Tăng 10% công suất tức là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ lọc thêm khoảng 15.000 thùng dầu/ngày, trong khi chi phí nhân lực, quản lý không thay đổi; chi phí năng lượng, hóa phẩm, xúc tác chỉ tăng 5 - 7%. Khi hoạt động ở công suất 104 - 105% công suất thiết kế, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ tạo thêm lợi nhuận khoảng 4,6 triệu USD/năm.
Doanh thu tăng thêm 12 nghìn tỷ đồng
Vào 21 giờ ngày 9/11/2016, BSR đã chính thức hoàn thành chỉ tiêu sản lượng sản xuất 5,8 triệu tấn sản phẩm, về đích sớm 52 ngày so với kế hoạch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao. Sản lượng sản xuất cả năm đạt 6,84 triệu tấn (vượt 17,16%), sản lượng tiêu thụ đạt 6,8 triệu tấn (vượt 16,47%), doanh thu đạt 72.516 tỷ đồng (vượt 3%), nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 11.986 tỷ đồng (tương đương 0,5 tỷ USD).
Để có được kết quả này phải kể đến “nút thắt” về chính sách thuế đã được Chính phủ “gỡ”. Với Quyết định số 1725/QĐ-TTg ngày 3/9/2016, Chính phủ đã bỏ quy định thu điều tiết đối với sản phẩm lọc hóa dầu do BSR sản xuất, chế biến tiêu thụ trong nước từ ngày 1/1/2017.
Ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc BSR phân tích: “Với quyết định này, BSR sẽ chủ động cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, BSR mới sản xuất đáp ứng được 40% nhu cầu, còn 60% nhu cầu xăng dầu vẫn phải nhập khẩu. Vì vậy việc đưa giá xăng dầu cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập là điều kiện rất tốt để các doanh nghiệp phân phối xăng dầu mua sản phẩm của BSR trong thời gian tới”. Khi sản lượng tiêu thụ tăng, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ vận hành ở công suất tối ưu (110%), góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp - nhà nước và xã hội.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được vận hành an toàn và ổn định ở 105 – 107% công suất. Ảnh: BSR
Trong năm 2016, BSR đã tiết giảm được 633,08 tỷ đồng từ nâng cao hiệu quả chế biến, sản xuất, tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, vượt kế hoạch 43%. Công tác bảo dưỡng thường xuyên được tổ chức và thực hiện với nhiều cải tiến và tối ưu, đảm bảo vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất an toàn và ổn định ở 105 - 107% công suất. Năm 2016, BSR đã tổ chức thực hiện 52.357 lượt bảo dưỡng phòng ngừa (PM) và 8.500 lượt sửa chữa (CM) cho khoảng 67.000 thiết bị có trên hệ thống CMMS.
Làm lợi trên 130 triệu USD
Trong 7 năm vận hành, quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, BSR đã có 130 sáng kiến, làm lợi cho Nhà nước 128,9 triệu USD; có 596 cải tiến Kaizen, làm lợi 1,85 triệu USD và thực hiện 33 đề tài/nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Trong đó, có thể kể đến các sáng kiến tiêu biểu như: “Thu hồi hoàn toàn dầu thải nhẹ tại Phân xưởng chưng cất dầu thô (CDU)” với giá trị làm lợi khoảng 8,51 triệu USD/năm; “Tối ưu hóa cơ cấu sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất”đem lại hiệu quả kinh tế cao (khoảng 12,6 triệu USD/năm)...
BSR đã hợp tác với Solomon (đơn vị chuyên đánh giá xếp loại các nhà máy lọc dầu trên thế giới) để xác định vị trí của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong 400 nhà máy lọc dầu trên thế giới. Từ phân tích của Solomon, Shell Global khuyến nghị BSR triển khai các giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả chế biến của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Trên cơ sở đó, Phòng Kỹ thuật BSR đã chọn 17 giải pháp để áp dụng tại các phân xưởng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất như: giảm tỷ lệ hồi lưu tháp NHT Splitter T1202, giảm tỷ lệ tuần hoàn hydro (H2:Oil) ở Phân xưởng CCR (giai đoạn 1), giảm áp suất đầu ra máy nén MAB, giảm tiêu thụ MPS tại thiết bị phản ứng của phân xưởng RFCC, hạn chế xả đuốc ở D2401... Hiện nay, BSR đang áp dụng 11 giải pháp, mỗi tháng tiết kiệm khoảng 3,6 tỷ đồng.
Lãnh đạo BSR đặt mục tiêu sản xuất trên 5,13 triệu tấn sản phẩm trong năm 2017. Ảnh: BSR
Trên cơ sở đó, BSR đang tập trung triển khai các nhóm giải pháp ngắn hạn (tối ưu hóa năng lượng; tối ưu hóa công nghệ, sản xuất và sáng kiến cải tiến; dầu thô và sản phẩm; tối ưu hóa hóa phẩm - xúc tác; tiết giảm chi phí; công tác quản lý; dự án nhập cấu tử) và nhóm giải pháp dài hạn để nâng cao hiệu quả vận hành. Cụ thể, BSR đã nghiên cứu, triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng; nâng công suất vận hành của một số phân xưởng CDU (110%), NHT/ISOM (115%), KTU (130%); đưa vào sử dụng hóa phẩm loại Fe và Ca trong dầu thô nhằm tiết kiệm chi phí xúc tác RFCC, tối ưu hóa sử dụng xúc tác RFCC, thử nghiệm thành công và đưa vào sử dụng chất ức chế nickel, thiết lập chương trình tối ưu và thử nghiệm hấp phụ xúc tác...
Mục tiêu của BSR trong giai đoạn 2016 - 2020 là duy trì hiệu quả vận hành (OA) trên 95% với công suất trung bình 100% công suất thiết kế ban đầu (148.000 thùng/ngày); hiệu quả sử dụng năng lượng (EII) và chi phí bảo trì bảo dưỡng (MEI) nằm trong nhóm dẫn đầu của khu vực theo đánh giá của Solomon; chế biến dầu/hỗn hợp dầu ngọt nhẹ có hàm lượng lưu huỳnh thấp hơn 0,14% khối lượng; chế biến thêm nguyên liệu từ naphtha/ condensate trong nước và nhập khẩu...
Trong năm 2017, BSR tập trung thực hiện 4 mục tiêu lớn: vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả; triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; thực hiện lộ trình cổ phần hóa và bảo dưỡng tổng thể lần thứ 3. Theo kế hoạch, BSR sẽ sản xuất trên 5,13 triệu tấn sản phẩm; doanh thu đạt trên 62 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước trên 7,1 nghìn tỷ đồng.
Đức Chính - Hồng Minh