Tóm tắt
Việc
dự báo tướng thạch học và môi trường trầm tích để xác định mối quan hệ
thủy động lực cho đá chứa carbonate với đặc trưng địa chất riêng biệt
trong suốt quá trình thành tạo cũng như các ảnh hưởng trong quá trình
biến đổi thứ sinh là thách thức lớn đối với các nhà địa chất. Nghiên cứu
của nhóm tác giả đã dự báo 3 tập trầm tích carbonate trên cơ sở 5 tướng
địa chấn điển hình. Kết quả phân tích thạch học lát mỏng kết hợp với
tài liệu địa chấn đã dự báo môi trường trầm tích của đá chứa thuộc loại
khối xây carbonate rìa thềm; phân loại 6 tướng đá với các loại độ rỗng
riêng biệt tương ứng với 5 đơn vị dòng chảy. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả
đã xây dựng mô hình dự báo độ thấm cho các giếng không được lấy mẫu
lõi.
Từ khóa: Carbonate, độ thấm, đơn vị dòng chảy, vỉa chứa, logic mờ.
1. Giới thiệu
Đá
carbonate là loại đá trầm tích phổ biến, có ý nghĩa quan trọng trong
công nghiệp dầu khí, với hơn 60% trữ lượng dầu và 40% trữ lượng khí trên
thế giới được tích tụ trong các mỏ carbonate. Đá carbonate có một số
đặc điểm khác biệt về nguồn gốc thành tạo, thành phần khoáng vật, hóa
học và sinh khoáng. Trầm tích vụn lục nguyên được tạo thành từ vật liệu
phá hủy các đá có trước và được vận
chuyển đến môi trường lắng đọng
[3, 6], do vậy đặc điểm cấu tạo và kiến trúc của đá trầm tích vụn phản
ánh chế độ thủy động lực. Bất kỳ một tầng chứa không đồng nhất nào cũng
có thể được mô tả chế độ thủy động lực bằng các đơn vị dòng chảy. Một
đơn vị dòng chảy (Hydrolic Unit - HU) được định nghĩa là một khối đại
diện cơ bản của đá chứa mà trong đó các đặc tính địa chất và tính chất
vật lý thạch học ảnh hưởng đến dòng chảy của chất lưu là không đổi và
khác với các đặc tính, tính chất của các khối khác [2]. Không giống như
các đá trầm tích vụn lục nguyên khác, trầm tích carbonate được thành tạo
chủ yếu từ các chất kết tủa hoặc khung xương sinh vật trong môi trường
trầm tích [9]. Vì vậy, trầm tích carbonate có một số các đặc tính rất
riêng biệt về môi trường trầm tích, thành phần thạch học và đặc trưng đỗ
rỗng - độ thấm. Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả góp phần làm sáng
tỏ bức
tranh về môi trường trầm tích, tướng thạch học và đặc tính
thấm chứa của đá chứa carbonate tại một số mỏ phía Nam bể Sông Hồng,
ngoài khơi Việt Nam.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Mô hình địa tầng phân tập carbonate
Địa
tầng phân tập đã trở thành phương pháp hiệu quả trong nghiên cứu lịch
sử phát triển đối với trầm tích carbonate [4]. Rất nhiều công trình đã
sử dụng hoặc chấp
nhận mô hình địa tầng phân tập đưa ra cho trầm tích
hạt vụn (mô hình Exxon) để giải thích sự phát triển của các tập trầm
tích carbonate. Sự hình thành của trầm tích carbonate (Hình 1) có sự
khác biệt so với trầm tích vụn, được thành tạo tại chỗ ở các khu vực có
môi trường biển bởi các quá trình trầm tích hữu cơ và vô cơ [8]. Do có
nhiều nguồn gốc và chịu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường thành tạo
(thay đổi tương đối của mực nước biển), sự biến đổi của đặc tính
carbonate diễn ra mạnh và đa dạng [9]. Mặc dù những nguyên tắc cơ bản
của địa tầng phân tập có thể áp
dụng với trầm tích carbonate, nhưng
những khác biệt giữa trầm tích carbonate và trầm tích vụn sẽ dẫn đến mô
hình phân tập, vùng hệ thống trầm tích carbonate riêng biệt.
