Kỳ vọng tăng trưởng cho doanh nghiệp thành viên
Ông Phạm Tuyến nhận định rằng, việc Petrovietnam định vị lại vai trò và hướng tới đẩy mạnh các lĩnh vực như LNG, điện khí, năng lượng tái tạo, hydrogen... sẽ tạo ra không gian tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp niêm yết như Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS, mã: GAS), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã: POW), Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR, mã: BSR), Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã: PVS)... Đây là xu hướng chung trên toàn cầu, khi nhu cầu chuyển dần từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch ngày càng cấp thiết.
Chẳng hạn, PV GAS với lợi thế hạ tầng và kinh nghiệm trong kinh doanh khí có thể mở rộng vai trò trong chuỗi giá trị LNG, đặc biệt là đối với nhu cầu khí cho phát điện. PV Power có thể tăng trưởng từ các dự án điện khí LNG và điện tái tạo, trong khi PTSC đang có đà để thêm vào chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi, dịch vụ LNG. Về phía BSR, với định hướng tăng cường sản xuất nhiên liệu mới, thân thiện với môi trường sẽ giúp doanh nghiệp tăng giá trị.
Ông Phạm Tuyến, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam (Ảnh: Đình Khương)
Tuy nhiên, những tiềm năng này chỉ trở thành hiện thực nếu Petrovietnam có bước đi quyết liệt trong triển khai chiến lược và Nhà nước hoàn thiện cơ chế chính sách để doanh nghiệp được tự chủ về vốn, công nghệ và thị trường.
Hiệu ứng định danh đối với thị trường và nhà đầu tư
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Tuyến, việc thay đổi định danh không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà có thể tác động thực chất tới định giá và triển vọng đầu tư của các doanh nghiệp thành viên của Petrovietnam khi với vai trò là tập đoàn công nghiệp - năng lượng toàn diện, nhà đầu tư sẽ đặt nhiều hy vọng vào các dự án năng lượng mới mà doanh nghiệp con có thể tham gia.
Đây cũng là yếu tố có thể đánh giá lại mức định giá P/E, P/B (hai chỉ số quan trọng trong phân tích cổ phiếu trên thị trường chứng khoán) trên sự gia tăng doanh thu và biên lợi nhuận dài hạn. Đồng thời, nó cho thấy khả năng linh hoạt, thích nghi và chủ động chuyển đổi của hệ sinh thái Petrovietnam, qua đó gia tăng lòng tin của nhà đầu tư. Tất nhiên, điều này chỉ thực sự bền vững khi Petrovietnam triển khai chiến lược rõ ràng, có lộ trình đầu tư và cải cách quản trị đồng bộ.
Với vai trò mới, Petrovietnam có điều kiện thuận lợi hơn để lan tỏa giá trị từ Tập đoàn mẹ xuống các đơn vị thành viên. “Việc định hướng đầu tư theo chuỗi giá trị mới, hỗ trợ tiếp cận vốn, chuyển giao công nghệ và cải cách quản trị sẽ giúp các doanh nghiệp con hoạt động hiệu quả hơn và chủ động hơn trên thị trường”, ông Phạm Tuyến nhận định.
Cùng với đó, theo vị chuyên gia đến từ KIS Việt Nam, ở cấp chiến lược, Petrovietnam sẽ là đầu mối xác lập những danh mục đầu tư ưu tiên cho hệ thống, không chỉ tập trung vào dầu khí truyền thống mà còn hướng đến các ngành công nghiệp năng lượng mới như hydrogen, amoniac xanh, điện gió ngoài khơi, lưu trữ năng lượng... Điều này giúp doanh nghiệp thành viên không bị phân tán nguồn lực, đồng thời bảo đảm tính liên kết và tối ưu hóa toàn hệ sinh thái.
Ở cấp quản trị, Petrovietnam có thể lan tỏa các mô hình quản trị tiên tiến, xây dựng cơ chế giám sát minh bạch hơn và thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết tiệm cận với chuẩn mực ESG (môi trường, xã hội, quản trị) - yếu tố ngày càng được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Đặc biệt, với định danh “Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam”, Petrovietnam có thể đặt ra yêu cầu và hỗ trợ các doanh nghiệp con công bố thông tin rõ ràng hơn, minh bạch hơn, hướng tới chuẩn mực quốc tế.
Các chuyên gia nhận định, việc chuyển đổi định danh của Petrovietnam sẽ tạo bước tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp thành viên đang niêm yết trên thị trường chứng khoán như: GAS, POW, BSR, PVS…
Cơ hội thu hút nguồn lực bên ngoài
Ông Phạm Tuyến cũng cho rằng, tên gọi mới sẽ là lợi thế để Petrovietnam tăng cường thu hút các nguồn lực bên ngoài - cả tài chính, công nghệ lẫn nhân sự chất lượng cao. Với các đối tác quốc tế, đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam có một chủ thể dẫn dắt năng lượng đủ tầm, đủ khả năng phối hợp phát triển các dự án quy mô lớn, đa lĩnh vực từ LNG, hydrogen, điện gió ngoài khơi đến lưu trữ năng lượng.
“Thị trường năng lượng ngày nay không chỉ cần vốn, mà còn cần niềm tin. Khi Petrovietnam tuyên bố rõ vai trò quốc gia của mình, đây chính là cam kết chính trị - chiến lược mạnh mẽ, tạo nền tảng cho hợp tác dài hạn với các nhà đầu tư lớn”, ông Tuyến nhận định.
Không chỉ vậy, việc chuyển mình sang mô hình tập đoàn công nghiệp - năng lượng cũng sẽ thu hút được nguồn nhân lực trẻ, có tư duy đổi mới và công nghệ. Đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu hụt kỹ sư và chuyên gia trong các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, vận hành hệ thống LNG, chuyển hóa hydrogen...
Việc đổi tên thành “Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam” là một bước đi chiến lược của Petrovietnam, phản ánh đúng xu thế chuyển dịch năng lượng và tái định vị vai trò của doanh nghiệp dẫn đầu trong bối cảnh mới. Theo ông Phạm Tuyến, nếu đi kèm với những cải cách quản trị và cơ chế chính sách phù hợp, động thái này có thể tạo ra làn sóng tích cực trên thị trường tài chính, giúp tăng giá trị cho các doanh nghiệp niêm yết trong hệ sinh thái Petrovietnam, đồng thời thu hút các nguồn lực để phát triển năng lượng sạch, bền vững cho quốc gia trong tương lai.
Đình Khương