Tóm tắt
Là một đất nước không có nhiều tài nguyên dầu khí, Thái Lan đã chọn con đường phát triển lĩnh vực hạ nguồn dựa trên nguyên liệu khí đốt nội địa và nhập khẩu, tạo ra đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và từng bước trở thành quốc gia xuất khẩu sản phẩm hóa dầu hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Bài báo giới thiệu con đường giúp Thái Lan đạt được thành công này khi trữ lượng dầu khí xác minh của quốc gia này chỉ đạt gần 450 triệu thùng dầu thô và 9.040 tỷ ft3 khí.
Từ khóa: Ethylene, propylene, hóa dầu, Thái Lan.
Ngành công nghiệp khí Thái Lan ra đời vào năm 1973 khi trữ lượng khí công nghiệp được phát hiện ở vịnh Thái Lan cùng với việc thành lập Cơ quan quản lý khí Thái Lan (NGOT) có nhiệm vụ đàm phán các hợp đồng mua khí với các chủ tô nhượng nước ngoài hoạt động ở Thái Lan. Cũng trong thời gian này, Chính phủ Thái Lan xác định nhiệm vụ xây dựng ngành công nghiệp hóa dầu dựa trên cơ sở nguyên liệu khí đốt.
Năm 1978, Công ty Dầu mỏ Thái Lan (PTT) được thành lập để thực hiện nhiệm vụ quan trọng của NGOT là xây dựng hệ thống vận chuyển khí từ vịnh Thái Lan đến các nhà máy điện do Cục Sản xuất điện Thái Lan (EGAT) quản lý. Năm 1996, PTT thành lập Công ty Phân phối khí PTTNGD. Một số nhà máy điện chuyển sang sử dụng nhiên liệu khí đốt thay thế LPG, diesel và dầu thô. Hiện nay, lượng khí tiêu thụ trong nước đạt khoảng 60 tỷ m3/năm. Theo Viện nghiên cứu Năng lượng Oxford, Thái Lan sẽ phải nhập khẩu khoảng 20,4 tỷ m3 LNG/ năm vào năm 2025, chưa kể lượng khí khô nhập khẩu bằng đường ống từ Myanmar.
PTT sở hữu và điều hành các nhà máy xử lý/tách khí (GSP) với tổng công suất trên 1,7 tỷ ft3/ngày. Sản phẩm từ các nhà máy này được sử dụng làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp hóa dầu, đồng thời sản xuất một lượng lớn LPG cho sinh hoạt, nhiên liệu cho xe hơi, đưa Thái Lan từ nước nhập khẩu LPG trở thành nước xuất khẩu LPG.
Quyết định không tiếp tục phát triển nhiệt điện chạy than đá (chiếm 15% lượng điện tiêu thụ, giá thành rẻ) và chuyển sang phát triển điện khí (chiếm gần 40% lượng điện tiêu thụ, giá thành đắt hơn điện than nhưng ít gây ô nhiễm môi trường) đã tạo ra cơ hội phát triển nhanh ngành công nghiệp hóa dầu để trở thành một đối tác hóa dầu lớn trong khu vực.
Để tối đa hóa giá trị tạo ra từ trữ lượng khí thiên nhiên đồng thời đáp ứng nhu cầu trong nước không ngừng gia tăng nhiều loại sản phẩm hàng hóa tiêu dùng và nguyên liệu, PTT mở rộng lĩnh vực sản xuất sản phẩm hóa dầu theo chiến lược phát triển công nghiệp tổng thể thông qua chủ trương xây dựng các cụm công nghiệp.
Cụm công nghiệp là nơi tập trung các doanh nghiệp, các cơ quan tổ chức nhà nước, các học viện, trung tâm nghiên cứu, dịch vụ… có mối liên hệ chặt chẽ, với mục đích gắn kết sự hỗ trợ, hợp tác toàn diện nhằm nâng cao tiềm năng đầu tư và khả năng cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội theo dạng chuỗi đạt hiệu quả cao. Như vậy, để chọn địa điểm đặt nhà máy, doanh nghiệp không chỉ xem xét các yếu tố thuận lợi về cung - cầu mà còn xem xét điều kiện tối ưu về môi trường và sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Trong chiến lược phát triển các cụm công nghiệp, Thái Lan chia ra 2 loại hình: siêu cụm công nghiệp và cụm công nghiệp chuyên ngành. Siêu cụm công nghiệp gồm các doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, các ngành công nghiệp tương lai, ô tô, điện - điện tử, thiết bị viễn thông, hóa dầu và hóa chất thân thiện với môi trường, các ngành dựa trên nền tảng công nghệ số, công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và thiết bị y tế. Cụm công nghiệp chuyên ngành gồm chế biến sản phẩm nông nghiệp, dệt may, da giày... Chính phủ và Ủy ban Đầu tư Thái Lan soạn thảo, công bố các chiến lược, chính sách áp dụng cho các cụm công nghiệp và bắt đầu thực hiện từ ngày 16/9/2015, khi khuynh hướng giá dầu thấp được dự báo sẽ kéo dài. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp dưới nhiều dạng, gồm hỗ trợ nguồn nhân lực, công nghệ, cơ sở hạ tầng, hệ thống hậu cần (logistics), thuế, điều chỉnh các quy chế quy định tạo sự thuận lợi cho nhà đầu tư.
