Từ hiện thực hóa sứ mệnh của “Những người đi tìm lửa”…
Sau giải phóng, đất nước phải đối mặt với một thực tế khốc liệt với hạ tầng bị tàn phá, nền kinh tế kiệt quệ, nghèo đói, khủng hoảng năng lượng trầm trọng. Nhu cầu về năng lượng, dầu mỏ, "mạch sống" của mọi hoạt động sản xuất và đời sống trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, là động lực thúc đẩy công cuộc tìm kiếm "vàng đen" một cách quyết liệt.
Khai thác dầu khí giải quyết khủng hoảng năng lượng cho đất nước sau giải phóng và đóng góp quan trọng kéo dài đến tận ngày nay
Trao đổi với ông Ngô Thường San, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, nay là Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), bức tranh về vai trò then chốt của ngành dầu khí trong những ngày đầu tái thiết đất nước hiện rõ. Ông San cho biết, ngay cả khi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong nước luôn có 2 triệu tấn dầu, 1 triệu tấn do Liên Xô giúp ở phía Bắc và 1 triệu tấn dầu của Mỹ ở miền Nam. Đến năm 1975 thì chỉ còn 1 triệu tấn dầu của Liên Xô, mà Liên Xô lúc đó cung cấp không đầy đủ nên vấn đề năng lượng cho nhu cầu cuộc sống và sản xuất rất nan giải và cấp bách. Tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng đe dọa làm "đổ sông, đổ biển" mọi nỗ lực tái thiết kinh tế.
Trước áp lực đó, dù khó khăn chồng chất, Đảng, Nhà nước vẫn dồn nguồn lực lớn, tốt nhất cho mục tiêu chiến lược: tìm kiếm dầu khí.
Vượt qua những khó khăn, gian khổ, sự chung sức của cả hệ thống chính trị của đất nước, với sự kiên định, nỗ lực không ngừng, niềm tin tưởng “Việt Nam có dầu”, “những người đi tìm lửa” đã làm nên kỳ tích tìm ra tầng dầu trong đá móng nứt nẻ ở mỏ Bạch Hổ với trữ lượng siêu cấp (riêng ở tầng móng trên 4 tỷ thùng và khai thác nhịp độ cao với sản lượng đỉnh trên 13 triệu tấn/năm). Kết quả này không chỉ giải quyết triệt để khủng hoảng, giúp Việt Nam tự chủ về năng lượng mà còn tạo cú hích mạnh mẽ, vực dậy nền kinh tế. Đây chính là động lực tăng trưởng quan trọng, khởi đầu cho thời kỳ Đổi mới của đất nước, giai đoạn đó, có những năm dầu khí đóng góp đến 30% ngân sách quốc gia.
… Đến vai trò trụ cột trong an ninh năng lượng quốc gia.
Mang sứ mệnh “Năng lượng cho phát triển”, qua 50 năm hình thành và phát triển, Petrovietnam không ngừng phát triển đồng bộ ngành dầu khí Việt Nam từ tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí, công nghiệp khí, điện, đến dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao, dẫn dắt chuỗi giá trị năng lượng quốc gia, khẳng định vai trò không thể thiếu, lá chắn thép kiên cố bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời đang thể hiện vai trò tiên phong trong hành trình chuyển dịch năng lượng, hướng tới tương lai bền vững của đất nước.
Cung cấp khí cho sản xuất công nghiệp
Hiện nay, sản lượng khai thác dầu thô trong nước của Petrovietnam trung bình đạt 7,5-8,5 triệu tấn/năm; sản lượng khí đạt 6-8 tỉ m3/năm. Hằng năm, Petrovietnam cung cấp trên 13,5 triệu tấn xăng dầu các loại, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu trong nước; cung cấp khoảng 1,8 triệu sản phẩm hóa dầu; 1,6-1,7 triệu tấn phân đạm, đáp ứng 70% nhu cầu phân đạm trong nước (khoảng 2 triệu tấn/năm); chiếm 65-70% thị phần LPG toàn quốc...
Trong lĩnh vực điện năng, 9 nhà máy của Petrovietnam với tổng công suất 6.605 MW, tương đương 8,5% tổng công suất cả nước, đóng góp đáng kể (9%) tổng sản lượng điện quốc gia, là nhân tố quan trọng đảm bảo nguồn cung điện ổn định cho đất nước.
