Đông Phi – mảnh đất màu mỡ mới của Big Oil
Với tiềm năng dầu khí giàu có, Đông Phi đang là mảnh đất màu mỡ để Big Oil, nhóm 6 công ty năng lượng hàng đầu thế giới (ExxonMobil, Shell, Chevron, BP, Total, Conoco Phillips) nhảy vào giành lợi ích.

Những cái tên như Mozambique hay Tanzania vốn rất mờ nhạt trên bản đồ năng lượng thế giới đã trở thành

một trong những điểm nóng nhất của ngành công nghiệp khí nhờ các phát hiện khí đốt khổng lồ của Eni, Statoil

Công ty Dầu khí Na Uy Statoil thường không sử dụng lực lượng hải quân tuần tra để bảo vệ các hoạt động dầu khí trên biển của mình nhưng ở Đông Phi thì lại mọi chuyện lại khác bởi các hoạt động khoan thăm dò của hãng đang bị đe dọa bởi những tên cướp biển Somali.

Vào cuối tháng trước, Statoil đã công bố phát hiện một mỏ khí thiên nhiên có trữ lượng ước tích khoảng 140 tỉ m3 ngoài khơi bờ biển Tanzania – sự kiện mang tính xác nhận tiềm năng năng lượng của Đông Phi – một trong những khu vực năng lượng hứa hẹn nhất của thế giới. Đi cùng với phát hiện này, Statoil cũng công bố một kế hoạch “cắm chân” và phát triển dài hơi ở khu vực này.

“Phát hiện này thật là tuyệt vời!”, Tim Dodson, người đứng đầu mảng thăm dò của Statoil cho biết – “Đây là phát hiện lớn nhất của chúng tôi bên ngoài Na Uy từ trước tới nay”.

Các vùng biển ở châu Phi được cho là rất nguy hiểm, tuy nhiên, Statoil đã có một sự bảo đảm từ các nhà chức trách nước sở tại về việc thiết lập một đội tàu của hải quân và các nhà thầu an ninh hỗ trợ và bảo vệ các giàn khoan cũng như các nhân viên của hãng trong trường hợp bị cướp biển tấn công.

Những cảnh báo về mối nguy hiểm khi thăm dò, khai thác dầu khí ở Đông Phi không ngăn được một cuộc đua giành lợi ích ở khu vực này được dẫn đầu bởi một số công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới – nhóm Big Oil. Và những cái tên như Mozambique hay Tanzania vốn rất mờ nhạt trên bản đồ năng lượng thế giới đã trở thành một trong những điểm nóng nhất của ngành công nghiệp khí.

Hãng dầu khí Hoàng gia Hà Lan Shell và hãng dầu khí lớn nhất Thái Lan – PTT cuối tháng 2 vừa qua đã tỏ rõ quyết tâm chen chân vào thị trường năng lượng Đông Phi khi đưa ra những đề nghị mua lại 8,5% cổ phần một mỏ khí đốt lớn ở Mozambique từ tay Cove Energy – một công ty thăm dò dầu khí có trụ sở ở London đang sở hữu một cơ số tài sản năng lượng ở Mozambique, Tanzania và Kenya.

Trong khi đó, Gail và ONGC – hai tập đoàn dầu khí thuộc sở hữu của nhà nước Ấn Độ cũng bày tỏ quan tâm đến các cuộc đấu thầu mua lại tài sản của Cove Energy – bất chấp một thông báo của nhà chức trách Mozambique tuần trước rằng họ có thể áp đặt tăng thuế tài sản gia tăng lên Cove Energy để hạn chế các nhà thầu tiềm năng.

Và thực tế, sự “dọa dẫm” này chẳng thể làm giảm sức hấp dẫn của một khu vực đã mang lại một loạt những khám phá khí đốt lớn trong mấy năm trở lại đây, mà Cove Energy chỉ là một trong những người đi đầu may mắn.

