Các quốc gia muốn phát triển điện hạt nhân bền vững và được quốc tế công nhận đều phải nội luật hóa các nguyên tắc quốc tế Luật Năng lượng nguyên tử hiện hành được ban hành từ năm 2008, đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế so với tiêu chuẩn quốc tế và thực tiễn triển khai dự án điện hạt nhân quy mô lớn: Chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước hiện tại và chưa nội luật hóa đầy đủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ứng dụng năng lượng nguyên tử, năng lượng hạt nhân sẽ ngày một rộng rãi trong nhiều mặt của đời sống xã hội. Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) được thiết kế một chương riêng về an toàn, an ninh cơ sở hạt nhân, một chương riêng về nhà máy điện hạt nhân, trong đó có quy định về duy trì hoạt động giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý an toàn bức xạ hạt nhân trong suốt vòng đời của nhà máy.
PGS.TS Vương Hữu Tấn, nguyên Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, năm 2013, Chính phủ từng đề xuất sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử, tuy nhiên sau khi dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận tạm dừng, vấn đề này không còn được đặt ở mức ưu tiên. Hiện nay, khi chủ trương tái khởi động điện hạt nhân được nêu ra, thì yêu cầu sửa luật trở lại là rất cấp thiết.
Theo PGS.TS Vương Hữu Tấn, so với Luật Năng lượng nguyên tử mẫu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), luật hiện hành của Việt Nam còn thiếu một số nội dung cốt lõi, đặc biệt là các nguyên tắc về an toàn và an ninh hạt nhân. Trong khi đó, các quốc gia muốn phát triển điện hạt nhân bền vững và được quốc tế công nhận đều phải nội luật hóa các nguyên tắc này.
Các khái niệm quan trọng như trách nhiệm pháp lý của chủ đầu tư về an toàn, cơ chế giám sát độc lập, quản lý chất thải phóng xạ, đánh giá công nghệ, quản lý nhân sự, ứng phó sự cố cần được luật hóa rõ ràng, không thể chỉ để ở mức nghị định hay thông tư. Việc bám sát luật mẫu IAEA không chỉ giúp bảo đảm chất lượng quản lý mà còn là điều kiện bắt buộc để Việt Nam có thể đàm phán với các đối tác quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ, xây dựng nhà máy và huy động vốn từ các định chế tài chính toàn cầu.
Một điểm quan trọng khác được PGS.TS Vương Hữu Tấn nhấn mạnh là hiện Việt Nam chưa tham gia Công ước quốc tế về bồi thường thiệt hại hạt nhân. Điều này tạo ra khoảng trống pháp lý lớn trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân và môi trường nếu có sự cố xảy ra. Do đó, dự thảo Luật sửa đổi cần quy định chi tiết cơ chế bồi thường phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo TS Hoàng Anh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, hiện quốc tế có các công ước về đền bù dân sự thiệt hại do rủi ro hạt nhân. Việt Nam cần nội luật hóa mức đền bù và nguyên tắc chung vào dự thảo Luật. Việt Nam đã và đang làm công tác này đi kèm với sửa đổi cập nhật với công ước quốc tế.
Các quy định cần bao gồm mức trách nhiệm pháp lý của đơn vị vận hành, vai trò hỗ trợ của Nhà nước khi thiệt hại vượt mức bảo hiểm và quy trình bồi thường minh bạch, kịp thời. Đồng thời, cần quy định bắt buộc về bảo hiểm trách nhiệm dân sự hạt nhân trong các dự án.
Việc sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử không chỉ là điều kiện để Việt Nam triển khai điện hạt nhân một cách hiệu quả và an toàn, mà còn là bước đi cần thiết để hội nhập quốc tế và xây dựng lòng tin của xã hội.
Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) gồm 14 chương, 74 điều quy định cụ thể về các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân và trách nhiệm đối với thiệt hại hạt nhân.
Thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới” và Nghị quyết số 59-NQ/TW của Đảng về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) được xây dựng, hoàn thiện, nội hàm của Luật cũng được xây dựng với tinh thần mới. Luật sửa đổi chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, khung bởi những vấn đề cụ thể, chi tiết như năng lượng nguyên tử hay điện hạt nhân có nhiều thay đổi trong quá trình xây dựng, vận hành... sẽ được điều chỉnh linh loạt bởi điện hạt nhân là vấn đề mới, lần đầu Việt Nam triển khai.
|
Diệu Phương