Tổ hợp Nhơn Trạch 3 và 4:

Mảnh ghép chiến lược trong an ninh năng lượng quốc gia
0:00 /
Chọn Giọng
  • Nữ Miền Bắc
  • Nam Miền Bắc
  • Nam Miền Nam
  • Nữ Miền Nam
Vào lúc 13 giờ 55 phút ngày 27-6-2025, Nhà máy Điện Nhơn Trạch 4 chính thức hòa lưới điện quốc gia, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển điện khí LNG đầu tiên tại Việt Nam. Cùng với Nhơn Trạch 3, tổ hợp này góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và mở đường cho chuyển dịch xanh ngành điện

Đại biểu chứng kiến thời điểm Nhà máy Điện Nhơn Trạch 4 chính thức hòa lưới điện quốc gia

Mảnh ghép an ninh năng lượng.

Ngày 5-2-2025, Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 lần đầu tiên hòa lưới điện quốc gia với công suất thử nghiệm 50 MW, mở đầu cho quá trình chạy thử nghiệm thu. Dự kiến, nhà máy sẽ vận hành thương mại từ tháng 8-2025 sau khi hoàn tất các bước đánh giá kỹ thuật. Hơn 4 tháng sau, Nhơn Trạch 4 tiếp nối dấu mốc khi hòa lưới thành công vào ngày 27-6-2025, khẳng định lần đầu tiên tổ hợp nhà máy điện LNG của Việt Nam phát điện lên lưới quốc gia.

Trước đó, ngày 6-6, Nhà máy Điện Nhơn Trạch 4 đã hoàn tất quá trình đốt lửa lần đầu và chạy turbine ở chế độ không tải với tốc độ 3.000 vòng/phút, một bước quan trọng trong quy trình kỹ thuật. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ chính thức vận hành thương mại vào tháng 11-2025.

Tính đến cuối tháng 6-2025, tổ hợp Nhơn Trạch 3 và 4 đã hoàn thành 99,7% khối lượng công việc tổng thể. Trong tháng 4, Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 đã vận hành ổn định 30 giờ ở chế độ công suất nền, sản sinh 812 MWh, minh chứng rõ nét cho hiệu quả công nghệ và sự phối hợp vận hành đồng bộ giữa các bên liên quan.

Dự án do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power), thành viên Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) làm chủ đầu tư, là tổ hợp nhà máy điện đầu tiên tại Việt Nam sử dụng LNG nhập khẩu để phát điện. Khi hoàn thành, hai nhà máy sẽ bổ sung gần 1.500 MW công suất mới cho hệ thống điện phía Nam, khu vực thường xuyên chịu áp lực thiếu hụt điện trong mùa khô.

Từ Nhơn Trạch đến tương lai điện khí Việt Nam.

Nhơn Trạch 3 và 4 không chỉ là hai nhà máy điện, mà là “bộ đôi thí điểm” cho chiến lược phát triển điện khí LNG trong dài hạn. Ngay từ tháng 2-2025, turbine khí GE thế hệ mới tại Nhơn Trạch 3 đã phát điện thành công. Để chuẩn bị cho giai đoạn chạy thử nghiệm thu, PV Power và Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) đã phối hợp nhập khẩu LNG, vận chuyển về kho cảng Thị Vải, hiện là cơ sở duy nhất tại Việt Nam đủ khả năng tiếp nhận và tái hóa LNG theo tiêu chuẩn quốc tế.

Việc từng mét khối khí được tái hóa, dẫn vào hệ thống với yêu cầu nghiêm ngặt về áp suất, nhiệt độ, an toàn đã khẳng định năng lực kỹ thuật vượt trội và khả năng kiểm soát rủi ro của Việt Nam trong lĩnh vực mới mẻ này. “Không phải chỉ là mở van cho khí chạy. Đó là cả một hệ sinh thái vận hành theo chuẩn quốc tế và Việt Nam đã làm được”, ông Trần Quang Thiên - Phó Trưởng ban Quản lý Dự án (QLDA) Điện Nhơn Trạch 3 và 4 chia sẻ.

