Petrovietnam sẵn sàng với điện gió ngoài khơi:

Bài 2: Định vị vai trò chủ lực của Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam
0:00 /
Chọn Giọng
  • Nữ Miền Bắc
  • Nam Miền Bắc
  • Nam Miền Nam
  • Nữ Miền Nam
Với quyết tâm “phát huy toàn diện lợi thế sẵn có”, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định, Petrovietnam không chỉ sẵn sàng tham gia các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn, mà còn đóng vai trò tiên phong trong việc hình thành ngành công nghiệp năng lượng ngoài khơi hiện đại - nơi hội tụ tầm nhìn quốc gia và năng lực thực thi của một tập đoàn mang sứ mệnh dẫn dắt chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.

Trên hành trình hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đã xác định điện gió ngoài khơi là trụ cột chiến lược của hệ thống năng lượng tương lai. Với vai trò là doanh nghiệp chủ lực trong ngành công nghiệp - năng lượng quốc gia, Petrovietnam đã chủ động tái cấu trúc chiến lược, định vị lại thương hiệu và mở rộng năng lực theo hướng xanh hóa, hiện đại hóa, phù hợp với định hướng tại Kết luận 76-KL/TW (ngày 24/4/2024) của Bộ Chính trị và Quy hoạch điện VIII (2023).

Việc chuyển đổi từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sang Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam là bước ngoặt chiến lược, thể hiện rõ tầm nhìn phát triển Petrovietnam thành nhà sản xuất, cung cấp năng lượng tích hợp, sẵn sàng dẫn dắt các lĩnh vực năng lượng mới, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Trên nền tảng kỹ thuật - tài chính - nhân lực đã được tích lũy qua hơn nửa thế kỷ, Petrovietnam đã chủ động tham gia phát triển chuỗi cung ứng trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành sản xuất và mở rộng hợp tác quốc tế với các tập đoàn hàng đầu như Equinor, Ørsted, Sembcorp, CIP…

Lợi thế nền tảng và năng lực triển khai toàn diện

Trung tâm Công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC.

Với nền tảng hơn 6 thập kỷ phát triển ngành dầu khí, Petrovietnam đã hình thành một hệ sinh thái kỹ thuật - tài chính - nhân lực khép kín, đủ năng lực thực hiện toàn bộ chuỗi dự án điện gió ngoài khơi, từ khảo sát, thiết kế, chế tạo, lắp đặt, đến vận hành, bảo dưỡng và hậu cần kỹ thuật biển.

Một trong những thế mạnh nổi bật của Petrovietnam là hệ thống dữ liệu biển quy mô quốc gia, được tích lũy trong quá trình thăm dò dầu khí suốt nhiều thập niên. Trên nền tảng đó, các đơn vị chuyên ngành như Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mô hình số và các thuật toán phân tích hiện đại để xác định vị trí đặt móng tuabin, tuyến cáp ngầm và trạm biến áp ngoài khơi với độ chính xác cao. Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ sư thiết kế của Petrovietnam - với kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án EPCI phức tạp - hoàn toàn làm chủ các gói thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thi công cho công trình điện gió ngoài khơi, phù hợp với đặc điểm địa chất và địa hình đáy biển tại Việt Nam.

Ở khâu chế tạo - lắp đặt, Petrovietnam sở hữu cơ sở hạ tầng và trang thiết bị gần như hoàn chỉnh để phục vụ ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, với các cảng và bãi chế tạo quy mô lớn như tổ hợp cảng chế tạo của Vietsovpetro, PTSC, PV Shipyard, cảng Sao Mai - Bến Đình, Dung Quất, Nghi Sơn, Đình Vũ… Đây là những cơ sở hạ tầng cảng biển quan trọng, cho phép triển khai các cấu kiện siêu trường - siêu trọng phục vụ dự án điện gió ngoài khơi trong nước và xuất khẩu. Các công trình như chân đế tuabin, trạm biến áp, kết cấu nền và hệ thống lắp đặt ngoài khơi đều có thể được chế tạo đồng bộ tại các cơ sở này, với năng lực ngày càng được mở rộng theo hướng sản xuất công nghiệp hàng loạt.

Từ năm 2023 đến nay, Petrovietnam đã bước đầu tham gia thị trường quốc tế với các hợp đồng cơ khí chếtạo lớn cho các trang trại điện gió trên các vùng biển châu Á và châu Âu. PTSC - đơn vị thành viên của Petrovietnam đã nhanh chóng tiếp cận các mô hình công nghệ mới, thay đổi từ quy trình sản xuất đơn chiếc sang sản xuất hàng loạt, đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất cũng như nguồn nhân lực. Nhờ đó, nếu như trước đây việc chế tạo chân đế giàn khoan dầu khí nặng 2.000 - 3.000 tấn cần tới 10 tháng, giờ đây, với sản phẩm tương tự, đã có thể hoàn thành trong khoảng 2 tuần.

Về năng lực tài chính, tính đến cuối năm 2024, Petrovietnam có tổng tài sản hợp nhất hơn 1 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 545 nghìn tỷ đồng, đóng góp gần 9% tổng thu ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, Petrovietnam là một trong số rất ít doanh nghiệp Việt Nam được các tổ chức quốc tế xếp hạng tín nhiệm độc lập ở mức “BB+” và triển vọng ổn định do Fitch Ratings đánh giá, cho thấy khả năng huy động vốn quốc tế, phát hành trái phiếu xanh và tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để triển khai các dự án quy mô lớn. Đây chính là nền tảng tài chính và uy tín quốc tế giúp Petrovietnam chủ động bước vào chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi với vai trò nhà tổ chức - đầu tư - vận hành chủ lực.

