Còn quá sớm để từ bỏ năng lượng hạt nhân
Trong Diễn đàn năng lượng toàn cầu diễn ra tại Dubai (UAE) ngày 17/4, Cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Mohammed ElBaradei, đã bày tỏ ý kiến, theo đó lưu ý rằng hiện vẫn còn quá sớm để từ bỏ năng lượng hạt nhân mặc dù cuộc khủng hoảng hạt nhân vẫn đang tiếp tục diễn biến nghiêm trọng tại Nhật Bản sau thảm họa động đất, sóng thần ngày 11/3.

"Trung tâm hạt nhân Fukushima đã 40 năm tuổi và đã bị phá hủy bởi trận động đất ngày 11/3 vừa qua (…)", ông ElBaradei đánh giá, "các tiêu chuẩn an toàn tại Kukushima đã lạc hậu".

Theo ông ElBaradei, phần năng lượng hạt nhân trong tổng lượng năng lượng tiêu thụ của thế giới hiện tăng lên 14%, và sẽ lên tới 25% vào năm 2050 nếu cộng đồng quốc tế hợp tác để cải thiện an toàn hạt nhân.

Cựu Tổng Giám đốc IAEA cũng lên tiếng ca ngợi kế hoạch của UAE xây dựng 4 nhà máy hạt nhân ở miền Tây nước này dự kiến sẽ cung cấp điện vào năm 2020. Ông ElBaradei nhấn mạnh, trong bối cảnh giá dầu và khí lên xuống bất ổn và không phải quốc gia nào cũng có khả năng tiếp cận với nguồn nguyên liệu thô, năng lượng hạt nhân là giải pháp năng lượng thay thế sạch và mang tính cạnh tranh về chi phí duy nhất.

Tuyên bố của ông ElBaradei đưa ra đã góp phần làm dịu dư luận quốc tế vào thời điểm dấy lên không ít những lo ngại xung quanh các vấn đề về phát triển năng lượng hạt nhân kể từ khi cuộc khủng hoảng hạt nhân bùng nổ tại Nhật Bản sau thảm họa động đất, sóng thần ngày 11/3 vừa qua.

Diễn đàn năng lượng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức tại Dubai kéo dài trong 3 ngày (17-19/4) với 58 bài phát biểu về chủ đề "Những thách thức và cơ hội Năng lượng - Tương lai bền vững".

Diễn đàn năng lượng toàn cầu Dubai do Thủ tướng kiêm Phó Tổng thống UAE Mohamed bin Rashid Al Maktoum khởi xướng, thu hút sự tham gia của 2.000 đại diện đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chương trình nghị sự chính tập trung vào câu hỏi loại năng lượng nào có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân số thế giới.

(Theo Báo điện tử ĐCSVN)