Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã giao Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển An toàn và Môi trường Dầu khí (CPSE) - Viện Dầu khí Việt Nam thực hiện nhiệm vụ "Nghiên cứu xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia quy định điều kiện cho phép sử dụng chất phân tán tại Việt Nam phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu" trình Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét ban hành nhằm phục vụ công tác quản lý môi trường trong ứng phó sự cố tràn dầu.
Căn cứ theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 ngày 29/6/2006, nhóm tác giả thuộc CPSE đã tham khảo các tiêu chuẩn, quy định của một số quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ, Singapore, Na Uy, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc... kết hợp với các thử nghiệm thực tế trên một số chất phân tán dầu trong phòng thí nghiệm để đề xuất dự thảo Quy chuẩn. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã đề xuất tiêu chí xem xét trong việc phê duyệt chất phân tán dầu gồm 4 thông số kỹ thuật chính. Theo đó, các chất phân tán dầu được phê duyệt sử dụng cần phải được tiến hành thử nghiệm trong điều kiện Việt Nam như: giá trị hiệu quả phân tán dầu trên dầu thô Bạch Hổ của Việt Nam, độ độc cấp tính pha nước trên tảo biển Skeletonema costatum và ấu trùng tôm sú Penaeus monodon đối với chất phân tán và hỗn hợp chất phân tán/ dầu tỷ lệ 1/10, khả năng phân rã sinh học hiếu khí sau 28 ngày thử nghiệm. Ngoài ra để đảm bảo an toàn, chất phân tán cần được kiểm soát nhiệt độ chớp cháy. Hiệu quả phân tán được hiểu là k ả năng phân tán của hóa chất đối với một loại dầu trong điều kiện thí nghiệm quy định. Độ độc cấp tính trên tảo biển và trên ấu trùng tôm sú được đánh giá dựa trên giá trị EC50 72 giờ (nồng độ chất thử nghiệm làm giảm 50% tốc độ tăng trưởng của tảo Skeletonema costatum sau 72 giờ tiếp xúc với chất thử nghiệm) và LC50 96 giờ (nồng độ của chất thử nghiệm gây chết 50% số lượng ấu trùng tôm sú (Penaeus monodon) sau 96 giờ tiếp xúc với chất thử nghiệm). Khả năng phân rã sinh học hiếu khí sau 28 ngày thử nghiệm là mức độ phân hủy chất hữu cơ ở điều kiện hiếu khí gây ra bởi hoạt động của hệ vi sinh vật tự nhiên có trong môi trường nước biển sau 28 ngày thử nghiệm. Điểm chớp cháy là nhiệt độ bắt cháy cốc kín thấp nhất ở điều kiện áp suất không khí, mẫu thử nghiệm bắt cháy khi ngọn lửa xuất hiện và tự lan truyền một cách nhanh chóng trên bề mặt của mẫu.

Phạm Thị Trang Vân (giới thiệu)