Phá sản doanh nghiệp là giải pháp xử lý dứt điểm những doanh nghiệp yếu kém, gặp khó khăn trong kinh doanh, thua lỗ kéo dài và không còn khả năng tiếp tục hoạt động.
Không tồn tại hình ảnh về Phá sản doanh nghiệp và thi hành luật phá sản ở Việt Nam
Luật Phá sản số 51/2014/QH13 đã được sửa đổi căn bản và toàn diện, giúp tháo gỡ các vướng mắc trong giải quyết phá sản doanh nghiệp. Bài viết trình bày tổng quan về phá sản doanh nghiệp và thực tiễn thi hành Luật phá sản ở Việt Nam trong thời gian qua.
Từ khóa: Phá sản doanh nghiệp, Luật phá sản.
1. Giới thiệu
Hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro. Nhiều trường hợp đầu tư thua lỗ, doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, không thể tiếp tục hoạt động, buộc phải rút lui khỏi thị trường theo các hình thức giải thể hoặc phá sản. Ở các nước phát triển, các doanh nghiệp sử dụng giải pháp phá sản để rút lui khỏi thị trường một cách có trật tự, đồng thời cũng là cơ hội để làm lại từ đầu.
Điều 4, Luật Phá sản 2014 định nghĩa: “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án Nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Doanh nghiệp, hợp tác xã được coi là mất khả năng thanh toán khi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”.
Cần lưu ý phân biệt giữa 2 khái niệm “mất khả năng thanh toán” và “phá sản”. Doanh nghiệp được cho là mất khả năng thanh toán khi“không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”. Còn phá sản là “tình trạng của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và bị Tòa án Nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”. Như vậy, chỉ khi Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản thì doanh nghiệp mất khả năng thanh toán mới được coi là phá sản. Thêm vào đó, việc quy định khoảng thời gian 3 tháng nợ quá hạn cũng cho phép doanh nghiệp có thêm thời gian thu xếp thanh toán các khoản nợ, đồng thời hạn chế tình trạng chủ nợ lạm dụng quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, gây áp lực với doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Cơ sở để Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản là tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp và đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của những người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn theo quy định của pháp luật (Điều 5, Luật Phá sản). Tuy nhiên, tình trạng mất khả năng thanh toán không nhất thiết sẽ dẫn tới việc mở thủ tục phá sản. Trong khoảng thời gian kể từ khi nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho tới khi Tòa án chính thức ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, nếu doanh nghiệp có thể khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán (có được nguồn thu, được cấp một khoản tín dụng mới...) thì doanh nghiệp vẫn có cơ hội thỏa thuận với chủ nợ về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (Điều 37, Luật Phá sản). Nếu trong khoảng thời gian tính từ khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đến trước ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản, nếu doanh nghiệp không còn trong tình trạng mất khả năng thanh toán thì thủ tục phá sản sẽ được chấm dứt (Điều 86, Luật Phá sản).
Căn cứ vào nguyên nhân gây ra phá sản, phá sản được chia thành 2 loại: Phá sản trung thực và phá sản man trá.
- Phá sản trung thực là phá sản do nguyên nhân khách quan hay rủi ro trong kinh doanh gây ra như: thiên tai, địch họa, khủng hoảng kinh tế, biến động chính trị;
- Phá sản man trá là phá sản do chủ doanh nghiệp mắc nợ có thủ đoạn, hành vi gian dối, có sự sắp đặt từ trước, lợi dụng cơ chế phá sản để chiếm đoạt tài sản của các chủ nợ. Ví dụ chủ doanh nghiệp mắc nợ gian lận trong việc ký kết các hợp đồng, tẩu tán tài sản, cố tình báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực, sau đó tạo ra lý do phá sản không đúng sự thật. Đây là hành vi lừa đảo, thường bị xử lý nghiêm khắc về mặt hình sự.