2.2. Các phương pháp địa vật lý giếng khoan
Tài liệu địa vật lý giếng khoan cho phép các nhà địa chất
minh giải thành phần thạch học và môi trường trầm tích của các lớp đất
đá, liên kết chúng với mặt cắt địa chấn. Từ đó, liên kết tướng địa chấn
với tính chất đất đá và tướng trầm tích. Tài liệu địa vật lý giếng khoan
được sử dụng cho nghiên cứu tầng carbonate thường bao gồm một loạt các
đường cong biến đổi trường địa vật lý theo chiều sâu như: đường cong
gamma (GR); điện thế tự nhiên (PS), điện trở (RT), đường cong siêu âm
(DT), đường cong mật độ (RHOB). Việc minh giải đường cong địa vật lý
giếng khoan cho phép chính xác hóa địa tầng, xác định đặc điểm môi
trường trầm tích. Hiện nay, việc nâng cao hiệu quả phân tích mối quan hệ
giữa đặc điểm đường cong địa vật lý giếng khoan với thành phần thạch
học và các tham số địa vật lý địa chấn khác rất được quan tâm.

2.3. Các phương pháp thạch học trầm tích
Phương
pháp phân tích thạch học lát mỏng được nhóm tác giả sử dụng nhằm xác
định thành phần, hàm lượng của khoáng vật tạo đá, đặc điểm kiến trúc
như: độ chọn lọc, độ mài tròn, kiểu xi măng, mức độ biến đổi thứ sinh...
Việc xác định đặc
điểm thành phần, kiến trúc của đá bằng phương pháp
này rất quan trọng, do đây là yếu tố định lượng phản ánh nguồn gốc vật
liệu cung cấp, điều kiện động lực của quá trình vận chuyển và lắng đọng
trầm tích, có ảnh hưởng đến quá trình biến đổi thứ sinh của đá.
2.4. Phương pháp cổ sinh
Phương
pháp cổ sinh được sử dụng để phân tích các bể trầm tích cũng như các
tầng đá carbonate, dùng dải các hóa thạch theo thời gian để liên kết các
mặt cắt địa tầng và môi trường cổ nhằm cung cấp các thông tin của địa
tầng trầm tích trong tiến trình phát triển địa chất. Đặc biệt, trầm tích
carbonate với sự phong phú và bảo tồn gần nguyên vẹn các hóa đá động
thực vật, do đó việc luận giải môi trường trầm tích trở nên tin cậy hơn.
2.5. Phương pháp phân nhóm và dự báo
Nhóm
tác giả đã áp dụng lý thuyết Logic mờ (Fuzzy logic) của L.A.Zadeh [1]
để dự báo các đơn vị dòng chảy trên toàn bộ các giếng khoan. Logic mờ là
nền tảng để xây dựng các hệ mờ nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong
thực tế sản xuất. Trong đó, công cụ chủ chốt của Logic mờ là tiền đề hóa
và lập luận xấp xỉ với phép suy diễn mờ.



3. Ứng dụng thực tế dự báo tướng thạch học và xác định đơn vị dòng chảy
Nhóm
tác giả nghiên cứu đặc điểm thạch học và môi trường trầm tích từ tài
liệu mẫu lõi, lát mỏng kết hợp phân tích, minh giải lát cắt địa chất
tầng carbonate theo tài liệu địa vật lý giếng khoan tại giếng khoan thăm
dò (A) và các giếng khoan thẩm lượng (B, C) ở khu vực phía Nam bể Sông
Hồng. Tổng hợp, so sánh các kết quả mẫu lõi cơ lý đá và phân tích thạch
học để xây dựng quan hệ độ rỗng - độ thấm. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả
đã sử dụng đặc tính của các đường cong địa vật lý giếng khoan để phân
nhóm các loại đá chứa (tướng thạch học) và dự đoán khả năng thấm chứa
cho toàn khoảng carbonate trong giếng khoan.
3.1. Đặc điểm và môi trường trầm tích carbonate phía Nam bể Sông Hồng
Theo
lát cắt địa chấn, phần dưới cùng là tập carbonate tuổi Langhian được
phát hiện tại giếng khoan thẩm lượng C với đặc trưng hóa thạch san hô và
trùng lỗ benthic nhỏ được hình thành trong môi trường nội thềm có ảnh
hưởng của rìa thềm.
Phần giữa là tập carbonate tuổi Serravallian
với 2 phân tập: phân tập Serravallian 1 (Serra 1) trầm tích theo chu kỳ
trong môi trường sườn mở với đặc trưng tảo đỏ và trùng lỗ benthic lớn,
trữ lượng hydrocarbon chủ yếu tập trung trong phân tập carbonate này;
phân tập Serravallian 2 (Serra 2) phủ lên trên phân tập Serra 1 với đặc
trưng là cát kết glauconite và sét kết môi trường biển sâu.
