ADB và OFID ký thỏa thuận tăng cường hợp tác
Ngày 2/5, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), ông Haruhiko Kuroda và Tổng Giám đốc Quỹ Phát triển Quốc tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC (OFID) Suleiman Jasir Al-Herbish đã ký kết Biên bản ghi nhớ mở rộng quan hệ hợp tác vốn có giữa hai tổ chức. Đây là sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Thường niên Hội đồng Thống đốc lần thứ 44 của Ngân hàng ADB diễn ra từ ngày 3 đến 6/5 tại Hà Nội, Việt Nam.

Chủ tịch ADB, ông Kuroda cho rằng, thông qua hợp tác đôi bên, ADB và OFID sẽ tăng cường quan hệ đối tác trong các hoạt động phát triển tại các quốc gia đối tác và trong những lĩnh vực ưu tiên chung.

Theo biên bản ghi nhớ ADB và OFID sẽ phối hợp chặt chẽ nhằm xác định những dự án mà hai bên sẽ đồng tài trợ. Hai tổ chức cũng sẽ chia sẻ thông tin nhằm hỗ trợ tốt hơn nữa các hoạt động của đối tác, đồng thời thực hiện các cuộc tham vấn thảo luận về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm như hỗ trợ sự tiếp cận của người nghèo tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương tới nguồn năng lượng, thông qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống của người dân.

Phát biểu tại lễ ký kết, Giám đốc Quỹ Phát triển Quốc tế OPEC, ông Suleiman Jasir Al-Herbish nói: “Bản thỏa thuận này tăng cường khuôn khổ hợp tác hiện tại giữa hai bên, và mang lại lợi ích cho các quốc gia đối tác chung của ADB và OFID cũng như mang lại lợi ích cho những sáng kiến của khu vực châu Á.”

Biên bản ghi nhớ chính thức hóa một quan hệ đối tác dài hạn giữa hai tổ chức có từ năm 1976 khi tổ chức OFID được thành lập. Tính đến nay, hai bên đã đồng thực hiện 90 dự án với tổng trị giá lên tới 785 triệu đô la Mỹ tại các nước như Áp-ga-nít-xtăng, A-déc-bai-dan, Băng-la-đét, Cam-pu-chia, Ấn độ, Cộng hòa Kyrgyz, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Man-đi-vơ, Nê-pan, Pa-kít-xtan, Papua-Niu-Ghi-nê, Phi-líp-pin, Sa-moa, Ta-di-kít-xtăng, Thái Lan và U-dơ-bê-kít-tăng.

Ngân hàng Phát triển Châu Á có trụ sở chính đóng tại Manila, Phi-líp-pin, hoạt động với mục tiêu giảm đói nghèo ở châu Á-Thái Bình Dương thông qua tăng trưởng kinh tế toàn diện, tăng trưởng bền vững về môi trường và hội nhập khu vực. Được thành lập từ năm 1966, ADB hiện có 67 thành viên, trong đó 48 thành viên trong khu vực Châu Á. Trong năm 2010, ADB đã thông qua tổng số tiền hỗ trợ là 17,51 tỷ đô-la, bao gồm cả các dự án đồng tài trợ. Ngoài ra, ADB cũng cung cấp 2,8 tỉ đô la Mỹ cho Chương trình Tài trợ Thương mại.

Mục tiêu hoạt động của OFID là nhằm đóng góp hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế xã hội tại các nước đang phát triển. OFID có mặt tại hầu hết các lĩnh vực phát triển và đang đóng góp hiệu quả cho nỗ lực toàn cầu về thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và mục tiêu đẩy lùi nghèo năng lượng, mục tiêu số 9, một mục tiêu chủ chốt cho xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế xã hội bền vững. Kể từ khi bắt đầu hoạt động, OFID đã cam kết hơn 13 tỉ đô la Mỹ cho hoạt động hỗ trợ phát triển bền vững.

(Theo Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam)