TS. Hoàng Xuân Quốc: Cần thiết xây dựng và ban hành luật năng lượng tái tạo
Thời gian qua, năng lượng tái tạo (NLTT) ở nước ta phát triển khá nhanh, nhưng cũng đồng thời bộc lộ sự mất cân đối, dẫn đến việc loay hoay giữa một bên là mục tiêu tăng tỷ trọng NLTT trong cơ cấu năng lượng quốc gia, một bên là những điểm nghẽn trong thực tiễn triển khai về hạ tầng, cơ chế, chính sách... kiềm hãm sự phát triển. Để nhìn nhận rõ hơn về vấn đề này, cũng như đưa ra những gợi ý chính sách, PetroTimes có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Xuân Quốc, Giám đốc Năng lượng Tập đoàn VinaCapital, Thành viên độc lập HĐQT Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Phó Trưởng Ban Tư vấn và Phản biện Hội Dầu khí Việt Nam.

NLTT phát triển nóng và mất cân đối

PV: Ông có thể đánh giá về vai trò NLTT trong cơ cấu năng lượng quốc gia?


TS. Hoàng Xuân Quốc

TS. Hoàng Xuân Quốc: Xét trong 2 năm gần đây nhất là 2022 và 2023 cho thấy, năm 2022, NLTT (không kể thủy điện) chiếm khoảng 13% sản lượng điện thương phẩm. Đến năm 2023, tỷ lệ này tăng lên 13,8% trong 7 tháng đầu năm. Như vậy, có thể thấy tỷ trọng NLTT hiện chiếm khoảng 13 đến 14% điện năng sản xuất. Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 tỷ trọng LNTT sẽ tăng lên khoảng 27 – 28%, tương ứng tốc độ tăng trưởng 1,5 – 2%/năm. Trong đó, điện gió cả trên bờ và ngoài khơi là 28.000 MW (chiếm tỷ trọng 18,5%); điện mặt trời là 13.000 MW (8,5%). Cũng theo Quy hoạch điện VIII, định hướng đến năm 2050, tỷ trọng NLTT tăng lên khoảng 59,5 – 63%, tương ứng tăng mức độ tăng trưởng khoảng 1,5%/năm, trong đó điện gió trên bờ và ngoài khơi sẽ tăng lên tới 26,5 – 29%, điện mặt trời tỷ trọng là 33 – 34%.

Như vậy, theo chiến lược chung của quốc gia, tỷ trọng NLTT sẽ ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu giảm phát thải, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, hướng tới thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại COP26, được Việt Nam tái khẳng định tại COP28 mới đây. Việc phát triển NLTT cũng là định hướng chiến lược quốc gia đã được hoạch định nhất quán qua các thời kỳ. Đây cũng là xu thế chung, không thể đảo ngược của thế giới. Đặc biệt, nước ta là quốc gia có độ mở kinh tế rất cao, hội nhập quốc tế rất sâu rộng nên việc đáp ứng theo xu hướng năng lượng quốc tế là không thể tránh khỏi.

PV: Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của NLTT ở nước ta trong thời gian qua?

TS. Hoàng Xuân Quốc: Nếu xét về mặt lịch sử thì từ năm 2011, nhà nước bắt đầu có những ban hành pháp lý đầu tiên về phát triển NLTT, đó là QĐ số 37/2011/QĐ- TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió. Sau đó Thủ tướng cũng ban hành QĐ số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Nhưng thực tế, trong suốt giai đoạn 2011 – 2017, việc phát triển NLTT cũng chưa có chuyển biến gì đáng kể. Mọi thứ thật sự bùng nổ là từ khi có QĐ 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 sửa đổi bổ sung QĐ 37/2011 (nâng giá FID điện gió – từ 7,8 cent lên 8,5 cent với điện gió trên bờ và 9,8 cent với điện gió ngoài khơi). Quyết định này có thể nói là cú hích quyết định để phát triển NLTT. Sau đó đến năm 2020 ban hành thêm QĐ 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (ban hành giá FID điện mặt trời, trong đó điện mặt trời nổi là 7,69 cent, điện mặt trời trang trại là 7,09 cent và điện mặt trời mái nhà là 8,38 cent). Hai quyết định này đã làm cho NLTT, đặc biệt là điện mặt trời phát triển bùng nổ trong thời gian ngắn chỉ khoảng 5 - 6 năm, từ 2018 - 2022, chúng ta có khoảng 20.000 MW điện NLTT, chiếm khoảng 26% tổng công suất lắp đặt quốc gia (80.000 MW), trước khi cơ chế giá FID theo các quyết định nêu trên hết hiệu lực.