Dựa vào cơ sở phát sinh quan hệ pháp lý, phá sản được chia thành 2 loại: Phá sản tự nguyện (voluntary bankruptcy) và phá sản bắt buộc (involuntary bankruptcy).
- Phá sản tự nguyện là phá sản do chính phía doanh nghiệp mắc nợ tự đệ đơn yêu cầu tuyên bố phá sản khi thấy mất khả năng thanh toán nợ đến hạn và không còn cách nào để khắc phục tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn đó. Theo Luật Phá sản, việc nộp đơn yêu cầu phá sản là nghĩa vụ của doanh nghiệp khi nhận thấy lâm vào tình trạng phá sản.
- Phá sản bắt buộc là phá sản được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của các chủ nợ, nằm ngoài ý muốn chủ quan của doanh nghiệp mắc nợ.
2. Đối tượng có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản chỉ được Tòa án xem xét giải quyết trên cơ sở có yêu cầu mở thủ tục phá sản. Theo Điều 5, Luật Phá sản 2014, các đối tượng sau đây có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:
- Đối tượng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:
+ Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
+ Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
+ Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ doanh nghiệp quy định.
+ Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
- Đối tượng có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:
+ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;
+ Chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần, chủ tịch hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Với 6 nhóm đối tượng trên, Luật Phá sản năm 2014 đã mở rộng đối tượng được phép yêu cầu mở thủ tục phá sản so với Luật Phá sản năm 2004, trong đó có các đối tượng mới như công đoàn, người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp... Việc mở rộng đối tượng có quyền hoặc nghĩa vụ yêu cầu giải quyết phá sản nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng liên quan khác tham gia thực hiện thủ tục phá sản, hạn chế tình trạng doanh nghiệp không còn cơ hội phục hồi nhưng không có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Ngoài ra, Luật Phá sản năm 2014 cũng bổ sung quy định trách nhiệm pháp lý đối với những người thuộc nhóm đối tượng có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Nếu như các đối tượng này không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại phát sinh do việc không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và phải bồi thường.
3. Trình tự thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp
Theo Luật Phá sản năm 2014, trình tự thực hiện thủ tục phá sản gồm các bước chủ yếu sau:
4. Thực tiễn quá trình thi hành
4.1. Luật Phá sản ở Việt Nam trong thời gian qua Luật Phá sản Doanh nghiệp năm 1993
Tại Việt Nam, Luật Phá sản lần đầu tiên được ban hành ngày 30/12/1993 trong bối cảnh chuyển từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp, lúc này đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng cạnh tranh. Những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, không thể thanh toán được các khoản nợ đến hạn buộc phải chấm dứt sự tồn tại và rút khỏi thị trường. Trước tình hình đó, Nhà nước đã ban hành Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993 để điều chỉnh toàn bộ các vấn đề liên quan đến phá sản doanh nghiệp, nhằm đảm bảo các doanh nghiệp rút khỏi thương trường một cách có trật tự, hạn chế gây hậu quả xấu cho các chủ thể có liên quan nói riêng và cho xã hội nói chung.
Luật Phá sản Doanh nghiệp năm 1993 đã tạo lập hành lang pháp lý sơ bộ để giải quyết vấn đề về phá sản doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật này được xây dựng trong hoàn cảnh nước ta mới chuyển sang cơ chế quản lý kinh tế mới nên sự hiểu biết về nền kinh tế thị trường cùng với kinh nghiệm thực tiễn về giải quyết phá sản không nhiều và cũng chưa có điều kiện để tham khảo đầy đủ các quy định của luật pháp quốc tế về phá sản. Do đó, cơ quan lập pháp chưa lường trước được những vấn đề cần quy định trong Luật Phá sản, nhiều quy định đưa ra còn bất cập, không phù hợp với thực tế, gây cản trở việc giải quyết phá sản. Tính đến năm 2003, sau gần 10 năm thi hành Luật Phá sản doanh nghiệp (từ năm 1993), Tòa án chỉ thụ lý 151 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, trong số đó 46 doanh nghiệp Tòa tuyên bố bị phá sản [1].