Về thuế, các doanh nghiệp được chia thành 2 nhóm: nhóm đóng thuế và nhóm không phải đóng thuế. Trong nhóm đóng thuế, siêu cụm công nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 8 năm, giảm 50% trong 5 năm tiếp theo và miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị. Bộ Tài chính quyết định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 10 - 15 năm đối với các cụm công nghiệp tương lai hoặc có tầm quan trọng, miễn thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia làm việc ở các lĩnh vực đặc biệt. Chế độ không phải đóng thuế cho chuyên gia cao cấp định cư ở Thái Lan được áp dụng, cho phép người nước ngoài nhận đất để triển khai các hoạt động kinh tế. Đối với các cụm công nghiệp còn lại, đối tượng phải đóng thuế được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 3 - 8 năm, giảm 50% trong 5 năm tiếp theo và miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị. Các đối tượng không phải đóng thuế được quy định như đối với siêu cụm công nghiệp. Năm 2012, Chính phủ Thái Lan điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp từ 30% xuống còn 23%/năm. Theo báo cáo thường niên môi trường kinh doanh (Doing business) của Ngân hàng Thế giới, năm 2015 Thái Lan đạt chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi đứng thứ 26/189.
Quá trình phát triển ngành công nghiệp hóa dầu dựa trên khí đốt của Thái Lan được chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1980 - 1989: Thái Lan xây dựng Khu liên hợp hóa dầu quốc gia số 1
Trước năm 1980, ngành hóa dầu đòi hỏi công nghệ cao nhưng Thái Lan không có đủ trình độ chuyên môn cần thiết để phát triển mặc dù nhu cầu sản phẩm nhựa cao và được dự báo tiếp tục tăng dài hạn. Để tối đa hóa giá trị đầu tư và hiệu quả, Chính phủ Thái Lan quyết định phát triển các hoạt động dầu khí thượng nguồn kết hợp giữa các đơn vị quốc doanh với tư nhân, trong đó quốc doanh giữ vị trí chủ đạo; còn lĩnh vực hạ nguồn phần lớn do tư nhân đầu tư. PTT chỉ đóng vai trò xúc tác cho phát triển ngành công nghiệp hóa dầu, đặc biệt là nâng cao niềm tin của các liên doanh tư nhân. Công ty Hóa dầu Quốc gia (NPC) được thành lập ngày 23/2/1984 là liên doanh giữa PTT, Crown Property Bureau, Công ty Tài chính Công nghiệp (IFC) và 4 công ty tư nhân với tổng vốn đầu tư ban đầu là 360 triệu USD. Liên doanh này đã đưa 1 nhà máy olefin vào hoạt động từ năm 1989. Thị trường sản phẩm hóa dầu thời điểm này chỉ giới hạn trong nội địa, Thái Lan phải tự đảm nhận vốn đầu tư cơ bản xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường sá, cảng, nguồn cung nước ngọt và điện. Nguyên liệu là ethane và propane lấy từ khí đốt, olefin và các chất dẫn xuất là sản phẩm hàng hóa cơ bản.