Tổ hợp này còn là dự án đầu tiên hội tụ hàng loạt yếu tố “lần đầu”: sử dụng LNG nhập khẩu; vận hành bằng turbine khí GE 9HA.02, một trong những công nghệ tiên tiến nhất thế giới; xây dựng trong khu công nghiệp, vốn tiềm ẩn nhiều thách thức về mặt pháp lý và mặt bằng; và huy động được nguồn vốn quốc tế hàng tỉ USD mà không cần bảo lãnh của Chính phủ.

Từ đây, những trung tâm điện khí tương lai tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Tây Ninh, Cà Mau… sẽ được tiếp nối, kế thừa toàn bộ kinh nghiệm, từ kỹ thuật, tài chính, PPA, đến cơ chế điều phối khí, tích lũy từ “bài học Nhơn Trạch”.

Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4

Phép thử bản lĩnh ngành năng lượng Việt.

Dưới sự điều hành sát sao của PV Power cùng sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương, dự án đã vượt qua hàng loạt thử thách: mặt bằng nằm trong khu công nghiệp chưa hoàn chỉnh, thiếu cơ chế bao tiêu sản lượng, chưa có hành lang pháp lý cho điện khí LNG và đặc biệt là không có bảo lãnh Chính phủ cho vốn vay quốc tế. Những khó khăn đó lại chính là phép thử cho bản lĩnh, kinh nghiệm và tinh thần tiên phong của ngành năng lượng Việt Nam.

“Khi có vướng mắc là chúng tôi lập nhóm chuyên trách xử lý ngay, không chờ đợi văn bản lòng vòng. Cần thiết thì báo cáo bộ, xin ý kiến Chính phủ để tháo gỡ tại chỗ”, ông Trần Quang Thiên đại diện chủ đầu tư cho biết.

Dự kiến vào tháng 8 và tháng 11 năm nay, Nhơn Trạch 3 và 4 sẽ lần lượt đi vào vận hành thương mại đúng lộ trình đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII. Khi đó, hệ thống điện miền Nam sẽ có thêm gần 1.500 MW công suất mới, giảm áp lực thiếu điện mùa khô và tăng tính ổn định cho toàn hệ thống quốc gia. Xa hơn, tổ hợp này sẽ là hạt nhân hình thành cụm trung tâm điện khí LNG tại khu vực Đồng Nai - TP Hồ Chí Minh, tạo chuỗi giá trị khép kín từ cảng - kho - nhà máy, mở đường cho thị trường điện cạnh tranh minh bạch và bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Thiên, để các dự án tiếp theo không bị chậm tiến độ, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ cho điện khí, từ giá LNG, tỷ giá thanh toán, hợp đồng mua bán điện đến cơ chế đấu nối hệ thống điện quốc gia. “Những bài học từ Nhơn Trạch 3 và 4 cần được phát huy, không để phí hoài. Điện khí LNG sẽ không thể phát triển mạnh nếu thiếu cơ chế minh bạch, ổn định và nhất quán”, ông nhấn mạnh.

Từ ánh lửa đầu tiên, đến ánh sáng bền vững.

Dự án Nhơn Trạch 3 và 4 không chỉ là hai nhà máy điện hiện đại, mà còn là biểu tượng cho khát vọng chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ, bền vững. Đây là nền tảng cụ thể hóa chiến lược dài hạn trong Quy hoạch điện VIII, là điểm xuất phát cho hành trình hội nhập quốc tế về công nghệ, tài chính và môi trường.

Khi những turbine khổng lồ bắt đầu quay đều trên nền đất đỏ Nhơn Trạch, cũng là lúc một kỷ nguyên mới của điện khí LNG được khởi động, sạch hơn, linh hoạt hơn và hiệu quả hơn. Từ ánh lửa đầu tiên ấy, một mạng lưới điện khí mới đang dần hiện hữu, mang theo kỳ vọng về một Việt Nam tự cường về năng lượng và sẵn sàng cho tương lai phát triển xanh, bền vững.

Nhơn Trạch 3 và 4 không chỉ là hai nhà máy điện hiện đại, mà còn là biểu tượng cho khát vọng chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ, bền vững. Đây là nền tảng cụ thể hóa chiến lược dài hạn trong Quy hoạch điện VIII, là điểm xuất phát cho hành trình hội nhập quốc tế về công nghệ, tài chính và môi trường.
Nguyễn Hiển