Theo nguồn tin từ phía các đối tác, ENI của Italy sẽ nắm 20% cổ phần, còn Wintershall của Đức và EDF của Pháp mỗi hãng nắm 15% cổ phần.
Cổ đông lớn nhất của dự án Dòng chảy phương Nam vẫn là Gazprom - tập đoàn độc quyền và là nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới của Nga. Gazprom đang phát triển hệ thống đường ống dẫn khí không chạy qua Ukraine, do bất đồng giữa hai nước trong vấn đề giá bán khí đốt và tình trạng này đã nhiều lần làm gián đoạn nguồn cung khí đốt của Nga cho thị trường châu Âu.
Phát biểu tại lễ ký thỏa thuận mua cổ phần trong dự án Dòng chảy phương Nam diễn ra cuối tuần trước tại khu nghỉ dưỡng Sochi bên bờ Biển Đen với sự tham dự của Thủ tướng Nga Vladimir Putin, người đứng đầu Gazprom, ông Alexei Miller, nói rằng quyết định tham gia dự án của ba công ty năng lượng hàng đầu châu Âu là sự thừa nhận về tính kịp thời và tầm quan trọng của dự án.
Cơ cấu cổ phần trong dự án Dòng chảy phương Nam đã được xem xét kể từ khi liên doanh quản lý dự án được Gazprom và ENI lập ra.
Chi nhánh nhiên liệu Wintershall thuộc Tập đoàn BASF và EDF chỉ mới tham gia dự án theo thỏa thuận cho vay hợp pháp của châu Âu.
Ông chủ của EDF, Henri Proglio, đã gọi dự án này là "viên đá đặt nền móng," sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng nguồn khí đốt cần thiết, đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của châu Âu.
Dự án Dòng chảy phương Nam được xây dựng nhằm cạnh tranh trực tiếp với đường ống dẫn trên đất liền có tên gọi Nabucco do Mỹ đỡ đầu. Tuy nhiên, cả hai dự án này đều đang đối mặt với vấn đề về tính khả thi vì nó quá phụ thuộc vào khu vực nhiều mỏ dầu ở Trung Á và Biển Caspi.
Sự chậm trễ của dự án cũng như sự ủng hộ của EU dành cho dự án Nabucco đã làm dấy lên những tranh cãi về việc liệu có nên liên kết hai dự án lại với nhau hay không, song ý tưởng này đã bị Nga bác bỏ và Giám đốc điều hành Gazprom tỏ ra tin tưởng vào sự lựa chọn của Nga.
(Theo VietnamPlus)