Lợi nhuận của lĩnh vực chế biến dầu khí năm 2014 đến nay cũng bị sụt giảm do sản lượng giảm (Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sửa chữa bảo dưỡng tổng thể). Việt Nam vẫn còn cơ chế hỗ trợ giá đối với sản phẩm xăng dầu do vậy lợi nhuận trong lĩnh vực lọc dầu vẫn bị giới hạn.
Tình hình đầu tư của Petrovietnam có xu hướng giảm về giá trị. Đầu tư cho lĩnh vực thăm dò khai thác đang được mở rộng, chiếm xấp xỉ 60% trong cơ cấu đầu tư của Tập đoàn.
3. Các biện pháp ứng phó với giá dầu sụt giảm
Mặc dù các doanh nghiệp dầu khí ở các khu vực địa lý, thị trường, quy mô khác nhau nhưng đều chịu tác động của giá dầu thô giảm. Trong đó, 2 lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn và rõ nét nhất là thăm dò khai thác và chế biến dầu khí.
Trước tình hình thị trường khó khăn, mỗi doanh nghiệp đều có những cách ứng phó riêng để đảm bảo lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh. Việc đầu tiên các doanh nghiệp dầu khí triển khai là cắt giảm chi tiêu cho năm tài chính tiếp theo như: ExxonMobil, BP, Petronas.
3.1. Lĩnh vực thăm dò khai thác
Ngoài khó khăn do giá dầu suy giảm, các công ty dầu khí hoạt động trong lĩnh vực thượng nguồn còn gặp nhiều khó khăn khác:
- Chi phí khai thác tăng do sản lượng khai thác ở khu vực có điều kiện thuận lợi ngày càng suy giảm, phải triển khai các dự án có độ rủi ro lớn hơn như khu vực nước sâu xa bờ, có điều kiện địa chất phức tạp nên chi phí khai thác tăng lên đáng kể. Chi phí tìm kiếm thăm dò và phát triển khai thác từ 12USD/thùng (năm 2009) đã tăng lên 20USD/ thùng (năm 2013) [5].
- Không kiểm soát được chi phí: Trong giai đoạn giá dầu cao, các công ty chú trọng tăng sản lượng để thu lợi nhuận mà ít quan tâm đến việc kiểm soát chi phí và hiệu suất. Nhiều công ty tăng số lượng nhân viên với nhiều vị trí mới để tăng quy mô tổ chức, mà không trực tiếp làm tăng giá trị sản xuất [5].
- Chi phí dịch vụ dầu khí cao [5].
- Hành động của Chính phủ: Sức ép từ chính phủ buộc các công ty dầu khí nước ngoài phải sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp địa phương, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả. Chi phí cho các công ty thăm dò khai thác cho sử dụng dịch vụ ở nước Tây Phi cao gấp 4 lần so với công ty tương tự ở nơi khác [5]. Ngoài ra, quy trình cấp phép - phê duyệt dự án thường chậm và rườm rà. Do đó, các công ty dầu khí hoạt động trong thăm dò khai thác cần thiết phải chuyển đổi về cơ cấu, tổ chức; cách thức làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ; nâng cao chất lượng quản lý chuỗi giá trị. Cụ thể:
- Cắt giảm đầu tư: Trước thực trạng lợi nhuận sụt giảm lớn, các doanh nghiệp như BP, ExxonMobil, Shell, Petronas… đều cắt giảm đầu tư trong tương lai gần, nhằm giảm rủi ro lỗ khi giá dầu ở mức thấp.
- Cắt giảm chi phí sản xuất: Các doanh nghiệp nghiên cứu, phân tích các công nghệ đang sử dụng, lựa chọn nhóm giải pháp đủ tốt (không nhất thiết phải tiên tiến nhất - chi phí cao nhất). Đặc biệt, nên tìm kiếm cơ hội để tìm ra tiêu chuẩn công nghệ trung bình giữa các dự án có rủi ro cao và thấp. Statoil và Petrobras đã xây dựng tiêu chuẩn cho các thiết bị dưới biển, mang lại lợi ích từ việc quản lý vòng đời thiết bị một cách đơn giản nhằm tiết kiệm chi phí không cần thiết. Bên cạnh đó, việc tối ưu hóa vận hành cũng sẽ giúp cắt giảm chi phí.
- Cắt giảm chi phí dịch vụ: Đàm phán lại giá dịch vụ, phân bổ hợp lý hơn các rủi ro giữa nhà điều hành và nhà thầu, và nếu có thể, tăng cường mối quan hệ chặt chẽ với các nhà cung cấp dịch vụ và loại bỏ bớt các chi phí không cần thiết. Dịch vụ dầu khí và máy móc chiếm từ 20 - 50% chi phí vận hành và chiếm đến 95% Capex.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ đang bắt đầu hợp nhất để tăng quy mô và năng lực bằng hình thức sáp nhập như BG và Shell; Talisman Energy và Repsol, Baker Hughes và Halliburton.
- Cắt giảm chi phí nhân công: Theo Boston Consulting Group có thể cắt giảm 20 - 25% số nhân viên mà không ảnh hưởng lớn đến công tác vận hành ở các dự án đang vận hành ổn định hoặc sử dụng chiến lược thuê ngoài [5].
Như vậy, bằng các biện pháp như cắt giảm, luân chuyển nhân viên đến nơi thật sự cần, đào tạo nâng cao năng lực sẽ giúp cắt giảm chi phí nhân công.
3.2. Lĩnh vực chế biến dầu khí
Khi giá dầu giảm, thị trường các sản phẩm lọc hóa dầu thường trải qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Thường kéo dài chỉ vài tháng, giá sản phẩm lọc hóa dầu giảm chậm hơn giá dầu thô khi nhu cầu sản phẩm cho dự trữ tăng. Giai đoạn này kết thúc khi mức giảm giá sản phẩm bắt kịp mức giảm giá dầu thô.
- Giai đoạn 2: Lợi nhuận từ lĩnh vực chế biến dầu khí giảm bớt khi cung - cầu thị trường ổn định. Khi giá dầu tiếp tục giảm, sự chênh lệch giá giữa các sản phẩm lọc hóa dầu sẽ giảm đáng kể. Sự chênh lệch này phản ánh chi phí chế biến mà về mặt lý thuyết nó bằng chi phí cho khối lượng hao hụt. Khi giá dầu xuống thấp, chi phí cho khối lượng hao hụt giảm, khoảng chênh lệch giá giữa các sản
phẩm lọc hóa dầu được thu hẹp.
- Giai đoạn 3: Phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo của giá dầu thô. Nếu giá dầu tiếp tục giảm, nhu cầu cho sản phẩm lọc nhẹ sẽ tăng, tuy nhiên thường diễn ra trong dài hạn khi cả cung và cầu cần thêm thời gian để có thể làm thay đổi giá dầu thô.
- Nắm được quy luật của thị trường trong lĩnh vực hạ nguồn, các nhà đầu tư/doanh nghiệp có thể áp dụng các giải pháp như:
- Tăng công suất vận hành: Trong thời gian đầu (giai đoạn 1), cần tăng công suất vận hành để nhanh chóng nắm bắt cơ hội hưởng lợi khi lợi nhuận trong lĩnh vực lọc dầu tăng cao.
- Chuẩn bị đón cơ hội cho các thương vụ lớn (còn được gọi là “Bù hoãn mua - contango”): Khi đó, giá giao sau cao hơn giá giao ngay, tăng cơ hội “Kinh doanh chênh lệch giá - arbitrage”. Đồng thời mở ra cơ hội liên minh với các công ty thương mại.
- Thực hiện các sáng kiến, chương trình, hoạt động cải tiến công nghệ: Các doanh nghiệp nên ưu tiên cho mục tiêu cung cấp công suất nhanh chóng tại thời điểm này thông qua các biện pháp tối ưu hóa lợi nhuận biên và áp dụng các sáng kiến tiết kiệm năng lượng. Các nhà quản trị cần đàm phán lại với các nhà cung cấp và đánh giá lại mục tiêu tồn kho.
- Xem xét các cơ hội M&A: Giá dầu giảm là thời điểm thuận lợi để các nhà đầu tư xem xét việc đầu tư/mua lại tài sản của các công ty dịch vụ hay hoạt động trong lĩnh vực lọc hóa dầu. Như Middle East’s O&G đang cân nhắc lại khả năng thương mại và đầu tư thêm vào tài sản vận tải nhằm mở rộng thị trường sang châu Á, châu Phi và châu Âu [6].
- Về dài hạn, các công ty cần xem xét lại danh mục đầu tư với các dự án sẽ đi vào vận hành khi thị trường lọc hóa dầu bão hòa.
|
Hình 10. Các biện pháp ứng phó giá dầu thô sụt giảm năm 2014 của các doanh nghiệp dầu khí |
Giá dầu giảm là thời điểm cho thấy ưu điểm của các doanh nghiệp dầu khí kinh doanh đa lĩnh vực. Các doanh nghiệp này đã giảm được rủi ro trong kinh doanh so với các doanh nghiệp chỉ hoạt động trong lĩnh vực thượng nguồn.