Có thể thấy với những cơ chế khuyến khích phù hợp, điện mặt trời nói riêng và NLTT Việt Nam nói chung phát triển rất nhanh về quy mô và công suất. Hiện nay, nước ta đứng đầu ASEAN và nằm trong tốp đầu các thị trường mới nổi về phát triển NLTT. Đó là sự phát triển vượt bậc đáng ghi nhận. Tuy nhiên, sự phát triển này và các chính sách liên quan cũng đang cho thấy một số vấn đề chưa được hoàn thiện, thể hiện ở sự phát triển nóng và mất cân đối của NLTT.


Việc xây dựng một hành lang pháp lý đủ mạnh và hoàn thiện cho sự phát triển NLTT là cần thiết

PV: Ông có thể phân tích rõ hơn về sự phát triển nóng và mất cân đối cũng như những bất cập của cơ chế, chính sách liên quan đến NLTT mà ông đề cập ở trên?

TS. Hoàng Xuân Quốc: Rõ ràng có thể thấy NLTT có sự phát triển nóng, với công suất phát triển được rất lớn như đã nói trên, vượt xa mục tiêu của Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Bất cập của các cơ chế hiện hành ở chỗ, chính sách về NLTT chủ yếu tập trung phát triển nguồn, chưa chú ý đúng mức đến phát triển lưới điện và điều độ hệ thống điện trong bối cảnh các nguồn điện gió và mặt trời không ổn định nhưng lại chiếm tỷ trọng ngày càng lớn và lại được ưu tiên huy động công suất trước các nguồn nhiệt điện ổn định và có giá thành sản xuất điện thấp hơn. Bên cạnh đó, lưới điện hiện tại chưa đáp ứng được đặc thù của NLTT đòi hỏi vận hành, điều độ hệ thống một cách linh hoạt hơn so với trước đây. Bởi nếu trước đây phần lớn nguồn điện ổn định từ các nhà máy điện lớn, từ đó phân phối, truyền tải đi các nơi, thì hiện nay với tỷ trọng ngày càng cao của NLTT thì nguồn điện còn được hình thành từ những nguồn rất nhỏ có thể chỉ vài kW từ các mái nhà tập hợp lại, đòi hỏi phải có lưới điện thông minh để quản lý lượng lớn khách hàng mua, bán điện đồng thời. Bên cạnh đó, đặc thù của nguồn NLTT là không ổn định nên vấn đề điều độ hệ thống càng phải được đặt ra. Nếu không khắc phục được bất cập về lưới thì sẽ không thể phát triển được NLTT.

Ngoài ra, chính sách liên quan đến điện mặt trời thì hiện nay chủ yếu khuyến khích phát triển điện mặt trời trang trại (Solar Farm) quy mô vừa và lớn (trên 50 MWp), còn điện mặt trời mái nhà (Rooftop Solar) hiện chỉ khuyến khích phát triển theo hình thức “tự sản, tự tiêu”. Trong khi đó, nhiều quốc gia chú trọng phát triển điện mặt trời mái nhà hơn là điện trang trại, lý do là điện mặt trời trang trại hệ số sử dụng đất rất kém, hiệu quả thấp (50 ha chỉ đem về được khoảng 50MWp công suất, trong khi đó cũng diện tích này nếu làm nhiệt điện tua bin khí thì có thể cho ra 3.000 MW, gấp 60 lần). Đặc biệt với những nước “đất chật người đông” như chúng ta thì điện mặt trời trang trại không phải lúc nào, nơi nào cũng phù hợp.


