Diễn biến hoạt động dầu khí
Kinh tế thế giới phục hồi chậm, cùng với đó là tình hình bất ổn ở một số nơi trên thế giới và sự biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên đã làm giá dầu khí chao đảo không theo quy luật, tạo ra rất nhiều khó khăn trong công tác dự báo thị trường trong ngắn và trung hạn. Tuy nhiên, các tổ chức năng lượng quốc tế và quốc gia vẫn đưa ra các dự báo cung - cầu dầu thô và các sản phẩm dầu cho năm 2016 và các năm tiếp theo. Các dự báo này đều dựa trên các nhân tố thị trường và an ninh tại thời điểm dự báo dẫn đến các số liệu có thể chênh lệch khá lớn (Bảng 1 và 2).

Nhìn chung, các dự báo đều cho thấy cán cân cung - cầu trên thị trường không hợp lý, cung luôn vượt cầu từ 1 - 2 triệu thùng/ngày và còn kéo dài ít nhất đến cuối năm 2016, trong khi đó các nước sản xuất dầu mỏ chính lại không ngừng tăng sản lượng. Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào tháng 10/2015, mức tăng trưởng kinh tế thế giới ước tính sẽ đạt 3,6% trong năm 2016. Đối với các nền kinh tế phát triển, con số này sẽ là 2,2%. Năm 2015, kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ phục hồi khiêm tốn; trong khi đó kinh tế Nhật Bản có khuynh hướng tăng trưởng trở lại nhờ giá dầu rẻ cũng như chính sách tiền tệ thay đổi. Sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển bị hạn chế bởi lượng hàng hóa xuất khẩu giảm mạnh, nhất là ở Canada, Na Uy và các nước châu Á (ngoài Nhật Bản).

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trữ lượng dầu - khí xác minh đầu năm 2016 không thay đổi nhiều so với năm 2015 vì mức gia tăng trữ lượng trong 2 năm gần đây vẫn đủ bù cho sản lượng khai thác. Sản lượng khai thác của Mỹ sau khi tăng 3,7 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 2008 - 2014, được dự báo sẽ giảm 400.000 - 700.000 thùng/ngày trong năm 2016. Theo IEA, nhu cầu dầu thô toàn cầu tăng 1,8 triệu thùng/ ngày năm 2015 do nhu cầu của các nước khối OECD và ngoài OECD tăng, nhưng mức tăng này sẽ chậm lại trong năm 2016. Theo dự báo mới nhất, sản lượng nguồn cung ngoài OPEC giảm 750.000 thùng/ngày trong năm 2016 cùng với sản lượng khai thác của OPEC giảm, trong lúc nhu cầu tăng có thể đưa thị trường dầu thô dần dần về thế cân bằng, do đó giá dầu có thể sẽ tăng nhẹ trở lại vào cuối năm 2016. Vì vậy, vấn đề sản lượng của OPEC sẽ được quyết định trong cuộc họp Hội đồng OPEC thường niên vào tháng 6/2016.

Kể từ khi Saudi Arabia, Liên bang Nga, Venezuela và một số nước OPEC khác thỏa thuận “đóng băng” sản lượng dầu trong tháng 2/2016 cũng như Mỹ giảm sản lượng khai thác dầu phiến sét thì khuynh hướng giá dầu đang tăng nhưng tốc độ rất chậm và chưa vững chắc. Giá dầu thế giới trong tháng 3/2016 đã có thời điểm tăng trên ngưỡng 40 USD/thùng. Đây là lần tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 12/2015, do đồng USD suy yếu và tâm lý lạc quan về khả năng các “đại gia” dầu mỏ thế giới sẽ đạt được một thỏa thuận chung nhằm “đóng băng” sản lượng tại cuộc họp ngày 17/4/2016 tại Qatar. Tuy nhiên, giá dầu ngày 23/3 lại đảo chiều khi thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng gần 9,4 triệu thùng trong tuần trước đó. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu tại quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới đã yếu đi. Chốt phiên giao dịch ngày 24/3/2016, tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 5/2016 ở mức 39,46 USD/thùng, trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn ở mức 40,44 USD/thùng.