EU đàm phán đường ống dẫn khí xuyên biển Caspi
Ngày 12/9, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán về một thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt với Azerbaijan và Turkmenistan để trữ lượng khí thiên nhiên khổng lồ của khu vực Trung Á giáp biển Caspi có thể vận chuyển trực tiếp tới châu Âu.

Phát biểu sau cuộc họp cấp Bộ trưởng EU tại Brussels, Bỉ, Ủy viên phụ trách năng lượng của EU Guenther Oettinger, đánh giá quyết định này là "cột mốc" trên con đường nhằm đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt lâu dài cho toàn khối qua Hành lang phương Nam bao gồm khu vực Caspi và Trung Đông.

Quan chức EU đồng thời nhấn mạnh đây là bước đầu tiên trong nỗ lực mới của EU nhằm xây dựng một chiến lược năng lượng nội khối thống nhất và có sự phối hợp.

Các cuộc đàm phán sẽ do một ủy ban đại diện cho tất cả 27 nước thành viên EU tiến hành. Đây cũng là lần đầu tiên một ủy ban của EU tiến hành đàm phán về một hiệp định năng lượng cho tất cả các nước thành viên. Nhiều khả năng các cuộc đàm phán sẽ được khởi động ngay trong tháng này.

Theo các chuyên gia, thỏa thuận về đường ống dẫn khí đốt xuyên biển Caspi sẽ tạo tiền đề cho việc xây dựng một đường ống dưới biển giữa Azerbaijan và Turkmenistan và nối đường ống này với các đường ống trong hệ thống Hành lang phương Nam cung cấp khí đốt cho EU. (Theo Thông Tấn Xã Việt Nam Dịch Vụ 13/9/Vietnam+ 13/9, Mục kinh tế)Về đầu trang

Côoét sản xuất 2,9 triệu thùng dầu/ngày kể từ tháng 9

Bộ trưởng Dầu mỏ Côoét Mohammad al-Baseeri ngày 12/9 tuyên bố, quốc gia vùng Vịnh này đã tăng sản lượng dầu mỏ lên 2,9 triệu thùng/ngày kể từ đầu tháng 9 này với mục tiêu ổn định giá dầu trên thị trường.

Ông al-Baseeri tuyên bố rằng việc tăng sản lượng này giúp Côoét góp thêm 3% sản lượng dầu thế giới và khoảng 10% vào sản lượng dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thế giới (OPEC). Tăng sản lượng dầu này cao hơn rất nhiều so với hạn nghạch 2,2 triệu thùng/dầu/ngày mà OPEC đề ra. Giá dầu sẽ ở mức khác nếu các nước vùng Vịnh như Arập Xêút và Côoét không tiết lộ sản lượng của họ trong 4 hoặc 5 tháng qua. Ông al-Baseeri cho biết, sản lượng của các khu vực khác trên thế giới trong tháng 9 sẽ không dưới ngưỡng 2,9 triệu thùng/ngày.

Trước đó ngày 4/9, ông al-Baseeri đã cho biết Côoét và Arập Xêút trong tháng 8 vừa qua đã tăng sản lượng khai thác nhằm ngăn việc dầu mỏ tăng giá có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới. Côoét và Arập Xêút đã tăng sản lượng khai thác dầu mỏ sau khi OPEC quyết định giữ nguyên sản lượng trong tháng 6 vừa qua. Ông al-Baseeri cho rằng nguyên nhân dẫn đến giá dầu mỏ tăng là do cuộc khủng hoảng nợ tại Mỹ và châu Âu, trong khi Libi đang phải tạm ngừng xuất khẩu dầu mỏ do nội chiến.

Côoét là một trong những nước sản xuất dầu mỏ chính trong OPEC và đã đặt mục tiêu tăng sản lượng khai thác lên 4 triệu thùng/ngày vào năm 2020.

(Theo Tin Tức)