“Trong lĩnh vực thăm dò khí đốt, bạn phải tìm thấy một mỏ thật lớn (cỡ mỏ The Elephant (Mỏ Voi) có trữ lượng phục hồi 700 triệu thùng ở Libya) để làm cho khu vực đó trở nên đáng giá”, ông Simon Ashby-Rudd, một người đầu tư dầu ở Ngân hàng Standard nói - “Nhưng ở đây (Đông Phi) thì bạn không chỉ thấy một con, mà còn tìm thấy cả đàn voi”.

Những phát hiện lớn nhất ngoài khơi Mozambique của Anadarko Petroleum, Cove Energy và Eni của Italy cho thấy hai trong số các mỏ khí được phát hiện có tổng trữ lượng khí thu hồi có thể lên tới 60 nghìn tỉ feet khối khí – gần bằng toàn bộ dự trữ khí đốt của Kuwait. Chỉ riêng điều đó thôi đã đủ để đưa Mozambique trở thành một trong những nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) chủ chốt cho Trung Quốc và nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Ấn Độ.

Theo Công ty thăm dò và khai thác dầu khí Afren, có trụ sở ở London, hiện có gần 500 giếng đã được khoan ở Đông Phi, so với khoảng 20 nghìn giếng ở phía Bắc và gần 15 nghìn giếng ở phía Tây lục địa đen.

Phát hiện khí của Eni ở Mozambique là “một trong các phát hiện quan trọng nhất của Tập đoàn trong lịch sử”, Claudio Descalzi, một quan chức cấp cao của Eni cho biết.

Ông này cũng ví đó như là một bước ngoặt với Eni. Mà không chỉ vậy, phát hiện đó cũng đưa Mozambique rẽ sang một bước ngoặt mới với những cơ hội “đổi đời” bằng nguồn tiền đầu tư đang ồ ạt đổ vào công nghiệp dầu khí của đất nước xếp thứ 204 trong số 215 quốc gia trên thế giới xét về thu nhập bình quân đầu người và là một trong những nước nghèo nhất ở châu Phi này.  Trong đó, dự án nhà máy LNG mà Anadarko đang đề xuất xây dựng có trị giá khoảng 25 tỉ USD – lớn hơn gấp 2 lần tổng sản phẩm quốc nội của Mozambique chỉ là một ví dụ.

Trong nhiều năm, các nhà đầu tư nước ngoài, trừ một số công ty dầu khí nhỏ của Anh như Afren, Aminex và Ophir Energy không mấy mặn mà, thậm chí tránh xa Đông Phi bởi “thành kiến” cho rằng khu vực này có nhiều khí hơn so với dầu.

Nhưng với sự tăng trưởng nhu cầu LNG mạnh mẽ ở châu Á, khí đốt đã trở nên có giá hơn rất nhiều. Và với nguồn tài nguyên khí đốt tiềm năng giàu có của mình, Mozambique được hy vọng sẽ có thể trở thành một trong các nước khai thác khí tự nhiên lớn nhất thế giới.

“Ba năm trước, khi chúng tôi đang bàn thảo về các nguồn cung cấp LNG tương lai sẽ là ở đâu thì cái tên Đông Phi thậm chí còn không có ở trong danh sách này”, Frank Harris, trưởng bộ phận LNG của Công ty tư vấn năng lượng hàng đầu thế giới Wood Mackenzie chia sẻ.

Chính những kết quả thăm dò khí đốt khả quan ở Đông Phi đã đặt cơ sở để các ông lớn dầu khí thế giới như Statoil (Na Uy), Shell (Anh-Hà Lan), Petrobras (Brazil) và ExxonMobil (Mỹ) đến Tanzania, trong khi Eni (Italy) thì đã mở chi nhánh tại Mozambique.

Kéo theo sự đổ bộ của các đại gia Big Oil, các nhà phân tích của Morgan Stanley dự kiến 23 giếng sẽ được khoan ngoài khơi Kenya, Tanzania và Mozambique trong năm nay, gần gấp đôi số lượng trong năm 2011.

(Theo Petrotimes)