- Giai đoạn 1989 - 2004: Xây dựng khu liên hợp lọc hóa dầu quốc gia số 2
Nhu cầu sản phẩm hóa dầu trong nước tăng cao, chiến lược phát triển công nghiệp và kinh tế nói chung chuyển sang định hướng xuất khẩu. PTT vẫn đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động dầu khí thượng nguồn để cung cấp khí nguyên liệu, hoạt động hạ nguồn tiếp tục mở rộng vai trò của tư nhân. Olefin và aromatic được phát triển để sản xuất nhiều loại nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp trung và hạ nguồn. Thai Olefines (TOC) thành lập năm 1990, bắt đầu hoạt động thương mại năm 1995; Aromatics PCL thành lập năm 1989 và hoạt động thương mại từ năm 1997. Với vốn đầu tư trên 1,8 tỷ USD, 2 dự án này tạo việc làm cho 60.000 công nhân và khuyến khích đầu tư một số ngành công nghiệp liên quan khác. Sản phẩm hóa dầu trong nước thay thế được 1 tỷ USD giá trị nhập khẩu các sản phẩm nhựa và đã đáp ứng được nhu cầu nhựa thô nguyên liệu trong nước. Trong giai đoạn này, Thái Lan đã cải thiện công tác quản lý môi trường sản xuất kinh doanh sản phẩm hóa dầu và đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân, tích lũy kinh nghiệm trong các nhà máy hóa dầu. Với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp trong lĩnh vực hóa dầu của Thái Lan tăng cường xúc tiến thương mại tiếp thị quốc tế trong giai đoạn 1995 - 2004.
- Giai đoạn 2005 - 2018: Thái Lan tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng cấp tài sản và liên minh chiến lược, coi đây là công cụ để phát triển và nâng cao giá trị khí thiên nhiên. Thái Lan tiếp tục phát triển chuỗi giá trị tiến tới các sản phẩm chất lượng cao. Ngoài ra, Thái Lan cũng tập trung đào tạo đội ngũ nhân lực đạt trình độ quốc tế, phát triển các đơn vị nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực lọc hóa dầu. Khi giai đoạn này hoàn tất, Thái Lan sẽ thu hút các nhà đầu tư lớn, triển vọng nhờ cơ sở hạ tầng đầy đủ và khả năng cạnh tranh cao.
 |
Đơn vị: nghìn tấn/năm |
Bảng 1. Sản lượng, nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ các sản phẩm hóa dầu ở Thái Lan
Hình 1. Sản lượng hóa dầu của Thái Lan
Nhà máy BPA tại Map Ta Phut, Thái Lan. Nguồn: Toyothaiusa
Hình 2. Thị trường hóa dầu hạ nguồn Thái Lan
 |
Đơn vị: nghìn tấn/năm. Nguồn: PTIT Industrial Survey, 3/2016 |
Bảng 2. Công suất sản phẩm hóa dầu chính của Thái Lan
Công nghiệp hóa dầu Thái Lan được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong 5 năm tới theo cùng nhịp với mức gia tăng GDP trên 3%/năm. Tốc độ phát triển ngành công nghiệp ô tô và một số ngành kinh tế lớn khác như xây dựng, khách sạn, nhà hàng, hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, dịch vụ... sẽ tác động lớn đến tốc độ phát triển của ngành công nghiệp hóa dầu. Bức tranh sản lượng và tiêu thụ sản phẩm hóa dầu theo kết quả khảo sát tháng 3/2016 của PTIT Industrial Survey được trình bày trong Bảng 1 và 2 với một số điểm nổi bật sau:
- Sản lượng ethylene tăng 2,6% năm 2015 vì các crackers sẵn sàng hoạt động với 99% công suất do nhu cầu các sản phẩm dẫn xuất hóa dầu tăng cao. Nhu cầu của thị trường sản phẩm hóa dầu hoàn thiện (petrochemical end) tăng đồng thời với ethylene, đặc biệt là LDPE/EVA và HDPE. Ethylene nhập khẩu năm 2015 giảm từ 46.000 tấn xuống còn 23.000 tấn trong lúc ethylene xuất khẩu tăng từ 66.000 tấn lên 70.000 tấn.
- Sản lượng của các sản phẩm polymer chính tăng 4% trong năm 2015 so với các năm trước đó do nhu cầu lớn trên thị trường nội địa và xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhựa HDPE. Nhu cầu PVC cũng tăng so với các năm trước do ngành xây dựng phát triển.
Ngành hóa dầu Thái Lan có triển vọng phát triển trong tương lai gần do giá dầu thô thấp kéo theo giá khí thấp, chi phí sản xuất naphtha (nguyên liệu quan trọng cho sản xuất chất dẻo) giảm. Các lĩnh vực kinh tế đang phát triển mạnh ở châu Á như công nghiệp ô tô, xây dựng, giao thông vận tải… tiếp tục tạo thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm hóa dầu của Thái Lan.
Vấn đề cần giải quyết lớn nhất để phát triển công nghiệp hóa dầu Thái Lan cũng giống như ở các nước đang phát triển khác là tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút và phát huy tác dụng các nguồn lực trong và ngoài nước.
