Theo đó, chính quyền Pháp có kế hoạch quốc hữu hóa công ty năng lượng Electricite de France SA (EDF), coi đây là bước đi cần thiết để kiểm soát quá trình từ bỏ nhiên liệu hóa thạch trong cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Vào đầu tháng 6 vừa qua, chi phí xăng dầu tại Pháp đã phá kỷ lục. Lạm phát đã tăng lên 5,2% trong tháng 5/2022. Cần lưu ý rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài từ năm 2021 đã buộc châu Âu phải có cái nhìn khác về khí đốt và năng lượng hạt nhân, vốn trước đây được coi là năng lượng “bẩn”. Các cuộc thảo luận xoay quanh những loại năng lượng bền vững và thân thiện với môi trường đã tạo ra sự chia rẽ trong EU. Đức, Áo, Tây Ban Nha và Luxembourg phản đối năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, Pháp đang xây dựng một liên minh bao gồm những người ủng hộ năng lượng hạt nhân như Romania, Czech, Finland, Slovakia, Croatia, Slovenia, Bulgaria, Ba Lan, nhằm đưa năng lượng hạt nhân vào “phân loại xanh” của EU.
EIA mới đây cho biết, sản lượng điện gió và điện mặt trời tại Mỹ đã lần đầu tiên vượt sản lượng hạt nhân của nước này trong tháng 4 vừa qua. Cụ thể, tỷ trọng điện tái tạo trong tháng 4/2022 tại Mỹ đã tăng lên 29,3% trong cơ cấu các nguồn sản xuất điện và đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Tính lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, sản lượng điện mặt trời tại Mỹ đã tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi sản lượng nhiệt điện than giảm 3,9% và điện hạt nhân giảm 1,8%. Các chuyên gia thị trường tại Mỹ cho biết, bất chấp những khó khăn như đại dịch Covid-19, các vấn đề về truy cập lưới điện và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, năng lượng gió và mặt trời vẫn tiếp tục phát triển.
Theo thống kê mới đây của Wood Mackenzie, 10 nhà cung cấp biến tần quang điện mặt trời (PV) hàng đầu thế giới đã chiếm 82% thị phần trong năm 2021, tăng 2% so với năm 2020. Sản lượng biến tần PV toàn cầu đã tăng 22% (tức tăng 40.250 MW) lên 225.386 MW. Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ ở các thị trường châu Âu, Ấn Độ và Mỹ Latinh, nơi nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính phủ để đáp ứng mục tiêu khử carbon.
Theo các chuyên gia phân tích của Wood Mackenzie, mặc dù giá nguyên liệu thô tăng cao, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhưng các lô hàng biến tần PV vẫn tiếp tục tăng. Các nhà cung cấp hàng đầu tiếp tục tăng trưởng và củng cố thị phần của mình trong năm 2021. Trong số 10 nhà cung cấp hàng đầu, Huawei và Sungrow (Trung Quốc) tiếp tục giữ hai vị trí đầu. Thị phần của Huawei giữ ở mức ổn định 23%, trong khi Sungrow chiếm 21% thị phần. Xét về phạm vi địa lý, châu Á-TBD đã tiêu thụ hơn 50% (tức khoảng 116.064 MW) tổng sản lượng biến tần toàn cầu trong năm 2021. Tiếp sau đó là châu Âu, chiếm 23% thị trường toàn cầu.
Shell sẽ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất hydro tái tạo có quy mô lớn nhất châu Âu tại Hà Lan, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025. Nhà máy có công suất điện phân ban đầu khoảng 200 MW. Công suất thiết kế của nhà máy vào khoảng 60.000 kg hydro tái tạo/ngày. Nguồn điện cung cấp cho nhà máy một phần sẽ đến từ trang trại gió ngoài khơi, gần cảng Rotterdam. Nguồn hydro đầu ra sẽ được cung cấp cho nhà máy lọc dầu của Shell, thay thế một phần cho nhiên liệu hydro “xám” trong quá trình sản xuất xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay. Phó Chủ tịch điều hành các giải pháp năng lượng mới của Shell Anna Mascolo cho biết, hydro tái tạo sẽ đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng của tương lai và dự án này là một bước quan trọng giúp nhiên liệu hydro phát huy hết tiềm năng của nó.
Nhà phát triển năng lượng mặt trời Acme Group (Ấn Độ) mới đây đã công bố kế hoạch đầu tư 6,61 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất hydro và amoniac “xanh” hàng đầu thế giới tại bang Tamil Nadu, Ấn Độ. Để triển khai dự án, Acme Group sẽ xây dựng một nhà máy điện mặt trời công suất 5 GW để cung cấp điện cho dây chuyền điện phân công suất 1,5 GW. Sản lượng amoniac “xanh” sẽ đạt khoảng 1,1 triệu tấn mỗi năm. Trong năm 2022, các công ty Ấn Độ đã tích cực công bố nhiều dự án sản xuất hydro mới, nhằm hưởng ứng “Sứ mệnh Hydro quốc gia” (National Hydrogen Mission) cho Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố vào tháng 8/2021. Sứ mệnh này đặt mục tiêu sản xuất 5 triệu tấn hydro “xanh” vào năm 2030 và phát triển năng lực sản xuất NLTT. Tiếp đến vào tháng 02/2022, Ấn Độ đã công bố chính sách Hydro “xanh” và amoniac “xanh”.
Liên minh quản lý năng lượng và nước (BDEW) tại Đức mới đây cho biết, các nguồn NLTT ở nước này đã chiếm khoảng 49% tổng tiêu thụ điện nội địa trong nửa đầu năm 2022, cao hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tổng sản lượng điện tái tạo trong nửa đầu năm 2022 đạt 139 tỷ KWh, trong đó có 59 tỷ KWh điện gió trên bờ, 33 tỷ KWh điện mặt trời, 24 tỷ KWh điện sinh khối, 12 tỷ KWh điện gió ngoài khơi và 9 tỷ KWh từ các nhà máy thủy điện. Đáng chú ý, sản lượng điện gió trên bờ và điện mặt trời đã tăng lên đáng kể. Hai lĩnh vực này sản xuất ra lượng điện nhiều hơn khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi trong nửa đầu năm nay. Theo kế hoạch hiện tại của Chính phủ Đức, công suất lắp đặt điện mặt trời sẽ tăng hơn ba lần vào năm 2030, lên 215 GW. Theo đó thì các nhà sản xuất thiết bị điện mặt trời của Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc gia tăng này, nhất là khi nước này sản xuất tới 96% số lượng tấm silicon trên thế giới. Các nhà sản xuất module điện mặt trời tại châu Âu đã cam kết tăng công suất chế tạo các thành phần của điện mặt trời, nhưng khối lượng nhập khẩu module điện mặt trời từ Trung Quốc đang gia tăng với tốc độ rất lớn.