Phần
trên cùng là tập carbonate tuổi Tortonian được nhận biết trên tài liệu
địa chấn. Tuy nhiên, thành phần thạch học của tập Tortonian tại giếng
khoan thẩm lượng C đã chuyển tiếp sang tướng sét biển sâu. Để nghiên cứu
và giải quyết vấn đề này cần thu thập thêm thông tin, dữ liệu cần thiết
từ các nguồn khác.
3.2. Xác định thành phần thạch học
Trên
cơ sở tổng hợp các kết quả phân tích mẫu cổ sinh, thạch học, địa vật lý
giếng khoan, nhóm tác giả xác định thành phần thạch học của carbonate
trong khu vực nghiên cứu gồm những sinh vật tạo vôi liên quan tới các đá
được xác định:
- San hô, trùng lỗ bám đáy, rhodolite - boundstone.
- Tảo đỏ, skeletal, equinoderm packstone - grainstone.
- Tảo đỏ, mollusk, bryozoa grainstone - packstone.
- Trùng lỗ và ostracode trôi nổi, tảo đỏ grainstone - wackestone.


3.3. Xác định kiểu độ rỗng
Kết
quả phân tích mẫu thạch học lát mỏng đã xác định kiến trúc đá vôi dạng
hạt như: rudstone, floatstone và grainstone. Tại 2 mẫu nghiên cứu kiến
trúc đá packstone chứa tảo đỏ, trùng lỗ bám đáy có độ hạt trung bình phổ
biến ở cỡ 0,18- 0,71mm nhưng thay đổi trong khoảng khá rộng 0,062 -
30mm. Khi quan sát xác định phân loại độ rỗng của đá carbonate, có thể
nhận biết được phát triển độ rỗng thứ sinh do rửa lũa khung xương sinh
vật (moldic porosity) và độ rỗng giữa hạt (Hình 6). Ngoài ra, các loại
độ rỗng thứ sinh khác như nứt nẻ và dolomite hóa khá phổ biến và đóng
vai trò rất quan trọng đối với trầm tích carbonate.
3.4. Xác định đơn vị thủy động lực (HU)
Kết
quả phân tích độ thấm trên mẫu lõi các giếng khoan thẩm lượng B và C
cho thấy chế độ thủy động lực của đá chứa carbonate tuổi Miocene giữa
phụ thuộc chủ yếu vào loại độ rỗng hơn là kiểu kiến trúc và tướng đá
(Hình 7).
Kết quả phân tích cho thấy 6 kiểu tướng đá (ký hiệu từ
RRT1 tới RRT6) với thành phần thạch học và kiểu độ rỗng đặc trưng sẽ
tương ứng với 5 quan hệ độ rỗng - độ thấm (HU - Hydrolic unit) (Hình 8).
Các
quan hệ độ rỗng - độ thấm được định danh từ 1 - 5 theo mức độ chất
lượng vỉa từ kém đến rất tốt và mức độ hàm liên kết chấp nhận được (Bảng
1).
3.5. Kết quả dự báo độ thấm tại các giếng thăm dò, thẩm lượng
Phương
pháp dự báo được sử dụng là Logic mờ (Fuzzy Logic) trên phần mềm
Interactive Petrophysics (IP) trên cơ sở các đường cong: GR, RHOB, NPHI,
DT. Kết quả dự báo độ thấm cho thấy rất phù hợp với tài liệu mẫu lõi
(Hình 9).
Đặc biệt khi dùng hoàn toàn tài liệu của mô hình dự báo
tại giếng khoan B để áp dụng cho giếng khoan C, sau đó đem kết quả so
sánh với tài liệu phân tích độ thấm
từ mẫu lõi giếng khoan C cho thấy
sự phù hợp trên hầu hết tầng chứa (Hình 10). Điều này đã khẳng định
tính đúng đắn của phương pháp xác định quan hệ độ rỗng - độ thấm và dự
báo độ thấm đã nghiên cứu ứng dụng.