Khi có cơ chế khuyến khích phù hợp thì tự thị trường NLTT sẽ phát triển rất nhanh

Bất cập khác là chính sách giá FID cào bằng, về cơ bản các vùng miền như nhau, dẫn đến các nhà đầu tư đổ xô vào đầu tư ở miền Trung như Bình Thuận, Ninh Thuận bởi như vậy sẽ thu được lợi nhuận cao hơn do vùng này bức xạ mặt trời lớn hơn. Trong khi, miền Trung phụ tải thấp, tiêu thụ khó khăn, phải truyền tải điện đó đi xa vào miền Bắc, miền Nam nơi công nghiệp phát triển mạnh hơn để tiêu thụ, làm tăng chi phí cho bên mua điện và góp phần gây ra sự mất cân đối, nơi thừa, nơi thiếu điện.

Một vấn đề nữa là chưa có hệ thống chính sách đầy đủ đồng bộ cho phát triển điện gió ngoài khơi (offshore wind), mặc dù chúng ta đã có chủ trương nhưng các cơ chế, chính sách đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa, chưa rõ ràng. Vừa qua, một số nhà đầu tư nước ngoài do không chờ đợi được đã rút lui để tìm đến các thị trường khác.

Phải hình thành và công nhận thị trường NLTT

PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết có hành lang pháp lý hoàn thiện, ổn định, hỗ trợ cho sự phát triển của NLTT? Một số chuyên gia đề xuất rằng cần ban hành Luật NLTT, ý kiến của ông về việc này như thế nào?

TS. Hoàng Xuân Quốc: Qua các phân tích nêu trên, rõ ràng rằng việc xây dựng một hành lang pháp lý đủ mạnh và hoàn thiện cho sự phát triển NLTT là cần thiết. Cho đến nay, các văn bản pháp lý liên quan trực tiếp đến NLTT chỉ dừng lại ở các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư của các bộ ngành liên quan, chưa có pháp lý cao hơn.

Liên quan đến ngành năng lượng nói chung thì hiện nay được điều chỉnh bởi 3 Luật chủ yếu: Luật Điện lực sửa đổi năm 2012 (đối với lĩnh vực Điện), Luật Dầu khí 2022 (Dầu khí) và Luật Khoáng sản 2010 (liên quan đến nhiên liệu Than). Chưa có luật riêng cho NLTT.

Và như nhiều chuyên gia, học giả đã trao đổi thì cho đến bây giờ căn cứ pháp lý để xây dựng Luật NLTT cũng đã đủ rồi.

Thứ nhất, là thực tiễn phát triển, tỷ trọng NLTT ngày càng tăng trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Vai trò của NLTT trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia cũng đã được đặt ra một cách rõ ràng trong giai đoạn ít nhất là đến năm 2050. Định hướng phát triển NLTT là phù hợp với xu hướng thế giới và các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Thứ hai, đó cũng là chủ trương của Đảng, Chính phủ. Cụ thể, tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó có đề cập đến việc xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn NLTT; và Quyết định số 500-QĐ/TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch điện VIII cũng có ghi rõ (nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật về NLTT ở mục VI.3).

Như vậy, tôi nghĩ rằng việc xây dựng, ban hành Luật về NLTT là có đủ căn cứ pháp lý và cũng cần thiết phải triển khai trong thời gian tới.


Cần hình thành hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để sử dụng năng lượng sạch hơn, như sử dụng xe điện

PV: Theo ông khi xây dựng Luật về NLTT cần đáp ứng những mục tiêu gì và kỳ vọng sẽ tạo được căn cứ pháp lý như thế nào?

TS. Hoàng Xuân Quốc: Đương nhiên mục tiêu cao nhất của Luật này là tạo hành lang pháp lý cao nhất, đủ mạnh cho việc phát triển NLTT ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo tôi một điểm rất quan trọng trong xây dựng luật này là phải hình thành và công nhận thị trường NLTT. NLTT ở nước ta hiện nay chưa phải là thị trường và chúng ta đang đồng nhất với điện, nói đến NLTT hiện chúng ta nói đến điện gió, điện mặt trời và được điều chỉnh bởi Luật Điện lực, như các loại điện khác. Nhưng thật ra, NLTT không chỉ là điện, mà còn là nhiên liệu xanh, sạch, đặc biệt là hydro. Đây cũng là nhiên liệu rất quan trọng cho các phương tiện giao thông vận tải trong tương lai như ở nhiều nước trên thế giới. Nếu không có đầu ra, không có thị trường riêng rõ ràng thì rất khó phát triển NLTT.