4.2. Luật Phá sản năm 2004
Ngày 15/6/2004, Luật Phá sản năm 2004 được Quốc hội thông qua, thay thế Luật Phá sản Doanh nghiệp năm 1993. So với Luật Phá sản Doanh nghiệp năm 1993, Luật Phá sản năm 2004 có điểm tiến bộ hơn, vì vậy tình hình thụ lý và giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp theo Luật Phá sản năm 2004 đã được cải thiện. Theo kết quả tổng kết thi hành Luật Phá sản năm 2004, toàn ngành Tòa án đã thụ lý 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, trong đó ra 236 quyết định mở thủ tục phá sản và 83 quyết định tuyên bố phá sản. Trong số 153 vụ việc chưa ra quyết định tuyên bố phá sản có 49 vụ việc có lý do chưa thu hồi được các khoản nợ và chưa bán được tài sản [1].
Nguồn: Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phá sản của Tòa án Nhân dân tối cao ngày 23/9/2013Tuy nhiên trong quá trình áp dụng, Luật Phá sản năm 2004 vẫn tồn tại nhiều bất cập, gây trở ngại cho việc giải quyết phá sản doanh nghiệp [2]:
- Tỷ lệ doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản thấp.
Mặc dù Luật Phá sản quy định chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản nhưng không quy định chế tài nên các doanh nghiệp chưa thực hiện trách nhiệm triệt để. Việc né tránh tuyên bố phá sản và tìm cách duy trì doanh nghiệp bằng các biện pháp như: cấp vốn bổ sung, hoãn nợ, phân tách, sáp nhập... không thể giải quyết được tình trạng vỡ nợ tiềm ẩn của doanh nghiệp mà còn dẫn đến một số hệ lụy như: tăng thêm gánh nặng tài chính khi các khoản nợ tiếp tục bị tính lãi, tốn chi phí duy trì bộ máy, thường xuyên phải đối mặt với kiện tụng, đòi nợ...
Đối với các chủ nợ, thủ tục phá sản chỉ được sử dụng khi không còn giải pháp khác. Các chủ nợ thường tìm cách đòi nợ thông qua các thủ tục tố tụng dân sự, thủ tục hành chính... để thu xếp kín đáo các khoản nợ. Nếu yêu cầu phá sản doanh nghiệp, chủ nợ phải chia phần tài sản còn lại của doanh nghiệp phá sản với các chủ nợ khác dẫn đến nhiều khả năng không thu hồi được toàn bộ khoản nợ. Ngoài ra, đối với các chủ nợ là ngân hàng, việc công khai yêu cầu mở thủ tục phá sản sẽ thể hiện chất lượng tín dụng thấp, ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng, thậm chí có thể sẽ phải đối mặt với việc bị thanh kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của các cán bộ liên quan.
- Doanh nghiệp không cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu cơ sở để thực hiện phá sản
Doanh nghiệp không cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu do đó Tòa án khó xác định tình trạng phá sản của doanh nghiệp, không đủ cơ sở để xem xét và giải quyết. Trên thực tế, việc chấp hành các quy định về chế độ tài chính kế toán còn yếu kém; quản lý sổ sách, chứng từ kế toán lỏng lẻo; tình hình tài sản và các khoản công nợ không được ghi chép, phản ánh đầy đủ, rõ ràng; hồ sơ pháp lý các khoản công nợ thiếu chứng cứ pháp lý để trả nợ và thu nợ vì không được chủ nợ và người mắc nợ đối chiếu, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết phá sản cũng như việc thi hành quyết định thanh lý tài sản của doanh nghiệp.
- Khó khăn trong việc xử lý, thu hồi các khoản nợ của doanh nghiệp
Việc thu hồi nợ mất rất nhiều thời gian nếu doanh nghiệp bị phá sản có nhiều chủ nợ, tài sản tại các địa bàn khác nhau.