4. Kết luận
Qua
nghiên cứu đặc điểm trầm tích, thạch học và dự báo độ thấm cho vỉa
carbonate phía Nam bể Sông Hồng, nhóm tác giả rút ra các kết luận sau:
Kết
quả nghiên cứu địa chất, địa vật lý kết hợp với phân tích lát mỏng đã
xác định được các tập trầm tích trong vỉa carbonate với các đặc trưng về
tuổi địa chất và thạch học riêng biệt: Phần dưới cùng là tập carbonate
tuổi Langhian, giữa là tập carbonate tuổi Serravallian với 2 phân tập:
phân tập Serravallian 1 (Serra 1) và phân tập Serravallian 2 (Serra 2);
trên cùng là tập carbonate tuổi Tortonian.
Kết quả phân tích độ
thấm trên mẫu lõi giếng khoan thẩm lượng B và kiểm chứng tại giếng khoan
thẩm lượng C cho thấy quan hệ độ rỗng - độ thấm của đá chứa carbonate
tuổi Miocene giữa phụ thuộc chủ yếu vào loại độ rỗng hơn là kiểu kiến
trúc và tướng đá. Các loại độ rỗng moldic, hang hốc (vuggy), biến đổi
dolomite có vai trò quyết định đến quan hệ độ rỗng - độ thấm của đá
chứa.
Trong vỉa carbonate đã xác định 6 loại tướng đá với kiểu
kiến trúc và loại độ rỗng đặc trưng tương ứng với 5 quan hệ độ rỗng - độ
thấm. Mô hình dự báo độ thấm cho thấy sự phù hợp với tài liệu mẫu lõi
trên hầu hết tầng chứa. Điều này đã khẳng định tính đúng đắn của phương
pháp xác định quan hệ độ rỗng - độ thấm và dự báo độ thấm mà nhóm tác
giả đã nghiên cứu ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
1. L.A.Zadeh. Fuzzy sets. Information and Control.1965; 8: p. 338 - 353.
2.
Lê Hải An, Xác định phân tố thủy lực từ tài liệu ĐVLGK sử dụng mạng
nơ-ron phục vụ đánh giá tầng chứa dầu khí. Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Mỏ -
Địa chất. 2006; 14: trang 4 - 8.
3. Đỗ Bạt, Nguyễn Địch Dỹ, Phan
Huy Quynh, Phạm Hồng Quế, Nguyễn Quý Hùng, Đỗ Việt Hiếu. Địa tầng các
bể trầm tích Kainozoi Việt Nam. Địa chất và Tài nguyên Dầu khí Việt Nam.
Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. 2007: trang 141 - 181.
4. Mai Thanh Tân. Bài giảng “Sự phát triển của phương pháp địa chấn địa tầng trong thăm dò dầu khí”. 1999.
5.
Mai Thanh Tân. Công nghệ địa chấn trong nghiên cứu đặc điểm tầng chứa
dầu khí. Tuyển tập Báo cáo Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Địa vật lý Việt
Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. 2007: trang 391 - 402.
6. Nguyễn Hiệp (chủ biên). Địa chất và Tài nguyên Dầu khí Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, 2007.
7.
Vũ Ngọc Diệp, Hoàng Ngọc Đang, Trần Mạnh Cường, Nguyễn Trọng Tín. Quá
trình phát triển và thái hóa của đá carbonate tuổi Miocene trên đới nâng
Tri Tôn phần Nam bể trầm tích Sông Hồng. Tạp chí Dầu khí. 2011; 7:
trang 19 - 28.
8. I.A.McIlreath, N.P.James. Facies models 12.
Carbonate slopes. Facies models. Geoscience Canada Reprint series 1.
1979: p. 133 - 143.
9. Wolfgang Schlager. Carbonate sedimentology and sequence stratigraphy. 2005.
Rock typing and depositional environment prediction forcarbonate reservoir in the south of Song Hong basin, Vietnam
Do The Hoang, Nguyen Hai An, Tran Huy Du
Petrovietnam Exploration Production Corporation
Summary
Carbonate
reservoirs have distinct geological characteristics compared to clastic
reservoirs due to different formation and diagenesis processes. Rock
typing and depositional environment prediction to determine porosity-
permeability relationships are a challenging problem for geologists. The
authors investigated and proposed 03 se-quences in the carbonate
reservoir, based on 5 main 3D seismic facies. Based on thin section
analysis combined with 3D seismic data, the depositional environment of
carbonate rock was predicted as platform margin with 6 rock types
corresponding with 5 Hydraulic Units (HU). On that basis, the authors
have established permeability prediction mod-el for wells from which
core samples could not be taken.
Key words: Carbonate, permeability, hydraulic unit (HU), reservoir, Fuzzy logic.