Ký ức không phai màu thời gian: (Kỳ 3) Ngọn đuốc đầu tiên trong lịch sử
Kỹ sư Đặng Của, người chỉ huy cao nhất về khoan của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro thời đó nhớ lại những ngày đêm lênh đênh trên tàu khoan Mikhain Mirchink, chờ đợi và hy vọng về thời khắc trọng đại nhất trong cuộc đời ông - phút giây người Việt Nam được tận mắt nhìn thấy dòng dầu của Tổ quốc được lấy lên từ lòng đất mẹ.

Tháng 9/1975, khi Liên đoàn 36 tách ra khỏi Tổng cục Địa chất để làm nòng cốt thành lập Tổng cục Dầu khí thì Chánh kỹ sư Đặng Của được cử làm quyền Liên đoàn trưởng. Năm 1979, ông được cử đi học Trường đảng Nguyễn Ái Quốc và năm 1981, kết thúc khóa học, Đặng Của về công tác tại Tổng cục. Những tưởng lần này sẽ thôi làm quản lý để có điều kiện tập trung cho một số công trình khoa học đang nghiên cứu dở dang thì năm 1983, ông lại tiếp tục được đề bạt làm Vụ trưởng Vụ khoan - Khai thác dầu khí. Một thời gian sau, sát nhập thêm Vụ Thiết bị thành Vụ Khoan - Khai thác và Thiết bị Dầu khí.

Có thể nói năm 1984 là thời điểm trọng đại với ngành Dầu khí Việt Nam. 20h ngày 30/4/1984, đúng 9 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, các chuyên gia Việt Nam và Liên Xô trên tàu khoan Mikhain Mirchink phát hiện thấy tầng dầu và 26 ngày sau, 21h ngày 26/5/1984, tầng dầu này được xác định là tầng dầu công nghiệp và ngọn lửa dầu đã bùng cháy trên biển ngoài khơi Vũng Tầu, báo tin vui cho cả nước.

Những giây phút đợi chờ

Tiến sĩ Đặng Của, người chỉ huy cao nhất về khoan của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro thời đó kể lại, sau 5 năm xây dựng cơ sở vật chất ban đầu trên những bãi sú vẹt Vũng Tàu, Vietsovpetro đã tìm lại được vị trí của cấu tạo Bạch Hổ. Tàu khoan mang tên nhà bác học Liên xô Mikhain Mircink được đưa từ biển Đông Sibêri sang, tiến ra vị trí dự định đặt giếng khoan BH-5 đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ và suốt 150 ngày đêm đã phải chịu những thử thách lớn của một vùng biển nhiệt đới mà họ chưa từng gặp.

Tàu khoan Mikhail Mirchink

Những đợt sóng cao 8m, những luồng gió mạnh 25 mét/giây liên tục ào ào xô đến như muốn quật đổ cái tháp khoan bằng thép cao bằng một tòa nhà chín tầng sừng sững mọc lên giữa biển. Hệ thống neo thủy lực cực mạnh giằng co với sóng gió để giữ cho tàu khoan cố định, bảo đảm mọi hoạt động bình thường của con tàu. Cả một hệ thống cơ khí phức tạp điều khiển mũi khoan kim cương xuyên vào lòng đất. Lỗ khoan tiến tới đâu thì những ống thép tiến theo tới đó để giữ cho thành giếng khỏi sụt lở. Và một dòng dung dịch chứa nước, sét, hóa chất được điều khiển luân chuyển tuần hoàn giữa miệng giếng và đáy giếng để vận chuyển đất đá bị mũi khoan nghiền nát lên mặt đất đồng thời giữ cho mũi khoan được mát trong quá trình khoan.

Gần hai tháng hoạt động liên tục như thế với biết bao khắc khoải, lo âu về những sự cố có thể xảy ra. Cuối cùng một lỗ thẳng đứng sâu trên 3000m đã chạm vào tầng đá được dự báo chứa dầu. Lại đến lúc phải lo đối phó với hiện tượng dầu khí phun bằng một hệ thống van an toàn vì áp suất của vỉa chứa sản phẩm rất lớn, chỉ cần một sơ suất thì một vụ nổ cực mạnh sẽ đẩy tất cả thiết bị, máy móc, tàu khoan lên cao, nát vụn trong chốc lát. Từ đây các kỹ sư khoan phải tập trung trí tuệ, sức lực, điểu khiển mũi khoan nghiến từng tấc đá đúng với quy trình kỹ thuật cho đến khi cắt hết tầng chứa dầu. Sau đó là đo các tham số vật lý trong giếng để biết chính xác nơi nào có dầu khí. Tiếp theo là dùng đạn chuyên dụng bắn vào thành giếng, mở đường cho dòng dầu khí tự phun lên mặt đất nhờ sự chênh lệch áp suất giữa khí quyển và tầng chứa sản phẩm.

Ngày 30/4/1984, khi mọi người Việt Nam và bầu bạn trên thế giới kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thì ở một nơi lênh đênh biển trời, những người thợ khoan cũng không thể ngờ rằng, đây cũng đồng thời là cột mốc đích đến của chặng đường đầu tiên hành quân tiến ra thềm lục địa.

Ký ức không phai màu thời gian: (Kỳ 3) Ngọn đuốc đầu tiên trong lịch sử

TS. Đặng Của kể lại cảm xúc của mình khi tận mắt thấy mẫu dầu đầu tiên được đưa lên từ lòng đất.