Khó thu hồi nợ trong trường hợp doanh nghiệp mắc nợ đã tự giải thể, chuyển trụ sở nhưng không thông báo, không có khả năng thanh toán, né tránh trả nợ, hoặc khoản nợ thuộc dạng tài sản đầu tư dở dang của doanh nghiệp (trong lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất...). Luật Phá sản năm 2004 chưa quy định rõ việc xử lý đối với các trường hợp trên, cơ quan thi hành án dân sự không thể cưỡng chế người mắc nợ nếu chưa có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định tuyên bố phá sản (Tòa án chỉ ra quyết định tuyên bố phá sản khi giải quyết xong các công việc như thu hồi nợ, bán tài sản...), dẫn đến quá trình giải quyết phá sản bị kéo dài do không thu hồi được nợ.
- Khó khăn trong việc xử lý tài sản của doanh nghiệp phá sản
Việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản phải qua nhiều thủ tục, tốn thời gian, dẫn đến tài sản để lâu vừa tốn kém chi phí bảo quản, vừa bị giảm giá trị hoặc thậm chí không còn giá trị sử dụng.
Việc xử lý tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất trong trường hợp là đất của Nhà nước cho thuê, khi doanh nghiệp tiến hành giải quyết phá sản thường bị Nhà nước thu hồi lại theo quy định tại Khoản 2, Điều 38, Luật Đất đai năm 2003. Do đó, tài sản nếu không gắn liền với đất thì không bán được, hoặc bán với giá rất thấp, dẫn đến thiệt hại cho các chủ nợ.
Các loại tài sản rất khó thanh lý, tổ chức bán đấu giá nhiều lần không tìm được người mua, chi phí tổ chức, bảo quản tài sản tốn kém, mất thời gian giải quyết.
Mất nhiều thời gian giải quyết trong trường hợp xảy ra tranh chấp tài sản thanh lý của doanh nghiệp bị phá sản.
- Khó khăn trong việc tổ chức hội nghị chủ nợ
Khi tòa án mở hội nghị chủ nợ thì rất khó mời được chủ nợ có bảo đảm đến dự (vì đã có tài sản của doanh nghiệp bảo đảm cho khoản vay). Nếu không tổ chức được hội nghị chủ nợ thì không thể tuyên bố phá sản doanh nghiệp, trong khi luật không quy định chế tài áp dụng với chủ nợ không tham dự hội nghị.
- Quy định cứng nhắc về thời hạn phục hồi hoạt động kinh doanh
Quy định thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh cứng nhắc, với thời hạn ấn định tối đa 3 năm, do đó hội nghị chủ nợ không thể đưa ra quyết định linh hoạt theo tình hình của doanh nghiệp bị phá sản.
- Việc ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản và quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản thường kéo dài
Luật Phá sản năm 2004 quy định chỉ khi thu hồi hết nợ, thanh lý bán hết tài sản của doanh nghiệp và hoàn thành phương án phân chia tài sản thì Tòa án mới được ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản và ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp doanh nghiệp không thể thanh lý được tài sản (do không có người mua hoặc do có tranh chấp tài sản) hoặc chưa thu hồi được hết các khoản nợ nên chưa thể chốt phương án phân chia tài sản, vì vậy không thể ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản để ra quyết định tuyên bố phá sản. Đây là vướng mắc lớn nhất trong quá trình thực hiện Luật Phá sản tại doanh nghiệp.
- Quá trình thụ lý hồ sơ rườm rà, phức tạp, tốn nhiều thời gian
Quy định của Luật Phá sản năm 2004 còn có điểm mâu thuẫn, chưa tương thích với các văn bản quy phạm pháp luật khác, có quy định chưa phù hợp (hoặc không còn phù hợp), chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng và còn có nhiều cách hiểu khác nhau gây trở ngại cho quá trình thực hiện.