Điểm nổi bật trong môi trường đầu tư Thái Lan là sự điều chỉnh linh hoạt và đồng bộ các chính sách hỗ trợ đắc lực chiến lược phát triển thay thế hàng nhập khẩu hướng tới xuất khẩu, giảm dần đầu tư từ ngân sách nhà nước, khuyến khích tư nhân trong nước đảm nhiệm vai trò động lực trong phát triển các sản phẩm chủ lực được đầu tư trọng tâm, gắn với các cơ sở đầu tư ngoại vi và phụ trợ theo chuỗi nền tảng của kinh tế quốc gia, được lựa chọn thích hợp với lợi thế cạnh tranh và nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế trong từng giai đoạn từ thấp lên cao. Môi trường đầu tư của Thái Lan được thiết kế nhằm tạo thuận lợi cho phát triển nguồn nhân lực trong nước theo tiêu chuẩn quốc tế, nhất là đội ngũ nhân lực có trình độ khoa học - quản lý và chuyên môn cao đồng thời có sức hấp dẫn chuyên gia cao cấp, công nhân lành nghề từ nước ngoài vào làm việc ở Thái Lan. Môi trường đầu tư Thái Lan phân biệt ưu tiên, ưu đãi khác nhau đối với từng nhóm đề án cụ thể, được phân loại theo tác động của dự án đó đến nền kinh tế địa phương và quốc gia, theo hàm lượng khoa học công nghệ tiên tiến, khả năng đào tạo lao động và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tỷ lệ nợ trên vốn và theo vị trí địa lý. Thái Lan ngày càng mở rộng tự do hóa sở hữu tài sản và cổ phần của người nước ngoài, tạo điều kiện cho thuê đất đai, nhà cửa, rút/chuyển tiền ra nước ngoài dễ dàng… Đây là môi trường có sức cạnh tranh cao trong thu hút đầu tư trong số các nước đang phát triển khác trên toàn thế giới.
Với một đất nước không có nhiều tài nguyên dầu khí, Thái Lan ngay từ đầu đã chọn con đường phát triển nhanh lĩnh vực hạ nguồn dựa trên nguyên liệu khí đốt nội địa và nhập khẩu, tạo ra đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và từng bước trở thành nước xuất khẩu sản phẩm hóa dầu hàng đầu khu vực. Để khắc phục nhược điểm trình độ khoa học- công nghệ thấp, thiếu trầm trọng đội ngũ nhân lực có chất lượng cao và nguồn vốn đầu tư lớn, Thái Lan chọn giải pháp dựa vào các nước tiên tiến để phát triển các ngành mũi nhọn, đồng thời từng bước tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Thái Lan là nước Đông Nam Á sử dụng chủ yếu loại hợp đồng tô nhượng cho thăm dò - khai thác để không phải chịu gánh nặng đầu tư hạ tầng ngay từ đầu. Trong lĩnh vực hạ nguồn (xử lý, chế biến, phân phối...), các đơn vị quốc doanh chỉ đóng vai trò xúc tác, dẫn dắt, còn đầu tư, điều hành sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ của các công ty liên doanh, trong đó các công ty quốc doanh chỉ là một cổ đông. Trong khi các nước khác dùng tiền ngân sách đầu tư, gánh chịu chi phí xây dựng, sản xuất kinh doanh trong giai đoạn đầu (có nhiều khả năng thua lỗ) rồi mới cổ phần hóa. Việc chọn vị trí đặt nhà máy phải nằm trong quy hoạch phân vùng kinh tế của chính phủ, phát triển thị trường cho sản phẩm hóa dầu thông qua kế hoạch phát triển các hộ tiêu thụ và các đơn vị dịch vụ ngay trong vùng kinh tế cũng như tìm kiếm thị trường xuất khẩu, chứ không chờ đến khi nhà máy hoàn thành. Các chính sách tạo môi trường thu hút đầu tư có chất lượng cao dài hạn được các cơ quan quản lý nhà nước ban hành trước khi triển khai kêu gọi dự án chứ không phải tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn khi đã triển khai dự án. Các chiến lược đào tạo nhân lực trình độ cao và bảo vệ môi trường cũng được chính phủ chỉ đạo tiến hành song song với quá trình triển khai dự án, không chỉ giới hạn trong phạm vi dự án mà cả ở các đơn vị liên quan như các trường đại học, cơ quan nghiên cứu, đơn vị đánh giá và xử lý sự cố ô nhiễm môi trường nằm ngoài phạm vi quản lý của đề án.
Tài liệu tham khảo
1. Delegation of Thailand. ’16 Asia Petrochemical Industry Conference. Singapore. May 2016.
2. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. www.vinachem.com.vn/xuat-ban- pham/6-2016.