Quyết
tâm thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng ngành
công nghiệp dầu khí Việt Nam, những người đi tìm lửa bằng ý chí đã miệt
mài ngày đêm nghiên cứu và thăm dò với niềm tin thềm lục địa dải đất
hình chữ S có dầu, có khí. Ngay từ những năm 1990, Đảng ta đã xác định
phương hướng, chủ trương, nhiệm vụ cần thực hiện để đẩy mạnh phát triển
công nghiệp Dầu khí, phát triển ngành Dầu khí trong phát triển tổng thể
các ngành kinh tế biển với an ninh - quốc phòng. Trong những năm đầu
thập niên 1990, nhiều chủ trương có tính chiến lược của Đảng được ban
hành như vấn đề đẩy mạnh hợp tác với nước ngoài, phát triển ngành công
nghiệp Dầu khí tự lực, tự chủ.
Nhờ
có tầm nhìn chiến lược của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, công
lao, tâm huyết của các nhà khoa học, các nhà địa chất, lớp cán bộ đầu
đàn của ngành Dầu khí Việt Nam, chúng ta đã nghiên cứu thu hồi khí đồng
hành để sản xuất điện kịp thời, đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu cấp
bách về năng lượng điện của cả nước. Đồng thời, với việc triển khai tổ
hợp khí - điện - đạm đã góp phần quan trọng vào phát triển sản xuất nông
nghiệp, tiết kiệm hàng trăm triệu ngoại tệ hàng năm trong việc nhập
khẩu phân bón.

Người lao động dầu khí trong triển khai Dự án đường ống dẫn khí PM3- Cà Mau - Ảnh tư liệu
Thực
hiện mục tiêu chiến lược sử dụng nguồn khí vùng Tây Nam Bộ để sản xuất
điện và đạm phục vụ nhu cầu cả nước và tạo ra sức bật quan trọng giúp
tỉnh cực Nam Tổ quốc phát triển công nghiệp, ngày 31/7/2001, Thủ tướng
Chính phủ có Quyết định số 957/QĐ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi
đầu tư Dự án đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau, Quyết định 1333/QĐ-TTg ngày
8/10/2001 phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Nhà máy điện Cà
Mau, Quyết định 1218/QĐ- TTg ngày 10/9/2001 phê duyệt Dự án Nhà máy Đạm
Cà Mau. Đến ngày 26/6/2001, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số
776/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chung Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà
Mau. Đây chính thức là năm khởi đầu, khai sinh Cụm Khí - Điện - Đạm Cà
Mau.
Cụm
dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau là công trình trọng điểm của quốc gia do
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) làm chủ đầu tư với
tổng dự toán gần 1,9 tỷ USD, đã tạo thành một khu công nghiệp phức hợp
to lớn hiện đại, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, làm thay đổi
diện mạo của một khu vực tỉnh Cà Mau đang trong tiến trình công nghiệp
hóa, hiện đại hóa.

Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau - Ảnh: Lê Nguyễn
Cụm
dự án được đặt tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, trên diện
tích hơn 200 ha, bao gồm các dự án: Đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau; Nhà
máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2; Nhà máy Đạm Cà Mau - mảnh ghép cuối cùng
của Cụm, có quy mô lớn nhất, phức tạp nhất. Cùng với đó là các công
trình công nghiệp quan trọng khác như: cơ sở hạ tầng phụ trợ; khu dân
sinh phục vụ tái định cư; khu đô thị mới cho cán bộ nhân viên trong khu
công nghiệp. Cụm cũng là dự án đầu tư lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Mục
tiêu lớn nhất của Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau là tạo ra một sức bật
mạnh mẽ để thay đổi cơ cấu kinh tế Cà Mau, phát triển công nghiệp, thúc
đẩy phát triển kinh tế cả vùng Tây Nam Bộ. Sau khi các công trình đi vào
hoạt động, những sản phẩm của khí - điện - đạm đều thúc đẩy mạnh mẽ nền
kinh tế- xã hội của tỉnh Cà Mau và các tỉnh lân cận; tạo điều kiện cho
các cơ sở công nghiệp khác sử dụng nguồn khí áp thấp sản xuất các sản
phẩm hóa học nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất và đời sống nhân
dân.
Có
thể nói, sự ra đời của Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau là mảnh ghép cần
thiết cho bức tranh công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, là sự thúc đẩy phát
triển mạnh mẽ của nền kinh tế Cà Mau và Đồng bằng sông Cửu Long.
1. Công trình Đường ống dẫn khí MP3 - Cà Mau
Công
suất 2 tỉ m3 khí/năm. Chiều dài đường ống 325km (298km ngầm dưới biển).
Công trình khởi công vào ngày 22/6/2005. Hoàn thành giai đoạn 1, cấp
khí cho Nhà máy điện Cà Mau 1 ngày 24/6/2008; hoàn thành giai đoạn 2,
cấp khí cho Nhà máy điện Cà Mau 2 ngày 20/8/2008. Nghiệm thu cấp Nhà
nước ngày 25/12/2008; khánh thành vào ngày 27/12/2008.
2. Công trình Nhà máy điện
Công
trình bao gồm 2 nhà máy nhiệt điện chu trình hỗn hợp sử dụng tuabin khí
thế hệ F. Công suất mỗi nhà máy 750 MW khi đốt khí; 669,8MW khi đốt dầu
DO. Số giờ sử dụng công suất đạt 6.500 giờ/năm đến 7.000 giờ/năm. Lượng
khí tiêu thụ hàng năm khoảng 900 triệu m3/năm/nhà máy, tương đương
khoảng 3,1 triệu m3/ngày. Nhà máy Điện Cà Mau 1 có diện tích xây dựng
trên 20ha được khởi công vào ngày 9/4/2006, vận hành thương mại ngày
20/3/2007. Nhà máy Điện Cà Mau 2 có diện tích xây dựng 9,5ha được khởi
công vào ngày 9/4/2006, vận hành thương mại ngày 13/12/2008. Cả hai nhà
máy nghiệm thu cấp Nhà nước ngày 25/12/2008 và khánh thành vào ngày
27/12/2008.
3. Nhà máy Đạm Cà Mau
Công suất 800.000
tấn/năm, tương đương 2.350 tấn ure/ngày. Lượng khí tiêu thụ khoảng 500
triệu m3/năm. Nhà máy được khởi công tháng 7/2008, có diện tích xây dựng
52,4ha. Nhà máy vận hành thương mại vào ngày 30/1/2012.
|