Ngoài ra, số lượng và năng lực của đội ngũ cán bộ (thẩm phán, chấp hành viên...) còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác giải quyết phá sản doanh nghiệp cũng là nguyên nhân làm cho quá trình giải quyết phá sản gặp nhiều khó khăn.
4.3. Luật Phá sản năm 2014
Ngày 19/6/2014, Luật Phá sản số 51/2014/QH13 đã được Quốc hội thông qua. So với Luật Phá sản năm 2004, Luật này được đánh giá có sửa đổi căn bản và toàn diện, giúp tháo gỡ vướng mắc trong giải quyết phá sản, đồng thời bổ sung các điểm mới có lợi cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không còn khả năng hoạt động có thể chấm dứt sự tồn tại nhanh chóng, thuận tiện hơn [2]:
- Mở rộng đối tượng nộp đơn
Luật Phá sản năm 2014 quy định quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo hướng mở rộng đối tượng có quyền nộp đơn, trong đó có các đối tượng mới như: công đoàn, đại diện pháp luật của các doanh nghiệp...
- Quy định rõ trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ phục vụ giải quyết phá sản
Luật Phá sản năm 2014 quy định rõ trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc phá sản có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc phá sản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của chủ nợ, doanh nghiệp, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Nếu không cung cấp được tài liệu, chứng cứ theo quy định trên phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Nếu cố ý không cung cấp tài liệu, chứng cứ mà không có lý do chính đáng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
- Quy định về tổ chức hội nghị chủ nợ phù hợp hơn
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triệu tập hội nghị chủ nợ, Luật Phá sản năm 2014 cho phép các chủ nợ không nhất thiết phải trực tiếp tham dự hội nghị chủ nợ mà có thể gửi ý kiến bằng văn bản. Trường hợp hội nghị chủ nợ lần thứ nhất bị hoãn vì không triệu tập đủ số lượng chủ nợ chiếm hơn 51% tổng số nợ không có bảo đảm tham dự theo quy định thì trong vòng 30 ngày có thể triệu tập hội nghị chủ nợ lần thứ hai. Nếu lần thứ hai vẫn không triệu tập được đủ số lượng chủ nợ theo quy định thì thẩm phán có quyền lập biên bản và quyết định tuyên bố phá sản. Quy định trên khắc phục khó khăn trong việc triệu tập hội nghị chủ nợ, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và các chi phí phát sinh không đáng có của các bên liên quan.
- Quy định thời hạn phục hồi hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn
Khác với Luật cũ, Luật Phá sản năm 2014 quy định về thời hạn thực hiện phương án hồi phục hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán sẽ được quyết định theo nghị quyết của hội nghị chủ nợ. Nếu hội nghị chủ nợ không xác định được thời hạn phục hồi thì sẽ áp dụng thời hạn 3 năm kể từ ngày hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Đây là quy định mới tôn trọng quyền quyết định của hội nghị chủ nợ, cho phép doanh nghiệp có thể tùy theo điều kiện, hoàn cảnh thực tế để xác định thời hạn phục hồi hoạt động kinh doanh phù hợp, không còn cứng nhắc áp đặt một thời hạn duy nhất cho tất cả doanh nghiệp như trước đây.
- Xử lý tranh chấp tài sản
Nếu xảy ra tranh chấp trước khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản thì tài sản đang tranh chấp được Tòa án giải quyết phá sản tách ra để giải quyết bằng vụ án khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Sau khi có bản án và quyết định có hiệu lực của Tòa án thì tài sản này sẽ được nhập vào tài sản của doanh nghiệp và được phân chia theo quyết định tuyên bố phá sản. Quy định này hạn chế tình trạng quá trình giải quyết phá sản bị đình trệ do phải xử lý vướng mắc về tranh chấp tài sản.
