Quản lý và phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo như thế nào?
Một trong ba vấn đề trọng tâm được Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi là đẩy mạnh khai thác và sử dụng nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để phát điện. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất chính sách ưu đãi, đánh giá tiềm năng để đầu tư trọng điểm.

Tại Chương 3 về Phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, Bộ Công Thương xác định đẩy mạnh khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để phát điện.


Ngành điện gió ngoài khơi đang phát triển mạnh trên toàn cầu

Có chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư phát triển nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo gồm: Dự án điện năng lượng tái tạo (trừ dự án thủy điện có công suất từ 30 MW trở lên), điện năng lượng mới được hưởng ưu đãi theo pháp luật về đầu tư, đất đai, biển, thuế, phí và tín dụng đầu tư; Ngoài các quy định tại điểm a khoản này, dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới được hưởng chính sách ưu đãi theo khoản 3 Điều này.

Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo theo nhu cầu phụ tải và trên cơ sở khai thác, tận dụng điều kiện tự nhiên trong từng vùng, khu vực, trên đất liền, trên biển và hải đảo nhằm khai tác tài nguyên bền vững, hợp lý; Bố trí hợp lý các nguồn điện ở các địa phương trong vùng nhằm khai thác hiệu quả các nguồn điện, đảm bảo tin cậy cung cấp điện tại chỗ, giảm tổn thất kỹ thuật, giảm truyền tải điện đi xa.

Trên cơ sở mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo theo từng thời kỳ trong Quy hoạch phát triển điện lực, Chính phủ quyết định cụ thể chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.

Song song với các ưu đãi, Bộ Công Thương cho rằng cần xây dựng chính sách quản lý, thống kê tiềm năng và đầu tư thí điểm: Trong đó, Nhà nước cấp ngân sách đầu tư cho nghiên cứu, đánh giá tổng thể về hiện trạng và tiềm năng của điện mặt trời, điện gió, điện địa nhiệt, sóng biển, thủy triều và hải lưu; Khảo sát tiềm năng và lập bản đồ điện gió trên bờ, điện gió trên biển Việt Nam, phục vụ xây dựng quy hoạch và định hướng phát triển để phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương; Thủ tướng Chính phủ quyết định mô hình, dự án ứng dụng và khai thác thử nghiệm sản xuất điện từ địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, hydrogen và amoniac để phục vụ xây dựng cơ chế giá thị trường cho loại hình này.

Về phát triển điện năng lượng tái tạo, Dự án điện năng lượng tái tạo bao gồm nhà máy phát điện, trạm biến áp và đường dây đấu nối. Quan điểm xây dựng Luật là khuyến khích việc đầu tư nguồn điện năng lượng tái tạo kết hợp với lưu trữ điện. Dự án năng lượng tái tạo đầu tư mới, mở rộng, cải tạo được phép kết hợp các loại nguồn điện năng lượng tái tạo để tăng sản lượng phát điện nhưng công suất phát điện vào hệ thống điện quốc gia không vượt quá công suất được phê duyệt trong giai đoạn quy hoạch.

Ưu tiên phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại các vùng đất khô cằn hoặc khó phát triển nông nghiệp theo đánh giá của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong đó, hệ số sử dụng đất của nhà máy điện mặt trời không vượt quá 0,7 ha/01 MW đến năm 2030, 0,5 ha/01 MW sau năm 2030. Hệ số sử dụng đất của nhà máy điện gió trên đất liền không vượt quá 0,35 ha/01 MW.

Dự án điện năng lượng tái tạo sau khi đưa vào khai thác, sử dụng được thay thế các thiết bị có thông số khác với thông số kỹ thuật đang vận hành nhưng phải bảo đảm công suất phát điện vào hệ thống điện quốc gia không vượt quá công suất được ghi trong giấy phép hoạt động điện lực hoặc hợp đồng mua bán điện.

Về điện năng lượng tái tạo tự sử dụng, tự sản tự tiêu (trong đó có điện mặt trời áp mái, điện gió công suất nhỏ), thì quan điểm trong Dự thảo Luật điện lực cũng có thay đổi, quy định rõ hơn. Theo đó, Dự án điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu được liên kết với hệ thống điện quốc gia, tổng quy mô phát triển phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Dự án điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu có công suất thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia hoặc kế hoạch triển khai quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được xác định là phù hợp với khoản 1 Điều 13 Luật này.

Công trình xây dựng có lắp đặt bổ sung điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật. Dự án điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu có liên kết với hệ thống điện quốc gia, được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) vào hệ thống điện quốc gia. Trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia thì nhà nước ghi nhận sản lượng điện đó với giá không đồng.


Nhà nước khuyến khích phát triển các dự án điện tự sản tự tiêu

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân kết hợp điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu với đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống lưu trữ điện để chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo đảm ổn định hệ thống điện. Vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ được phép phát triển điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu.

Chính phủ quy định chi tiết về trình tự thủ tục phát triển, hạch toán sản lượng điện dư của dự án điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu.

Về phát triển điện gió ngoài khơi, dự thảo Luật quy định Dự án điện gió ngoài khơi bao gồm các công trình chính như sau: Công trình Nhà máy điện; Công trình Lưới điện.

Trong đó, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư và khoản 2 Điều 92 Luật này. Cụ thể, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 như sau: Bổ sung khoản 2 Điều 29 như sau: “Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này được thực hiện sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, trừ trường hợp dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 77 và các dự án đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Kế hoạch đầu tư phát triển và kế hoạch sản xuất, kinh doanh 05 năm của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trừ các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội ".

Bổ sung khoản 5 và khoản 6 Điều 31 như sau: “Dự án điện gió ngoài khơi thuộc khu vực biển trong các trường hợp sau đây: chưa xác định thuộc địa giới hành chính của một tỉnh cụ thể; thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của Thủ tướng Chính phủ; thuộc địa giới hành chính của 02 tỉnh trở lên; Dự án cáp điện ngầm trên biển trừ trường hợp các dự án đầu tư thuộc khoản 1 Điều 56 của Luật này.”; Bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 32 như sau: "Dự án điện gió ngoài khơi có đề nghị nhà nước giao hoặc cho thuê khu vực biển ngoài đối tượng được quy định tại khoản 5 Điều 31 Luật này”.

Tổ chức, cá nhân được giao làm chủ đầu tư không được chuyển nhượng quá 49% tổng mức đầu tư của dự án hoặc phần vốn góp. Cấp chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài có thẩm quyền quyết định chuyển nhượng phần vốn góp.

Về quản lý, vận hành điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Ngoài việc tuân thủ các quy định về vận hành hệ thống điện tại Chương VI Luật này, các đơn vị phát điện từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới có trách nhiệm: Đầu tư hệ thống quan trắc thông số nguồn năng lượng sơ cấp của dự án (bức xạ mặt trời, tốc độ gió, nhiệt độ, lưu lượng mưa, dòng chảy và các thông số môi trường liên quan khác) và thống kê sản lượng điện của nhà máy hằng năm. Hằng năm, cung cấp các dữ liệu tại khoản 1 Điều này tới Bộ Công Thương để quản lý, theo dõi.

Thành Công


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​