PVCFC đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm mới
Định hướng chiến lược của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) trong thời gian tới là đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển dòng sản phẩm có hiệu quả cao, thân thiện với môi trường trên nền tảng cốt lõi là urea hạt đục của Đạm Cà Mau, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp.

 Nâng công suất Nhà máy Đạm Cà Mau lên 110%

Năm 2016, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đối mặt với nhiều khó khăn. Giá urea thế giới và trong nước ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Giá FOB urea hạt đục Trung Đông giảm trên 28,1% so với cùng kỳ năm 2015 kéo theo giá bán urea Đạm Cà Mau thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 18,4%. Do tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn trên quy mô lớn, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Campuchia là thị trường chính của PVCFC đã gây thiệt hại lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp, khiến nhu cầu tiêu thụ urea giảm mạnh. Việc không áp dụng thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón làm tăng chi phí ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường phân bón chưa được kiểm soát chặt chẽ...


Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, PVCFC đã vận hành an toàn, hiệu quả Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất trung bình 103% và trong cuối năm đã nâng công suất lên 110%, hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất và tiêu thụ phân bón. Năm 2016, sản lượng sản xuất urea quy đổi của Đạm Cà Mau đạt 804 nghìn tấn, đạt 102% kế hoạch năm; sản lượng tiêu thụ urea quy đổi đạt 813,76 nghìn tấn đạt 104% kế hoạch năm.

Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới

Trong năm 2017, PVCFC tiếp tục bám sát chiến lược, chủ động triển khai các giải pháp toàn diện nhằm tiếp tục duy trì vị thế số 1 tại Đồng bằng sông Cửu Long; gia tăng thị phần tại khu vực Đông Nam Bộ, Campuchia; phát triển tại thị trường Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc; đồng thời đẩy mạnh kinh doanh và phân phối trọn bộ sản phẩm phân bón khác để tối ưu hóa khả năng sinh lời, nâng cao giá trị gia tăng. Công ty tiếp tục đẩy mạnh các phong trào nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh  doanh; quản trị chặt chẽ chi phí, đảm bảo giá thành cạnh tranh... Tổng giám đốc PVCFC Bùi Minh Tiến cho biết trong 5 năm qua, Công ty đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển và tiếp tục ra mắt sản phẩm phân bón mới với nhiều tính năng hiệu quả, cung cấp thêm giải pháp dinh dưỡng tốt nhất cho các loại cây trồng.


PVCFC đẩy mạnh nghiên cứu sản phẩm hiệu quả cao, thân thiện với môi trường. Ảnh: PVCFC

Sản phẩm phân bón mới N46.Plus mà PVCFC cung cấp cho thị trường cuối năm 2016 có phủ lớp N Dual Protect “bảo vệ đạm kép” công nghệ châu Âu của Solvay (Bỉ) - một tập đoàn hóa chất và vật liệu tiên tiến quốc tế, giúp giảm thất thoát đạm tối đa, gia tăng hiệu quả khi sử dụng, giúp tiết kiệm 20 - 30% lượng phân bón so với sử dụng urea thông thường. N46.Plus có chứa chất phụ gia sinh học thân thiện với môi trường. Để sản xuất sản phẩm mới này, PVCFC đã đầu tư hệ thống máy móc dây chuyền công nghệ hiện đại, tiếp tục khẳng định thương hiệu phân bón uy tín tại thị trường trong nước và khu vực Đông Nam Á. Sản phẩm phân bón N46.Plus được PVCFC tập trung phân phối tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với cây trồng chính là lúa, ngô, cây ăn quả, rau, hoa màu, mía và vùng Đông Nam Bộ - Tây Nguyên với các loại cây trồng chính là cà phê, tiêu, cao su, ngô, chè, mía, sắn. Sau Đạm Cà Mau và N.Humate+TE, N46.Plus sẽ là sản phẩm chiến lược để PVCFC xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á.


Định hướng chiến lược của PVCFC trong thời gian tới là đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới ở phân khúc thị trường tiềm năng, phù hợp với định hướng phát triển của nền nông nghiệp nước nhà, cũng như định hướng xuất khẩu sản phẩm chất lượng cao vào các thị trường khó tính trên thế giới; nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, phát triển những dòng sản phẩm có hiệu quả cao, thân thiện với môi trường trên nền tảng cốt lõi là urea hạt đục của Đạm Cà Mau, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp.

Lan Anh