Là cán bộ người Việt Nam duy nhất có mặt trên tàu khoan Mikhain Mirchink khi ấy, TS. Đặng Của đã ghi lại cảm xúc của mình: “Thật khó quên được giây phút khi những ống mẫu đường kính 80 li được đưa lên từ lòng đất đúng ngày 30/4. Tất cả đều lao ra. Từ người cạo sơn đến chị phục vụ trong nhà bếp, ông bác sỹ. Ai cũng đều muốn được tận tay cầm lấy thỏi đất đá lần đầu tiên sau hàng triệu năm gặp lại ánh nắng mặt trời. Người ta bóp trên tay, đưa lên mũi ngửi để tận hưởng cái mùi dầu tỏa ra thành quả của bao nhiêu ngày đêm vật lộn với sóng gió. Khuôn mặt của người địa chất rạng ngời khi nhìn qua kính soi độ phát sáng của mẫu đất. Hàng loạt tín hiệu đầu tiên đang hoàn thiện câu trả lời chính xác của anh. Giếng khoan đã tìm thấy các lớp đất đá biểu hiện có dầu - khí.

Không khí trên tầu khoan trở nên nhộn nhịp khác thường. Ở câu lạc bộ, ở phòng chiếu phim người ta nói chuyện về dầu khí nhiều hơn là đọc sách báo và xem phim. Mọi người đang hồi hộp chờ giây phút thử vỉa. Chờ đợi nhưng phấn khởi và tin tưởng nắm chắc tương lai trong tay mình.

Không vui sao được khi ánh lửa màu da cam trong ngày thử vỉa đã bừng cháy sáng rực biển Đông này - ánh lửa của dòng dầu công nghiệp, mang biểu tượng thành quả lao động sáng tạo của những cán bộ công nhân dầu khí hai nước Việt - Xô đang sát sánh bên nhau gánh vác một nhiệm vụ vô cùng thầm lặng nhưng rất vẻ vang”.

Bức điện ngày 30/4

Đến tận gần 40 năm sau, khi nhớ lại giây phút ấy, TS. Đặng Của vẫn chưa hết bồi hồi xúc động: “Đời tôi có hai ngày hạnh phúc nhất. Đó là ngày 18/3/1975 (ngày phát hiện ra khí ở Tiền Hải – Thái Bình) và ngày 30/4/1984 (Ngày phát hiện lại dầu khí ở mỏ Bạch Hổ). Khi báo cáo về đất liền, tôi vẫn còn run bởi sự kiện quá lớn, quá trọng đại”.

Khoảng không gian giữa tàu khoan Mikhain Mirchink và đất liền ngày 30/4 được truyền đi tín hiệu vui đầu tiên sau những ngày vật lộn với sóng gió. Ở giây phút này, có sự trùng phùng của lịch sử mà những người đang tìm kiếm dấu hiệu của dầu khí, không khỏi xúc động.

Ký ức không phai màu thời gian: (Kỳ 3) Ngọn đuốc đầu tiên trong lịch sử

Ngọn lửa dầu khí được đốt lên trên tàu khoan M. Mirchink.

Tiếp nhận tín hiệu phía đất liền là Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dầu Khí Nguyễn Hòa. Chín năm trước đây, ông là Quân đoàn trưởng, cũng đúng ngày này, tháng này, đã chỉ huy một quân đoàn tiến từ hướng Lái Thiêu về giải phóng Sài Gòn. Khi nhận được tin này, vị tướng yêng hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã không nén được xúc động mà thốt lên: “Đường về Sài Gòn, chúng ta phải trả bằng máu. Đường ra thềm lục địa cũng vậy, không đơn giản, chúng ta đã phải trả bằng bao công sức lớn lao”.

Trong những ngày sóng to, gió lớn, bản thân Tổng Cục trưởng Nguyễn Hòa và Tổng Cục phó Phan Tử Quang, đã ra tận tàu khoan trực tiếp đôn đốc và động viên anh em cán bộ, công nhân. Tàu khoan và các giàn khoan ra được thềm lục địa là kết quả của sự kế tiếp những công việc thầm lặng mấy năm trước không chỉ riêng đội ngũ kỹ thuật, ở phía sau là một đội ngũ những người làm công việc gián tiếp – đội quân thầm lặng của đội quân thầm lặng, đã đóng góp hết sức mình vì sự nghiệp dầu khí. Tất cả đã góp bàn tay lao động và khối óc sáng tạo của mình để rút ngắn thời gian, để mong sớm được đón nhận cái tin vui đầu tiên từ thềm lục địa.

Có thấu hiểu như vậy, mới hình dung nổi nét mặt tràn trề xúc động của người đang truyền đi bức điện hôm nay. Căn phòng im lặng. Sự im lặng dường như để dành cho những tín hiệu truyền đi được rõ ràng từ chữ một: “Có - sự - tồn - tại - …”

Và thời khắc 21h ngày 26/5/1984 cũng đến. Tầng dầu này chính thức được xác định là tầng dầu công nghiệp. Ngọn đuốc đầu tiên đã bùng cháy ngoài khơi biển Vũng Tàu, báo tin vui cho cả nước. Việt Nam có dầu! Đất nước có dầu! Tin vui đó truyền đi rất nhanh, tạo ra không khí vui mừng phấn khởi không chỉ cho những người làm dầu khí, cho nhân dân Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, mà còn đối với nhân dân cả nước./.

(còn tiếp)


Ký ức không phai màu thời gian: (Kỳ 1) Giấc mơ làm nên kỳ tích

Ký ức không phai màu thời gian: (Kỳ 2) Kỳ tích tại Giếng khoan thông số số 1

Trúc Lâm


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​