Tôi không làm việc trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam) nhưng có cơ duyên gắn bó với ngành dầu khí từ khi còn là chàng trai 21 tuổi, tính đến nay đã tròn 60 năm với nhiều kỷ niệm.
Đầu những năm 60, GS Nguyễn Hoàng Phương, Chủ nhiệm Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp quyết định mở ngành học Địa vật lý ở Việt Nam. Thầy bảo với đám sinh viên Toán - Lý là ngành này rất thú vị vì kết hợp hai lĩnh vực khác nhau là Khoa học cơ bản với nền tảng Toán, Lý, Tin học... và Khoa học Trái đất, được lên rừng xuống biển khám phá bao điều bí ẩn. Thế là nhiều anh em học Toán - Lý, trong đó có tôi sau khi ra trường có cơ duyên gắn bó với ngành dầu khí như Nguyễn Cường Binh, Đỗ Văn Lưu, Nguyễn Trí Liễn... (Vật lý), Nguyễn Khắc Đăng, Nguyễn Công Sứ, Cao Kim Ánh, Nguyễn Cao... (Toán).
GS.TSKH Mai Thanh Tân
Năm 1965, khi học năm cuối ngành Địa vật lý, tôi được đi thực tập ở Đoàn Thăm dò dầu khí 36 để làm đồ án tốt nghiệp với đề tài “Sóng phản xạ nhiều lần trong thăm dò địa chấn” do cụ Hồ Đắc Hoài hướng dẫn. Nhiễu và các biện pháp tách nhiễu trong quá trình truyền sóng địa chấn trong môi trường địa chất phức tạp là một chuyên đề khó nhưng rất hấp dẫn và không ngờ lại gắn bó với cuộc đời tôi không chỉ trong đồ án tốt nghiệp (1966) mà cả trong luận án Phó Tiến sĩ (1982) và Tiến sĩ khoa học (1990).
Sau khi ra trường, tôi về công tác ở Trường Đại học Mỏ - Địa chất và cũng bắt đầu hình thành bộ môn Địa vật lý. Năm 1977, Khoa Dầu khí được thành lập và trong công tác giảng dạy tôi được gắn bó với ngành dầu khí.
Đến nay, tuy đã ở tuổi 82 nhưng tôi rất vui vì vẫn được các thế hệ học trò cũ quý mến mời tham gia các chuyến “du khảo dầu khí” và trao đổi các chuyên đề liên quan đến những thách thức của ngành dầu khí trong quá trình đổi mới.
Đón xem tiếp kỳ sau...
GS.TSKH Mai Thanh Tân