Malaysia giảm thuế để thúc đẩy đầu tư
30/11 của Thủ tướng Malaysia Najib Razak thông báo sẽ giảm thuế tối đa 100% cho các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp dầu mỏ, nhằm thu hút các nhà đầu tư đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng năng lượng và hoạt động khai thác dầu mỏ ở vùng biển sâu.

Đối với các dự án phát triển dầu khí gần bờ, mức thuế tương ứng được giảm từ 25-38%, trong khi thuế xuất khẩu dầu mỏ sản xuất từ các mỏ này cũng sẽ được cắt giảm.

Thủ tướng Najib nói: "Với các sáng kiến hỗ trợ và khuyến khích đầu tư này, doanh thu của lĩnh vực dầu mỏ Malaysia có thể tăng thêm trên 50 tỷ ringgit (16 tỷ USD) trong vòng 20 năm tới".

Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Petronas cho biết các sáng kiến trên là một phần trong Luật thuế thu nhập dầu khí mới đã được Nội các Malaysia chấp thuận, song chưa rõ khi nào sẽ được trình lên quốc hội để thông qua.

Theo Thủ tướng Najib, công ty năng lượng quốc doanh Tenaga Nasional sẽ đầu tư 4 tỷ ringgit (1,3 tỷ USD) để xây dựng hai nhà máy thủy điện mới và một nhà máy nhiệt điện mới trong năm 2011, nhằm đáp ứng nhu cầu điện trong nước đang gia tăng.

Trong khi đó, công ty tư nhân Tanjong Agas Supply Base & Marine Services sẽ đầu tư 3 tỷ ringgit (968 triệu USD) trong vòng 2 năm tới để xây dựng một đầu mối dầu mỏ và khí đốt khu vực tại bang Pahang, dự án có thể tạo ra 30.000 việc làm mới và đóng góp 30 tỷ ringgit (9,7 tỷ USD) vào thu ngân sách quốc gia trong 10 năm tới.

Đối với các dự án xây dựng, ông Najib cho biết các nhà đầu tư tư nhân sẽ xây dựng 3 khách sạn mới với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ ringgit (322 triệu USD). Các dự án này là một phần của kế hoạch đầy tham vọng của Thủ tướng Najib nhằm thu hút 444 tỷ USD vốn đầu tư trong thập kỷ tới. Malaysia cũng đặt mục tiêu nâng thu ngân sách quốc gia từ mức 188 tỷ USD năm 2009 lên khoảng 523 tỷ USD năm 2020, với thu nhập bình quân đầu người tăng tương ứng từ 6.700 USD lên ít nhất 15.000 USD, ngưỡng mà Ngân hàng Thế giới (WB) xếp một quốc gia vào hạng có thu nhập cao.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng kế hoạch trên là không thực tế, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Malaysia có xu hướng giảm những năm gần đây. Ước tính, FDI vào Malaysia đã giảm tới 81%, xuống chỉ còn 1,4 tỷ USD năm 2009 do quốc gia này đánh mất vị thế cạnh tranh vào các đối thủ khác.

Dự kiến, kinh tế Malaysia có thể tăng trưởng trên 6% trong cả năm 2010, sau khi đã sụt giảm 1,7% năm 2009.

(Kinh tế Việt Nam & Thế giới)