Con người là giá trị cốt lõi
Ðể “hái quả ngọt”, trong suốt thời gian dài hoạt động, BSR luôn giữ quan điểm lấy con người làm hạt nhân và nỗ lực tạo hệ giá trị cốt lõi của văn hóa BSR.

 

Trong nhiều cuộc họp, ông Bùi Ngọc Dương - Tổng giám đốc BSR - đều khẳng định, thành công của BSR trong năm 2022 nói riêng, các năm qua nói chung, là thành quả của tất cả mọi người trong BSR.

Về câu chuyện thành công của BSR trong năm 2022, những yếu tố của thị trường rất quan trọng, trong đó có crack margin. Trong ngành lọc hóa dầu, crack margin được hiểu là chênh lệch giá giữa nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra. Tại BSR, nắm bắt được điểm rơi của crack margin và đưa ra chiến lược đúng đắn là kết quả vận hành của cả hệ thống với con người là hạt nhân trung tâm.


Thời điểm 2020 và 2021, BSR gặp muôn vàn khó khăn khi giá dầu giảm sâu và nhu cầu thị trường đóng băng do đại dịch Covid-19. Nhưng “trong tro còn lửa”, nhân sự BSR đã ngồi họp bàn lại và quyết tâm dù thế nào cũng phải vượt qua giai đoạn khó khăn đó, bởi Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Nhân sự của BSR tính toán, thị trường chắc chắn sẽ phục hồi khi dịch bệnh được khống chế. BSR cũng áp dụng rất nhiều biện pháp quản trị biến động để vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Các giải pháp có thể kể đến là vận hành nhà máy ở mức tối thiểu, tối ưu hóa cơ cấu sản phẩm, huy động các kho ngoài nhà máy để tăng dung tích chứa sản phẩm, ban hành các chính sách kích cầu bán sản phẩm, tích cực đàm phán với các đối tác để hoán đổi hoặc giãn tiến độ nhận các lô dầu thô, tránh tồn kho dầu thô tăng cao...


Trong ngành lọc hóa dầu có những con số biết nói, ví dụ như 1 người lao động để thành thạo công việc vặn một cái van cũng phải đào tạo và thực hành đến 2-3 năm. 1 kỹ sư để được ngồi ở phòng điều khiển trung tâm của nhà máy tham gia quá trình vận hành cũng cần có 4-6 năm học tập, đi đào tạo trong nước, ngoài nước và thực hành hiện trường. Đó là yêu cầu bắt buộc bởi tính chất đặc thù của ngành lọc hóa dầu vô cùng khắt khe theo các tiêu chuẩn quốc tế. Mỗi nhân sự được ví như “vàng ròng”, bởi để đào tạo được một nhân sự lành nghề, đơn vị chủ quản tốn rất nhiều tiền bạc và công sức.

Với khát vọng phụng sự Tổ quốc, phát huy trí tuệ Việt Nam, BSR luôn chú trọng đến việc đào tạo nhân sự, làm giàu chất xám. Từ 10 năm trước, BSR đã có đề án tuyển chọn và đào tạo đội ngũ chuyên gia của BSR với mục tiêu là tổ chức tuyển chọn và đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực sản xuất, các chuyên ngành trong BSR; có kinh nghiệm và có khả năng dự báo, xử lý sự cố, tình huống phức tạp ảnh hưởng đến quá trình vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả cho BSR; dần thay thế, giảm phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài và tiết kiệm chi phí cho BSR.


Hiện phần lớn khối lượng công việc của các chuyên gia nước ngoài tại BSR đã được thay thế bằng nhân sự Việt Nam. Hiện tại, BSR chỉ còn 10 chuyên gia nước ngoài làm việc, thay vì hơn 200 chuyên gia như thời điểm nhận bàn giao nhà máy. Đến thời điểm này, có 12 nhân sự người Việt Nam tại BSR đã được công nhận là chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực lọc hóa dầu. Những nhân sự chất lượng cao của BSR đã chứng tỏ người Việt Nam từng bước làm chủ được công nghệ lọc hóa dầu.


Tại BSR, văn hóa doanh nghiệp rất được chú trọng khi có cả Ban chỉ đạo về văn hóa doanh nghiệp, trong đó, Trưởng ban là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Hội. Về quan điểm tạo dựng và triển khai văn hóa doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hội cho rằng, trước hết cần thấm nhuần văn hóa trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc, làm cho các giá trị văn hóa thể hiện rõ nét mọi hoạt động của tổ chức, từ đó lan tỏa đến toàn thể người lao động, tạo môi trường thuận lợi cho người lao động làm việc, tin tưởng, tự hào và gắn bó với BSR. Các lãnh đạo BSR cần phát huy hơn nữa trách nhiệm nêu gương của bản thân trong tuyên truyền, hướng dẫn nhân viên và làm gương thực hành văn hóa trong những việc làm thường xuyên, hằng ngày.


Quản trị chính là tập trung vào phát triển con người, xây dựng văn hóa ở từng cá nhân thành bản năng, thành phản xạ văn hóa không điều kiện, sau đó sẽ gắn kết từng cá nhân để hình thành văn hóa doanh nghiệp đặc trưng. Khi nền tảng văn hóa tốt thì tất cả mọi cá nhân trong doanh nghiệp hành xử sẽ tự vào nề nếp, giống một hệ thống bánh răng tự ăn khớp với nhau.

Tầm vóc của BSR ngày hôm nay là thành quả xây dựng của rất nhiều thế hệ đi trước. Kế thừa và phát huy những giá trị được hình thành từ quá khứ đến hiện tại và phát triển trong tương lai, lãnh đạo BSR đã thống nhất lựa chọn, triển khai xây dựng văn hóa BSR với 5 giá trị cốt lõi: “Chính trực - Chuyên nghiệp - Đoàn kết - Sáng tạo - Hiệu quả”. Trong hệ giá trị cốt lõi đó, cái sau là hệ quả của cái trước. “Làm gì cũng phải chính trực, khi làm việc bằng một cái tâm sáng thì kết quả sẽ tốt, ngày hôm nay chưa tốt, nhưng ngày mai sẽ tốt hơn, rồi tự nhiên sự chuyên nghiệp sẽ đến và sau cùng là hiệu quả”, ông Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Công đoàn BSR - chia sẻ về hệ giá trị cốt lõi của BSR.


Tạo ra một hệ giá trị cốt lõi giống như xây dựng một “hệ điều hành” chuẩn mực, từ đó định hướng, điều chỉnh cán bộ, công nhân viên sống, cư xử, làm việc theo một hệ quy chiếu, tạo thành bản năng văn hóa trong mỗi con người. Hệ quy chiếu ấy là thước đo để mọi người ứng xử dựa trên các nguyên tắc đồng thuận chung bằng văn hóa, tri thức; dựa trên sự tôn trọng quy trình, tôn trọng quy chế, kỷ luật, tôn trọng mỗi cá nhân trong tập thể.

Từ hệ giá trị cốt lõi ấy cùng quan điểm “con người là hạt nhân trung tâm”, những nhân sự BSR ngày càng hoàn thiện cả về năng lực chuyên môn lẫn nhân cách, sự chuyên nghiệp để từng bước xây dựng BSR lớn mạnh, đưa ngành công nghiệp lọc, hóa dầu Việt Nam phát triển lên tầm cao hơn.

Nội dung: Thanh Hiếu
Thiết kế: Thành Linh




Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​