Petrovietnam dẫn đầu về điện khí của Việt Nam
Các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam như dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm… đã tham gia vào mọi hoạt động đời sống của đất nước với tỷ trọng lớn; góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất nghiên cứu và sản xuất thành công nhiên liệu đặc chủng quốc phòng không chỉ là một thắng lợi về công nghệ mà còn là bước tiến vượt bậc về chiến lược tự chủ và an ninh quốc gia, khẳng định vị thế và năng lực của ngành công nghiệp - năng lượng Việt Nam.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho đất nước
Là một tập đoàn kinh tế nhà nước, Petrovietnam luôn khẳng định việc đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để ưu tiên nhiệm vụ cân đối vĩ mô, bình ổn thị trường và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, đặc biệt trong những giai đoạn "nóng", khan hiếm.
Có thể kể đến như, năm 2022, khi thị trường xăng dầu biến động chưa từng có, nguồn cung khan hiếm, sản lượng bán càng nhiều sẽ dẫn đến thua lỗ càng lớn, hàng loạt các cửa hàng xăng dầu tư nhân đóng cửa, ngừng bán hàng, gây sức ép lên hệ thống phân phối và an ninh xăng dầu, Petrovietnam đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các bộ ngành liên quan, đảm bảo sản xuất và cung ứng xăng dầu tối đa. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động ở công suất cao (109 – 110% công suất). PVOIL với hệ thống phân phối rộng khắp đã đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục, không bị đứt gãy, góp phần quan trọng bình ổn thị trường trong giai đoạn khó khăn.
Petrovietnam góp phần ổn định thị trường xăng dầu
Tương tự, trong giai đoạn thiếu hụt điện cục bộ năm 2023, đặc biệt là ở miền bắc, Petrovietnam nỗ lực đưa vào vận hành kịp thời Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 góp phần bổ sung nguồn cho cung ứng điện miền bắc; đồng thời tăng cường, đảm bảo cung cấp khí tối đa cho sản xuất điện và giữ vận hành các nhà máy điện của Tập đoàn với độ khả dụng, công suất cao, đồng hành cùng đất nước giải quyết tình trạng thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt.
Trong giai đoạn mới hiện nay, Petrovietnam đang chuyển dịch mạnh mẽ sang năng lượng xanh và sạch, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Vai trò, nòng cốt của Petrovietnam trong an ninh năng lượng quốc gia cũng được khẳng định, khi ngày 24/4/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 76-KL/TW với mục tiêu phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trở thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước. Đây là định hướng quan trọng, một bước ngoặt cho sự phát triển của Petrovietnam, là cơ sở để Chính phủ quyết định đổi tên Petrovietnam thành Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam để mở rộng không gian phát triển, phù hợp với định hướng chiến lược năng lượng của đất nước trong giai đoạn mới, trong đó Petrovietnam được xác định vai trò trụ cột, dẫn dắt.
Là nòng cốt trong chuỗi giá trị năng lượng quốc gia, Petrovietnam đã chủ động nghiên cứu, hoạch định chiến lược để thích nghi và tận dụng cơ hội trong quá trình chuyển dịch này. Petrovietnam cũng đi đầu trong các sáng kiến chuyển dịch năng lượng. Trong đó, Petrovietnam tham gia đầu tư điện hạt nhân khi được Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2; PV GAS tiên phong trong nhập khẩu và kinh doanh LNG, là một xu hướng tất yếu, bước đệm quan trọng, giúp các ngành công nghiệp và sản xuất điện dần chuyển dịch khỏi than đá mà vẫn đảm bảo nguồn cung ổn định trước khi năng lượng tái tạo có thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia khi các mỏ khí trong nước đang trong giai đoạn suy giảm nhanh, các mỏ mới chưa đưa vào khai thác. PTSC thể hiện vai trò tiên phong trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu,... Cùng với đó, Petrovietnam cũng đang đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu, đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo khác: Hydro xanh, Amoniac xanh, thu giữ Carbon (CCS/CCUS)… Những bước đi tiên phong này không chỉ mở ra không gian phát triển mới mà còn nâng cao vị thế của ngành năng lượng Việt Nam và phù hợp với chủ trương phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng cao của nền kinh tế trong kỷ nguyên mới theo định hướng của Đảng, Chính phủ.
Có thể nói, xuyên suốt quá trình hoạt động, an ninh năng lượng quốc gia luôn là nhiệm vụ lớn nhất mà Đảng và Nhà nước giao cho Petrovietnam. Tập đoàn cũng đặt mục tiêu này lên hàng đầu, đồng thời thể hiện sự chủ động, thích ứng với xu thế toàn cầu, nhằm giữ vững vai trò nòng cốt trong an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu năng lượng cho phát triển đất nước trong các thời kỳ.
Mai Phương