Chiến lược năng lượng ở châu ÂU: EU muốn nhưng Nga chưa vội
Phát biểu trong cuộc gặp gỡ với Phó Thủ tướng Nga Igor Setchine, ngày 2/11, Ủy viên phụ trách năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Günther Oettinger đã nêu rõ: Liên minh châu Âu mời Nga cùng hợp tác trong việc tạo ra một chiến lược năng lượng của châu lục này cho tới năm 2050.

Theo thông tin từ đại diện của Phó Thủ tướng Nga, "hai ông Setchine và Oettinger đã cùng nhau bàn bạc về công tác chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 10 về đối thoại năng lượng Nga – EU, sẽ diễn ra vào ngày 23/11 tại Brussels (Bỉ), và về lịch trình làm việc của hội nghị lần này. Ông Oettinger đã đề xuất mở rộng hợp tác về năng lượng và mời các chuyên gia của Nga tham gia vào việc hoạch định một chiến lược năng lượng trong dài hạn của EU tới năm 2050 ("con đường hành động")".

Chiến lược này sẽ phải tôn trọng các lợi ích thiết thực của hai bên, đặc biệt chú trọng kinh nghiệm của Nga trong lĩnh vực năng lượng, ông Oettinger nói thêm.

EU và Nga lâu nay vốn tồn tại nhiều bất đồng trong lĩnh vực năng lượng. EU muốn các điều khoản rõ ràng hơn để các công ty EU được vào khai thác nguồn khí và dầu dự trữ của Nga. EU cũng không hài lòng về một khuynh hướng mà học cho rằng, Nga đang sử dụng năng lượng như một công cụ chính sách ngoại giao để trừng phạt một số nước láng giềng.

Một phần tư lượng khí đốt tiêu thụ trong EU là do Nga cung cấp và phần lớn được trung chuyển qua Ukraine. Trong khi đó, Nga và Ukraine vẫn còn bất đồng với nhau về vấn đề thanh toán khí đốt. Nga cho rằng mức giá mà Ukraine trả là quá thấp.

Năm trước, Nga đã từng đóng van, tạm ngưng cung cấp khí đốt trong suốt hai tuần lễ cho khoảng hơn một chục nước châu Âu. Cuộc khủng hoảng này gây không ít khó khăn cho các nước EU. Nga mong muốn EU trợ giúp tài chính nhiều hơn cho Ukraine để nước này thực hiện thanh toán cho Moscow.

Đặc biệt, ngày 6/8 năm trước, Thủ tướng Vladimir Putin đã ký sắc lệnh chính thức bác bỏ việc Nga tham gia Hiệp ước Hiến chương Năng lượng của EU nhằm hợp nhất các hệ thống năng lượng tại Liên Xô cũ với Đông Âu.

Hiến chương Năng lượng là toàn bộ những quy tắc về việc hợp tác giữa các hệ thống năng lượng của Đông Âu với Tây Âu, trong đó có đề cập cả vấn đề đầu tư nước ngoài lẫn giải quyết những tranh chấp trong lĩnh vực năng lượng.

Hiến chương này được thông qua năm 1991 và đã có 49 nước cùng với EU ký phê chuẩn. Nga cũng đã ký văn bản này năm 1991, song chưa phê chuẩn.

(Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)