Tại một số quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Trung Đông đang tận dụng cơ hội giá dầu thô giảm để cắt bỏ trợ cấp đối với sản phẩm dầu. Việc cắt giảm trợ cấp giá sản phẩm dầu khi giá dầu thô giảm mạnh sẽ giảm phản ứng từ xã hội.
4. Kết luận
Như vậy, giá dầu thô có ảnh hưởng khác nhau đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty dầu khí hoạt động ở các lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Mặc dù, việc kinh doanh đa lĩnh vực góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp khi giá dầu thô biến động nhưng hiệu quả còn phụ thuộc vào cơ cấu đầu tư/quy mô trong từng lĩnh vực kinh doanh cụ thể. Từ bài học của các doanh nghiệp dầu khí trên thế giới, Petrovietnam có thể áp dụng một số giải pháp ứng phó với tình trạng giá dầu thô suy giảm như sau:
- Đầu tư lĩnh vực thăm dò khai thác ra nước ngoài cần xem xét tỷ trọng hợp lý;
- Rà soát danh mục dự án đang đầu tư/chuẩn bị đầu tư. Xem xét giữa giải pháp tiếp tục đầu tư chờ giá dầu phục hồi hay chuyển giao dự án;
- Tiếp tục triển khai các giải pháp tối ưu chi phí OPEX, CAPEX;
- Kêu gọi đầu tư của các nhà thầu dầu khí nước ngoài trong các dự án chế biến dầu khí;
- Sau khi đầu tư, cần thực hiện các nghiệp vụ bảo hiểm, phái sinh đi kèm trong giai đoạn vận hành nhằm hạn chế rủi ro tác động của các cú sốc dầu mỏ.
Tài liệu tham khảo
1. S.S.Chen. Do higher oil prices push the stock market into bear territory?. Energy Economics. 2010; 32(2): p. 490 - 495.
2. A.Dayanandan, H.Donker. Oil prices and accounting profits of oil and gas companies. International Review of Financial Analysis. 2011; 20(5): p. 252 - 257.
3. G.Driesprong, B.Jacobsen, B.Maat. Striking oil: Another puzzle? Journal of Financial Economics. 2008; 89(2): p. 307 - 327.
4. R.W.Faff, T.J.Brailsford. Oil price risk and the Australian stock market. Journal of Energy Finance and Development. 1999; 4(1): p. 69 - 87.
5. Iván Martén, Philip Whittaker. Killing the complexity monster in E&P: Eight critical actions for upstream oil and gas companies. Energy & Environment. January 13, 2015.
6. Iván Martén, Jaime Ruiz-Cabrero, Mathieu Zajdela. The impact of low oil price on downstream oil. Energy & Environment. June 2, 2015.
7. Le Viet Trung, Nguyen Thi Thuy Vinh. The impact of oil prices, real effective exchange rate and inflation on economic activity: Novel evidence from Vietnam. Petrovietnam Journal. 2011; 10: p. 67 - 79.
8. Mirko Rubeis. Low oil price: Opportunities, challeenges for downstream sector. 2015.
9. R.S.Pindyck, J.J.Rotemberg. Energy price shocks and the macroeconomic adjustment. Natural Resouces Journal. 1984; 24: p. 277 - 296.
10. R.H.Rasche, J.A.Tatom. The effects of the new energy regime on economic capacity, production, and prices. Federal Reserve Bank Of St. Louis. 1977.
11. Robert Pirog. Financial performance of the majoroil companies, 2007 - 2011. CRS Report for Congress. 2012: p. 3 - 5.
12. WoodMackenzie. Global macro oils long – term outlook H2 2015. www.woodmac.com.
13. ExxonMobil. ExxonMobil earns $4.2 billion in third quarter of 2015. www.corporate.exxonmobil.com.
14. BP. Group results third quarter and nine months 2015. www.bp.com.
Impact of oil price volatility on production and business of oil and gas companies and measures to cope with falling oil price
Nguyen Thu Ha, Le Viet Trung
Vietnam Petroleum Institute
Summary
Oil price fluctuations will have a direct impact on the performance of oil and gas companies in different ways. In the context of oil price plunge which shows no sign of recovery, oil and gas companies have rolled out several mea- sures, including reorganisation, slashing investments, cost savings, improving the quality of value chain manage- ment, and use of financial instruments, to cope with the falling crude oil prices. The paper outlines the impact of oil price plunge on the production and business of oil and gas companies and proposes measures to overcome the period of price fluctuations.
Key words: Crude oil price, oil and gas companies, investment, effective.