Quyền lực năng lượng của Nga
Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, nước Nga đang sử dụng nguồn năng lượng như một đòn bẩy chính trị, kinh tế thiết yếu để củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế.

Theo The Economist, Nga đã thỏa mãn được ba điều kiện không thể thiếu để đứng ở ngôi thống trị trong ngành năng lượng, đó là: kiểm soát toàn bộ nguồn dự trữ và việc sản xuất dầu mỏ trên toàn quốc; kiểm soát tất cả hệ thống đường ống dẫn dầu trên toàn quốc và tới các nước láng giềng; thiết lập được những hợp đồng dài hạn và chắc chắn về cung cấp dầu mỏ cho các nước EU.

Nhưng, khi thời thế đổi thay, khi sự bùng nổ của Mỹ đang làm rung chuyển thị trường năng lượng thế giới từ Mỹ, Nga, đến Trung Quốc. Một số người đang nói về một điều mà trước kia thế giới chưa nghĩ đến: rằng trong tương lai gần, rất có thể Mỹ sẽ không cần nhập khẩu khí gas tự nhiên và Nga sẽ có thể trở thành kẻ mất mát lớn trong cuộc chơi này. Tuy nhiên, trong ván bài năng lượng, sự phụ thuộc của EU vẫn là chưa đủ (Nga cung cấp khoảng 30% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của châu Âu), Nga đang tính đến những lá bài mới, như mở cánh cửa sang châu Á giàu tiềm năng, nơi nhu cầu dầu khí đang gia tăng.

Khó qua mặt Nga

Với một hệ thống đường ống dài khoảng 150.000 km, Nga được coi là nước có hệ thống đường ống dài nhất thế giới. Nga chi phối hầu như toàn bộ các hệ thống ống dẫn dầu khí của thế giới và phân bố rộng khắp, xuyên suốt lãnh thổ châu Âu, giúp Nga vận chuyển dầu từ Trung Á thẳng tới EU, tránh vòng qua Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực hay xảy ra nhiều bất ổn.

Chưa dừng lại ở đó, tại khu vực phía nam, Nga cũng đã cho xây dựng một đường ống dẫn dầu mang tên Blue Stream dài 1.213 km đi qua Biển Đen sang Thổ Nhĩ Kỳ, với mức đầu tư khoảng 3,4 tỷ USD, có khả năng chuyển tải khoảng 16 tỷ m3 khí. Nga đang quan tâm đến kéo dài đường ống này tới Hungary. Nếu dự án này thành công, Nga sẽ có một đường ống dẫn dầu từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Áo.

Quan trọng nhất phải nói đến hai hệ thống Dòng chảy phương Bắc (North Stream) và Dòng chảy phương Nam (South Stream). Chúng quan trọng đến mức Tổng thống Nga Vladimir Putin ví von "lượng khí đốt được vận chuyển qua đường ống này tương đương với năng lượng của 11 nhà máy điện hạt nhân" trong ngày đầu tiên Nga bơm khí đốt kỹ thuật vào đường ống North Stream (9/2011). Khi đi vào hoạt động ổn định, hai dòng này sẽ tạo cho nước Nga lợi thế vô cùng lớn trong cuộc chiến năng lượng. Đó cũng sẽ là biểu tượng cho sự trở lại của Nga trên bàn cờ châu Âu.

Trong khi đó, việc khai thác khí đốt tại mỏ Bovanenkovo nằm trên bán đảo Yamal - một trong những mỏ khí đốt lớn nhất thế giới, được phát hiện 40 năm trước ở vùng Bắc Cực – đang là ưu tiên hàng đầu của Kremlin. Theo các nhà phân tích, mỏ Bovanenkovo có trữ lượng đủ để thỏa mãn nhu cầu khí đốt toàn cầu trong một năm. Gazprom - Tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới, thuộc sở hữu của Chính phủ Nga dự kiến sẽ cho sản lượng 46 tỷ m3 khí đốt vào năm 2013, 115 tỷ m3 khí vào năm 2017 và sau đó dần tăng lên xấp xỉ 140 tỷ m3, xấp xỉ lượng khí đốt xuất sang châu Âu. Với việc khai thác mỏ này, Gazprom đã có bước tiến đầu tiên vào bán đảo Yamal. Tổng thống Putin còn có dự định về một tỉnh dầu mỏ và khí đốt ở Yamal, tất nhiên, sẽ phải tốn hàng chục tỷ USD để đưa khí đốt từ các mỏ xa xôi này hòa vào hệ thống đường ống dẫn hiện nay.

Chính sách năng lượng hướng Đông

Tổng thống Putin đang cân nhắc lại chính sách xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga vào thời điểm nhu cầu dầu khí ở châu Á đang gia tăng và nhu cầu khí đốt tại châu Âu đang giảm sút. Trên thực tế, ông Putin đã bắt đầu quan tâm hơn tới chính sách xuất khẩu khí đốt hướng Đông kể từ khi Ủy ban châu Âu mở cuộc điều tra chính thức nhằm vào cơ chế ấn định độc quyền giá khí đốt xuất khẩu qua đường ống của các chi nhánh và đối tác của Gazprom ở Trung và Đông Âu trong các hợp đồng khí đốt dài hạn.

Ngay từ năm 2011, Tổng thống Putin đã thúc giục Gazprom phải cập nhật chiến lược cũng như tăng công suất sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để có thể xuất khẩu bằng đường biển. Sản xuất khí đốt hiện đóng góp khoảng một nửa thu ngân sách nhà nước Nga. Nằm trong kế hoạch giám sát chính sách năng lượng, ông Putin đã cảnh báo Gazprom phải thích ứng với kế hoạch nêu trên sau một thời gian dài Tập đoàn này vẫn bác bỏ những khuyến cáo rằng việc bùng nổ sản lượng khí đốt đá phiến ở Mỹ sẽ gây những tác động bất lợi kéo dài.

Phát biểu tại một cuộc họp của Ủy ban chính sách năng lượng Nga mới đây, ông Putin nói rõ, những ưu tiên hàng đầu là nguồn cung cho các thị trường trong nước, nền kinh tế và doanh nghiệp, cũng như đa dạng hóa các thị trường, nhằm chinh phục thị trường tiềm năng ở châu Á, đồng thời phải đa dạng hóa phương thức vận chuyển.

Để thực hiện mục tiêu tăng cung cấp nhiên liệu cho khu vực Đông-Bắc Á, Gazprom đã thành lập Trung tâm xuất khẩu khí đốt Nga trong khuôn khổ Chương trình khí đốt phương Đông, với nhiệm vụ cân bằng hoặc tăng cao hơn lượng nhiên liệu cung cấp cho các nước châu Á-Thái Bình dương so với các nước châu Âu. Nga cũng đã nỗ lực trong nhiều năm nhằm đạt được thỏa thuận bán khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, nhưng chưa thành công. Ngoài ra, Nga đang dự định bán LNG cho Ấn Độ và cho Seuol qua dự án xây dựng đường ống dẫn từ khu vực Viễn Đông Nga qua lãnh thổ Triều Tiên tới Hàn Quốc.

Minh Anh

(Theo Báo TG&VN)