Ông Fatih Birol - nhà kinh tế trưởng của IEA cho biết một đánh giá mới của cơ quan giám sát năng lượng của các quốc gia thịnh vượng này cho thấy tổng số thùng dầu do OPEC xuất khẩu trong năm 2011 sẽ thấp hơn so với năm 2008 khi mức doanh thu của tổ chức ở mức 990 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu các mức giá trung bình vẫn ở quanh mức 100USD/thùng thì doanh thu của tổ chức này trong năm nay sẽ đạt tới con số kỷ lục là 1.000USD. Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của Finance Time, ông Birol cho biết “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Opec đạt được mức doanh thu ở con số một nghìn tỷ USD. Kết quả đó phần lớn nhờ vào các mức giá cao hơn và sản xuất gia tăng. Tuy nhiên, Ả rập Xê Út đã nỗ lực hết sức để kiềm chế thị trường dầu bằng cách gia tăng sản xuất và ngăn các mức giá tiếp tục cao hơn.” Ước tính dựa trên tổng sản xuất của OPEC bao gồm các chất lỏng khí thiên nhiên này không tính đến lạm phát. “Tùy vào quyết định của bạn về điều chỉnh lạm phát cụ thể, con số năm 2008 có thể cao hơn một chút’, - ông Birol cho biết.
Nhiều trong số những nhà sản xuất lớn nhất của OPEC đang tận dụng những lợi nhuận về mức giá cao để tăng chi tiêu công cộng, một phần nhằm chống lại những bất ổn đang diễn ra. Trong đó, Ả rập Xê Út đã thông báo một gói chi tiêu nhiều năm trị giá 129 tỷ USD và dự kiến tiêu dùng khoảng 35 tỷ USD trong năm 2011. Một khoản chi tiêu lớn này đồng nghĩa với việc hiện tại quốc gia này cần duy trì mức giá ở 83 USD/thùng để cân bằng ngân sách quốc gia trong năm nay. Theo ông Leonidas Drollas - nhà kinh tế trưởng của Trung tâm nghiên cứu năng lượng toàn cầu tại Luân Đôn “Họ càng kiếm nhiều thì xu hướng chi tiêu càng gia tăng. Vì thế, giá dầu cần thiết sẽ tăng”. Trong khi đó, ông Brad Bourland - nhà kinh tế trưởng tại Jadwa cũng cho rằng “Nếu chính phủ không áp dụng các giải pháp kiềm chi tiêu thì chúng ta phải thừa nhận rằng mức giá hòa vốn này sẽ tăng trong những năm tiếp theo”.
Một đối tượng hưởng lợi khác từ các mức giá dầu cao hơn là Nga. Theo ông Birol, nếu giá dầu vẫn tiếp tục ở một mức trung bình là 100 USD/thùng thì doanh thu khí ga và dầu của Moscow có thể tăng gần 100 tỷ USD lên 350 tỷ USD, tương đương với 21% GDP của Nga. Ông cũng cho rằng giá dầu cao hơn đã làm tổn hại tới nền kinh tế toàn cầu và khiến ông rất lo lắng cho các quốc gia OECD, đặc biệt là các quốc gia châu Âu. Ngoài ra, IEA rất lo ngại tới tác động của những bất ổn hiện tại tới đầu tư lĩnh vực dầu tại khu vực Trung Đông và Bắc Mỹ, khu vực được dự đoán sẽ đóng góp tới 90% tăng trưởng sản xuất trong 10 năm tới. “Để có được kết quả này, bây giờ chúng ta cần đầu tư nhưng tôi nhận thấy tình hình chính trị hiện tại là một bất lợi chính cho quyết định lượng đầu tư đúng mực”, ông Birol cho hay.
(Theo Diễn đàn Doanh nghiệp)