NLTT ở nước ta hiện nay chưa phải là thị trường và chúng ta đang đồng nhất với điện, nói đến NLTT hiện chúng ta nói đến điện gió, điện mặt trời và được điều chỉnh bởi Luật Điện lực, như các loại điện khác. Nhưng thật ra, NLTT không chỉ là điện, mà còn là nhiên liệu xanh, sạch, đặc biệt là hydro.

Thứ hai, Luật này phải đề cập đến nền kinh tế carbon mà hiện nay chúng ta cũng bắt đầu nói đến. Giữa NLTT và giảm phát thải carbon liên hệ chặt chẽ hữu cơ với nhau. Mục tiêu của phát triển NLTT là để giảm phát thải carbon và muốn giảm phát thải carbon một cách bền vững, hiệu quả thì phải phát triển trên nền kinh tế carbon. Nền kinh tế carbon có thể hiểu nôm na là những hàng hóa mà một xã hội sản xuất ra phải được xét trên hàm lượng carbon thực tế phát thải ra khi sản xuất ra hàng hóa đó. Khi đó, những sản phẩm nào sản xuất mà phát thải carbon nhiều hơn thì phải trả thuế cao hơn cho phát thải đó để cân bằng với những doanh nghiệp cùng sản xuất ra sản phẩm, hàng hóa đó nhưng ít phát thải carbon hơn. Hay nói cách khác là dùng thuế carbon đánh vào điện năng, hàng hóa, nhiên liệu, vật liệu,…, hình thành thị trường mua bán chứng chỉ carbon. Việc này theo tôi được biết, Chính phủ cũng đã bắt đầu giao cho Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nghiên cứu, nhưng khi xây dựng Luật NLTT thì cần phải đồng bộ với vấn đề này.

Thứ ba, luật này phải có hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích sử dụng NLTT. Như ở Na Uy ban hành luật về “quyền sạc điện” của người dân, trong đó yêu cầu tất cả các siêu thị, trung tâm thương mại, chung cư, cao ốc,... phải đầu tư các vị trí sạc điện cho xe, cư dân phải chia sẻ tài chính xây dựng trạm sạc. Từ đó hình thành hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để sử dụng năng lượng sạch hơn, như sử dụng xe điện. Chúng ta nên đưa vào luật những chính sách như vậy để cho xã hội cùng thực hiện.

Một vấn đề nữa, theo tôi nếu chỉ xây dựng và ban hành Luật về NLTT thôi cũng chưa đủ, còn phải tạo ra được cả một cơ chế đồng bộ, không chồng chéo thông qua việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến NLTT, đặc biệt là Luật Điện lực. Rất may là Luật Điện lực sửa đổi (dự thảo lần 2) hiện đang được lấy ý kiến hoàn thiện. Luật Điện lực mới cần tạo hành lang pháp lý để xã hội hóa đầu tư truyền tải điện ở mức độ phù hợp, quy định rõ ràng về hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA). Ngoài ra, cần xây dựng và ban hành các quy định pháp luật khác khác về kỹ thuật (tiêu chuẩn, quy định kỹ thuât) với hạ tầng NLTT như trạm sạc hydro, trạm sạc điện, PCCC,… Các ưu đãi, khuyến khích về tài chính cũng rất quan trọng (ưu đãi thuế, trợ cấp,…), khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Khi có cơ chế khuyến khích phù hợp thì tự thị trường sẽ phát triển rất nhanh, giống như với điện gió và điện mặt trời trước đây.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Việc xây dựng, ban hành Luật về NLTT là có đủ căn cứ pháp lý và cũng cần thiết phải triển khai trong thời gian tới.

 

Mai Phương (thực hiện)


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​