Sự kết hợp giữa nền tảng công nghiệp dầu khí truyền thống và định hướng phát triển năng lượng xanh đã sẵn sàng cho một cấu trúc vận hành linh hoạt, hiệu quả. Nhờ đó, Petrovietnam không chỉ hội đủ điều kiện kỹ thuật - tài chính để triển khai các dự án điện gió ngoài khơi, mà còn đủ năng lực làm chủ chuỗi cung ứng trong nước, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và khẳng định vị thế quốc gia trong ngành công nghiệp năng lượng mới.

Minh chứng năng lực qua các dự án lớn và hợp tác khu vực

Trong giai đoạn 2022-2025, Petrovietnam và các đơn vị thành viên đã từng bước hiện thực hóa chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi thông qua loạt dự án cụ thể trong và ngoài nước, đồng thời mở rộng mạng lưới hợp tác với các đối tác khu vực và toàn cầu.

Một trong những dấu ấn nổi bật là hợp đồng chế tạo 33 chân đế tuabin gió ngoài khơi cho Tập đoàn Ørsted (Đan Mạch), phục vụ dự án Greater Changhua 2b&4 (Đài Loan) với tổng giá trị khoảng 300 triệu USD. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam được chọn làm tổng thầu chế tạo chân đế điện gió ngoài khơi cho một dự án thương mại quốc tế quy mô lớn. Bên cạnh đó, PTSC (thuộc Petrovietnam) cũng đang triển khai chế tạo trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án Baltica 2 tại Ba Lan - một trong những dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất khu vực Baltic, với công suất 1,5 GW.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác phát triển giữa các tập đoàn năng lượng hàng đầu của 3 nước về xuất khẩu điện tái tạo từ Việt Nam sang Malaysia và Singapore. (Ảnh: VGP)

Tại khu vực Đông Nam Á, Petrovietnam đang dẫn đầu chuỗi hợp tác chiến lược mang tính khu vực. Ngày 26/5/2025, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cùng lãnh đạo Malaysia và Singapore, Petrovietnam đã ký kết thỏa thuận ba bên với Tenaga Nasional – Petronas (Malaysia) và Sembcorp (Singapore) về việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi công suất 2.000+ MW tại Việt Nam, kết nối với hệ thống cáp ngầm truyền tải điện sang Malaysia và Singapore. Trước đó, từ năm 2023, liên danh PTSC - Sembcorp đã khởi động hợp tác đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng công suất khoảng 2,3 GW, hướng đến xuất khẩu điện sang Singapore qua tuyến cáp ngầm HVAC, hiện đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khảo sát vùng biển rộng 188.000 ha.

Bên cạnh các dự án quốc tế, Petrovietnam đang tích cực phối hợp cùng Bộ Công Thương xây dựng đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Các đơn vị của Tập đoàn đã hoàn tất nhiều hạng mục khảo sát, lập hồ sơ kỹ thuật và sẵn sàng khởi động các dự án đầu tiên ngay khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Với tổng giá trị các hợp đồng và thỏa thuận hợp tác đã ký kết trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi vượt mốc 1 tỷ USD, Petrovietnam đang khẳng định vai trò dẫn dắt toàn diện trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi cả ở cấp quốc gia và khu vực.

Sẵn sàng dẫn dắt chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi

Điện gió ngoài khơi không chỉ là một ngành công nghiệp mới, mà còn là một cấu phần chiến lược trong định hướng phát triển năng lượng quốc gia. Tại Kết luận số 76-KL/TW ngày 24/4/2024 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã xác định rõ mục tiêu xây dựng Petrovietnam trở thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia, đảm nhận vai trò tiên phong trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Kết luận nêu rõ yêu cầu đẩy mạnh nội địa hóa thiết bị, hình thành chuỗi cung ứng trong nước, tiến tới chủ động sản xuất thiết bị phục vụ năng lượng mới, điện sạch và xuất khẩu.

Trên tinh thần đó, Chính phủ đã có những chỉ đạo xuyên suốt, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ đối với Petrovietnam. Tại sự kiện về chuỗi dự án năng lượng được tổ chức ngày 1/12/2024 tại Trung tâm Công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Petrovietnam đang trở thành lực lượng chủ lực trong các dự án chiến lược, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng tái tạo tầm cỡ thế giới".

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc tại Trung tâm Công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC.

Trước đó, ngày 1/10/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã giao Bộ Công Thương phối hợp với Petrovietnam xây dựng phương án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trong buổi làm việc với Bộ Công Thương vào tháng 11/2024, Phó Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai sớm các dự án điện gió ngoài khơi, đáp ứng tiến độ thực hiện Quy hoạch điện VIII và lộ trình đạt phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào 2050.

Theo đề án thí điểm do Bộ Công Thương chủ trì, Petrovietnam được đề xuất là đơn vị phù hợp để triển khai dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên, dựa trên hệ thống tổ chức, hạ tầng kỹ thuật và kinh nghiệm triển khai các công trình ngoài khơi quy mô lớn. Cơ sở pháp lý từ các kết luận, nghị quyết và chỉ đạo hành chính của Chính phủ đã tạo nền tảng vững chắc để Petrovietnam chủ động hiện thực hóa vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi - một trụ cột chiến lược mới trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Với nền tảng tích lũy từ phát triển công nghiệp dầu khí, cùng định hướng chiến lược đã được xác lập ở cấp cao nhất, Petrovietnam đang ở tư thế sẵn sàng để tham gia tổ chức, vận hành và từng bước dẫn dắt chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Đây là cơ hội để Tập đoàn tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong chuyển dịch năng lượng quốc gia, mở rộng không gian phát triển công nghiệp trên biển, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Bài 1: Động lực mới cho kinh tế biển Việt Nam

Trúc Lâm