- Thay đổi trình tự thực hiện phá sản phù hợp hơn Luật Phá sản năm 2014 quy định thủ tục tuyên bố phá
sản phải thực hiện trước thủ tục thanh lý tài sản, tương tự quy định tại Luật Phá sản Doanh nghiệp năm 1993. Việc thay đổi trình tự thủ tục khắc phục tình trạng kéo dài thời gian giải quyết phá sản do chưa thể ra quyết định đình chỉ thủ tục thanh lý tài sản và quyết định tuyên bố phá sản khi chưa thanh lý được hết tài sản và chưa thu hồi hết nợ.
- Bổ sung chế định quản tài viên hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện phá sản
Quản tài viên là những người am hiểu về pháp luật, tài chính, kế toán được Tòa án giao nhiệm vụ thực hiện quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản. Quản tài viên hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, triển khai kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh và trong trường hợp không thể khôi phục được thì triển khai thanh lý tài sản với hiệu quả cao nhất cho các bên liên quan. Việc chuyên nghiệp hóa hoạt động quản lý, thanh lý tài sản giúp ngăn chặn tình trạng thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
- Bổ sung loại hình phá sản rút gọn cho các doanh nghiệp cần phá sản ngay
Luật Phá sản năm 2014 bổ sung quy định về áp dụng loại hình phá sản theo thủ tục rút gọn đối với trường hợp doanh nghiệp nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản kèm theo đầy đủ căn cứ chứng minh rằng không còn tiền và tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản. Đối với trường hợp trên, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án thông báo cho người tham gia thủ tục phá sản về việc giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn, Tòa án sẽ xem xét, tuyên bố doanh nghiệp phá sản hoặc tiếp tục giải quyết theo thủ tục thông thường và thông báo cho người tham gia thủ tục phá sản biết.
5. Kết luận
Luật Phá sản 2014 đã có sự đổi mới căn bản và toàn diện, giúp tháo gỡ các vướng mắc trong giải quyết phá sản, song chưa có các văn bản hướng dẫn chi tiết, còn thiếu cơ sở để triển khai áp dụng. Hiệu quả của việc giải quyết phá sản doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào sự hoàn chỉnh của khung pháp lý mà còn phụ thuộc vào năng lực của các cơ quan thi hành pháp luật và Tòa án.
Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong thời gian qua đã tập trung thực hiện công tác tái cấu trúc, sắp xếp lại các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh trùng lặp thông qua các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), hoặc giải thể một số doanh nghiệp yếu kém. Trong một số trường hợp, việc sắp xếp cơ học bằng cách giao doanh nghiệp yếu kém cho các đơn vị thành viên quản lý không giúp cải thiện tình hình của các doanh nghiệp này, gây ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh của đơn vị tiếp nhận.
Đối với các doanh nghiệp yếu kém, ngoài biện pháp giải thể, trong trường hợp cần thiết, PVN cần tính đến việc phá sản để hạn chế thiệt hại về tài chính, giải quyết dứt điểm, tránh tình trạng thua lỗ kéo dài, tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả đầu tư.
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phá sản của Tòa án Nhân dân tối cao. 23/09/2013.
2. Pháp luật phá sản tại Việt Nam, một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Đặc san Tuyên truyền pháp luật. 9/2014.
COMPANY LIQUIDATION AND IMPLEMENTATION OF BANKRUPTCY LAW IN VIETNAM
Summary
Phan Thi My Hanh Vietnam- Petroleum Institute
Email: hanhptm@vpi.pvn.vn
Company liquidation is a formal solution used for deregistering a poorly performing company that faces insolvency. Bankruptcy Law no. 51/2014/QH13 has been fundamentally and comprehensively amended, which helps solving problems and obstacles in the implementation of company liquidation. The article presents an overview of company liquidation and the practical implementation of the bankruptcy law in Vietnam in recent years.
Key words: Company liquidation, Bankruptcy Law.
Chi tiết bài báo