Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trả lời cuộc phỏng vấn của Thông tấn TASS về các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Nord Stream-2 là nhằm phục vụ tham vọng cạnh tranh của Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc phỏng vấn của Thông tấn TASS.
Nhà lãnh đạo cho biết, Mỹ đã luôn chống lại các dự án hợp tác giữa Nga và châu Âu.
"Mỹ muốn chống lại Nord Stream-1, họ đã phản đối nó, bây giờ họ phản đối Nord Stream-2 theo cách tương tự" - ông Putin cho hay.
Điều đáng nói là Mỹ đã "nịnh nọt Ukraine và đang kiểm soát Kiev từ bên ngoài, nhưng vẫn muốn Ukraine tồn tại dựa vào tiền của Nga chứ không muốn cho Ukraine tiền”.
Số tiền của Nga mà ông Putin nhắc đến là việc Washington yêu cầu Nga phải quá cảnh khí đốt qua Ukraine để cung cấp cho châu Âu bên cạnh các đường ống khí đốt Nord Stream.
"Họ muốn đảm bảo quá cảnh qua Ukraine. Khá lạ phải không? Họ không muốn tự đưa tiền Mỹ cho Ukraine. Họ muốn Ukraine nhận được một cái gì đó từ chúng tôi thông qua phí quá cảnh khí đốt.
Được rồi, chúng tôi đồng ý, bởi vì chúng tôi cũng sẽ quan tâm đến sự tăng trưởng trong tiêu thụ khí đốt ở châu Âu nói chung và ở Ukraine nói riêng, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển khí, ngay cả khi giá thấp hơn. Chúng tôi đã ký thỏa thuận quá cảnh với Ukraine.
Vậy khi đó họ cần dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại Nord Stream-2 chứ. Không có căn cứ nào để áp đặt chúng nữa" - ông Putin giải thích.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ đã không được rút lại sau khi Nga đã đáp ứng các điều kiện. Lý do duy nhất cho quyết định đó là đảm bảo lợi thế cạnh tranh cho khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.
"Nếu các lệnh trừng phạt vẫn còn, điều đó có nghĩa là chỉ có một động lực là để đảm bảo lợi thế cạnh tranh cho LNG của họ" - Tổng thống Nga giải thích.
Mỹ đã luôn nhắm tới thị trường châu Âu, muốn châu Âu trả tiền cho lợi ích vượt trội của người Mỹ thay vì để châu Âu được tiếp cận một cách công bằng với các sản phẩm tốt hơn từ Nga. Dầu khí và khí hóa lỏng đang có sự cạnh tranh không công bằng ở châu Âu.
Ông cho biết thêm: "Người Mỹ đang muốn đảm bảo một thị trường cho các sản phẩm của họ, độc quyền vì lợi ích của riêng họ, với chi phí của người tiêu dùng châu Âu. Nhưng nếu giá nhiên liệu hóa thạch cao hơn 25 - 30% so với sản phẩm từ Nga, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Đức, cũng như châu Âu, sẽ bị suy yếu".
Tổng thống Putin nhận xét, Mỹ đã từng ép buộc châu Âu không xây dựng đường ống Nord Stream trong quá khứ với việc áp đặt các cấm vận tương tự Nord Stream-2, buộc Nga đã tự sản xuất các thiết bị và máy móc để đáp ứng thay vì phụ thuộc vào các nguồn thu từ bên ngoài.
"Mỹ đã luôn chống lại sự phát triển của mối quan hệ kinh tế của chúng tôi với châu Âu, ngay cả trong những năm 1960, khi chúng tôi bắt đầu xây dựng đường ống khí đốt Nord Stream-1.
Cảm ơn Chúa là bây giờ chúng tôi đã tự sản xuất các ống có đường kính lớn, đó là một thành tựu của ngành luyện kim trắng. 75% các chi tiết của sản phẩm thiết bị, máy móc là của Nga. Đây là điều rất quan trọng. Đây là một thành tích khá" - ông Putin giải thích về cách nước Nga đã đối phó với lệnh trừng phạt từ Mỹ đối với các dự án hợp tác năng lượng của Nga- châu Âu.
Tàu lắp đặt đường ống Viện sĩ Cherskiy của Nga.
Dự án Nord Stream-2 của Nga với các thành viên của châu Âu chạy dưới biển Baltic đang gặp một trở ngại lớn ảnh hưởng đến tiến độ thi công là con tàu lắp đặt của nhà thầu Allseas đã rút lui khỏi dự án sau khi nhận cảnh báo trừng phạt của Mỹ.
Người Nga đã gửi tàu đặt ống duy nhất của mình được trang bị hệ thống định vị động - Akademik Cherskiy (còn gọi Viện sĩ Cherskiy) - đến châu Âu, dự kiến sẽ bắt đầu công việc vào mùa hè năm 2020 để hoàn thành nốt công việc còn lại của Allseas.
Dẫu Akademik Cherskiy đủ điều kiện để lắp đặt đường ống theo các tiêu chuẩn của châu Âu, các chuyên gia chỉ ra rằng nó là một con tàu nhỏ hơn nhiều so với con tàu của Allseas, do đó có thể bị hạn chế trong quá trình thi công dự án và khiến dự án sẽ chậm tiến độ thêm nữa.
Tàu lắp đặt Viện sĩ Cherskiy rời cảng Nakhodka ở Viễn Đông vào đầu tháng 2/2020, dự kiến sẽ đến Baltic vào tháng 4 sau khi đi qua hải trình ở Sri Lanka và hướng đến kênh đào Suez.
Liệu Mỹ sẽ hài lòng với các lệnh trừng phạt hiện có hay sẽ tiếp tục ngăn cản con tàu Nga đến được Baltic, là câu hỏi mà giới quan sát quan tâm.
Mateusz Kubiak - nhà phân tích cao cấp về dầu khí tại Công ty tư vấn Esperis có trụ sở tại Warsaw (Ba Lan) cho rằng, Mỹ có thể áp đặt các biện pháp kỹ thuật để ngăn cản con tàu Cherskiy đến Baltic.
Vị này cho rằng, nếu Mỹ quyết định nhằm vào Nord Stream-2 thêm nữa, họ sẽ nhằm vào chính châu Âu bởi trong nội khối này đã có những quan điểm bất đồng về việc xây dựng Nord Stream-2. Kích hoạt các vấn đề bất đồng này sẽ khiến Mỹ đạt được lý luận của mình là trừng phạt Nord Stream-2 vì an ninh năng lượng châu Âu.
Huy Vũ (https://baodatviet.vn/)