Giới thiệu
Bể Nam Côn Sơn gồm
các dạng đối tượng chứa dầu và khí rất đa dạng trong móng nứt nẻ trước Đệ Tam,
trong cát kết Oligocene trên và Miocene dưới, trong cát kết và đối tượng
carbonate tuổi Miocene giữa. Ngoài ra, bể Nam Côn Sơn còn gặp các hệ thống dầu
và khí trong các dị thường áp suất cao, nhiệt độ cao và nằm ở vùng nước sâu
[11]. Hiện tượng HPHT được phát hiện
trong khu vực trầm tích Cenozoic thay đổi từ Tây sang Đông có bề dày 5.000 -
14.000m.
Đến nay, ở bể Nam Côn Sơn đã có gần 100 giếng khoan
thăm dò, thẩm lượng và phát triển khai thác. Tại một số giếng khoan, gradient
áp suất đạt 1,6MPa/100m (04-3A-1X, 04-3-MC-2X…); thậm chí có giếng khoan
gradient áp suất đạt 1,9 - 2,04MPa/100m (04-1-ST-1X, 04-SDN-1X, 05-2-HT-1X…).
Từ chiều sâu 2.500m trở xuống xuất hiện khoảng áp suất tăng cao, ngay bên dưới
các đới đất đá tuổi Pliocene. Khoảng chênh giữa áp suất vỉa và áp suất nứt vỉa
rất nhỏ (chỉ 1ppg) trong tầng Miocene gây khó khăn cho công tác khoan và hoàn
thiện giếng.
Tại bể Nam Côn Sơn, đã phát hiện nhiệt độ cao
tại 25 giếng, trong đó tập trung trong địa tầng có tuổi Miocene giữa và Miocene
sớm. Tại các giếng 04-2-SB-1X và 04-2-NB-1X, nhiệt độ trên đáy giếng dao động
từ 135 - 170oC ở chiều sâu từ 3.800 - 4.000m. Hiện tượng áp suất cao,
nhiệt độ cao xuất hiện tại giếng khoan 05-2-HT-2X, ở chiều sâu 3.740m nhiệt độ
trên đáy giếng là 172oC và áp suất vỉa 74MPa; tại giếng
05-1c-DN-2X-ST2, ở chiều sâu 4.245m gặp nhiệt độ 185oC, áp suất vỉa
98,7MPa; tại giếng 04-2-HT-1X ở chiều sâu 4.548m nhiệt độ trên đáy giếng là 210oC
và áp suất vỉa 91MPa [8, 9]. Hình 1 thể hiện sự phân bố nhiệt độ các giếng
khoan mỏ Hải Thạch và áp suất đáy tại khu mỏ Mộc Tinh.
Trong điều kiện áp
suất cao và nhiệt độ cao, việc thi công giếng khoan tiềm ẩn nhiều rủi ro cho quá
trình khoan và trám xi măng giếng khoan. Trong giếng khoan có áp suất và nhiệt
độ biến đổi lớn sẽ làm tăng ứng suất
phá vỡ độ ổn định của vành đá xi măng, làm biến dạng cột ống chống ảnh hưởng
đến sự liên kết cột ống chống với vành đá xi măng và khả năng cách ly
của đá xi măng.
Kết quả khoan tại bể
Nam Côn Sơn cho thấy việc sử dụng các phụ gia vữa xi măng chưa phù hợp với môi
trường trong giếng, dẫn đến độ thấm của đá xi măng tăng nhanh theo thời gian,
độ bền của đá giảm, sự liên kết giữa đá và cột ống kém, gây ra áp suất trong
cột ống; tại một số giếng xuất hiện hiện tượng vành đá xi măng bị biến dạng, co
ngót, nứt vỡ.
Hiện nay trong ngành
dầu khí chưa có loại xi măng được tiêu
chuẩn hóa để trám xi măng các giếng khoan HTHP. Do đó, xi măng Portland G-API vẫn là loại xi măng được sử dụng phổ
biến để trám giếng khoan sâu. Vì vậy, nhất thiết phải bổ sung phụ gia bền
nhiệt, để duy trì và nâng cao độ bền và
giảm độ thấm của đá xi măng.
Các kết quả nghiên cứu và tổng hợp kinh
nghiệm về ảnh hưởng của HPHT đến các tính chất cơ học của đá xi măng cho phép
thiết kế hệ vữa xi măng phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả thi
công các giếng khoan thăm dò, khai thác dầu khí tại bể Nam Côn Sơn.
Chi tiết xem file đính kèm : Truong Hoai Nam.pdf